Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tâm ý - Tập Bốn
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BA MƯƠI MỐT
PHẨM TÂM Ý
TẬP BỐN
Các kết sử đã hết
Như núi không thể động
Trong nhiễm nhưng không nhiễm
Trong giận nhưng không giận.
Các kết sử đã hết, như núi không thể động: Như người tu hành các kết sử đã hết hẳn, trong ngoài thấu suốt, không còn bợn nhơ. Ý chí vững vàng như kim cương, không hư hoại được, cũng như núi Thái, không có gì làm lay động được.
Vì sao?
Vì tâm được giữ gìn vững chắc. Sống trong dục lạc mà không nhơ, sống trong tai họa mà không lo sợ.
Cho nên nói:
Các kết sử đã hết,
Như núi không thể động,
Trong nhiễm nhưng không nhiễm,
Trong giận nhưng không giận.
Những ai có tâm ấy
Đâu biết dấu vết khổ
Không hại cũng không nhiễm
Giữ giới luật đầy đủ
Uống ăn tự biết đủ
Và giường ghế, đồ nằm
Tu tâm, tìm phương tiện
Là điều Chư Phật dạy.
Những ai có tâm ấy, đâu biết dấu vết khổ: Như người tu hành rèn luyện kỹ tâm mình, loại bỏ các thứ nhơ bẩn. Mục đích là dứt bỏ các kết sử, mỗi ngày một tiến lên không biếng trễ.
Khi ấy, đâu biết có dấu vết của khổ?
Cho nên nói: Những ai có tâm ấy, đâu biết dấu vết khổ.
Không hại cũng không nhiễm, giữ giới luật đầy đủ: Không hại cho mình cũng không làm hại kẻ khác. Giới luật nói ra không mất thứ lớp mạch lạc. Chính mình lo tu đức, đem đức ấy mà dạy cho người khác.
Cho nên nói: Không hại cũng không nhiễm, giữ giới luật đầy đủ.
Uống ăn tự biết đủ và giường ghế, đồ nằm: Như người tu hành lượng định sức ăn mà xin, cũng không tham ăn, chỉ để nuôi thân, hành đạo mà thôi. Như dung dầu mỡ bôi trục xe cho nó chạy, muốn chở nặng cũng được tới nơi, như người bị ghẻ lấy thuốc dán dán vào.
Dán là để ghẻ mới không sinh ra nữa, mà ghẻ cũ thì mau lành.
Cho nên nói: Uống ăn tự biết đủ và giường ghế, đồ nằm.
Tu tâm, tìm phương tiện, là điều Chư Phật dạy: Người tu chọn lấy nghĩa cốt yết, gấp rút tu hành để tâm hướng lên.
Cho nên nói:
Tu tâm, tìm phương tiện,
Là điều Chư Phật dạy.
Người tu quán tướng tâm
Phân biệt ý niệm đãi
Đã được vào thiền định
Thì hưởng sự an vui.
Người tu quán tướng tâm: Như người tu hành biết cội nguồn của tâm, nên nó vừa mống khởi là diệt ngay, không để nó lớn mạnh. Biết sự tới, lui của niệm đãi mà phân biệt thiện ác và những việc tu hành nhiều kiếp đến nay.
Cho nên nói: Người tu quán tướng tâm.
Đã được vào thiền định, thì hưởng sự an vui: Về người nhập định, tại sao nói là người nhập định?
Định có ba nghĩa mà thiền là đứng đầu tiên. Như Vua thống lĩnh bốn phương, chỉ giàu có của thế gian mà không giàu về của cải đạo đức. Người thiền định thì giàu của cải đạo đức mà không giàu về của cải thế gian. Gọi là của cải đạo đức đó là ba mươi bảy phẩm, thiền định tam muội là gốc các căn lành.
Vui có hai nghĩa: Vui tịnh và vui bất tịnh. Vui bất tịnh là thức ăn uống, áo quần, đồ trang sức, hương hoa, phấn sáp, tranh ảnh, phướn lọng… đó gọi là vui bất tịnh. Còn vui tịnh là nhập định chánh thọ. Vắng lặng vô vi, không còn ý tưởng nào khác. Đó gọi là vui tịnh.
Cho nên nói:
Đã được vào thiền định,
Thì hưởng sự an vui.
Giữ ý tự trang nghiêm
Ghét người mà thương mình
Gặp lo mà không khổ
Người trí xét an trụ.
Giữ ý tự trang nghiêm, ghét người mà thương mình: Người tu hành thường giữ gìn không kết sử mê đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không cho vọng tưởng xen lẫn vào đó. Lại dùng hoa ba mươi bảy phẩm, bảy giác ý để trang nghiêm mình.
Cho nên nói: Giữ ý tự trang nghiêm, ghét kia mà thương mình.
Gặp lo mà không khổ, người trí xét an trụ: Người tu hành vui bởi bước vào cõi vô úy. Người trí lắng thần suy xét lẽ chân thật mà không lay động.
Cho nên nói:
Gặp lo mà không khổ,
Người trí xét an trụ.
Ai không giữ gìn tâm
Bị tà kiến làm hại
Tâm ý lại dao động
Hạng ấy vào nẻo chết.
Ai không giữ gìn tâm, bị tà kiến làm hại: Người tu không giữ gìn đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, người ấy tu tập theo đường tà, nên bị đọa vào ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ai không tu theo tà kiến thì được sinh lên Cõi Trời, cõi người. Sống ở Kinh Đô, không phải ở biên giới và tám nơi không yên tịnh.
Cho nên nói: Ai không giữ gìn tâm, bị tà kiến làm hại.
Tâm ý lại dao động, hạng ấy vào nẻo chết: Người tu hành sở dĩ lầm đường là đều do ấm cái che đậy, không nhìn thấy được ánh sáng trí tuệ. Lại thêm dao động, năm triền cái che đậy nhiều lớp như mây mù, muốn có trí tuệ sáng suốt thì không thể được. Sau khi qua đời phải vào nẻo chết.
Cho nên nói:
Tâm ý lại dao động,
Hạng ấy vào nẻo chết.
Vì thế phải giữ tâm
Tu các hạnh thanh tịnh
Chánh kiến thường ở trước
Biết rõ pháp sinh diệt.
Vì thế phải giữ tâm, tu các hạnh thanh tịnh: Người tu hành phải thường giữ gìn tâm ý, thực hành pháp oai nghi, xả bỏ phi pháp, đáng đi thì đi, đáng ngồi thì ngồi.
Lui tới qua lại không để mất oai nghi.
Cho nên nói: Vì thế phải giữ tâm, tu các hạnh thanh tịnh.
Chánh kiến thường ở trước, biết rõ pháp sinh diệt: Người tu đức nên tự biết rõ, như trong nhà có tài vật thì người chủ tự biết rõ.
Người hành đạo cũng giống như vậy, bước vào tám con đường chánh, cầm cương xe ô uế bốn ngựa, đốt sáng đèn định tuệ, soi sáng ngôi nhà ba độc tăm tối, biết rõ nguyên nhân sinh diệt. Đưa tâm ý mình về một chỗ nhất định, không có gì trở ngại.
Trong hoàn cảnh như vậy, giữ đạo nào có khó chi?
Cho nên nói:
Chánh kiến thường ở trước,
Biết rõ pháp sinh diệt.
Tỳ Kheo trừ ngủ nghỉ
Hết khổ, không còn tạo
Hàng tâm uống thuốc pháp
Giữ tâm không rong ruổi.
Tỳ Kheo trừ ngủ nghỉ, hết khổ, không còn tạo: Thầy Tỳ Kheo tu quán hạnh, dứt bỏ tai họa do ngủ nghỉ che đậy. Dứt các mé khổ, không tạo khổ mới.
Cho nên nói: Tỳ Kheo trừ ngủ nghỉ, hết khổ, không còn tạo.
Hàng tâm uống thuốc pháp, giữ tâm không rong ruổi: Thường phải giữ gìn tâm thì nguyện ước thành tựu, ngang hàng Bậc Thánh. Tu hạnh vô lậu được thành tựu đó là nhờ biết hàng tâm và tẩy trừ hết bợn nhơ, sống không buông lung, không gây rắc rối cho ai, đó là việc làm rất cần thiết của người tu hành.
Cho nên nói:
Hàng tâm uống thuốc pháp,
Giữ tâm không rong ruổi.
Tâm chúng sinh mê lầm
Đều chịu khổ địa ngục
Hàng tâm, được an vui
Giữ tâm không rong ruổi.
Tâm chúng sinh mê lầm, đều chịu khổ địa ngục: Mê lầm do tâm sai khiến, gieo trồng cội gốc địa ngục, trải qua vô số ức ngàn muôn kiếp bị mổ xẻ lột da, chịu khổ vô lượng.
Cho nên nói:
Tâm chúng sinh mê lầm,
Đều chịu khổ địa ngục.
Giữ tâm không rong ruổi
Tâm là cửa các mầu
Giữ không để lọt mất
Liền tới cửa Niết Bàn.
Tâm chánh thì đạo còn, nếu theo tà vạy thì có cao thấp. Chúng sinh ngu si không phân biệt chân, ngụy. Do vậy bị đọa lạc không đạt đạo. Người còn lậu hoặc thì ý mê lầm cho rằng đạo là không, vì thế không tự giác. Tâm là gốc của đạo, hư vô vắng lặng, đó là pháp tuyệt cùng cao quý, rốt ráo của các hạnh. Thoát hẳn ba cõi, không còn ở trong ba cõi. Dứt hết các khổ não, không còn tái sinh.
Cho nên nói: Giữ tâm không rong ruổi, tâm là cửa của các mầu, giữ không để lọt mất, liền tới cửa Niết Bàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Hiền Giả Ngũ Phước đức
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Già ý
Phật Thuyết Kinh Nói Về Cây Chiên đàn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm Phật Mẫu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Phần Mười Ba