Phật Thuyết Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
THỦ LĂNG NGHIÊM TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN BA
Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Thế Tôn! Chưa từng có vậy!
Hôm nay Thế Tôn nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội mà ác ma chẳng đến nhiễu loạn.
Phật bảo Xá Lợi Phất: Ông muốn thấy sự suy não của ác ma chăng?
Lúc ấy Phật phóng ánh sáng từ tướng Đại Nhân nơi lông trắng giữa chặng mày, tất cả chúng hội đều thấy ác mà bị trói năm lớp không thể tự cởi.
Phật bảo Xá Lợi Phất: Ông thấy ác ma bị trói năm chỗ chăng?
Thưa, con đã thấy, nhưng ác ma này bị ai trói buộc?
Sức oai thần của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này, tại chỗ cõi Phật nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, trong đó các ma muốn đem tâm ác làm chướng ngại, do vì sức oai thần của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội và Chư Phật mà các ác ma ấy đều tự thấy thân mình bị trói buộc năm chỗ.
Này Xá Lợi Phất! Tại chỗ nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội hoặc ta còn hiện tại, hoặc sau khi ta diệt độ, trong đó có các ma, ma dân và những người khác mang tâm ác, do vì sức oai Thần của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội nên đều bị trói buộc năm chỗ.
Bấy giờ, Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà v.v… trong hội bạch Phật: Thế Tôn! Chúng con đối với Tam Muội này tâm không có nghi, chẳng bị chướng ngại, chúng con chẳng muốn thân bị trói buộc ở năm chỗ.
Thế Tôn! Chúng con vì cung kính tam muội này nên đều phải qua ủng hộ người nói pháp này, đối với tam muội này tưởng như Đức Thế Tôn.
Phật hỏi Chư Thiên, Long Thần: Vì lý do này, các ông sẽ được giải thoát mười hai kiến phược.
Những gì là mười hai?
Ngã kiến phược, chúng sinh kiến phược, thọ mạng kiến phược, nhân kiến phược, đoạn kiến phược, thường kiến phược, ngã tác kiến phược, ngã sở kiến phược, hữu kiến phược, vô kiến phược, thử bỉ kiến phược, chư pháp kiến phược, đó là mười hai kiến phược.
Các ông nên biết, nếu có chúng sinh ở trong Phật Pháp khởi tâm giận hờn muốn hủy hoại, đó là vì họ đều trụ nơi mười hai kiến phược này.
Nếu người tin giải tùy thuận chẳng nghịch thì đối với mười hai kiến phược này sẽ được giải thoát.
Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Thế Tôn! Ác ma hôm nay có được nghe nói danh tự Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này chăng?
Cũng được nghe, nhưng vì bị trói buộc nên chẳng thể đến. Đức Như Lai sao chẳng dùng thần lực khiến cho ma chẳng nghe nói danh tự Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội.
Thôi đi! Chớ nói như thế. Giả sử lửa lớn đầy trong Thế Giới nhiều như cát Sông Hằng, vì nghe nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này cũng nên đi ngang qua trong ấy.
Vì sao?
Nếu người chỉ nghe nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, ta nói người này rất được thiện lợi hơn đắc tứ thiền sinh vào bốn cõi Phạm Thiên.
Này Xá Lợi Phất! Nếu như ác ma hôm nay được nghe nói danh tự Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, do nhân duyên này sẽ được vượt qua tất cả việc ma.
Nếu đang bị trói buộc mà được nghe tam muội này thì cũng sẽ được giải thoát mười hai kiến phược này.
Thế nên, này Xá Lợi Phất! Người ác tà kiến vào trong lưới ma còn nên nghe Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này hà huống người tâm thanh tịnh vui vẻ muốn nghe.
Bấy giờ, trong hội có một vị Bồ Tát tên Ma Giới Hạnh Bất Ô bạch Phật: Xin vâng Thế Tôn! Nay con sẽ hiện ở trong cảnh giới ma, dùng thần lực tự tại khiến ma được trụ Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội.
Phật nói: Tùy ý.
Bây giờ, Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô liền ở trong hội hốt nhiên biến mất, hiện ở cung ma nói với ác ma: Ngươi đâu chẳng nghe Phật nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, vô lượng chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác ra khỏi cảnh giới của ngươi, cũng đều sẽ độ thoát người khác ra khỏi cảnh giới của ngươi.
Ma liền nói: Tôi nghe Phật nói danh tự Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, nhưng vì tôi bị trói năm chỗ nên chẳng qua được. Năm chỗ là hai tay, hai chân và đầu.
Ai trói buộc ngươi?
Tôi vừa mống tâm muốn qua khuấy phá người nghe nhận Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội liền bị trói năm chỗ.
Tôi vừa nghĩ lại Chư Phật Bồ Tát có oai đức lớn khó thể khuấy phá. Tôi nếu qua đó hoặc sẽ tự thất bại, chẳng bằng tự ở nơi cung điện này. Tôi nghĩ như vậy rồi, liền được giải thoát năm chỗ bị trói.
Cũng vậy, tất cả phàm phu vì ức tưởng phân biệt điên đảo chấp tướng nên có trói buộc, vì động niệm hí luận nên có trói buộc, vì thấy, nghe, hay, biết nên có trói buộc. Trong đây thật không có trói buộc và giải thoát.
Vì sao?
Các pháp không trói buộc vì vốn giải thoát. Các pháp không giải thoát vì vốn không trói buộc. Tướng thường giải thoát không có ngu si, Như Lai dùng pháp môn này nói pháp, nếu có chúng sinh được biết nghĩa này, muốn cầu giải thoát, tâm siêng năng tinh tấn thì được giải thoát các sự trói buộc.
Bấy giờ, trong chúng ma có bảy trăm Thiên Nữ đem hương hoa, hương bột, hương xoa và các thứ chuỗi báu cõi Trời rải lên Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô và nói: Chúng tôi lúc nào sẽ được giải thoát cảnh giới ma?
Bồ Tát đáp: Các cô nếu hay chẳng hoại sự trói buộc của ma thì được giải thoát.
Sao gọi là chẳng hoại sự trói buộc của ma?
Đó là sáu mươi hai kiến. Nếu người chẳng hoại các kiến này tức là ở ngay nơi sự trói buộc của ma mà được giải thoát.
Thiên Nữ lại hỏi: Sao gọi là chẳng hoại các kiến mà được giải thoát?
Các kiến vốn không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Nếu biết các kiến không có tướng đến đi tức là ở ngay nơi sự trói buộc của ma mà được giải thoát.
Các kiến chẳng phải có chẳng phải không, nếu chẳng phân biệt có không tức là ở ngay nơi sự trói buộc của ma mà được giải thoát.
Nếu không sở kiến, ấy là chính kiến. Như vậy chính kiến không chính, không tà.
Nếu pháp không chính, không tà, không tác, không thọ tức là ở ngay nơi sự trói buộc của ma mà được giải thoát.
Các kiến này chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, cũng chẳng phải chặng giữa. Các kiến như vậy cũng lại chẳng nghĩ tưởng thì ở ngay nơi sự trói buộc của ma được giải thoát.
Bảy trăm Thiên Nữ nghe nói pháp này liền đắc thuận nhẫn, và nói: Chúng tôi cũng ở trong cảnh giới ma hạnh không bị ô nhiễm, độ tất cả những người bị ma trói buộc.
Bấy giờ, Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô nói với ác ma: Các quyến thuộc của ngươi đã phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, ông phải làm gì?
Ác ma đáp: Tôi bị trói năm chỗ, chẳng biết phải làm gì?
Người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì sẽ được giải thoát sự trói buộc này.
Bấy giờ, Thiên Nữ xót thương ác ma nên đều nói: Ông nên phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chớ nên ở chỗ an ổn mà sinh ra ý tưởng sợ hãi, chớ nên ở chỗ giải thoát mà sinh ra ý tưởng trói buộc.
Bấy giờ, ác ma sinh tâm dua dối nói: Nếu các ngươi lìa bỏ tâm bồ đề, ta sẽ phát tâm.
Khi ấy các Thiên Nữ dùng sức phương tiện, mà nói với ma: Chúng tôi đều đã lìa bỏ tâm này, ông hãy phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đi! Nếu một Bồ Tát phát tâm bồ đề thì tất cả Bồ Tát cũng đồng một tâm này.
Vì sao?
Vì tâm không sai khác, đối với chúng sinh, tâm đều bình đẳng.
Bấy giờ, ác ma nói với Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô: Tôi nay sẽ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, do thiện căn này khiến tôi được giải thoát sự trói buộc.
Nói lời này xong, ác ma liền tự thấy thân được giải thoát sự trói buộc.
Lúc ấy, Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô dùng sức thần thông tịnh diệu chiếu sáng lớn, hiện thân tịnh diệu chiếu vào cung ma.
Ma tự thấy thân không có oai quang giống như đống mực.
Lúc ấy, trong chúng ma có hai trăm Thiên Nữ say đắm dâm dục thấy Bồ Tát này sắc thân xinh đẹp sinh tâm đắm nhiễm đều nói: Người này nếu cùng chúng tôi hành dâm thì chúng tôi đều sẽ thuận theo lời dạy của người.
Lúc ấy, Bồ Tát này biết các Thiên Nữ túc duyên đáng độ, liền hóa làm hai trăm Thiên Tử hình sắc đẹp đẽ, trang nghiêm như thân trước không khác hóa làm hai trăm bảo đài đẹp hơn cung ma.
Các Thiên Nữ này đều tự thấy mình ở trong bảo đài, mỗi cô đều tự cho rằng mình cùng Bồ Tát này vui chơi.
Sở nguyện được thỏa ý dâm dục dứt, các cô đều sinh lòng rất yêu kính Bồ Tát.
Bồ Tát liền tùy theo chỗ đáng độ mà thuyết pháp, các cô đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Bấy giờ, Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô nói với ác ma: Ngươi nên đến chỗ Phật.
Ác ma nghĩ rằng: Ta đã được cởi trói, nên đến chỗ Phật để khuấy phá Phật thuyết pháp.
Bấy giờ ác ma và quyến thuộc vây quanh đi đến chỗ Phật nói: Thế Tôn! Đừng nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này nữa.
Vì sao?
Vì nói Tam Muội này thân tôi lập tức bị trói buộc năm chỗ. Cúi xin Như Lai hãy nói việc khác.
Bấy giờ, Bồ Tát Kiên Ý nói với ác ma: Ai cởi trói cho ông?
Ma đáp: Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô cởi trói cho tôi.
Ngươi hứa việc gì mà được cởi trói?
Tôi hứa phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Kiên Ý: Nay ác ma này vì muốn được cởi trói mà phát tâm bồ đề nên chẳng phải là ý thanh tịnh.
Cũng vậy, này Kiên Ý! Sau khi ta diệt độ, năm trăm năm sau có nhiều Tỳ Kheo vì lợi dưỡng nên phát tâm bồ đề, chẳng phải là ý thanh tịnh.
Này Kiên Ý! Ông xem oai Thần Phật Pháp, thế lực của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di này dùng tâm khinh thường giỡn cợt, tâm tham lợi dưỡng, tâm chạy theo người khác, nghe Tam Muội này mà Phát Tâm bồ đề.
Ta đều biết tâm này được làm nhân duyên với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, hà huống nghe Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này hay dùng tâm thanh tịnh phát Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, phải biết người này ở trong Phật Pháp đã được quyết định.
Bồ Tát Kiên Ý bạch Phật: Thế Tôn! Nay ác ma này nghe nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội vì muốn được cởi trói nên phát tâm bồ đề cũng được đầy đủ nhân duyên Phật Pháp chăng?
Phật nói: Đúng như lời ông nói, ác ma vì nhân duyên phước đức của tam muội này và nhân duyên phát bồ đề tâm, ở đời vị lai được xả bỏ tất cả việc ma, hạnh ma, tâm dua dối của ma, việc suy não của ma. Từ nay về sau dần dần sẽ được sức Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội thành tựu Phật Đạo.
Bồ Tát Kiên Ý nói với ác ma: Đức Như Lai hôm nay đã thọ ký cho ngươi.
Ma nói: Thiện Nam Tử! Tôi nay chẳng dùng tâm thanh tịnh phát Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cớ sao Như Lai thọ ký cho tôi.
Như Phật có nói: Từ tâm có nghiệp, từ nghiệp có báo.
Tôi tự không có tâm cầu đạo bồ đề, cớ sao Như Lai thọ ký cho tôi?
Bấy giờ, Phật muốn dứt nghi cho chúng hội nên bảo Kiên Ý:
Bồ Tát được thọ ký có bốn hạng: Có người chưa phát tâm mà được thọ ký, có người vừa phát tâm liền được thọ ký, có người được bí mật thọ ký, có người được vô sinh pháp nhẫn hiện tiền được thọ ký. Chỉ có Như Lai mới biết việc này, tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật đều chẳng thể biết.
Này Kiên Ý! Thế nào là người chưa phát tâm mà được thọ ký?
Hoặc có chúng sinh qua lại trong năm đường hoặc tại địa ngục, hoặc tại súc sinh, hoặc tại ngạ quỷ, hoặc tại Thiên thượng, hoặc tại nhân gian, các căn bén nhạy ưa thích pháp lớn đại thừa.
Phật biết người này qua ngần ấy trăm nghìn muôn ức A tăng kỳ kiếp sẽ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Lại trong ngần ấy trăm nghìn muôn ức A tăng kỳ kiếp hành Bồ Tát đạo, cúng dường ngần ấy trăm nghìn muôn ức Na do tha Phật Giáo hóa ngần ấy trăm nghìn muôn ức vô lượng chúng sinh khiến trụ bồ đề.
Lại qua ngần ấy trăm nghìn muôn ức A tăng kỳ kiếp sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, danh hiệu như vậy, cõi nước như vậy, số chúng Thanh Văn thọ mạng như vậy. Sau khi diệt độ pháp trụ số năm như vậy.
Phật bảo Kiên Ý: Như Lai đều biết việc này và còn hơn thế nữa, ấy gọi là chưa phát tâm mà được thọ ký.
Bấy giờ, Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp đến trước Phật bạch: Từ nay về sau, chúng con nên đối với tất cả chúng sinh tưởng như Thế Tôn.
Vì sao?
Chúng con không có trí huệ như thế. Những chúng sinh nào có căn Bồ Tát, những chúng sinh nào không có căn Bồ Tát.
Bạch Thế Tôn! Vì chúng con chẳng biết việc như thế, nên hoặc sinh tâm khinh mạn đối với chúng sinh, ắt làm tổn thương mình.
Phật nói: Lành thay! Lành thay! Ca Diếp! Lời này rất hay, vì lý do này nên trong Kinh ta nói mọi người chẳng nên đánh giá căn tính chúng sinh.
Vì sao?
Nếu đánh giá không đúng căn tính chúng sinh ắt làm tổn thương mình. Chỉ có Như Lai mới đánh giá đúng căn tính chúng sinh.
Do nhân duyên này nên các Thanh Văn và Bồ Tát phải tưởng chúng sinh như Phật.
Người vừa phát tâm xong liền được thọ ký nghĩa là hoặc tự có người từ lâu đã trồng cội đức tu tập hạnh lành, tâm siêng năng tinh tấn, các căn linh lợi ưa thích đại pháp, có tâm đại bi, khắp vì chúng sinh cầu đạo giải thoát.
Người này phát tâm liền trụ bậc bất thối chuyển nhập Bồ Tát vị vào số quyết định vượt qua tám nạn.
Những người như thế lúc vừa phát tâm, Chư Phật liền thọ ký cho Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, danh hiệu như vậy, cõi nước như vậy, thọ mạng như vậy.
Những người như thế, Như Lai biết tâm mà thọ ký cho, ấy gọi là vừa phát tâm liền được thọ ký.
Bí mật thọ ký là tự có Bồ Tát chưa được thọ ký mà thường tinh tấn, cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, ưa thích bố thí, thích bố thí tất cả, nhận pháp kiên cố, trì giới chẳng bỏ, pháp hạnh trang nghiêm có sức nhẫn lớn, tâm bình đẳng đối với chúng sinh, siêng năng tinh tấn cầu các pháp lành, thân tâm chẳng lười như cứu lửa cháy đầu.
Hành niệm an ổn đắc được Tứ Thiền, thích cầu trí huệ hành Phật bồ đề. Trải qua thời gian lâu xa tu hành Lục Độ có tướng thành Phật.
Lúc ấy các Bồ Tát khác và Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà v.v… đều nghĩ rằng: Bồ Tát siêng năng tinh tấn như thế thật là hiếm có, chừng nào sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, danh hiệu thế nào?
Cõi nước tên gì?
Số chúng Thanh Văn nhiều ít ra sao?
Phật vì dứt nghi cho chúng sinh mà thọ ký khiến cho khắp chúng hội đều được nghe biết mà chỉ một mình Bồ Tát này chẳng được nghe là vì Thần Lực của Phật khiến cho tất cả chúng biết Bồ Tát này thành Phật, danh hiệu, cõi nước như vậy, số chúng Thanh Văn nhiều ít như vậy.
Lúc ấy, những điều chúng nghi đều được giải quyết và họ đối với vị Bồ Tát này tưởng là Thế Tôn, nhưng vị Bồ Tát này chẳng thể tự biết mình đã được thọ ký hay chưa được thọ ký. Đó là Bồ Tát được bí mật thọ ký.
Hiện tiền thọ ký là có Bồ Tát từ lâu tu tập thiện căn không ai chẳng thấy, thường tu phạm hạnh, quán vô ngã, không, đối với tất cả pháp đắc vô sinh nhẫn.
Phật biết người này công đức trí huệ đều đã đầy đủ nên ở trong đại chúng Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn hiện tiền thọ ký, nói lời này
Thiện Nam Tử! Ông qua ngần ấy trăm nghìn muôn ức kiếp sẽ được thành Phật, danh hiệu như vậy, cõi nước như vậy, số chúng Thanh Văn, thọ mạng như vậy.
Lúc ấy vô số người bắt chước theo người này mà phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Người này ở trước Phật được thọ ký rồi, thân bay lên hư không cao bảy cây Đa La.
Này Kiên Ý! Đó là hiện tiền thọ ký thứ tư.
Bấy giờ, Bồ Tát Kiên Ý bạch Phật: Nay trong hội này có Bồ Tát nào vì bốn việc này được thọ ký chăng?
Phật đáp: Có.
Bạch Thế Tôn! Ai vậy?
Bồ Tát Sư Tử Hống Vương này ưa muốn làm cư sĩ là người chưa phát tâm mà được thọ ký. Vô số Bồ Tát ở Thế Giới phương khác cũng như vậy, chưa phát tâm mà được thọ ký.
Lại có Bồ Tát Tịch Diệt, Bồ Tát Đại Đức Pháp Vương Tử, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, vô lượng các Bồ Tát như vậy lúc vừa phát tâm liền được thọ ký và đều trụ nơi bậc bất thoái chuyển.
Trong đây còn có Bồ Tát Trí Dũng, Bồ Tát Ích Ý, vô lượng các Bồ Tát như vậy bí mật được thọ ký.
Này Kiên Ý! Ta và Di Lặc cùng một nghìn vị Bồ Tát ở hiền kiếp đều đắc vô sinh pháp nhẫn và được hiện tiền thọ ký.
Bồ Tát Kiên Ý bạch Phật: Hy hữu! Thế Tôn! Việc làm của Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, thọ ký cũng chẳng thể nghĩ bàn tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật còn chẳng thể biết, huống là chúng sinh khác.
Phật nói: Này Kiên Ý! Bồ Tát sở hành, sở phát tinh tấn, oai thần, thế lực chẳng thể nghĩ bàn.
Bấy giờ, Bồ Tát Ma Giới hạnh Bất Ô giáo hóa các Thiên Nữ khiến họ đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, các cô đều dùng hoa Trời rải lên Phật và bạch rằng: Thế Tôn! Chúng con chẳng thích bí mật được thọ ký. Chúng con nguyện đắc vô sinh pháp nhẫn được hiện tiền thọ ký. Cúi xin Thế Tôn hôm nay thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho chúng con.
Lúc ấy, Phật mỉm cười, miệng phóng ánh sáng màu đẹp chiếu các Thế Giới rồi quay về nhập vào đảnh.
Ngài A Nan bạch Phật: Thế Tôn! Nhân duyên gì Ngài cười?
Phật bảo A Nan: Nay ông thấy hai trăm Thiên Nữ này chắp tay kính lễ Như Lai chăng?
Bạch Thế Tôn! Đã thấy.
Này A Nan! Các Thiên Nữ này đã từng ở chỗ năm trăm Đức Phật thuở quá khứ trồng sâu thiện căn, từ nay trở đi sẽ còn cúng dường vô số các Đức Phật, qua bảy trăm A tăng kỳ kiếp rồi đều được thành Phật hiệu là Tịnh Vương.
A Nan! Các Thiên Nữ này sau khi mạng chung được chuyển thân nữ, đều sinh lên Trời Đâu Suất cúng dường phụng sự Bồ Tát Di Lặc.
Bấy giờ, ác ma nghe các Thiên Nữ được thọ ký xong, bạch Phật: Thế Tôn! Nay tôi chẳng được tự tại đối với quyến thuộc của tôi vì họ được nghe Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này, huống là những người nghe nào khác. Nếu người được nghe Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội liền được quyết định trụ trong Phật Pháp.
Bấy giờ, Thiên Nữ dùng tâm không khiếp sợ, nói với ác ma: Ông chớ buồn rầu. Chúng tôi chẳng ra ngoài cảnh giới ông đâu.
Vì sao?
Vì ma giới như tức là Phật Giới như. Ma giới như, Phật Giới như không hai không khác.
Chúng tôi chẳng lìa cái như này. Ma giới tướng tức là Phật giới tướng, ma giới pháp, Phật giới pháp không hai không khác.
Chúng tôi đối với pháp này chẳng ra ngoài, chẳng vượt qua ma giới, cũng không có pháp quyết định có thể chỉ thị. Phật Giới cũng không có pháp quyết định có thể chỉ thị.
Ma giới Phật Giới không hai, không khác. Chúng tôi đối với pháp tướng này chẳng ra ngoài, chẳng vượt qua.
Thế nên phải biết tất cả các pháp không có quyết định. Vì không quyết định nên không có quyến thuộc, không có chẳng phải quyến thuộc.
Bấy giờ, ác ma lo buồn khổ não muốn trở về Trời.
Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô nói với ác ma: Ngươi muốn đi đâu?
Ma đáp: Tôi nay muốn trở về Cung Điện của tôi.
Bồ Tát nói: Chẳng lìa chúng này tức là Cung Điện của ngươi.
Bấy giờ, ác ma liền tự thấy thân ở trong Cung Điện của mình.
Bồ Tát hỏi: Ngươi thấy những gì?
Ác ma đáp: Tôi tự thấy thân tôi ở trong Cung Điện của mình, vườn rừng ao đẹp là vật sở hữu của tôi. Ngươi nay nên đem dâng lên Như Lai.
Dạ được! Ác ma vừa nói lời này xong liền thấy Như Lai, Thanh Văn, Bồ Tát, tất cả đại chúng đều ở trong đó nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội.
Bấy giờ, Ngài A Nan bạch Phật: Thế Tôn! Người bố thí, Phật thọ thực xong nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội và người bố thí, Phật thọ thực xong được thành Phật.
Hai thí chủ này người nào được phước nhiều?
Phật nói: Này A Nan! Bố thí cho Phật ăn rồi, Phật thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, ăn rồi chuyển pháp luân, ăn rồi nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội. Bố thí ba bữa ăn này phước không có sai khác.
A Nan! Ta ở chỗ nào đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác phải biết chỗ đó là Kim Cang, các Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều ở trong đó được thành Phật Đạo, tùy theo trụ xứ nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội đều không sai khác và chỗ có người đọc tụng biên chép cũng lại như vậy.
Này A Nan! Bố thí thức ăn cho Phật ăn xong bắt đầu chuyển pháp luân, nếu có Pháp Sư được bố thí thức ăn rồi đọc tụng, diễn nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này. Hai loại bố thí này phước bằng nhau không có sai khác.
Lại nữa, này A Nan! Phật ở Tinh Xá dùng mười tám món thần thông biến hóa độ thoát chúng sinh, lại có người ở trong Tinh Xá đọc tụng diễn nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội. Bố thí thức ăn cho Phật và người này, được phước không khác.
Bấy giờ, Ngài A Nan nói với ác ma: Ngươi được lợi lớn, hay đem Cung Điện bố thí cho Phật trụ.
Ma nói: Đó là do ân lực của Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô mà ra.
Bồ Tát Kiên Ý bạch Phật: Phải chăng Bồ Tát Ma Giới Hạnh Bất Ô trụ Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội nên được thần lực tự tại như thế?
Phật đáp: Này Kiên Ý! Đúng như lời ông nói. Nay Bồ Tát ấy trụ tam muội này hay dùng thần lực tùy ý tự tại thị hiện tất cả hạnh kể cả hạnh ma mà có thể chẳng bị hạnh ma làm ô nhiễm, cùng các Thiên Nữ hiện tướng vui chơi mà thật chẳng thọ pháp ác dâm dục.
Thiện nam tử ấy trụ Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội hiện vào cung ma mà thân chẳng rời hội Phật, hiện vào ma giới du hí vui chơi mà dùng Phật Pháp giáo hóa chúng sinh.
Bồ Tát Kiên Ý bạch Phật: Thế Tôn! Lai trụ Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này có thể hiện bao nhiêu thần lực tự tại.
Lành thay! Thế Tôn! Xin diễn nói chút ít.
Phật nói: Này Kiên Ý! Ta nay trụ Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội này ở nơi tam thiên đại thiên Thế Giới này. Trăm ức tứ thiên hạ, trăm ức nhật nguyệt, trăm ức Tứ Thiên Vương xứ, trăm ức Đao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, trăm ức Đâu Suất Đà Thiên, trăm ức Hóa Lạc Thiên, trăm ức Tha Hóa Tự Tại Thiên, nhẫn đến trăm ức A Ca Nị Tra Thiên, trăm ức Tu Di Sơn Vương, trăm ức đại hải, đó gọi là tam thiên đại thiên Thế Giới.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tăng Thượng - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Chín
Phật Thuyết Kinh Bảo Như Lai Tam Muội - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Bốn Mươi Hai - Hiểu được Cõi đời Là Hư Huyễn