Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Năm - Phẩm Súc Sinh - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM NĂM
PHẨM SÚC SINH
TẬP BA
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Thế Giới của loài rồng.
Vì nghiệp gì mà các loài rồng tuôn mưa?
Lại vì nghiệp gì lại giáng xuống các tai họa mưa đá?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết rồng ác này ngậm độc sân giận, không tùy thuận hành theo pháp. Mỗi khi hai Long Vương sân giận, tranh chấp thì nổi lên mây mưa dữ tợn, gió độc, giáng tai họa mưa đá khiến cho ngũ cốc tan nát, hư hoại, không thu hoạch được. Cũng do các chúng sinh hành theo phi pháp, khiến rồng ác sân giận cho nên xảy ra tai biến ấy.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của loài rồng.
Vì sao chúng tuôn mưa đúng mùa xuống cõi Diêm Phù Đề làm thấm nhuần, tạo lợi ích cho lúa thóc, mía, mè, cây cối, núi rừng, đậu, đại mạch, tiểu mạch, khiến cho mọi hoa màu lúc thóc đều tươi tốt, dồi dào?
Vị ấy dùng văn tuệ thấy Long Vương hành theo pháp, tuôn mưa đúng mùa để tạo lợi ích an lạc cho chúng sinh. Cũng do các chúng sinh tùy thuận hành theo chánh pháp mà Long Vương hành pháp mưa hợp thời khiến cho đất nước được phồn vinh, an vui.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét tất cả loài rồng ở cung điện, có bao nhiêu rồng sống trong biển và sông nơi các dòng nước?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết cõi Diêm Phù Đề, nếu loài người không thuận hành theo chánh pháp thì có vô lượng rồng ở các dòng nước. Nếu loài người ở cõi Diêm Phù Đề tùy thuận hành theo pháp thì có năm mươi bảy ức rồng ở các dòng nước.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Thế Giới của loài rồng. Vị ấy quán thành Hý Lạc và rồng ở các dòng nước rồi, lại quán nơi đáy của biển lớn có bao nhiêu chúng sinh hiện sống ở đó.
Vị ấy liền dùng văn tuệ, biết nơi mặt đất trong biển lớn có loài oán địch của Chư Thiên là A Tu La.
A Tu La lược nói có hai loại:
1. Thuộc về quỷ.
2. Thuộc về loài súc sinh.
A Tu La thuộc quỷ là ngạ quỷ thân ma có sức thần thông. Còn A Tu La thuộc loài súc sinh thì ở nơi đáy biển lớn, cạnh núi Tu Di, nơi vùng thấp của biển rộng tám vạn bốn ngàn do tuần.
Lược nói có bốn vùng: Vùng thứ nhất có hai vạn một ngàn do tuần, là chỗ của A Tu La Vương La Hầu. A Tu La Vương La Hầu này ở trong Dục Giới có thể hóa thân lớn nhỏ tùy ý, là do uy lực của người hành thiện hay bất thiện.
Bấy giờ, A Tu La suy nghĩ: Ta sẽ đến quan sát chỗ vui chơi trong vườn rừng của kẻ địch, cùng các thể nữ dạo xem, tha hồ thọ lạc. Nghĩ như vậy rồi, A Tu La liền dùng các loại châu ngọc đại thanh, ngọc Ba đầu ma, ngọc quang minh uy đức, hoặc dùng vàng ngọc năm màu, ngọc đỏ, cùng những y phục đủ màu sắc nào xanh, vàng, đỏ, đen, tất cả để tạo vẻ oai nghiêm đẹp đẽ nơi thân, cũng là áo giáp, ánh sáng rực rỡ.
Lúc này thân tướng của A Tu La Vương cao lớn như núi chúa Tu Di. Ngọc báu khắp thân phát ra ánh sáng lớn xen đủ màu sắc, nên sinh tâm đại kiêu mạn, cho rằng không ai sánh bằng, muốn các Thiên Nữ, các nữ A Tu La yêu kính thân mình.
A Tu La Vương từ trong thành đi ra, thành ấy tên là Quang minh, ngang dọc tám ngàn do tuần, có vô lượng rừng báu, sông suối, ao hồ, cỏ cây, các loại hoa sen để tạo sự trang nghiêm. Đầu A Tu La Vương đội vòng hoa, thân xoa đủ loại hương thoa, hương bột, từ nơi đây nghĩ đến chốn vui chơi trong vườn rừng của Cõi Trời.
Nếu người nơi cõi Diêm Phù Đề không thực hành theo chánh pháp, không hiếu dưỡng với cha mẹ, không kính các vị Sa Môn, Bà La Môn, các bậc tôn trưởng, không dựa theo pháp để tu tập, không phụng thờ Tam Bảo, không quán các pháp thiện và bất thiện thì uy lực của Chư Thiên đều bị giảm sút.
Trời Tứ Thiên Vương lần lượt nói với nhau: Tất cả hãy chạy tránh xa, coi chừng A Tu La Vương La Hầu là sư tử con đến giết chúng ta.
Nếu người ở cõi Diêm Phù Đề tu hành theo chánh pháp, hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng, cúng dường các vị Sa Môn, Bà La Môn, tôn kính bậc Trưởng Lão, thì uy lực Chư Thiên được tăng trưởng.
Bấy giờ, Tứ Thiên Vương lấy các thứ y phục quý giá mặc vào người, xoa hương thoa, hương bột, lập tức đến chống cự với A Tu La Vương La Hầu sư tử con. Trong Hư Không tuôn xuống trận mưa đao kiếm, tất cả chúng Trời đều sinh tâm vui mừng, đi đến cạnh núi Tu Di la to.
Nếu Vua Trời không xuất hiện mà A Tu La Vương muốn xem vườn rừng vui chơi, thì hàng trăm ngàn tia ánh sáng Mặt Trời tỏa chiếu lên những vật trang sức nơi thân càng chói lòa, che lấp mắt A Tu La Vương, nên không sao thấy được chốn Chư Thiên vui chơi, thọ lạc trong vườn kia.
Lúc này A Tu La Vương La Hầu suy nghĩ: Mặt Trời che mắt ta, khiến ta không thể nhìn thấy các thể nữ ở Cõi Trời. Ta sẽ dùng tay che vòng ánh sáng của Mặt Trời, như thế mới có thể thấy các Thiên Nữ được!
A Tu La Vương liền giơ tay phải che vòng ánh sáng của Mặt Trời, mong muốn được thấy sắc đẹp dịu dàng, đáng yêu của các Thiên Nữ. Nơi tay phát ra bốn loại ánh sáng, như trước đã nói. A Tu La Vương đang đứng trong biển thì nước ngập tới eo lưng. Ánh sáng của các thứ châu báu đủ màu xanh, vàng, đỏ, đen cùng chiếu khắp.
Khi A Tu La Vương dùng tay che mặt trời thì các Luận sư theo tà kiến trong thế gian đều có những dị thuyết nói là: A Tu La Vương La Hầu ăn mặt trời. Nếu mặt trời có màu đỏ, màu đen thì họ lấy hiện tượng ấy mà xem tướng thọ mạng của con người.
Các nhà xem tướng không biết quả báo của nghiệp nên nói: Hoặc là được mùa, sung túc, hoặc sẽ mất mùa, hoặc cho là có họa dữ, tai ương đến Vua, hoặc nói là tốt đẹp vui vẻ.
Khi A Tu La Vương lấy tay che Mặt Trời rồi, thì thấy rõ chỗ vui chơi, ao hồ, vườn cây của Chư Thiên. Thiên Vương Đế Thích thấy vậy bèn lệnh cho chúng Trời lo trang nghiêm cung điện, các Thiên Tử thì dùng những vật báu trang sức nơi thân, đi đến chỗ A Tu La Vương Lahầu để chiến đấu. Thấy chúng Trời, A Tu La Vương La Hầu liền trở về cung thành.
Lại nữa, Tỳ Kheo làm thế nào để quán về nguyệt thực?
Vị ấy dùng văn tuệ biết các vị quan quyến thuộc của A Tu La Vương La Hầu đi trên biển, thấy Mặt Trăng thường dạo chơi trên đỉnh núi Ưu Đà Diên, trong cõi Diêm Phù Đề. Trăng sáng trong như Tỳ lưu ly, tươi đẹp dịu dàng, vượt hơn ánh sáng bình thường cả trăm lần.
Các quan quyến thuộc trông thấy rồi, liền đến chỗ A Tu La Vương La Hầu, thưa: Bạch Đại Vương! Mặt trăng tròn đầy, tươi đẹp giống như mặt của Thiên Nữ.
Khi đó, nghe nói vậy, A Tu La Vương La Hầu liền sinh tâm ái dục, muốn thấy Thiên Nữ nên lập tức đứng dậy, khao khát muốn thấy cho bằng được, A Tu La Vương La Hầu bèn dùng tay che lấy mặt trăng để mong thấy Thiên Nữ. Lúc này, A Tu La Vương trang sức nơi thân mình với vô lượng các vật báu, như trên đã nói.
Các vị thầy chú thuật trong cõi Diêm Phù Đề chú nguyện: Tất cả những thứ xấu ác nơi các xóm làng, thành ấp trong quốc độ sẽ mau diệt trừ, tất cả các thứ xấu ác nơi đất đai trong thế gian sẽ mau được diệt trừ. Tất cả những điều xấu ác trong hàng Bàla môn sẽ mau được diệt trừ.
Nếu Mặt Trăng có màu đen, màu vàng thì các thầy xem tướng trong thế gian nói: Sẽ được mùa hoặc sẽ mất mùa. Vua sẽ bị hung nguy hoặc được vui vẻ. Binh đao nổi lên dữ dội hoặc không nổi lên, bình yên.
Các cõi Cù Đà Ni, Uất Đan Việt, Phất bà đề thì tùy theo vùng thấy Mặt Trăng bị ăn chứ không phải nói theo tà kiến.
Do nhân duyên này nên mặt trời, mặt trăng bị ngăn che, cho là mặt trăng bị ăn.
Lại nữa, nhân duyên thứ hai che lấp mặt trời, mặt trăng: Khi Trời tuôn ra những âm thanh lớn vang động khắp A Tu La Vương La Hầu đang ở nơi biển cả.
Bấy giờ, các quan quyến thuộc tâu: Đại Vương! Thiên chủ Kiều Thi Ca có các công đức của Chư Thiên, đầy đủ năm dục, với các quyến thuộc vây quanh, vui vẻ thọ lạc. Ông ta hiện đang ở Thiện pháp đường, trong thành Thiện kiến, trên đỉnh núi Tu Di.
Thiên chủ Kiều Thi Ca là chủ của Chư Thiên. Đại Vương nay được chúng tôi tôn kính, ngài có sức mạnh lớn, thần thông vượt trội hơn Kiều Thi Ca và có thể thống lãnh các quan quyến thuộc đến đánh Thiên chủ, tiêu diệt thành Thiện kiến ấy.
A Tu La Vương nghe lời tâu ấy liền phấn chấn, ra vẻ oai vệ, nổi giận đi ra khỏi thành quang minh, gầm lên như tiếng sấm sét. Các vị thầy tướng nơi các nước trong cõi Diêm Phù Đề cho là loài thú của Cõi Trời rống. Họ cho hiện tượng như vậy là phồn vinh, vui vẻ, an ổn không ai bằng.
Hoặc cho là tai họa bị mất mùa, ngũ cốc hiếm hoi. Hoặc bảo là Vua sẽ chết. Hoặc nói là điều vui, linh ứng tốt đẹp. Hoặc cho là binh đao nổi lên, không nổi lên trong cõi nước. Hoặc bảo là dân chúng an lạc, không có biến đổi gì. Hoặc nói phải trai giới thanh khiết, phải lễ bái thần để cầu phước.
Khi ấy, A Tu La Vương La Hầu suy nghĩ: Ta lưu giữ các châu báu này lại trong thành để chiếu sáng cho các con ta. Nếu không có châu báu thì không có ánh sáng. Trên Trời cũng vậy, có Mặt Trời, Mặt Trăng mới có ánh sáng. Nếu không có Mặt Trời, Mặt Trăng thì thế gian sẽ tối tăm. Ta nay hãy che Mặt Trời, Mặt Trăng lại, khiến cho cả Trời đất đều đen tối.
Suy nghĩ như vậy xong, A Tu La Vương đi ra khỏi thành, lấy một tay che lấp vòng ánh sáng của Mặt Trời, Mặt Trăng. Những người ngu, các thầy xem tướng trong thế gian đều nói về tai ương và tốt lành, như trước đã nêu. A Tu La Vương lại dùng một tay sờ vào đỉnh núi Tu Di, muốn cùng với Chư Thiên chiến đấu một mất một còn.
A Tu La ấy là súc sinh thiếu trí, thấy các hiện tượng quang minh oai đức, trang nghiêm thù thắng của Cõi Trời thì tâm sinh nghi ngờ, hối hận, trở về chỗ cũ ở thành Quang minh. Đó là nhân duyên thứ hai khiến mặt trời, mặt trăng bị che lấp, khiến chúng gọi là bị ăn, âm thanh nơi Cõi Trời gầm vang chấn động.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét dục lạc mà Đại Vương A Tu La La Hầu thọ hưởng. Vị ấy dùng văn tuệ, quán bên trong thành nơi A Tu La ở.
Thành được trang nghiêm bằng vô số thứ châu báu, nằm bên cạnh sườn núi Tu Di, sâu hai vạn một ngàn do tuần, rộng tám ngàn do tuần, có ao hồ, hoa sen, cây cối tươi tốt, đất bằng vàng ròng, màu giống ánh sáng điện chớp. Cung điện, nhà cửa, lầu gác đều bằng vàng, cây bằng san hô báu treo các linh quý phát ra âm thanh vi diệu, có các thứ âm nhạc tạo mọi vui thích thọ lạc. Trong mỗi mỗi ao đều có những hoa bằng vàng để tôn vẻ trang nghiêm.
Có các loài chim như: Chim nhạn, chim uyên ương… đều trang sức bằng vàng ròng, ai thấy cũng đều ưa thích, giống các loài chim của Chư Thiên. Mỏ chim bằng ma ni, chúng vui vẻ dạo chơi khắp chốn, có đủ thứ màu sắc của bảy báu có cánh bằng tỳ lưu ly xanh, vui đùa vô cùng đáng yêu giữa các lầu gác, lan can.
Phát ra những âm thanh vi diệu, ai nghe cũng đều vui thích. Tất cả các loại chim khác cũng vậy, đều sạch sẽ, đẹp đẽ. Thành ấy có rất nhiều cây, hoa, hoa sen để tạo sự tươi đẹp và có bốn khu vườn rừng, cây cỏ hoa lá đều bằng vàng ròng, mỗi mỗi khu vườn rừng ngang dọc cả trăm do tuần.
Bốn khu vườn rừng là:
1. Du hý.
2. Đam lạc.
3. Nga trú.
4. Câu chỉ la.
Bốn khu vườn rừng này luôn sáng rỡ tô điểm cho thành. Mỗi khu vườn rừng có ba ngàn loại cây, như cây theo ý nguyện, màu vàng ròng, như mây như ảnh, cành mềm dẻo, là chỗ của chim đậu, các hoa nở rộ, mùi thơm phảng phất khắp cả do tuần, có nhiều đàn ong chứa đầy mật ngọt.
Hoặc cây kim sắc, cây xuất ra suối rượu, cây Ngưu đầu chiên đàn hương có màu như mây, cây Thất diệp hương, cây Chỉ đa ca, cây Tất lị ca, gió thổi nhẹ lay động, cây Mặc trầm thủy, cây Phổ nhãn hương, cây Minh đăng hương, cây Ma ni hương, cây Hỏa sắc hương… Có đủ loại cây thơm như vậy, hoa luôn nở rộ, lúc nào cũng như mới nở. Lại có nhiều cây ăn quả… Ánh sáng tỏa ra từ là soi bóng xuống các dòng nước để làm tăng vẻ đẹp nơi ao suối, ai trông thấy cũng đều thích thú.
Các loại cây ấy có loại mọc ở cõi Diêm Phù Đề, có loại mọc ở cõi Uất Đan Việt, có loại mọc ở thành Quang minh của A Tu La Vương. Cây có hoa, cây có trái, cây có rượu. A Tu La Vương đi dạo khắp nơi, vui vẻ thọ lạc, có các thể nữ vây quanh để mua vui. Đây là phiền não vì nhiễm đắm cái vui vô thường, không lâu bền, mau hư hoại mà lại cho là đất cam lồ, không chết.
A Tu La Vương có bốn thể nữ, tất cả đều do nhớ nghĩ mà có:
1. Như ảnh.
2. Chư hương.
3. Diệu lâm.
4. Thắng đức.
Bốn thể nữ này có mười hai na do tha thị nữ làm quyến thuộc, vây quanh A Tu La Vương, vui vẻ tình tứ, tha hồ thọ lạc, không thể ví dụ được. Do từ chỗ tạo nghiệp đã thành tựu mà A Tu La Vương có vô lượng ức chúng thể nữ vây quanh vui vẻ dạo chơi. Cung điện ngàn cột, phòng xá thẳng hàng, đều bằng châu báu.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp rồi, lại quán xét về A Tu La Vương La Hầu.
Do nghiệp báo nào mà có được cảnh giới của A Tu La?
Tạo nghiệp gì mà đạt được quả báo như vậy?
Kệ tụng:
Không nhân, thì không quả
Tạo nghiệp ắt hưởng báo
Như trồng cây được trái
Nghiệp lành sinh Trời, Người.
Nghiệp lành được quả vui
Thường ở trong Trời, Người
Nghiệp ác đọa ba đường
A Tu La thì sao?
Nó đọa đường súc sinh
Vì sao thọ báo vui?
Thiếu trí không hiểu nổi
Vì sao lại như vậy?
Tỳ Kheo tư duy rồi, liền dùng văn tuệ quán xét về kiếp quá khứ xa xưa của A Tu La.
Vị ấy biết A Tu La tu tập theo pháp của Bà La Môn nên có trí tuệ thông minh bậc nhất, rành rõ các kỹ thuật của thế gian, thích thực hành bố thí, ở nơi giữa đồng hoang bố thí các thức ăn uống, cây trái, suối mát, nước ngọt, phòng xá, giường chiếu. Lại ở ngã tư đường bố thí cho người bệnh, người đi đường, khách buôn, kẻ đui mù, bần cùng. Bố thí nhà cửa, thức ăn uống, giường chiếu, tất cả đều đầy đủ, nhưng không chánh kiến.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Nước Dụ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tri Khổ
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Quán Suy Xét - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bảy Mươi Tám - Kinh Cha Con Hẹn Nhau
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Mười Một - Trang Nghiêm Mình Và Người
Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Dị Học Giác Phi
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Hai - Phẩm Quyết định được Thọ Ký - Phần Một