Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Một - Phẩm Sankappa - Chuyện Vua Rắn Manikantha Tiền Thân Manikantha

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BA  

PHẨM MỘT

PHẨM SANKAPPA  

CHUYỆN VUA RẮN MANIKANTHA

TIỀN THÂN MANIKANTHA  

Mọi đồ ăn thức uống. Câu chuyện này, khi ở điện thờ Aggàlava gần Àlavi, Bậc Ðạo Sư đã kể về học giới xây dựng các am thất. Bấy giờ, các Tỳ Kheo ở Àlavakà có tánh thích cầu xin, đang làm các chòi lá cho mình.

Họ cầu xin nhiều, gợi ý và khi mở miệng, họ luôn luôn nói: Hãy cho một người làm công quả. Hãy cho một người phụ giúp làm chòi. Mọi người quá bực mình vì sự cầu xin, gợi ý này đến nổi khi thấy các Tỳ Kheo, họ liền sợ hãi và hoảng hốt bỏ chạy.

Rồi Tôn Giả đại Ca Diếp đến Àlavi, và đi quanh thị trấn để khất thực. Dân chúng thấy Trưởng Lão cũng bỏ chạy như trước.

Trưởng Lão ăn xong, trên đường khất thực trở về, liền gọi các Tỳ Kheo và hỏi: Này các Hiền Giả, xưa kia Àlavi là nơi dễ nhận đồ khất thực.

Nay vì sao nó trở thành khó khất thực như vậy?

Khi Tôn Giả nghe nói lý do, liền đi đến gặp Thế Tôn đang ở tại điện Aggàlava và thuật lại câu chuyện.

Bậc Ðạo Sư nhân lý do này đã họp chúng Tỳ Kheo, và hỏi các Tỳ Kheo ở Àlavi: Có thật chăng, này các Tỳ Kheo, các ông có tánh thích cầu xin mọi người giúp đỡ vì nay đang làm các chòi?

Họ trả lời: Bạch Thế Tôn, có thật vậy.

Bậc Ðạo Sư quở trách họ và nói thêm: Này các Tỳ Kheo, ngay trong thế giới loài rắn, có đầy đủ bảy món báu, sự cầu xin này cũng làm phật ý chúng còn nói gì loài người?

Ðối với dân chúng, lấy cho được một đồng tiền vàng, cũng thật khó không khác gì lột da từ hòn đá!

Rồi Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra trong một gia đình Bà La Môn giàu có. Khi Bồ Tát đến tuổi chạy chơi, mẹ Bồ Tát sanh một con trai khác có đức hạnh.

Hai anh em vừa đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ quá cố. Quá xúc động vì cha mẹ mất và thấy cuộc đời quá mong manh, họ liền xuất gia làm ẩn sĩ.

Cả hai anh em dựng chòi lá trên bờ sông Hằng và trú tại đấy. Người anh cả làm chòi lá phía trên sông Hằng, còn người em dựng chòi lá ở phía dưới sông Hằng.

Một hôm, Vua rắn thần tên là Manikantha Cổ có châu báu từ Cung Điện rắn thần đi ra, qua lại trên bờ sông Hằng giả dạng một thanh niên Bà La Môn, đến am thất của người em, đảnh lễ và ngồi xuống. Họ nói lời thăm hỏi ân cần với nhau rồi trở thành thân thiết đến độ họ không thể xa nhau được.

Vua rắn từ đó luôn luôn đến thăm người em tu khổ hạnh, mải mê trò chuyện và khi ra về, Vua rắn quyến luyến vị ấy nên đã xuất lộ nguyên hình của mình, lấy thân cuộn tròn xung quanh vị ấy, ôm ấp vị ấy với cái mào lớn đặt lên trên đầu và nằm đấy trong chốc lát cho đến khi thỏa mãn sự luyến ái, rồi rời thân bạn ra, đảnh lễ từ giã và về Cung Điện của mình.

Vị tu khổ hạnh vì quá sợ hãi Vua rắn, trở thành ốm yếu, tiều tụy xanh xao, vàng vọt, gân nổi trên da. Người em tu khổ hạnh một hôm đi đến thăm người anh.

Người anh hỏi: Sao em lại ốm yếu, tiều tụy, xanh xao, vàng vọt, gân nổi trên da như vậy?

Người em tường thuật câu chuyện cho anh rõ.

Người anh hỏi: Em có thích con rắn ấy đến với em không?

Người em trả lời: Em không muốn!

Vua rắn ấy khi đến với em, có mang đồ trang sức không?

Nó có mang một hòn ngọc quý.

Ðược rồi! Vậy khi Vua rắn đến thăm em, khi nó chưa ngồi, em liền xin: Hãy cho tôi hòn ngọc! Như vậy con rắn ấy sẽ không quấn thân xung quanh em nữa đâu và nó sẽ bỏ đi. Ngày mai lại, em sẽ đứng nơi cửa am xin hòn ngọc ấy khi nó vừa đến. Ngày thứ ba, khi nó vừa ra khỏi nước, trên bờ Sông Hằng, em hãy xin hòn ngọc ấy. Như vậy nó sẽ không đến thăm em nữa.

Người em tu khổ hạnh đáp: Lành thay! Và vị ấy đi về chòi lá của mình.

Theo đúng lời dặn, ngày hôm sau, khi Vua rắn ấy đến, chỉ vừa đứng lại, người em liền xin: Hãy cho tôi hòn ngọc báu trang sức của bạn. Vua rắn ấy không kịp ngồi xuống liền vội vàng bỏ chạy.

Ngày kế tiếp, người em đứng lại cửa am, khi Vua rắn vừa đến, liền hỏi: Hôm qua, bạn không cho tôi hòn ngọc báu.

Vậy hôm nay, bạn phải cho tôi! Con rắn không đi vào am mà lập tức bỏ chạy.

Ðến ngày thứ ba, khi Vua rắn ấy mới nổi lên trên mặt nước, người em liền nói: Hôm nay là ngày thứ ba tôi xin ngọc.

 Hôm nay, hãy cho tôi ngọc báu này!

Vua rắn đứng ở mặt nước, từ chối qua hai bài kệ này:

Mọi đồ ăn và thức uống

Ðược sung mãn, đầy tràn,

Chính do hòn ngọc báu

Ðem lại cho ta vậy.

Bạn cầu xin quá nhiều,

Ta không muốn cho bạn.

Ta sẽ không đi đến

Am thất bạn nữa đâu.

Như đứa trẻ cầm tay

Một hòn sạn trơn láng,

Bạn làm ta sợ hãi

Khi xin hòn ngọc này!

Bạn cầu xin quá nhiều,

Ta không muốn cho bạn.

Ta sẽ không đi đến

Am thất bạn nữa đâu.

Nói vậy xong, Vua rắn lặn xuống nước đi về Cung Điện của mình, không bao giờ trở lại nữa.

Còn người tu khổ hạnh ấy, vì không thấy Vua rắn xinh đẹp của mình nên lại ốm yếu, tiều tụy, xanh xao, vàng vọt, gân nổi trên da nhiều hơn nữa.

Người anh tu khổ hạnh muốn biết tin tức của em, đi đến thăm, thấy em lại càng vàng vọt hơn trước liền hỏi: Tại sao em lại ốm yếu hơn trước?

Vị kia đáp: Bởi vì em không còn được thấy con rắn xinh đẹp ấy nữa.

Người anh nghe vậy liền suy nghĩ: Người tu khổ hạnh này không thể sống mà không có Vua rắn ấy!

Và vị ấy đọc bài kệ thứ ba:

Chớ cầu xin người nào

Mà mình thường yêu mến,

Vì nếu xin quá nhiều

Mình trở thành đáng ghét!

Phạm Chí này xin mãi

Hòn ngọc của rắn thần,

Nên nó không trở lại

Ðể thăm viếng nữa đâu!

Sau đó, người anh tu khổ hạnh an ủi em: Thôi từ nay em chớ sầu muộn nữa.

Rồi vị ấy đi về am thất của mình. Sau một thời gian tu tập, cả hai anh em đạt các thắng trí và các thiền chứng, cuối cùng khi mệnh chung được sanh lên Cõi Trời Phạm Thiên.

Bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, như vậy ngay tại Cung Điện loài rắn có đầy đủ bảy báu vật, nhưng các loại rắn cũng rất ghét cầu xin, còn nói gì loài người!

Sau khi thuyết pháp thoại này xong, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, người em là Ànanda, còn người anh cả là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần