Phật Thuyết Kinh Thiện Sanh Tử - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Pháp Độ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH THIỆN SANH TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Pháp Độ, Đời Tống   

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Chúng Hựu Thế Tôn du hóa tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành La Duyệt Kỳ Vương Xá.

Bấy giờ cư sĩ Thiện Sanh, bệnh tật nguy cấp, bảo con: Sau khi cha mất, con phải hướng sáu phương mà lễ bái. Cư Sĩ Thiện Sanh ngay ngày hôm sau thì qua đời.

Người con bèn cung kính lo việc chôn cất, cúng dường tang sự xong, liền dậy sớm, tắm rửa, mặc áo mới, đứng trên bờ sông lễ bái sáu phương, nói: Tôi cung kính những chúng sanh ở phương Đông, những chúng sanh ấy cũng lễ bái cung kính tôi. Giáp vòng các phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương Trên và Dưới, phương nào cũng nói như vậy.

Bấy giờ vào buổi sáng sớm, Đức Phật đắp y, ôm bát vừa muốn vào thành thì thấy con của cư sĩ Thiện Sanh đứng trên bờ sông lễ bái sáu phương, nói như vậy…

Chúng Hựu liền đến và hỏi: Này con ông cư sĩ, ngươi nghe ai nói mà lại dậy sớm, tắm rửa, mặc áo mới, đứng trên bờ bái yết sáu phương, tự nói lên lời cung kính lễ bái?

Lạy các phương xong lại tắm, ngươi cung kính vị Pháp Sư nào vậy, này Thiện Sanh tử?

Thiện Sanh tử thưa: Cha con khi sắp mất, trước có dạy như vậy, cho nên con làm theo, chứ không nghe theo thầy nào cả.

Chúng Hựu bảo: Này con ông cư sĩ!

Lời nói của cha ngươi không phải là sáu phương này. Vả lại sớm vướng tình dục nơi sáu phương, như có hành vi xấu ác, cấu uế của bốn mặt không thể sám hối.

Như vậy thì thân này chết tinh thần sẽ sanh vào trong cõi ác như địa ngục. Phàm con người vì bốn việc này mà bị lao khổ, cần phải biết rõ.

Những gì là bốn?

Một là ham thích sát sanh.

Hai là ham thích trộm cắp.

Ba là tà hạnh dâm dục.

Bốn là thích nói dối.

Phật nói kệ tụng về ý nghĩa này:

Sát sanh cùng trộm cắp,

Lừa dối và nói láo,

Chạy theo vợ người khác

Kẻ trí không khen ngợi.

Lại nữa, này con ông cư sĩ!

Có bốn việc đưa đến nẻo ác.

Những gì là bốn?

Một là tham dục.

Hai là giận dữ.

Ba là si mê.

Bốn là sợ hãi.

Bài kệ tụng về ý nghĩa này:

Có dục, sân, si, sợ

Không lãnh thọ chánh pháp,

Do đó tiếng xấu xa,

Như trăng khuyết không tròn,

Không dục, sân, si, sợ,

Lại thừa lãnh chánh pháp,

Do đó danh tiếng thơm,

Như vầng trăng tròn đầy.

Lại nữa, này con ông cư sĩ!

Có sáu tai hoạ làm tiêu tán tiền tài, đi vào đường ác cần phải biết.

Những gì là sáu?

Một là thích rượu, phóng dật.

Hai là vào phòng người khác không đúng lúc.

Ba là đam mê cờ bạc.

Bốn là đam mê kỹ nhạc.

Năm là có bạn ác.

Sáu là trễ nải lười biếng.

Bài tụng về ý nghĩa này:

Uống rượu vào phòng khác,

Thích bài bạc, ca xướng,

Bạn ác cùng lười biếng

Bậc Thánh không khen ngợi.

Phàm rượu có sáu việc nguy biến cần phải biết.

Những gì là sáu?

Làm tiêu hao tiền bạc.

Đưa đến bệnh hoạn.

Khởi tranh chấp.

Sân hận nhiều.

Mất tiếng tốt.

Hao tổn trí não.

Đã có những xấu ác này sẽ khiến phế bỏ sự nghiệp, tiền tài chưa đến sẽ không đến, đã đến rồi thì tiêu hết, vốn liếng có từ trước cũng hao sạch. Dâm tà có sáu nguy biến cần phải biết.

Những gì là sáu?

Không tự bảo vệ được thân mình.

Không bảo vệ được vợ con.

Không bảo vệ được gia đình quyến thuộc.

Do nghi ngờ sanh ra xấu ác.

Oan gia có được cơ hội.

Các khổ vây quanh.

Đã có điều xấu ác này rồi sẽ khiến phế bỏ sự nghiệp, tiền tài chưa đến sẽ không đến, đã đến sẽ tiêu hết, vốn liếng có từ trước cũng hao sạch. Vui chơi cờ bạc có sáu nguy biến cần phải biết.

Những gì là sáu?

Thắng thì sanh oán.

Thua thì nổi nóng.

Bạn bè thì lo lắng.

Oan gia thì vui mừng.

Vào tù ngục ưu phiền.

Mọi người đều nghi ngờ.

Đã có điều xấu ác này rồi sẽ phế bỏ sự nghiệp, tiền tài chưa đến sẽ không đến, đã đến sẽ tiêu hết, vốn liếng có từ trước cũng hao sạch. Ham mê ca nhạc có sáu nguy biến cần phải biết.

Những gì là sáu?

Tâm trí thích múa.

Tâm trí thích ca.

Tâm trí thích đàn.

Tâm trí thích âm điệu.

Tâm trí thích trống.

Tâm trí thích những việc như vậy.

Đã có điều xấu ác này rồi sẽ phế bỏ sự nghiệp, tiền tài chưa đến sẽ không đến, đã đến sẽ tiêu hết, vốn liếng có từ trước cũng hao sạch. Bạn ác có sáu nguy biến cần phải biết.

Những gì là sáu?

Tập chuyện say sưa mê muội.

Tập khiến hôn loạn.

Tập theo nẻo buông lung.

Tập theo đến quán rượu.

Làm quen với kẻ tiểu nhân.

Tập quen với lời nói thô bỉ.

Đã có điều xấu ác này rồi sẽ phế bỏ sự nghiệp, tiền tài chưa đến sẽ không đến, đã đến sẽ tiêu hết, vốn liếng có từ trước cũng hao sạch. Biếng nhác có sáu nguy biến cần phải biết.

Những gì là sáu?

Ăn no không chịu làm việc.

Ăn đói không chịu làm việc.

Lạnh không chịu làm việc.

Nóng không chịu làm việc.

Sáng không chịu làm việc.

Tối không chịu làm việc.

Đã có điều xấu ác này rồi sẽ phế bỏ sự nghiệp, tiền tài chưa đến sẽ không đến, đã đến sẽ tiêu hết, vốn liếng có từ trước cũng hao sạch.

Bài tụng nói về ý nghĩa này:

Ưa sắc, nhạc, ca múa

Ngày ngủ đêm đi chơi

Bạn ác cùng làm ác

Kẻ ấy tổn hại lớn.

Cờ bạc rượu rối loạn

Theo đuổi vơ của người

Xa hiền gần kẻ ngu

Tổn hại như trăng khuyết

Thân tự kiêu tự đại

Hủy diệt đạo Sa Môn

Tà kiến và keo kiệt

Đó là kẻ tà mạn.

Phàm rượu hao tiền của

Ít lợi uống thêm khát

Bệnh rượu thêm nợ nần

Thân nguy loạn mau chóng.

Hoặc vì rượu kết bạn

Hoặc vì rượu phạm pháp

Muốn được lợi, tốt đẹp

Với rượu phải lo chừa.

Hoặc ngày như giữ giới

Tối lại trộm tà hạnh

Cũng tại vì lò rượu

Như vậy chớ có thân.

Chẳng theo đúng nóng lạnh

Như cỏ chẳng quý mình

Tinh tấn tu sự nghiệp

Như thế lợi mà hại.

Nếu chịu được nóng lạnh

Như cỏ chẳng quý mình

Tinh tấn tu sự nghiệp

Đã an lại có ích.

Đi xuống của dần tiêu

Đi lên chưa từng tổn

Dốc theo bậc tôn quý

Vì thiện nên được thiện.

Lành lớn được tạo nên

Thành thật tập hạnh lành

Thân thích đều mến ưa

Thờ giới diệt điều ác.

Cho nên cần phải tập

Đã làm rồi lại làm

Cùng thân thích đi lên

Như ngôi Vua cao cả.

Lại nữa, này con ông cư sĩ!

Có bốn loại giống như bạn nhưng không phải là bạn cần phải biết.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần