Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Bốn - Phẩm Ba Bài Kệ Số Hai - Chuyện Con Hạc Tiền Thân Satapatta

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BA  

PHẨM BỐN

PHẨM BA BÀI KỆ SỐ HAI  

CHUYỆN CON HẠC

TIỀN THÂN SATAPATTA  

Như chàng trai trẻ trên đường. Chuyện này do Bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về Panduka và Lohita.

Có sáu người ngoại đạo, hai người là Mettiya và Bhummaja sống gần Vương Xá.  Hai người là Assaji và Punabbasu ở gần Kitàriji và hai người sống ở Kỳ Viên gần Xá Vệ là Panduka và Lohita.

Họ thường hạch hỏi những vấn đề nằm trong học thuyết.

Hễ ai là bè bạn thân thiết với họ thì họ khích lệ và bảo: Này bạn, bạn chẳng thua kém ai ở đây về thọ sanh, dòng dõi và phẩm chất, nếu bạn phát biểu ý kiến của bạn, người ta sẽ học hỏi nhiều điều hay ở bạn đấy.

Một mặt họ bảo như thế, một mặt họ lại ngăn cản người kia phát biểu ý kiến của mình. Do đó sinh ra gây gổ, bất hòa tranh cãi. Các Tỳ Kheo kể lại sự việc cho Thế Tôn.

Vì thế, Ngài họp các Tỳ Kheo để giảng giải, rồi cho mời Panduka và Lohita đến hỏi: Này các bằng hữu, có phải chính bạn đòi hỏi một số vấn đề ngăn cản người ta phát biểu ý kiến của họ không?

Họ đáp: Thưa vâng.

Ngài dạy: Thế thì thái độ của các bằng hữu cũng giống như chàng trai và con Hạc. Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa. Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì xứ Ba La Nại, Bồ Tát sinh ra trong một gia đình tại một làng Kàsi. Khi Ngài lớn lên, thay vì sinh sống bằng nghề nông hay bằng nghề buôn bán, Ngài lại tụ họp năm trăm tên cướp rồi lên làm đầu đảng, sinh sống bằng cách chận đường hoặc vào nhà cướp của.

Bấy giờ có người chủ đất cho người kia vay một ngàn đồng tiền. Nhưng trước khi được trả tiền, ông ta lại chết đi.

Ít lâu sau, người vợ đang hấp hối trên giường bệnh, gọi con trai và bảo: Này con, cha con có cho người kia mượn một ngàn đồng và đã chết đi khi chưa lấy được tiền lại. Nếu mẹ chết rồi thì người kia sẽ không chịu trả cho con đâu. Bây giờ con hãy đi bảo ông ta kiếm tiền mà trả lại. Người con ra đi và đòi được tiền.

Trước đó bà mẹ đã chết nhưng vì quá thương con nên bà bỗng tái hiện thành một con chó rừng chạy trên đường đứa con đang đi. Lúc bấy giờ tên cướp và đồng bọn đang ở trên đường chờ cướp của hành khách.

Khi thấy con mình vào tới cửa rừng, con chó rừng cứ quanh quẩn lui tới tìm cách giữ anh ta lại. Con ơi chó rừng bảo chớ vào rừng, bọn cướp đang ở đấy, chúng sẽ giết con và lấy mất tiền của con.

Nhưng người con không hiểu được ý mẹ: Thật là xui anh ta bảo con chó rừng này cố cản đường ta! Thế là anh dùng gậy và dùng vài cục đất để đuổi nó đi, rồi anh ta bước vào rừng.

Lại có một con Hạc bay về phía bọn cướp và kêu lên: Người kia đang có trong tay một ngàn đồng đấy, hãy giết nó đi mà lấy tiền!

Anh bạn trẻ kia lại không biết Hạc đang làm gì nên lại nghĩ: May quá! Ðây là con chim mang điều may! Thế là ta được điều lành đây!

Anh ta kính cẩn chào và la lên: Ngài ơi, hót lên đi, hót lên đi!

Bồ Tát vốn hiểu hết mọi thứ tiếng, quan sát các sự việc và nghĩ: Con chó rừng kia phải là mẹ của người ấy nên mới cố ngăn anh ta và bảo rằng anh ta sắp bị giết và bị cướp, còn con Hạc phải là kẻ đối nghịch nên mới bảo: Giết nó đi mà lấy tiền!

Và người kia chẳng biết gì cả, đã đuổi mẹ mình là kẻ cầu mong cho mình được tốt lành. Trong khi con Hạc là kẻ chỉ mong anh ta gặp điều hung dữ thì anh ta lại tôn kính, tin rằng đó là kẻ mang cho mình may mắn!

Cái anh chàng này thật là rồ dại. Các vị Bồ Tát, dù là những Bậc Ðại Sĩ, đôi khi do sinh ra làm ác nhân, cũng lấy của cải người khác. Người ta bảo đó là một sự sai lầm trong vận mệnh.

Thế là chàng thanh niên kia tiếp tục đi và chẳng bao lâu rơi vào tay bọn cướp, Bồ Tát bắt anh ta và hỏi: Quê anh ở đâu?

Ở Ba La Nại.

Anh vừa từ đâu tới?

Một người ở trong làng kia nợ tôi một ngàn đồng và tôi từ nơi đó tới đây.

Anh đã lấy được tiền chưa?

Vâng, tôi lấy được rồi.

Ai sai anh đi?

Thưa Ngài, cha tôi đã chết, mẹ tôi đang bệnh, chính mẹ tôi đã sai tôi đi vì bà nghĩ rằng tôi sẽ không đòi được tiền khi bà đã chết.

Anh có biết bây giờ mẹ anh ra sao không?

Thưa Ngài không.

Bà đã chết sau khi anh ra đi và vì quá thương anh mà bà liền hóa thành một con chó rừng và cố ngăn anh vì sợ anh sẽ bị giết. Chính bà lại bị anh đuổi đi.

Còn con Hạc kia là một kẻ thù của anh, chính nó đến bảo chúng ta hãy giết anh và đoạt tiền của anh. Anh thật là rồ dại vì nghĩ rằng mẹ anh là kẻ cầu họa cho anh trong khi bà chỉ mong anh được tốt lành, và ngược lại, rằng con Hạc kia là kẻ cầu phúc cho anh trong khi nó lại cầu họa cho anh. Con Hạc chẳng làm gì tốt cho anh, còn mẹ anh lại rất tốt với anh.

Hãy giữ lấy tiền của anh và đi đi! Rồi Bồ Tát thả cho anh ta đi.

Khi Bậc Ðạo Sư kể xong pháp thoại này, Ngài đọc các bài kệ sau:

Như chàng trai trẻ trên đường,

chó rừng ấy đã làm chùng bước chân.

Chàng ta nhầm tưởng ác nhân,

Nào ngờ là kẻ cho chàng điều hay.

Lại nhầm Hạc chính bạn ngay,

Trong khi Hạc lại quyết bày ác mưu.

Nay có kẻ được nhiều bạn tốt,

Lại hiểu lầm sai sót bạn hiền,

Tai không nghe tiếng bạn khuyên

Những điều tốt đẹp dành riêng cho mình.

Hễ người ca tụng mới tin,

Ấy điều hung xấu đã liền hé ra:

Như chàng trai trẻ ngày xưa

Yêu con Hạc nọ bay qua đầu mình.

Khi Bậc Ðạo Sư diễn giảng xong đề tài này, Ngài nhận diện tiền thân: Bấy giờ tướng cướp chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần