Phật Thuyết Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế âm Bồ Tát Mẫu đà La Ni Thân - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH

THIÊN THỦ THIÊN NHÃN

QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

MẪU ĐÀ LA NI THÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẦN HAI  

Ấn một: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Tổng Nhiếp Thân Ấn.

Trước tiên đứng ngay thẳng thân mình, hai bàn chân đứng ngang nhau, chân phải hơi cong một chút. Đưa bàn tay trái duỗi xuống dưới. Đều co ngón vô danh, ngón giữa vào trong lòng bàn tay. Duỗi bung ngón út, ngón trỏ, ngón cái rồi ngửa lòng bàn tay hướng lên trên. Tiếp, tay phải cũng vậy, nên co khuỷu tay sao cho bắp tay ngang rốn, hướng lòng bàn tay ra ngoài.

Nếu muốn giáng phục ma oán, các nhóm ngoại đạo, rừng rậm tà kiến đưa vào chính đạo, nên tác Ấn này, tụng Mẫu Đà La Ni hai mươi mốt biến ắt như ước nguyện.

Chú là:

Na mô Hạt la đát na đá la dạ gia Na mô A lợi gia bà lộ chỉ đế nhiếp phạt la gia bồ đề tát đỏa gia ma ha tát đỏa gia ma ha ca lô nê ca gia Đát điệt tha A bạt đà, A bạt đà bạt lợi bạt đế yên hề di hề toa ha.

Ấn hai:

Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Tổng Trì Đà La Ni Ấn.

Dựa theo thân ấn lúc trước. Chắp hai tay lại để ngang trái tim. Đem ngón giữa, ngón vô danh, ngón út cài chéo nhau sao cho bên trái đè bên phải. Dựng thẳng hai ngón trỏ sao cho đầu ngón dính nhau. Dựng thẳng hai ngón cái đè vạch thứ nhất của ngón trỏ rồi hơi mở lòng bàn tay.

Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện tác Ấn này sẽ tùy được diệt trừ tội chướng nghiệp ác của vô lượng kiếp sinh tử sau này, chỉ một thời tiêu diệt hết. Ngày sau vãng sinh về mười phương Tĩnh Thổ.

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ngày nay, xưa kia lúc mới ngồi dưới cây Bồ Đề bị các Ma Vương gây não loạn, cũng tác Ấn này, đắc được an lạc.

Ấn ba:

Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Giải Thoát Thiền Định Ấn.

Trước tiên trật áo hở vai phải, quỳ gối phảisát đất, chắp tay để trên đỉnh đầu. Co hai ngón trỏ sao cho đầu ngón dính nhau, hai ngón cái đè trên vạch thứ hai của ngón trỏ.

Ấn này, hết thảy Chư Phật đời quá khứ cũng đồng tu pháp môn như vậy, đều được thiền định giải thoát Tam Ma Địa.

Nếu thường kết Định Ấn này mà cúng dường sẽ mau thấy sự thiền định của tất cả Chư Phật ở mười phương.

Chú là:

Đá điệt tha: Tát bà Đà La Ni Mạn trà la gia yên hề di hề Bát la ma thâu đà tát đá bả gia toa phộc ha.

Ấn bốn: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Thiên Nhãn Ấn Chú.

Đứng thẳng hai chân song song nhau. Trước tiên đem các ngón giữa, ngón vô danh, ngón út đều áp dính lưng móng, dựng thẳng hai ngón trỏ sao cho đầu ngón dính nhau. Nghiêng hai ngón cái đè cạnh trên vạch thứ hai của ngón trỏ. Mở cổ tay cách nhau năm thốn rồi đặt ở My gian Tam Tinh.

Nếu thường tác Ấn Chú pháp môn này dần dần được quán thấy các quốc thổ tịnh diệu của Chư Phật trong trăm ngàn vạn ức Thế Giới, Mỗi một Cõi Phật đều được trăm vạn bốn mươi ngàn Bồ Tát cùng với Hành Giả đồng làm bạn lữ. Nếu chưa trải qua ba Mạn Trà La pháp môn ắt đừng cho thấy Ấn pháp môn này.

Chú là:

Án Tát bà chước sô già la gia Đà La Ni Nhân địa lợi gia toa ha.

Ấn năm: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Thiên Tý Tổng Nhiếp Ấn.

Đứng thẳng hai chân song song nhau. Trước tiên ngửa lòng bàn tay phải sao cho năm ngón đều phụ nhau. Sau đó ngửa lòng bàn tay trái đè trên lòng bàn tay rồi để dính ngang trái tim.

Ấn này có sức mạnh hay tồi phục tất cả ma oán trong ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Chú là:

Đát điệt tha Bà lô chỉ đế nhiếp phạt la gia tát bà nột sắt tra Ô ha gia di toa ha.

Ấn sáu: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Thông Đạt Tam Muội Ấn.

Đứng thẳng sao cho hai gót chân dính nhau. Trước tiên tay trái dựng năm ngón cùng nắm nhau, co khuỷu tay hướng về phía trước rồi tách ra. Tiếp tay phải cũng vậy, co khuỷu tay hướng vào bên trong rồi tách ra.

Ấn này hay khiến cho thông đạt tất cả Tam Muội Trí Ấn, trang nghiêm tám vạn bốn ngàn pháp môn.

Các pháp môn ấy đều nhân pháp minh này mà thấy Tam Miểu Tam Bồ Đề Samyaksaṃbuddhi: Chính Đẳng Giác. Dùng Đại Thân Chú.

Ấn bảy: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Hô Triệu Thiên Long Bát Bộ Thần Quỷ Tập Hội Ấn.

Đứng thẳng kèm hai chân song song. Chắp tay để ngang trái tim. Đều co hai ngón cái vào trong lòng bàn tay. Tiếp co hai ngón vô danh đều vịn trên móng hai ngón cái. Dựng thẳng hai ngón út, hai ngón giữa sao cho đầu ngón dính nhau, hợp cổ tay dính nhau, đưa ngón trỏ qua lại.

Chú là:

Án Tát bà đề bà ma già A na lị Sa ha.

Ấn tám: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Hô Triệu Đại Phạm Thiên Vương Cập với triệu Kiều Thi Ca Lai Vấn Pháp Ấn.

Dựa theo Ấn trước, mở cổ tay. Để cạnh bàn tay dính nhau rồi ngửa lòng bàn tay.

Đưa ngón trỏ qua lại.

Chú là:

Án Ma Ha phạm ma gia yên hề di hề toa ha.

Ấn Chú Pháp này hay nhiếp vô lượng vô số Đà La Ni Ấn. Các hữu pháp môn đều đến tập hội. Nếu lúc Nhật Nguyệt Thực thời chú vào bơ một trăm lẻ tám biến, dùng Ấn ấn lên bơ rồi ăn thì khiến cho người diệt chướng được thông minh. Đối với thân đang sống, mỗi ngày tụng một vạn bài kệ.

Ấn pháp môn này do Nhật Tạng Như Lai truyền thọ cho Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Ấn chín: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Hoan Hỷ Ma Ni Tùy Ý Minh Châu Ấn.

Đứng thẳng chắp tay để ngang trái tim. Co hai ngón cái vào trong lòng bàn tay. Duỗi thẳng bốn ngón còn lại, rồi chắp tay để ngang trái tim, tụng Đại Thân Chú hai mươi mốt biến, quyết định sẽ đi đến cung điện của Chư Thiên dạo chơi các quốc thổ của Phật ở mười phương, trăm ngàn trân bảo tùy tâm đều được cúng dường Chư Phật, Bồ Tát, Kim Cương, tất cả Thánh Chúng.

Nếu có ước muốn tác pháp môn này nên mỗi ngày vào buổi sáng sớm, tắm gội sạch sẽ, tác Ấn Pháp này ắt sẽ được nhìn thấy hằng hà sa số quốc thổ Chư Phật ở mười phương, cũng được diệt trừ nghiệp ác, tội nặng trong vô lượng kiếp sinh tử. Chính vì thế cho nên khen ngợi công đức như vậy.

Ấn mười: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Khất Nguyện Tùy Tâm Ấn.

Dựa theo Ấn trước. Co hai ngón trỏ đè trên móng hai ngón cái sao cho ngón trỏ áp dính lưng móng. Dùng Thân Chú lúc trước.

Nếu có người tùy theo các nguyện mong cầu thảy đều đầy đủ, quyết định chẳng lui đạo bồ đề.

Ấn mười một: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Nhập Diệt Tận Định Tam Muội Ấn.

Dựa theo Ấn trước. Dựng thẳng, bung ngón trỏ, ngón cái, mở lòng bàn tay.

Ấn này lúc ta ở tại Nhân Địa thì có hằng hà sa số Chư Phật Như Lai truyền cho ta ấn này khiến Ta chứng được đạo A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Dùng Đại Thân Chú.

Ấn mười hai: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Thỉnh Phật Tam Muội Ấn.

Dựa theo Ấn trước, chắp tay để ngang trái tim, đưa ngón trỏ qua lại.

Chú là:

Án Tát bà bột đà Tam ma gia yên hề di hề Bát la ma thâu đà tát đỏa toa ha.

Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Họa Đàn Pháp.

Tiếp lại bạch rằng: Thế Tôn! Quảng Đại Thần Biến Mẫu Đà La Ni Chú Ấn pháp môn này hay ở thời Mạt Thế sau này làm cho các Chú Giả mau được thấy rõ Chú Đàn, Bình Đẳng Vô Đẳng Tam Muội Gia thuộc chủng tộc của tất cả Như Lai.

Người trì Pháp ấy thường giữ miệng kín đáo, răn đe các luận điệu phiến diện. Đừng vọng diễn mọi loại thần thông, tam muội, cảnh tướng trong Đà La Ni ấy. Tĩnh Tâm cố gắng ngưng niệm không cho phút chốc lại rối loạn, huyễn hoặc nơi người khác, tham lợi cầu nói, bên ngoài hiển thị tướng khác lạ. Diệt được sự gây tạo ác ấy mới được thành tựu.

Nếu chẳng dùng tâm pháp chân tịnh mà tu tập thì công sức bỏ ra đều hư hỏng, lại chịu mọi khổ não, vĩnh viễn không thành hiện thực.

Thế Tôn! Nên biết người ấy cần thường tinh tiến, thủ giữ tĩnh giới trai pháp thanh tịnh, chẳng ăn ngũ tân, uống rượu, ăn thịt với ăn thức ăn dư thừa. Cũng chẳng nói lời ly gián, nịnh hót, dối gạt, ganh ghét, đố kỵ, với ăn trộm Đàn, Ấn, Chú, Pháp Cú của các Bộ. Nếu phạm phải lỗi lầm ấy tức bị tất cả Chư Phật Bồ Tát bỏ rơi. Con Quán Thế Âm Bồ Tát cũng bỏ rơi chẳng vui quán nhiếp.

Thế Tôn! Nên biết người đó đã phá Tĩnh Giới của Chư Phật, hủy diệt tất cả chính pháp, các chi Thiện Tướng của Tam Bảo. Người như vậy thường cùng với tất cả thiên ma, quỷ thần, ngoại đạo, Tỳ Na Dạ Ca đồng một cõi, nhiếp đồng một nghiệp trụ, vĩnh viễn không có y theo sự hộ giúp, Chư Thánh cũng chẳng cứu thoát được. Luôn bị tất cả Chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh, Thiên Tiên chê trách bỏ rơi như người làm nhơ quỹ pháp của đạo cho dù người ấy suốt ngày đêm đều thường niệm Đà La Ni này.

Thế Tôn! Con thấy người đó vĩnh viễn không thành tựu. Sự chẳng thành ấy chẳng phải là lỗi của con. Ấy là lỗi của mình chứ không phải là lỗi của người khác.

Do nghĩa này mà chẳng nên đem Đà La Ni Pháp này với các Đà La Ni Pháp để cho người ấy thấy nghe Kinh Quyển, đọc tụng, thọ trì mà nên đem cho người giữ hạnh tĩnh phạm, tâm có đủ từ bi thương xót chúng sinh, hạnh nghi không có nịnh hót, cầu bồ đề… viết chép, đọc tụng, như pháp thọ trì ắt được thành tựu Mẫu Đà La Ni Man Noa La…

Pháp này tức là Tâm Vương bí mật tối tôn tối thượng của Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát. Chính vì thế cho nên Chú Giả phải dùng tâm đại tinh tiến chân thật, buông xả hết thân phần, chi tiết, xương, thịt, gân, tủy, đầu, mắt… thảy đều bố thí cho người khác. Cầu tìm pháp này thường siêng năng tu hành huống chi mọi thứ trân bảo, lúa gạo, lụa là, quần áo, giường nằm, thuốc thang… chỉ là tiền của bên ngoài ngoại tài.

Vì Pháp của Man Trà La, Ấn, Tượng thuộc Mẫu Đà La Ni giải thoát này mà chẳng chịu buông bỏ ư?

Cho đến thường y theo thầy cầu tu học lại chẳng dám buông xả ngoại tài sao?

Tại sao vậy?

Vì pháp giải thoát hay cho tứ sinh hữu tình ở đời mạt thế làm Đại Phật sự, thành ở chính hạnh, chính nghiệp, chính tinh tiến, chính kiến là phần hướng dến nơi chốn của đạo giải thoát. Nên có trì giữ thì ở sau thân này cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề sẽ chẳng bị thoái lui.

Mạn Noa La Maṇḍala: Đàn trường ấy nên ở trong Chùa, hoặc ở sườn núi, hoặc ở bên ao, suối, rừng. Làm hình vuông hay hình tròn rộng tám khuỷu tay, đào xuống loại bỏ rễ, cây, đất ác, gạch ngói, đá, xương rồi dùng đất tốt nén chặt nện cho bằng phẳng và dựng cái nền rộng một khuỷu tay.

Lại lấy Cù Ma Di, nước thơm hòa với đất màu vàng làm bùn rồi như pháp xoa tô chia làm bốn viện. Viện trong ngoài ấy đều mở bốn cửa. Chính giữa làm một viện hình vuông rộng ba khuỷu tay, ở trên tâm của viện vẽ một bánh xe báu có một trăm lẻ tám cây căm trong hình vuông tròn rộng hai khuỷu tay. Lại ở trên tâm của bánh xe báu vẽ một hoa sen bảy báu với ba mươi hai cánh nở lớn rộng một khuỷu tay.

Lại quanh bánh xe, ở bốn bên phía ngoài nên vẽ lửa rực. Ở bốn góc của Viện, mỗi góc đều vẽ một hoa sen hé nở. Trên bốn đài hoa đều vẽ một viên ngọc Như Ý, ở trên bốn viên ngọc vẽ lửa rực khắp. Lại ở trên đài của hoa sen lớn có ba mươi hai cánh để một tượng Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát bằng Bạch Chiên Đàn.

Tiếp đến Viên thứ hai rộng một khuỷu tay, bốn mặt đều chia làm tám vách. Vách ở bốn góc đều vẽ một hoa sen hé nở, lại ở trên đài của mỗi một hoa sen đều vẽ một tòa Tu Di báu có ba bậc.

Trước hết ở trên tòa của góc Đông Bắc vẽ Đại Tự Tại Thiên Vương ngồi. Tiếp ở trên tòa của góc Đông Nam vẽ Na La Diên Thiên Vương ngồi. Tiếp ở trên tòa của góc Tây Nam vẽ Đại Phạm Thiên Vương ngồi. Tiếp ở trên tòa của góc Tây Bắc vẽ Đế Thích Thiên Vương ngồi.

Lại ở vách của bốn mặt đều vẽ mười sáu vòng hoa kết bằng hoa báu.

Tiếp đến Viện thứ ba, rộng hai khuỷu tay chỉ vẽ sợi Kim Thằng màu xanh với giới đạo được trang nghiêm bằng hoa vàng.

Tiếp đến viện thứ tư cũng rộng một khuỷu tay. Lại ở bốn mặt đều chia làm hai mươi tám vách. Ở mỗi một vách đều vẽ hoa sen hé nở.

Tiếp lại ở trên mỗi một đài hoa sen đều vẽ riêng Kim Cương Xử Ấn, Tam Kích Xoa Ấn, Việt Phủ Ấn, Đao Ấn, Kiếm Ấn, Loa Ấn, Phục Đột Ấn, Quyến Sách Ấn, Bổng Ấn, Chùy Ấn, Tản Cái Ấn, Như Ý Châu Ấn, Diêm La Vương Bổng Ấn, Tỳ Na Dạ Ca Bổng Ấn, Sóc Ấn, Luân Ấn với mọi loại Thủ Ấn. Trên các ấn này đều vẽ lửa rực vây quanh.

Lại ở trong vách của cửa Nam vẽ Diễm Ma Vương. Tiếp trong vách của cửa Tây vẽ Thủy Thiên Thần. Tiếp trong vách của cửa Bắc vẽ Câu Phát La Thiên Thần. Tiếp trong vách cửa Đông vẽ Câu Ma La Thiên Thần. Tiếp ở bốn góc đều y theo Bản vị vẽ bốn Thiên Vương Thần với mặt, mắt hiển tướng đại sân nộ. Và vẽ Thần Bộc Tòng thuộc hạ của mỗi vị Thiên Vương.

Tiếp đến Viện thứ năm cũng rộng một khuỷu tay. Ở bốn mặt đều vẽ một trăm lẻ tám loại gồm mọi loại cây có quả, cây có hoa, cây báu. Lại ở bốn góc đều vẽ một núi Tu Di báu. Ở trong bốn cửa đều vẽ nước của bốn biển lớn.

Đất của viện bên trong, viện bên ngoài của Đàn ấy đều dùng màu xanh. Đẳng giới bên trong bên ngoài của Đàn rộng ba thốn một dm, khắp ở trên Giới vẽ Kim Cương Xử Ấn dựng đầu với tướng đầu nhọn bén.

Tiếp lại ở cái thềm bên cạnh bậc Nam của cửa Tây mở một cái cửa cho Chú Giả ra vào.

Lại ở chính giữa Đàn treo đặt tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm hướng mặt về phương Đông. Lại đem Thiên Thủ Thiên Nhãn Kinh đặt ở trước tượng Bạch Đàn trên hoa sen ba mươi hai cánh.

Đem nước Bạch Đàn Hương rót vào mười sáu cái chén nhỏ, đặt mọi loại Tam Bạch thực, quả trái vào hai mươi năm cái bát. Rót nước thơm vào hai mươi năm cái ống và trên miệng cắm các cây có hoa và lụa ngũ sắc với mọi loại vòng hoa gồm hai mươi cái.

Đèn bơ, đèn dầu gồm có hai mươi tám chén, dầu thơm, bột hương với các loại hương bày chung thành mười xấp xếp chồng lên nhau. Thần phan của Bồ Tát, phướng lụa ngũ sắc xếp đặt chung thành hai mươi năm đường, như vậy cúng dường. Các thứ ống, vật đựng, xấp như vậy đều dùng vật bằng vàng, vật bằng bạc, vật bằng đồng. Nếu không có đồ thật thì dùng đồ giả nhưng vẫn phải đầy đủ.

Nhóm vật như thế đều trưng bày như pháp ở bốn mặt của viện trong ngoài. Treo các phan, hoa. Lại dùng lụa ngũ sắc, hoa gạo, hạt cải trắng với các loại hoa tạp rải ở trên Đàn. Các thức ăn uống mỗi ngày phải thanh khiết, làm thức mới tốt, đặt bày cúng dường.

Chú Pháp Sư ấy mỗi ngày ra vào phải tắm rửa sạch sẽ, dùng dầu thơm xoa thân, mặc quần áo mới, ăn Tam Bạch Thực, Đốt Chiên Đàn Hương, Long Não hương… ngày ngày ba thời cúng dường tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát.

Lại ở bên trong, trước tượng của viện thứ ba, mỗi thời tự thề thọ ba luật nghi giới của Bồ Tát. Vào lúc ban ngày, lúc ban đêm đều ở cửa Tây của viện ngoài, ngồi Kiết Già, tụng Mẫu Đà La Ni một ngàn không trăm lẻ tám biến, mỗi ngày thường chẳng gián đoạn, ở hai mươi mốt ngày tận ý cúng dường.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần