Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Trưởng Giả Tử Lưu Thủy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nghĩa Tịnh, Đời Đường  

PHẨM HAI MƯƠI NĂM

PHẨM TRƯỞNG GIẢ TỬ LƯU THỦY  

Đức Phật lại bảo thần cây Bồ Đề: Ngày xưa Lưu Thủy đã trị bệnh khổ cho các chúng sanh trong nước của Vua Thiên Tự Tại Quang, khiến họ bình phục.

Do đã lành bệnh, nên họ tu tập phước nghiệp, lấy việc bố thí rộng khắp tự vui.

Họ cùng đến nhà Trưởng Giả Tử này, tỏ lòng tôn kính và đồng thưa rằng: Hay thay, hay thay!

Ngài làm những việc nuôi lớn phước đức, giúp cho chúng tôi mãi được an ổn, tăng thêm thọ mạng. Ngài thật là bậc Đại lực y vương, Bồ Tát đại bi, rất giỏi y dược, chữa lành bệnh cho tất cả chúng sanh.

Lời ca ngợi này lan khắp thành thị xóm làng. Bấy giờ Lưu Thủy có người vợ tên là Thủy Kiên Tạng, hai con tên là Thủy Mãn Thủy Tạng. Ngày kia Lưu Thủy dẫn cả hai con lần lượt đi khắp xóm làng thành thị.

Một hôm qua vùng đầm lầy hoang vắng, hiểm nguy đáng sợ, họ thấy các loài cầm thú ăn thịt: Sói cáo điêu thứu đều chạy hoặc bay cùng về một hướng.

Lưu Thủy suy nghĩ: Vì sao tất cả đều chạy hoặc bay cùng về một hướng, ta nên theo sau để xem cho biết!

Ông liền đi theo, chỉ một lát sau, gặp hồ nước lớn tên là Dã Sanh, nước hồ sắp cạn, bày nhiều tôm cá.

Thấy vậy lòng ông thương xót vô cùng, lúc ấy một vị thần cây hiện nữa thân hình nói rằng: Hay thay, hay thay! Ông có thật tên là Lưu Thủy chăng?

Nếu đúng thì nên thương xót giúp cho các loài cá này có nước để sống. Danh từ Lưu Thủy có hai ý nghĩa, một là làm cho dòng nước lưu thông, hai là cấp nước.

Ông nên thuận theo tên mình mà làm!

Lưu Thủy bèn hỏi: Có bao nhiêu cá sống trong hồ này?

Thần cây liền đáp: Khoảng mười ngàn con.

Lưu Thủy nghe thế càng thêm bi cảm. Lúc ấy do ánh Mặt Trời nóng đốt, nên nước trong hồ không còn bao nhiêu, mười ngàn cá này hầu như sắp chết, bơi lội xoay trở vô cùng khó khăn. Thấy Trưởng Giả Tử, bầy cá lóe lên một tia hi vọng, nhìn theo không rời.

Lưu Thủy thấy vậy, chạy quanh tìm nước, nhưng không thể nào. Nhìn thấy gần đó có một cây cao, ông liền trèo lên bẻ vài cành lá che nắng rồi tìm nguồn nước của hồ. Đi mãi ông mới gặp được dòng sông tên là Thủy Sanh.

Những ngư dân sống ở hai bên bờ, vì muốn bắt cá, nên tại một đoạn hiểm yếu ở vùng thượng lưu sông này, họ khơi một nhánh, dẫn nước chảy về hướng khác mà không cho chảy xuống vùng hạ lưu. Chỗ khơi này rất khó ngăn đắp lại.

Lưu Thủy suy nghĩ: Vực này rất sâu và thật hiểm yếu, dẫu trăm ngàn người thi công ba tháng chưa chắc đã xong, huống chi mình ta!

Ông liền về thành, vào diện kiến Vua.

Vào đến Hoàng Cung, ông lễ lạy Vua, rồi đứng một bên, chắp tay thưa rằng: Thần đã chữa lành các bệnh cho dân trong khắp đất nước, khiến cho mọi người đều được an ổn.

Một hôm thần đi đến vùng đầm vắng tên là Dã Sanh, nước trong đầm này sắp bị khô cạn, bầy cá mười ngàn con sống trong đó, hằng ngày mặt trời thiêu đốt sắp chết. Cúi xin Đại Vương từ bi thương xót, giúp cho hai mươi thớt voi to lớn, gấp đến chuyển nước vào đầm cứu sống bầy cá, như thần đã ban thọ mạng cho những người bệnh.

Nhà Vua lập tức ra lệnh cho một Đại Thần trong triều giao đủ đại tượng cho vị y vương.

Đại Thần nhận lệnh, thưa Trưởng Giả Tử: Hay thay Đại Sĩ! Ngài đến chuồng voi, tùy ý chọn lấy đủ hai mươi con để cứu chúng sanh!

Thế là Lưu Thủy cùng hai con nhận hai mươi thớt voi, lại vào những nhà bán rượu mượn các túi da, cuối cùng đến chỗ khơi dòng lấy nước cho voi chuyên chở đổ vào đầm cạn. Không bao lâu sau, đầm lại đầy nước như xưa. Trưởng Giả Tử dạo quanh đầm nhìn ngắm, đàn cá cũng tụ ven bờ bơi theo.

Trưởng Giả Tử nghĩ: Vì sao đàn cá lại bơi theo ta, chắc chúng bị đói, muốn xin thức ăn, ta nên cho chúng.

Lưu Thủy liền nói với các con rằng: Các con hãy chọn một voi mạnh nhất, đi gấp về nhà thưa với ông nội, tất cả những gì ăn được trong nhà, kể cả phần ăn của cha và mẹ, vợ con nô tì đều cho phép gom hết mang đến đây.

Hai người vâng lời, chọn một con voi khỏe nhất, trở về thưa với ông nội như thế, rồi gom tất cả những gì ăn được, đặt lên lưng voi, nhanh chóng trở lại. Thấy hai con về, Lưu Thủy vô cùng mừng vui, vội lấy thức ăn tung rải vào đầm, khiến đàn cá kia thọ dụng no đủ.

Ông lại suy nghĩ: Ngày nay ta thí thức ăn, cứu sống đàn cá, nguyện đời sau ta ban cho pháp thực cứu giúp vô biên.

Ngày trước bên khu rừng vắng, ta thấy một vị Tỳ Kheo đọc tụng Kinh Điển Đại Thừa, và thuyết pháp yếu mười hai nhân duyên vô cùng sâu xa.

Trong kinh có dạy: Nếu lúc lâm chung, người nào nghe được danh hiệu của đức Bảo Kế Như Lai, thì sẽ được sanh về các Cõi Trời.

Do đó hôm nay, ta nên giảng thuyết mười hai duyên khởi sâu xa vi diệu cho đàn cá này, đồng thời xưng niệm danh hiệu Bảo Kế Như Lai. Cõi Diêm Phù này có hai hạng người, một là tin kính Đại Thừa, hai là không tin mà còn hủy báng, nhưng ta cũng nên giúp hạng người này phát khởi lòng tin. ta nên vào đầm giảng nói pháp yếu sâu xa nhiệm mầu cho đàn cá nghe.

Thế là ông vào đầm nước xướng rằng: Nam Mô Quá Khứ Bảo Kế Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Ngày xưa khi còn tu hạnh Bồ Tát, Đức Phật này đã lập nguyện: Hễ những chúng sanh trong các Quốc Độ cùng khắp mười phương, nếu lúc lâm chung nghe danh hiệu ta, sau khi mạng chung sẽ sanh về Cõi Trời Ba Mươi Ba.

Lưu Thủy lại vì đàn cá giảng nói diệu pháp sâu xa: Vì đây có nên kia có, vì đây sanh nên kia sanh.

Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên Lão Tử sầu bi khổ não.

Đây diệt nên kia diệt, tức là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử diệt, lão tử diệt thì sầu bi khổ não diệt, như thế các uẩn thuần khổ đều diệt.

Nói xong Lưu Thủy lại thuyết Thần Chú tương ưng mười hai nhân duyên như sau: ta da tha, vi cha ni, vi cha ni, vi cha ni, sam sơ cha ni, sam sơ cha ni, sam sơ cha ni, bi si ni, bi si ni, bi si ni, sa va ha. Ta da tha, na mi ni, na mi ni, na mi ni, sa va ha. Sa ti ni, sa ti ni, sa ti ni, sa va ha. Si pờ ri sa ni, si pờ ri sa ni, si pờ ri sa ni, sa va ha. Ta da tha, vê đa ni, vê đa ni, vê đa ni, sa va ha. Tri si ni, tri si ni, tri si ni, u pa đi ni, u pa đi ni, u pa đi ni, sa va ha. Ta da tha, ba va ni, ba va ni, ba va ni, sa va ha. Ta da tha, ja ti ni, ja ti ni, ja ti ni, sa va ha, jam ma ni ni, jam ma ni ni, jam ma ni ni, sa va ha.

Nghe Thế Tôn nói nhân duyên ngày xưa của Trưởng Giả Tử, tất cả Trời người đều ca ngợi là việc chưa từng có.

Lúc ấy tại tòa, bốn vị Thiên Vương đồng thuyết kệ rằng:

Quí thay Thích Ca Tôn!

Thuyết Thần Chú diệu pháp

Sanh phước trừ nghiệp ác

Tương ưng mười hai chi.

Nay chúng con cũng thuyết

Thần Chú hộ pháp này

Nếu kẻ nào trái nghịch

Không khéo léo tùy thuận

Đầu sẽ vỡ bảy phần

Giống như ngọn Lan hương.

Chúng con đối trước Phật

Cùng thuyết Thần Chú rằng:

Ta da tha, hi ri ni, ga tê, gan đa ri, chan đa ri, đi ri jăm va rê, si ha rê, pua rê, pua rê, gu gu ma ti, khi ra ma ti, đa đi mu khi, lâu ru ba, ku cha mu ru kan tê, đu ru, đu ru, đu ru, vi ri a, ai đi si, đa đê vê, đa đa vê, u si tri, u si tra va ti, át sa pờ ra ha ti, pát ma va ti, ku su ma va tê, sa va ha.

Đức Phật lại bảo thần cây Bồ Đề: Trưởng Giả Lưu Thủy cùng với hai con vào đầm thí nước, thức ăn và thuyết diệu pháp cho đàn cá rồi, liền trở về nhà. Sau đó, nhân một lễ hội, ông xem múa hát, uống rượu say nằm. Lúc ấy trong đầm, đàn cá mười ngàn con cũng đều chết, đồng sanh lên Cõi Trời Ba Mươi Ba thành các vị Trời.

Các vị Trời này đồng một suy nghĩ: Vì nhân duyên gì mà chúng ta được sanh lên Cõi Trời?

Họ cùng nói với nhau rằng: Trước kia chúng ta đọa vào bàng sanh, làm thân loài cá, sống cõi Diêm Phù.

Nhờ có Trưởng Giả Lưu Thủy thí cho chúng ta nước và thức ăn, lại thuyết pháp yếu mười hai duyên khởi sâu xa vi diệu và Đà La Ni, lại vì chúng ta mà niệm danh hiệu Đức Phật Bảo Kế, nên chúng ta mới được sanh Cõi Trời. Vậy chúng ta nên đến nhà Trưởng Giả, cúng dường báo ân. Thế là mười ngàn vị Trời xuống cõi Diêm Phù, đến nhà Y Vương.

Bấy giờ Lưu Thủy đang ngủ trên lầu, mười ngàn vị Trời bèn đặt bên đầu, dưới chân, hông phải, hông trái Trưởng Giả, mỗi nơi mười ngàn xâu chuỗi chân châu, rồi đồng tuôn mưa hoa mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la ngập đến đầu gối, phóng ánh sáng rực, trỗi lên các loại nhạc Trời phát ra âm thanh hay tuyệt, làm cho những người đang ngủ say ở Cõi Diêm Phù Đề và Trưởng Giả Tử cũng đều tỉnh giấc.

Sau khi cúng dường, các vị Trời này vọt lên hư không bay đi đâu mất. Cõi nước của Vua Thiên Tự Tại Quang, nơi nơi đều mưa hoa sen Cõi Trời. Mười ngàn vị Trời bấy giờ bay đến khu đầm ngày xưa, tuôn các hoa Trời, rồi về Thiên Cung thọ hưởng năm dục.

Đến sáng hôm sau, Vua hỏi các quan: Vì sao đêm qua bỗng nhiên lại hiện điềm lành hiếm có là tỏa ánh sáng rực rỡ như thế?

Một Đại Thần đáp: Kính tâu Đại Vương! Đêm qua Chư Thiên đến nhà Trưởng Giả Lưu Thủy tuôn xuống bốn mươi bốn ngàn xâu chuỗi chân châu, đồng thời rải hoa Trời mạn đà la ngập đến đầu gối.

Vua bảo Đại Thần gọi Lưu Thủy đến. Đại Thần vâng mệnh, đến nhà truyền chỉ, gọi Trưởng Giả Tử vào triều diện kiến, Lưu Thủy liền vào.

Vua hỏi Lưu Thủy: Vì lí do gì đêm qua có điềm lành hi hữu hiện?

Trưởng Giả Tử tâu: Theo thần suy nghĩ, nhất định đàn cá trong đầm kia đã thoát thân bàng sanh, được sanh lên Cõi Trời Ba Mươi Ba, vì đến báo ân nên hiện điềm lành hi hữu như thế!

Vua lại hỏi rằng: Lấy gì nghiệm biết?

Lưu Thủy liền đáp: Đại Vương có thể sai sứ đi cùng hai con của thần đến đó nghiệm xét, đàn cá đã chết hay chưa!

Vua liền y lời. Khi đến bên đầm, ba người nhìn thấy hoa mạn đà la chất thành đống lớn, đàn cá đã chết. Ba người trở về trình tâu đầy đủ. Vua rất vui mừng, ca ngợi là việc xưa nay chưa có.

Đức Phật lại bảo: Thiên Nữ nên biết, Lưu Thủy khi xưa, nay chính là ta, Trưởng Giả Trì Thủy chính là Diệu Tràng, người con lớn Thủy Mãn là Ngân Tràng, người con thứ Thủy Tạng là Ngân Quang, Vua Thiên Tự Tại Quang chính là cô, thần cây Bồ Đề, mười ngàn con cá tức là mười ngàn Thiên Tử được ta thọ kí hôm nay.

Do ngày xưa ta dẫn nước cứu cá, bố thí thức ăn giúp chúng no đủ, lại thuyết mười hai nhân duyên sâu xa và Đà La Ni, cùng xưng danh hiệu Bảo Kế Như Lai mà chúng cùng được sanh về Cõi Trời. Ngày hôm nay họ lại đến chỗ ta hoan hỉ nghe pháp, nên ta thọ kí Vô Thượng Bồ Đề và nói danh hiệu.

Thiên Nữ! Ngày xưa ta còn luân hồi sanh tử, đã làm lợi ích rộng lớn như thế. Hôm nay Như Lai cũng sẽ thọ kí vô lượng chúng sanh thứ tự thành Phật. Thiên Nữ phải nên siêng cầu xuất li, tâm chớ buông lung.

Nghe Thế Tôn dạy, mọi người đều hiểu, do lòng đại bi cứu giúp chúng sanh, siêng năng tu tập hạnh khổ mới chứng vô thượng bồ đề. Do đó tất cả vui mừng tin nhận, phát tâm sâu nặng cầu đạo Bồ Đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần