Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Kakantaka - Chuyện Con Chó Rừng Tiền Thân Sigàlà
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MỘT
PHẨM KAKANTAKA
CHUYỆN CON CHÓ RỪNG
TIỀN THÂN SIGÀLÀ
Ta không còn làm nữa. Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư kể về sự nhiếp phục phiền não. Nghe nói ở Xá Vệ có khoảng năm trăm người triệu phú giàu có thân thiết với nhau, sau khi nghe Bậc Ðạo Sư thuyết pháp, liền hiến dâng tâm lên giáo pháp, xuất gia, sống ở Kỳ Viên, trong ngôi Tinh Xá được ông Cấp Cô Ðộc trải vàng giá bạc triệu.
Một hôm vào khoảng nửa đêm, tâm tư liên hệ đến phiền não dục vọng khởi lên trong nhóm người ấy, họ khởi tâm tham luyến những phiền não dục vọng mà họ đã từ bỏ.
Cũng vào giờ ấy, Bậc Ðạo Sư, khơi dậy ngọn đuốc nhất thiết trí, suy nghĩ xem các Tỳ Kheo ở Kỳ Viên đêm nay sống như thế nào. Ngài biết được các tư tưởng tham dục nổi lên trong các Tỳ Kheo ấy.
Như người mẹ đối với đứa con duy nhất của mình, như người một mắt đối với con mắt còn lại, Bậc Ðạo Sư bảo vệ các đệ tử của mình vào những buổi sáng hay bất cứ lúc nào, khi các phiền não khởi lên trong các đệ tử, với mục đích không để cho chúng lớn lên. Chính trong thời gian ấy, Bậc Ðạo Sư chặn đứng chúng lại.
Do vậy, Bậc Ðạo Sư suy nghĩ: Ðây cũng giống như thời các tên trộm nổi lên trong nội thành của Vua chuyển luân.
Nay Ta hãy Thuyết Pháp cho họ, chặn đứng các phiền não lại và khiến họ chứng quả A La Hán!
Rồi Bậc Ðạo Sư từ Hương phòng bước ra, với âm thanh dịu ngọt gọi Trưởng Lão Ànanda, vị thủ kho chánh pháp: Này Ànanda! Bạch Thế Tôn dạy bảo việc gì?
Trưởng Lão đi đến đảnh lễ và đứng một bên. Này Ànanda, hãy tập họp tại Hương phòng tất cả các Tỳ Kheo trú ở chỗ được trải vàng giá bạc triệu.
Theo truyền thuyết Bậc Ðạo Sư suy nghĩ như sau:
Nếu Ta chỉ cho gọi năm trăm Tỳ Kheo ấy mà thôi, họ sẽ nghĩ: Bậc Ðạo Sư đã biết các phiền não khởi lên trong nội tâm chúng ta. Tâm tư họ sẽ bị dao động và sẽ không có thể chấp nhận pháp thoại.
Do vậy Bậc Ðạo Sư nói: Hãy mời tất cả.
Trưởng Lão đáp: Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Vị ấy cầm lấy chìa khóa đi từ phòng này đến phòng khác, mời tất cả chúng Tỳ Kheo họp tại Hương phòng rồi sửa soạn Phật tọa.
Bậc Ðạo Sư ngồi trên Phật tọa đã được sửa soạn, lưng thẳng như núi Tu Di, an trú trên đất bằng đá tảng, chói tỏa hào quang Phật sáu sắc từng đôi vòng, đôi vòng một.
Những hào quang ấy được chia cắt thành những khối lớn bằng cái dĩa, lớn bằng cái lọng, lớn bằng thân của ngọn Tháp, chói tỏa như chớp sáng trên bầu Trời, chẳng khác gì khi Mặt Trời mới mọc khua động đáy biển sâu. Chúng Tỳ Kheo đảnh lễ Bậc Ðạo Sư, an trú tâm cung kính, ngồi xuống vây quanh Ngài như tấm màn màu đỏ giăng bủa.
Bậc Ðạo Sư với Phạm âm bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, chớ trầm tư ba tầm bất thiện này: Đó là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Chớ nghĩ rằng phiền não khởi lên trong nội tâm là nhỏ mọn. Phiền não giống như kẻ thù và kẻ thù không bao giờ nhỏ bé, nếu có được cơ hội, kẻ thù sẽ gây nên tác hại.
Cũng như phiền não dù nhỏ bé đã khởi lên, và lớn mạnh thì sẽ gây tác hại. Phiền não ví như thuốc độc làm chết người, như mụt ngứa mọc trên da, như con rắn lục, như lửa sét đánh, chớ nắm giữ lấy, nên sợ hãi chúng.
Khi nào phiền não khởi lên thì với sức mạnh của giác sát, với sức mạnh của tu tập, chớ để nó ở trong tâm dù chỉ một khoảnh khắc, như vậy, phải loại trừ nó như giọt nước rơi khỏi lá sen.
Các Bậc Hiền trí thuở xưa ghét bỏ phiền não, dầu nó hết sức nhỏ mọn, cũng không cho nó khởi lên trong nội tâm và lập tức chế ngự phiền não ấy.
Nói vậy xong, Bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra làm con chó rừng, sống trong rừng trên một bờ sông.
Thời ấy một con voi già chết trên bờ sông Hằng, khi con chó rừng đi tìm mồi, nó thấy xác chết ấy và nghĩ: Nay ta được cả kho đồ ăn. Nó đi đến, cắn cái vòi, giống như cắn cái cày.
Nó nghĩ: Ðấy không phải là đồ ăn được.
Nó cắn cái ngà giống như cắn cái xương. Nó cắn cái tai giống như cắn cái vành thúng sàng lúa. Nó cắn cái bụng giống như cái thúng đựng hạt. Nó cắn cái chân giống như cắn cái cối. Nó cắn cái đuôi giống như cắn cái chày.
Nó nghĩ: Ðây không phải là món ăn được. Sau khi không tìm được chỗ nào khác có thể ăn, nó cắn nhằm chỗ đại tiện thì giống như cắn cái bánh mềm.
Nó nghĩ: Cuối cùng ta mới tìm được chỗ mềm trên cái thân này. Nó ăn từ chỗ ấy trở đi vào trong bụng rồi ăn quả thận, quả tim v.v... Khi nó khát, nó uống máu. Nó nằm dài trong bụng voi để ngủ.
Rồi nó suy nghĩ: Thân con voi này giống như cái nhà khiến ta sống thoải mái. Khi ta muốn ăn thì thịt rất đầy đủ.
Vậy sao ta lại phải làm chỗ ở khác?
Nghĩ vậy, con chó rừng không đi đến chỗ khác, cứ ăn thịt trong bụng con voi, và sống ở đấy. Thời gian trôi qua, với sự xúc chạm gió mùa hạ và sức nóng tia sáng Mặt Trời, thân xác ấy bị khô và nhăn nhúm lại. Cửa vào của chó rừng bị đóng kín. Bụng con voi không có ánh sáng. Con chó rừng như vậy sống cách biệt với Thế Giới bên ngoài.
Khi thân xác con voi khô héo, thịt bị khô héo, máu bị khô cạn, không tìm được lối thoát ra, nó hoảng sợ, chạy qua chạy lại đập chỗ này chỗ kia, cố tìm cửa để thoát ra. Như vậy nó trồi lên sụp xuống trong bụng con voi như một cục bột trong cái nồi đang sôi.
Sau một vài ngày một cơn mưa lớn đổ xuống, làm mềm thân xác ấy, làm nó phồng lên và trở lại hình thái cũ. Con đường đại tiện con voi được mở ra và hiện rõ như sao chói sáng.
Con chó rừng thấy lỗ mở ấy liền nói: Nay ta được cứu sống rồi. Từ đầu con voi nó nhảy tới, chạy mau vụt ra, đầu đập vào con đường đại tiện ấy và thoát ra ngoài. Nhưng tất cả lông trên thân bị bầm dập đều dính vào con đường đại tiện ấy.
Với tâm tư dao động, với cái thân trụi lông như thân cây thốt nốt, nó chạy một lát và ngồi xuống, quay lại nhìn cái thân mình suy nghĩ: Khổ này do ta tạo, không do ai khác, chỉ vì tham, vì y cứ vào tham nên ta làm như thế ấy. Từ nay trở đi, ta sẽ không để cho tham chi phối nữa, và ta cũng sẽ không đi vào xác con voi nào nữa.
Với tâm tư xúc động kinh hoàng, nó nói lên bài kệ:
Ta sẽ không làm nữa,
Ta không làm, làm nữa,
Ta thấy xác con voi,
Như vậy ta hoảng sợ.
Nói xong, con chó rừng chạy xa xác con voi và nếu có thấy xác một con voi khác, nó cũng không quay nhìn lại. Từ đấy về sau, nó không còn bị lòng tham chinh phục nữa.
Sau khi kể Pháp Thoại, Bậc Ðạo Sư nói với các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, chớ để cho phiền não nội tâm tăng trưởng. Ngay tại chỗ, hãy nhiếp phục chúng. Nói vậy xong, Bậc Ðạo Sư trình bày bốn sự thật, và cuối bài giảng ấy, năm trăm Tỳ Kheo ấy chứng được quả A La Hán. Trong số Tỳ Kheo còn lại, một số chứng quả Dự Lưu, một số chứng quả Nhất Lai, một số chứng quả Bất Lai.
Và Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Con chó rừng thời ấy là ta vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Năm Mươi Hai - Phẩm Nghi Thức Thuyết Pháp
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Một - Tháp Bảy Báu
Phật Thuyết Kinh Hoa Thủ - Phẩm Năm - Phẩm Bất Tín
Phật Thuyết Kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Bốn - ðịa Ngục - Phần Một