Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Tám
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH
THUẦN CHÂN ĐÀ LA SỞ VẤN
NHƯ LAI TAM MUỘI
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán
PHẦN TÁM
Nay tự quay về với Bậc biết thời cơ để chỉ dạy người. Đức của Ngài hiền dịu, nghe âm thanh của Ngài ai cũng hiểu rõ ràng. Dù chúng ma nhiều đến đâu, cung không thể chiến thắng được, đã vượt qua tất cả những tự cao.
Nay tự quay về với Bậc đã trừ sạch các điều ác. Những người lân cận, ai nấy đều tu theo lời dạy bảo và cung kính đến cúng dường. Đức Phật rất khó gặp, có trí tuệ vi diệu, mọi người đến thăm hỏi, ai nấy rất hoan hỷ.
Nay tự quay về với Bậc có đức độ không ai bằng. Với năng lực, tâm Ngài hiểu rõ tất cả. Dù đẹp hay xấu, tâm Ngài đều bình đẳng, đã trụ vào cảnh giới cua mình một cách kiên cố, không ai có thể lay động được.
Nay tự quay về với Bậc nắm giữ các lực. Kẽ tay, chân của Ngài có màng lưới mỏng. Dưới bàn chân có nổi dấu bánh xe. Đã thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, là bậc thù thắng tất cả.
Nay tự quay về với Bậc có phước đức như bầu trời bao trùm tất cả mọi nơi.
Sau khi khen ngợi Như Lai xong, các phu nhân của Thuần Chân Đà La thưa Phật: Mặc dù phát tâm vô thượng bồ đề rất khó, vậy người nữ làm sao để tự đạt được vô thượng bồ đề?
Phật dạy: Nhờ một việc để xa lìa thân nữ, mau được thành thân nam, tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Một việc đó là gì?
Nghĩa là nhờ phát tâm đạt Nhất thiết trí, tạo vô lượng công đức không sai lầm.
Đó là một việc.
Lại có hai việc thân nữ mau thành thân nam để tự đạt được vô thượng bồ đề.
Hai việc đó là gì?
1. Lời nói đi đôi với việc làm, không tôn thờ Chư Thiên.
2. Chỉ quy y Phật, việc làm chân chánh, không tin theo tà đạo. Đó là hai việc.
Lại có ba việc thân nữ mau thành thân nam, tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Ba việc đó là gì?
1. Giữ gìn ba nghiệp thuộc thân.
2. Giữ gìn bốn nghiệp thuộc miệng.
3. Giữ gìn ba nghiệp thuộc ý.
Đó là ba việc.
Lại có bốn việc thân nữ mau thành thân nam, tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Bốn việc đó là gì?
1. Bố thí không dua nịnh.
2. Giữ giới không dua nịnh.
3. Thường tự bảo hộ không dua nịnh.
4. Được nghe pháp không dua nịnh.
Đó bốn là việc.
Lại có năm việc thân nữ mau thành thân nam, tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Năm việc đó là gì?
1. Sống với chánh pháp.
2. Việc làm đúng với pháp.
3. Không thích thân nữ.
4. Nghe pháp rất chuyên chú.
5. Luôn nghĩ mình là thân nam.
Đó là năm việc.
Lại có sáu việc thân nữ mau thành thân nam, tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Sáu việc đó là gì?
1. Không biếng nhác.
2. Làm việc gì đều không quên.
3. Tâm nhu hòa.
4. Chất phác, thật thà, không dua nịnh.
5. Không phóng túng.
6. Chí thành tha thiết trong việc làm.
Đó sáu là việc.
Lại có bảy việc thân nữ mau được làm thân nam để tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Bảy việc đó là gì?
1. Luôn nghĩ nhớ đến Phật để được pháp thân.
2. Luôn nghĩ nhớ đến pháp để được trí tuệ của Phật.
3. Luôn nghĩ nhớ đến Tăng vì muốn dự vào Tăng số.
4. Luôn nghĩ đến giới vì muốn chỗ mong cầu được thanh tịnh.
5. Luôn nghĩ đến bố thí để khử trừ cấu bẩn phiền não.
6. Luôn nghĩ đến Chư Thiên vì muốn tâm như Bồ Tát.
7. Luôn nhớ nghĩ loài người vì muốn họ độ thoát sinh tử. Đó là bảy việc.
Lại có tám việc thân nữ mau thành thân nam để tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Tám việc đó là gì?
1. Không lấy việc ăn uống để tự vui.
2. Không lấy bông hoa để tự vui.
3. Không dùng hương thơm.
4. Không dùng những màu sắc sặc sỡ.
5. Không đến nhà người để trò chuyện.
6. Không ca hát để mua vui.
7. Không ca múa.
8. Đó là tám việc.
Lại có chín việc thân nữ mau thành thân nam để tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Chín việc đó là gì?
1. Không chấp đoạn.
2. Không chấp thường.
3. Không nghĩ có ngã.
4. Không nghĩ có nhân.
5. Không nghĩ có thọ.
6. Không nghĩ có mạng.
7. Không nghĩ có chỗ sinh.
8. Không nghĩ không có chỗ sinh.
9. Tin nhân duyên.
Đó là chín việc.
Lại có mười việc thân nữ mau thành thân nam, tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Mười việc đó là gì?
1. Thương yêu chúng sinh.
2. Không tham cầu lợi tất cả vật.
3. Không nghĩ đến người đàn ông khác. Trọn đời không dối gạt mọi người.
4. Không nói lời hai lưỡi, không nhục mạ.
5. Không nói dối.
6. Không ca hát, kỹ nhạc.
7. Tâm không lấy đó làm vui.
8. Không vọng niệm.
9. Không giữ lòng oán hận.
10. Không hiểu biết bằng phước tội của tà đạo.
Đó là mười việc.
Người nữ có thể làm thân nam để mau chứng vô thượng bồ đề. Khi người nữ có tâm thí, có tâm pháp, thấy các sắc giống như đống bọt nước.
Với sắc không tự cao. Dù vui hay khổ đều thấy như bong bóng nước trong mưa. Nếu được vui không ham thích, còn bị khổ đau thì không ghét hận.
Với an ổn không mừng, với đau khổ không buồn, quán tưởng như sóng nắng. Tâm ấy không thuộc người nam, không thuộc người nữ mà là tất cả.
Sinh tử giống như cây chuối. Nếu biết sinh tử là không thì có thể ở trong sinh tử, mà không niệm hữu, không niệm vô. Thức ví như huyễn, quán tâm ý như hóa.
Nếu huyễn thì không có gì khác, không vướng mắc vào các pháp, biết tất cả bốn đại: Địa, thủy, hỏa, phong.
Nếu làm nhà phải nhờ ba việc mới thành tựu, đó là: Có cỏ, có đất và có cây. Con người cũng vậy, không phải ngã, không phải ngã sở, không phải mạng tạo ra, việc làm không bị chướng ngại. Đó là con mắt vốn thấy một cách tự nhiên. Mắt như bong bóng nước, chỉ nương vào thịt nhưng bên trong nó rỗng không, vốn nó rỗng không nhưng thanh tịnh. tai, mũi, miệng, thân, ý cũng vậy.
Quán thân như bóng ảnh, quán âm thanh như tiếng vang, biết tâm như huyễn. Ai biết như vậy thì mau lìa thân nữ, được làm thân nam, tự đạt đến vô thượng bồ đề.
Sau khi Đức Phật dạy như vậy, các phu nhân rất vui mừng và lạy sát chân Phật. Khi ấy, Phật mỉm cười, từ trong miệng Ngài phóng ra ánh sáng với vô lượng màu sắc chiếu khắp mười phương, rồi thu lại bao quanh thân Ngài ba vòng và nhập vào đỉnh đầu.
Tôn Giả A Nan đứng dậy, sửa pháp phục, quỳ thẳng khen ngợi Phật: Sắc diện Ngài sáng như trăng rằm, rất thù thắng. Màu ánh sáng như vàng trong lửa.
Nay Ngài mỉm cười là nguyên nhân gì?
Con muốn được nghe. Đây là điều con muốn thưa hỏi.
Thâu nhiếp các trí tuệ thù thắng làm nền tảng cho tất cả chúng sinh. Nhân địa của Ngài, ai cũng cung kính.
Ngài mỉm cười, chắc có điều chi hoan hỷ?
Đây là điều con muốn thưa hỏi.
Lấy pháp thí để tự vui, với giới thanh tịnh, sức nhẫn nhục.
Nay Ngài mỉm cười là sự việc gì?
Đây là điều con muốn hỏi.
Tinh tấn thì năng lực của căn được thành tựu, lấy việc thiền định để tự vui, trí tuệ như bầu trời che trùm tất cả.
Nay Ngài mỉm cười là sự việc gì?
Đây là điều con muốn hỏi.
Luôn luôn có lòng từ bi, yêu thương che chở cho họ, bình đẳng như nhau, không thiên vị.
Nay Ngài mỉm cười là sự việc gì?
Đây là điều con muốn hỏi.
Đã đoạn trừ ba độc nên chứng tam nhãn, pháp nói ra như cam lồ.
Nay Ngài mỉm cười là sự việc gì?
Đây là điều con muốn hỏi.
Thu phục quân ma, đuổi các ngoại đạo, chỉ dạy bằng bốn đế.
Nay Ngài mỉm cười là sự việc gì?
Đây là điều con muốn hỏi.
Bằng mười lực, Thế Tôn quyết đoán các nghi ngờ. Đức ấy vô lượng.
Nay Ngài mỉm cười là sự việc gì?
Đây là điều con muốn hỏi.
Đức Phật dạy Tôn Giả A Nan: Ông có thấy các phu nhân cùng quyến thuoc của thuần Chân đà la đang đảnh lễ ta không?
Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.
Phật dạy Tôn Giả A Nan: Các phu nhân nhờ sự hoan hỷ đảnh lễ ta và tự phát tâm chứa nhóm các công đức. Sau khi qua đời, than nữ sẽ được làm thân nam, sinh vào Cõi Trời Đâu Suất, gặp Đức Di Lặc đang giảng nói các việc làm của Bồ Tát, sẽ cúng dường Phật Di Lặc.
Qua vô số kiếp sẽ thành Phật. Chúng sinh đều đến cúng dường. Ở trong kiếp ấy, từ từ sẽ thành Bồ Tát đạo. Thuần Chân Đà La được thành Phật, còn các phu nhân sẽ sinh vào Cõi Phật ấy và hành đạo Bồ Tát.
Thuần Chân Đà La bạch Phật: Chúng con sẽ thực hành giống như Đức Phật. Sinh tử đã đoạn tận, chỉ trụ vào cõi người và Cõi Trời. Đã trụ vào Phật Đạo, đầy đủ pháp tạng, trụ vào tuệ địa, trụ vào công đức, hiện quán đế đạo, đã dùng phương tiện thiện xảo, đã xây dựng tâm Bồ Tát, giảng nói các pháp rõ ràng. Theo lời nói, ai nấy đều hoan hỷ.
Khi nghe pháp, chúng hội và các Bồ Tát đều nghĩ: Thuần Chân Đà La lâu xa về sau sẽ thành Phật, hiệu là gì?
Cõi ấy có chúng Bồ Tát cùng sự hành hóa như thế nào?
Biết tâm niệm của các Bồ Tát, Đức Phật gọi Tôn Giả A Nan, dạy: Qua bảy vạn bốn ngàn tám trăm kiếp về sau, Vua Thuần Chân Đà La sẽ được thành Phật, hiệu là Quần Ma La Da Ba Phi Sa, Hán dịch là Đức Vương Minh.
Cõi ấy tên Chiên Đà Duy Ma La Hán dịch Nguyệt Minh, kiếp tên La Đa Na tam Phi Hán dịch Bảo Đẳng Hữu, đất bằng phẳng, trong suốt như lưu ly. Ánh sáng của đất ấy giống như mặt trời và đất rất sạch sẽ, không có bụi dơ. Hư không có những tấm trướng xen nhau, đều bằng các châu báu và có chư Bồ Tát ngồi trong đó.
Trên đường đi, thấy Phật các Bồ Tát nghĩ: Đúng với những gì ta đã thấy. Đức Phật sẽ khai giải những điều nghi ngờ của các hóa Bồ Tát, làm cho các vị ấy đều sẽ đắc pháp nhẫn vô sinh.
Khi ấy, Quốc Độ không có thành quách, xóm làng, huyện ấp của Vua. Tất cả mọi người đều ở trong những tấm trướng xen nhau, không thấy có người nữ, không nghe tiếng người nữ. Ai vãng sinh về đó đều được ngồi Tòa Sư Tử trong hoa sen.
Chúng Bồ Tát vui với thiền định, ăn bằng pháp lạc, không có đạo khác, không nghe tiếng đạo khác, chỉ có Bồ Tát là hàng đại thừa, không có tà đạo, không có người không tin Phật, cũng không có chúng ma, không có dân ma, không có người cầu, không có người khổ. Vì đó là kho tàng quý báu, lấy dấu ấn không để niêm phong.
Ở đó nghe Chư Thiên và người bình đẳng giống như nhau, đều chỉ là danh từ. Phật ấy sống mười tiểu kiếp, có vô lượng chúng Bồ Tát làm Tăng và đã được thiền định chẳng thể nghĩ bàn. Khi Đức Phật ấy sắp Niết Bàn, trước tiên sẽ thọ ký cho Bồ Tát.
Bồ Tát tên Âu Đa Duy Thọ, sau được làm Phật Hiệu Ma Ha Duy Thọ, Hán dịch là Đại Nghiêm. Kiếp tên La Đa Na Tam Phi, vì đối với Phật, Pháp, Tăng không bao giờ đoạn tận cho nên gọi là La Đa Na Tam Phi.
Ở trước Phật, Thuần Chân Đà La được thọ ký, ông ta rất vui mừng sung sướng và bay lên khỏi mặt đất cách một trăm bốn mươi trượng, làm cho tất cả chúng hội rất hoan hỷ.
Với công đức của mình và nhờ oai thần của Phật, Thuần Chân Đà La ca ngợi: Các pháp vốn thanh tịnh như hư không, tự nhiên không có. Vì tự nhiên nên không cấu bẩn. Ai biết như vậy là trưởng tử của Phật.
Như cảnh thấy trong mộng, không thể có thật, nên không thể cầm giữ, vì nó như hư không. Ai biết các pháp như mộng thì không còn cho sinh tử là đau khổ. Như những gì nhà ảo thuật hóa hiện, trong đó không có sở đắc. Năm ấm như huyễn thì sắc như bọt nước, thọ như bong bóng trong nước, tưởng như sóng nắng, như cây chuối, không có sở đắc, sinh tử không thể đắc. Những gì mà tâm ý biết được chỉ có danh từ mà thôi.
Phật dạy: Nếu như huyễn thì biết năm ấm vốn như hư không, đối với sinh tử không cho là khổ, vì bốn đại bình đẳng như nhau, xem như rắn độc. Sáu trần như đồng trống, giữ gìn đúng pháp là nhờ oai thần của Phật.
Những gì cất giấu, lấy đem bố thí cho người, làm như vậy thì được an vui. Nếu đã thanh tịnh thì đó là giới. Vọng tưởng đã được đoạn tận, đó là nhẫn nhục. Tự chế phục tâm mình để tịch tĩnh là tinh tấn. Chú tâm trong việc làm, không thay đổi, đó là thiền. Sở duyên không bị chướng ngại, đó là tuệ. Thọ trì môn học này là Ba la mật.
Không ngã, không nhân là từ bình đẳng. Thanh tịnh đó là bi. Tịch tĩnh là hỷ, xả.
Ai làm được hạnh ấy thì được sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên.
Lấy bốn sự để bố thí, chịu nhẫn như Phật, không giận dữ, tham lam. Đã vượt qua, không có sở hữu, không có ngã, thọ mạng cũng vậy. Biết sáu trần là không nên đều tịch tĩnh. Ai biết như vậy, đó là Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử - Phẩm Một - Phẩm Thưa Hỏi Về Bốn Việc - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Pháp Tướng Ba đời - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tam Phẩm đệ Tử
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Lửa địa Ngục