Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bốn - Phẩm Một - Phẩm Bốn Bài Kệ Số Một - Chuyện Thần Cây Hồng điệp Tiền Thân Palàsa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BỐN  

PHẨM MỘT

PHẨM BỐN BÀI KỆ SỐ MỘT  

CHUYỆN THẦN CÂY HỒNG ĐIỆP

TIỀN THÂN PALÀSA  

Bà La Môn, sao người có trí. Bậc Ðạo Sư lúc sắp diệt độ đã kể chuyện này về Trưởng Lão Ànanda.

Tôn Giả Ànanda biết rằng ngay trong đêm ấy, bậc Ðạo Sư sẽ diệt độ bèn tự bảo: Ta còn phải giữ giới luật, còn nhiều công hạnh phải thực hiện. Bậc Ðạo Sư chắc chắn sẽ diệt độ rồi. Thế là công việc trong suốt hai lăm năm qua ta cung phụng Ngài sẽ chẳng có kết quả gì.

Tràn ngập sầu bi, Trưởng Lão gục vào then cửa có chạm hình đầu khỉ của phòng chứa đồ trong vườn và khóc nức nở. Bậc Ðạo Sư thấy vắng Ànanda liền hỏi các Tỳ Kheo vị ấy ở đâu.

Sau khi nghe thuật lại, Ngài gọi vị ấy vào và bảo: Này Ànanda, ông đã tích trữ cả một kho công đức. Hãy tiếp tục tinh cần rồi ông sẽ được thoát khỏi khổ đau của đời người. Chớ nên sầu bi.

Làm sao sự phụng dưỡng của ông đối với ta bây giờ không có kết quả được, bởi vì những sự phụng dưỡng của ông trước kia trong những ngày ông còn mang tội lỗi đã không phải là không được đáp đền.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa. Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sinh ra mang hình hài của một Thần cây hồng điệp. Bấy giờ, dân chúng ở Ba La Nại rất sùng kính các vị thần như thế và vẫn thường đến cúng kiến.

Một người Bà La Môn nghèo khó kia tư nghĩ: Ta cũng sẽ đi cúng bái thần linh. Rồi ông ta tìm được một cây hồng điệp lớn mọc trên chỗ đất cao. Ông rải sỏi đá rồi quét tước xung quanh, săn sóc rễ cây sạch sẽ, nhổ cỏ.

Ông dâng cúng một tràng đủ năm loại hoa thơm rồi đốt một cây nến làm lễ dâng hương hoa.

Sau khi cung kính dâng thánh lễ, ông nói: Mong Ngài được an bình. Rồi ông bỏ đi. Ngày hôm sau ông lại đến thật sớm và ân cần chúc hỏi.

Một hôm, Thần cây chợt nghĩ: Người Bà La Môn này chăm sóc ta rất kỹ lưỡng. Ta sẽ thử lòng ông ta và tìm xem tại sao ông ta tôn kính ta rồi sẽ ban cho ông điều ước muốn của ông.

Thế là khi người Bà La Môn ấy đến quét tước quanh gốc rễ cây, Thần liền hóa thành một Bà La Môn lớn tuổi đứng gần đó và đọc bài kệ đầu:

Bà La Môn, sao người có trí

Lại hỏi han cây chỉ vô tri?

Lời cầu, lời chúc ra chi!

Cây trong thảm ấy đáp gì người đâu!

Nghe thế, người Bà La Môn ấy trả lời bằng bài kệ thứ hai:

Cây nổi tiếng từ lâu vẫn đứng

Chỗ an cư của những vị thần.

Thần kia tôi kính muôn vàn,

Chắc rằng thần giữ kho tàng nơi đây.

Vị Thần cây nghe thế rất bằng lòng về ông ta liền bảo: Này Bà La Môn, ta sinh ra là vị Thần của cây này.

Ðừng sợ ta, ta sẽ cho người kho tàng ấy.

Và để làm an lòng ông, Thần thể hiện thần lực, đứng lơ lửng trên không tại cổng vào lâu đài của mình và đọc thêm hai bài kệ:

Bà La Môn tâm đầy từ ái

Chính ta đây ghi lấy việc người

Hành vi sùng đạo trên đời,

Bao giờ kết quả cũng thời xứng cân.

Cây sung kia đổ tràn bóng mát

Xứng cùng bao tặng vật, cúng dường.

Dưới cây chôn một kho tàng

Phần người được thưởng, đào vàng mà xin.

Ngoài ra, Thần còn nói thêm: Này Bà La Môn, nếu người phải đào kho tàng lên và mang theo thì người sẽ vất vả quá. Vậy hãy ra đi trước, rồi ta sẽ mang kho tàng về nhà người và để tại chỗ kia. Thế là người được hưởng kho báu ấy suốt đời. Hãy bố thí và hãy giữ tròn đạo hạnh.

Sau khi khuyên dụ người Bà La Môn như thế, vị Thần cây liền thực hiện thần lực chuyển kho tàng vào trong nhà của người ấy.

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, Ànanda là người Bà La Môn, còn ta là vị Thần cây.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần