Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Chín - Phẩm Chín Bài Kệ - Chuyện Cậu Bé Có Tài Nhận Dấu Chân Tiền Thân Padakusalamànava

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG CHÍN  

PHẨM CHÍN BÀI KỆ  

CHUYỆN CẬU BÉ CÓ

TÀI NHẬN DẤU CHÂN

TIỀN THÂN PADAKUSALAMÀNAVA  

Pàta bị cuốn bởi Sông Hằng. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi trú tại Kỳ Viên về một cậu bé. Người ta đồn cậu bé ấy là con của một gia chủ tại Sàvatthi, chỉ có bảy tuổi đã có tài nhận ra dấu chân.

Bấy giờ cha cậu bé có ý định thử tài con, liền đi đến nhà người bạn mà không cho cậu biết. Cậu bé chẳng cần hỏi cha đã đi đâu, cứ theo vết chân của cha cậu, đến đứng trước mặt cha.

Vì thế một hôm cha cậu hỏi: Khi cha ra đi mà không nói với con, làm thế nào mà con biết cha đi đâu?

Thưa cha, con nhận ra dấu chân của cha. Con có tài về chuyện này. Sau đó, cha cậu lại muốn thử cậu, liền ra khỏi nhà sau khi ăn sáng, đi vào nhà kế cận, từ đó qua một nhà khác, từ nhà thứ ba ông lại quay về nhà mình, rồi sau đó đi ra cổng Bắc, xong đi một vòng quanh thành phố từ phải sang trái. Khi đến Kỳ Viên, ông đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ngồi xuống nghe pháp.

Cậu bé hỏi cha ở đâu, và người nhà bảo: Ta không biết. Cậu lần theo dấu chân cha bắt đầu từ nhà bên cạnh đi theo đúng con đường cha cậu đã đi qua. Sau khi đánh lễ bậc Ðạo Sư, cậu đứng trước mặt cha.

Và cha hỏi làm sao con đến đây được, cậu đáp: Con nhận ra dấu chân cha và lần theo dấu ấy đến đây.

Người cha nói: Bạch Thế Tôn, thằng bé này có tài nhận ra dấu chân. Muốn thử nó, con đã đến đây theo cách như vậy như vậy. Nó không thấy con ở nhà, cứ lần theo dấu chân đến đây.

Bậc Ðạo Sư bảo: Không lạ gì việc nhận ra dấu chân dưới đất. Các bậc trí nhân ngày xưa nhận ra dấu chân trên không gian. Và theo lời thỉnh cầu, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Thời xưa dưới triều Vua Brahmadatta ở Ba La Nại, vị chánh hậu bị Vua chất vấn sau khi phạm tội tà dục, liền tuyên thệ: Nếu thần thiếp phạm tội với Chúa Thượng, thần thiếp sẽ trở thành một con quỷ cái Dạ Xoa có mặt ngựa. Sau khi chết, bà trở thành con quỷ cái có mặt ngựa sống trong hang đá ở một khi rừng rậm dưới chân núi và thường bắt những người qua lại trên con đường từ biên giới Ðông sang Tây để ăn thịt.

Chuyện kể rằng sau khi phục vụ Thiên Vương Vessavana Tỳ Sa Môn suốt ba năm, quỷ cái này được phép ăn thịt người trong một khu vực dài ba mươi dặm, rộng năm dặm.

Một hôm, một vị Bà La Môn giàu sang, đẹp trai được một đoàn tuỳ tùng đông đảo hộ tống đi lên con đường ấy. Dạ Xoa liền thấy chàng liền cười lớn chạy xuống chụp chàng, còn đám tùy tùng chạy trốn cả.

Với tốc lực nhanh như gió, quỷ cái bắt được chàng Bà La Môn ném lên lưng nó và đưa vào hang. Do xúc chạm với chàng trai, quỷ cái bị lòng dục chi phối và cảm thấy yêu mến chàng, nên thay vì ăn thịt chàng, nó lại lấy chàng làm chồng và cả hai sống hoà hợp với nhau.

Từ đó mỗi khi quỷ cái bắt được đàn ông, nó lấy áo quần, lúa gạo, dầu mỡ cùng với mọi thứ khác phục vụ chàng đủ món cao lương mỹ vị, còn nó vẫn ăn thịt người.

Khi nào nó đi xa, nó sợ chàng trốn thoát, nên vẫn lấy hòn đá lớn đậy miệng hoang trước khi đi. Trong thời gian họ sống an vui như vậy, thì Bồ Tát vừa từ giã từ đời trước và nhập vào mẫu thai của quỷ cái với vị Bà La Môn.

Sau mười tháng, quỷ cái sinh một con trai, nó vô cùng thương yêu cả vị Bà La Môn lẫn hài nhi, nên nuôi nấng họ chu đáo. Dần dần khi cậu bé lớn lên, quỷ cái đặt con vào trong hang với cha, rồi đóng cửa lại. Một hôm Bồ Tát biết mẹ đã đi xa liền giở hòn đá lên và đưa cha ra ngoài.

Khi quỷ cái trở về, hỏi ai đã giở hòn đá, cậu bé đáp: Thưa mẹ, chính con, vì cha và con không thể ngồi trong tối mãi. Do thương con, quỷ cái không nói lời nào nữa.

Một hôm Bồ Tát hỏi cha: Thưa cha, miệng cha khác với miệng mẹ, vì sao vậy?

Con ơi, mẹ con là quỷ Dạ Xoa sống bằng thịt người, còn cha là con người.

Nếu vậy, tại sao ta sống ở đây?

Mau lên, chúng ta quyết trở về nơi chốn loài người. Con ơi, nếu ta cố chạy trốn, mẹ con sẽ giết chết cả hai ta đấy.

Bồ Tát an ủi cha và bảo: Cha đừng sợ, việc đem cha trở về chốn loài người là phận sự của con. Hôm sau, khi mẹ cậu đã ra đi, cậu đem cha chạy trốn.

Khi quỷ cái trở về thấy thiếu họ, nó liền chạy như gió bắt họ lại và nói: Này chàng Bà La Môn, tại sao chàng bỏ chạy, chàng có thiếu gì ở đây chăng?

Nàng ơi, xin đừng giận ta. Con nàng đem ta đi theo nó đấy. Quỷ cái không nói gì thêm, do lòng thương con, nó an ủi hai cha con và mang họ trở về hang sau vài ngày bay vùn vụt.

Bồ Tát suy nghĩ: Mẹ ta chắn hẳn phải có một ranh giới hoạt động. Giả sử ta hỏi mẹ về ranh giới mà mẹ có quyền hạn, rồi ta sẽ đi trốn bằng cách vượt qua ranh giới đó.

Vì vậy, hôm ngồi kính cẩn bên mẹ, Ngài hỏi: Mẹ ơi, những gì thuộc về mẹ đều truyền cho con. Vậy mẹ nói cho con biết ranh giới vùng đất của ta.

Quỷ cái liền cho biết mọi phạm vi đất đai núi rừng ở mọi hướng và chỉ rõ khu vực dài ba mươi dặm rộng năm dặm ấy, xong lại bảo: Hãy xem nó nhiều như vậy đấy con à. Sau hai ba ngày, khi mẹ đã vào rừng, Ngài cõng cha lên vai và chạy nhanh như gió theo dấu hiệu mẹ Ngài đã cho biết, Ngài đến bờ sông làm ranh giới. Quỷ cái trở về thấy thiếu họ liền đuổi theo.

Bồ Tát mang cha ra giữa sông, còn quỷ cái đứng bên bờ thấy họ đã vượt phạm vi của nó, đành phải đứng lại và kêu: Con yêu quý ơi, hãy đến đây cùng với cha con.

Mẹ có lỗi lầm gì nào?

Có việc già không vừa lòng con về phương diện nào?

Xin chàng hãy trở về mau! Quỷ cái van xin chồng con như vậy. Vị Bà La Môn đã qua bên kia sông.

Quỷ cái lại khẩn cầu con: Con yêu quý ơi, đừng làm như vậy.

Hãy trở lại mau! Mẹ ơi, cha và con là người, còn mẹ là quỷ Dạ Xoa. Cha và con không thể ở mãi với mẹ được.

Thế con không muốn trở lại à?

Không mẹ ơi! Vậy nếu con không muốn trở lại mà sống trên Thế Giới loài người khổ lắm con ạ, những người không biết nghề gì thì không thể sống được.

Mẹ có phép thuật cao cường, nhờ thần lực đó, ta có theo dõi dấu chân của người đã đi qua sau mười hai năm. Ðiều này sẽ làm kế sinh nhai của con. Này con, hãy nhận lấy phép thuật cao giá này. Mặc dù lòng nặng trĩu đau buồn, do lòng thương con, quỷ cái cũng trao Thần Chú cho con.

Bồ Tát đứng giữa sông chắp hai tay lại kính cẩn nhận Thần Chú và vái chào mẹ Ngài: Mẹ ơi, con xin từ giã mẹ.

Quỷ cái bảo: Con ơi, nếu con không trở lại, mẹ không thể sống được. Nó liền đấm vào ngực và ngay lập tức do sầu não vì con, tim nó tan nát ra nên nó chết tại chỗ. Bồ Tát biết mẹ đã chết, liền gọi cha và đi làm giàn hoả thiêu xác mẹ. Sau khi dập tắt lửa, Ngài cúng nhiều loại hoa đủ màu sắc, vừa than khóc, vừa cùng cha trở về Ba La Nại.

Quân hầu tâu trình Vua: Một cậu thanh niên có tài nhận ra dấu chân đang đứng chờ ở cửa. Khi Vua ra lệnh Ngài vào chầu, Ngài bước vào cung kính vái chào Vua.

Vua hỏi: Này Hiền hữu, khanh biết nghề gì?

Tâu Chúa Thượng, tiểu thần biết theo dõi dấu chân của người đã trộm cắp tài vật cách mười hai năm trước và bắt lấy họ. Thế thì vào đây hầu hạ trẫm. Vua bảo. Tiểu thần muốn phục vụ Chúa Thượng với tiền công mỗi ngày một ngàn đồng. Tốt lắm, này Hiền hữu, nhất định khanh sẽ phục vụ trẫm. Rồi Vua ban cho Ngài một ngàn đồng tiền mỗi ngày.

Một hôm, vị Tế Sư hoàng gia trình Vua: Tâu Chúa Thượng, chàng thanh niên chưa sử dụng xảo thuật để làm gì cả nên ta không biết chàng có tài hay không, vậy bây giờ ta quyết thử tài chàng.

Vua sẵn sàng chấp nhận. Hai vị thông báo cho các vị thủ kho và lấy các châu báu có giá trị nhất từ lầu thượng xuống, rồi sau khi đi lẩn quẩn ba vòng quanh cung điện, họ đặt cái thang trên nóc tường và theo đó đi ra ngoài.

Sau đó họ vào Pháp Đình, ngồi xuống rồi trở ra đặt cái thang trên tường và leo xuống và đi vào thành. Khi đến bờ hồ nước, họ đi vòng quanh ba vòng rào trang nghiêm rồi thả các báu vật vào hồ và trèo lên lầu thượng như cũ.

Hôm sau có tiếng huyên náo và nhiều người kêu: Các báu vật đã bị mất khỏi cung rồi.

Vua giả vờ không biết gì, triệu Bồ Tát đến bảo: Này Hiền hữu, nhiều báu vật vừa bị mất trộm khỏi cung, ta phải tìm ra dấu vết. Tâu Chúa Thượng, đối với một người có khả năng theo dấu vết bọn trộm cắp và thu hồi bảo vật cách mười hai năm trước, thì chẳng có gì thần kỳ khi tìm được tài vật chỉ mất sau một ngày đêm.

Tiểu thần quyết đem lại đủ, xin Chúa Thượng yên tâm. Vậy Hiền hữu hãy thu hồi báu vật. Tâu Chúa Thượng, được lắm.

Ngài nói xong đi đảnh lễ hương hồn mẹ, rồi vừa niệm Thần Chú vừa đứng yên trên thượng lầu, rồi trình Vua: Tâu Chúa Thượng, dấu chân của bọn trộm sẽ được tìm ra. Sau đó theo dấu chân Vua và vị Tế Sư, Ngài vào cung thất, từ đó ra đi, Ngài bước xuống khỏi thượng lầu và sau ba vòng đi quanh Hoàng Cung, Ngài đến gần cái hồ.

Ðứng bên hồ, Ngài bảo: Tâu Chúa Thượng, bắt đầu ở nơi này từ bức tường, tiểu thân thấy dấu chân trên không. Xin đem cho tiểu thần một cái thang. Sau khi nhờ đặt cái thang sát tường, Ngài leo xuống và tiếp tục theo dõi dấu vết, Ngài đến Pháp Đình. Rồi trở vào cung, Ngài bảo đặt cái thang sát tường và từ đó Ngài leo xuống đi đến hồ nước.

Sau khi đi quanh hồ nước ba lần, Ngài bảo: Tâu Chúa Thượng, bọn trộm đã vào hồ này.

Và vừa lấy báu vật ra như thể chính Ngài đặt chúng vào đó, Ngài dâng Vua và trình: Tâu Chúa Thượng, hai đạo tặc này là người đặc biệt, chúng đã vào cung bằng cách này. Quần Thần búng ngón tay biểu lộ hân hoan cực độ và rất nhiều khăn quàng tung vẫy lên.

Vua suy nghĩ: Có lẽ chàng trai này theo dõi dấu chân nên biết nơi bọn trộm cất báu vật, nhưng chàng không bắt được chúng.

Sau đó Vua phán: Hiền hữu đã mang lại ngay báu vật được bọn trộm mang đi, nhưng khanh có thể bắt bọn trộm và đưa chúng cho trẫm chăng?

Tâu Chúa Thượng, bọn trộm ở đây, chúng không ở đâu xa.

Chúng là ai thế?

Tâu Ðại Vương, bất cứ ai thích đều có thể làm kẻ trộm cả.

Ðại Vương đã thu hồi báu vật rồi, sao Ðại Vương còn muốn bắt trộm làm gì nữa?

Xin Ðại Vương hỏi chuyện ấy. 

Này Hiền hữu, trẫm ban cho khanh mỗi ngày một ngàn đồng tiền, vậy hãy đem bọn trộm đến cho trẫm.

Tâu Chúa Thượng, khi đã thu hồi báu vật, thì cần gì bắt bọn trộm nữa?

Này Hiền hữu, đối với mọi người, bắt bọn trộm còn quan trọng hơn thu hồi báu vật.

Thế thì, tâu Chúa Thượng, tiểu thần sẽ không tâu với Chúa Thượng: Bọn trộm là những người này, người nọ, nhưng tiểu thần sẽ kẻ một chuyện xảy ra đã lâu. Nếu Chúa Thượng thông thái, Chúa Thượng sẽ biết ý nghĩa của nó. Rồi sau đó Ngài kể một chuyện cổ.

Chuyện vũ công Pàtala

Tâu Ðại Vương, ngày xưa có một vũ công tên là Pàtala sống không xa thành Ba La Nại, trong một ngôi làng bên bờ sông. Một hôm y vào Ba La Nại cùng với vợ, và sau khi kiếm tiền được nhờ múa hát, y ăn cơm uống rượu no say vào dịp lễ hội chấm dứt.

Trên đường về làng cũ, y đến bờ sông ngồi ngắm dòng nước chảy vừa uống rượu nồng. Trong lúc đang say không biết mình sức yếu, y bảo: Ta sẽ buộc ống sáo lớn vào cổ và đi xuống sông. Y dắt vợ trong tay bước dần xuống sông. Nước vào trong các lỗ ống sáo, rồi sức nặng của ống sáo làm y bắt đầu chìm xuống.

Nhưng khi vợ thấy y chìm dần, nàng bỏ mặc y, bước lên khỏi sông và đứng trên bờ. Vũ công Pàtala lúc chìm lúc nổi và bụng trướng lên vì uống nước.

Vì vậy vợ y suy nghĩ: Chồng ta sắp chết, ta muốn xin chàng một bài hát và sẽ kiếm sống nhờ hát giữa đám đông, và nói: Chàng ơi, chàng sắp chìm xuống nước, xin hãy cho thiếp một bài hát nhờ đó thiếp tìm ra cách nuôi thân.

Rồi nàng ngâm vần kệ:

Pàta bị cuốn bởi Sông Hằng,

Ca vũ tài hoa tiếng lẫy lừng,

Chàng hỡi! Chàng trôi theo sóng nước,

Xin chàng cho thiếp khúc ca ngâm.

Lúc ấy vũ công Pàtala nói: Nàng ơi, làm sao cho nàng một khúc ca bây giờ đây?

Nước vốn là nguồn cứu khổ cho con người nay đang giết ta.

Và y ngâm một vần kệ:

Những người đang bất tử mê man,

Nhờ nước vào để cứu thương,

Ta bị chết ngay trong sóng nước,

Nơi nương tựa đã hoá tai ương!

Bồ Tát muốn giải thích vần kệ này, bảo: Tâu Ðại Vương, giống như nước là nơi nương tựa của mỗi con người, cũng vậy là Vua chúa đối với dân.

Nếu hiểm hoạ phát sinh từ Vua chúa, thì còn ai đề phòng được hiểm hoạ ấy nữa?

Tâu Ðại Vương, đây là một vấn đề bí mật. Tiểu Thần vừa kể một câu chuyện mà người hiền trí có thể hiểu được. Xin Ðại Vương có thể hiểu nó.

Này Hiền hữu, trẫm không hiểu chuyện bí mật như thế này đâu. Hãy bắt bọn trộm đến cho trẫm.

Sau đó Bồ Tát nói: Tâu Ðại Vương, thế thì xin hãy nghe chuyện này và sẽ hiểu. Rồi Ngài lại kể một chuyện khác. Chuyện người thợ gốm.

Tâu Ðại Vương, ngày xưa trong ngôi làng ngoài cổng thành Ba La Nại, có một người thợ gốm thường tìm đất sét đem về làm đồ gốm, và bao giờ cũng lấy đất sét ở một nơi mà y đào thành một cái hố sâu vào một hang núi. Bấy giờ, một hôm y đang đào đất sét, một cơn giông bão trái mùa bùng lên làm mưa rơi tầm tã, gây ngập lụt và làm sụp một bên hố khiến y bị vỡ đầu.

Y liền ngâm vần kệ, khóc than rên rĩ:

Cái vật nhờ hạt nẩy mầm

Ðể nuôi sống tất cả người trần,

Ðã làm ta vỡ đầu ra đấy,

Chỗ dựa thành tai hoạ bản thân.

Tâu Ðại Vương, giống như Đại Địa Cầu vốn là nơi nương tựa của loài người, lại làm vỡ đầu chú thợ gốm, cũng vậy, khi Vua vốn như là nơi nương tựa của toàn dân, lại đứng lên đóng vai kẻ trộm, thì còn ai có thể đề phòng hiểm hoạ ấy?

Tâu Ðại Vương, thế Ðại Vương có nhận ra tên trộm giả dạng trong câu chuyện này chăng?

Này Hiền hữu, chúng ta không cần ý nghĩa ẩn kín trong đó.

Hãy nói rõ: Ðây là tên trộm và bắt nó dẫn đến giao cho trẫm.

Vẫn bảo vệ nhà Vua và không nói thành lời: Chính Ðại Vương là tên trộm, Ngài lại kể một chuyện khác. Chuyện ngọn lửa. Tâu Ðại Vương, ngay chính kinh thành này, có một nhà người kia bị cháy. Y ra lệnh một người khác vào nhà đem tài sản của y ra. Ðến khi chính chủ nhà này vào nhà và đem đồ vật ra thì cánh cửa chợt đóng lại.

Y bị khói toả mù mịt không thể tìm đường thoát ra và bị ngọn lửa lên cao hành hạ đau đớn, y ở trong nhà khóc vừa than vừa ngâm vần kệ này:

Cái vật làm tan vỡ giá băng

Và thiêu đốt hạt giống khô cằn,

Ðang thiêu huỷ tứ chi ta đó,

Chỗ dựa thành tai hoạ khổ thân.

Tâu Ðại Vương, có một người cũng giống như ngọn lửa, vốn là nơi nương tựa của quần chúng, lại đi ăn trộm một số lớn châu báu. Xin Ðại Vương đừng hỏi Tiểu Thần về tên trộm này nữa.

Này Hiền hữu, cứ đưa tên trộm đến cho trẫm.

Vẫn không nói rõ cho Vua chính Vua là kẻ trộm, Ngài lại kể một chuyện nữa. Chuyện bội thực. Tâu Ðại Vương, ngày xưa chính tại Kinh Thành này có một người ăn thái quá nên không thể tiêu hoá thức ăn.

Ðau đớn điên cuồng, y ngầm vần kệ than khóc:

Thức ăn nuôi sống biết bao người

Ðạo Sĩ, La Môn giữa đời,

Ðã giết chết ta đây trọn vẹn,

Nơi nương tựa hoá khổ đau rồi.

Tâu Ðại Vương, có một người vốn như lúa gạo, là nơi nương tựa của toàn dân, lại ăn trộm tài vật.

Khi tài vật đã được thu hồi, tại sao còn hỏi về tên trộm làm gì?

Này Hiền hữu, nếu khanh có tài thì cố đem tên trộm đến cho trẫm. Ngài kể một chuyện khác để làm cho Vua hiểu.

Chuyện gió thổi. Tâu Ðại Vương, ngày xưa ngay chính Kinh Thành này có ngọn gió thổi lên làm gãy tay chân một người.

Y ngâm vần kệ than khóc:

Những bậc Trí nhân vẫn nguyện cầu

Gió lành tháng sáu thổi lên mau.

Gió nay làm tứ chi ta gãy,

Chỗ dựa thành tai hoạ khổ đau!

Tâu Ðại Vương, như vậy quả thật hiểm nguy phát xuất từ nơi nương tựa của thần. Xin hãy hiểu chuyện này. Hiền hữu, hãy đem tên trộm cho trẫm. Ðể làm cho Vua hiểu, Ngài lại kể một chuyện khác. Chuyện cành cây.

Tâu Ðại Vương, ngày xưa trên triền núi Tuyết Sơn có một cây mọc lên chĩa ra nhiều nhánh làm nơi trú ẩn vô số chim muông. Một hôm hai cành cọ xát vào nhau. Khói bốc ra rừ đó và các đốm lửa rơi xuống.

Thấy vậy, chim chúa ngâm vần kệ này:

Lửa phát sinh ra ở ngọn cây

Chúng ta an trú bấy lâu nay,

Mau lên, giải tán bầy chim nhé,

Chỗ dựa thành nơi hiểm hoạ đầy.

Tâu Ðại Vương, giống như cây kia là nơi nương tựa của chim muông, cũng vậy, Vua là nơi nương tựa của thần dân.

Nếu Vua đóng vai kẻ trộm, thì ai còn đề phòng hiểm hoạ ấy nữa?

Xin Ðại Vương lưu ý điều này. Này Hiền hữu, cứ đem tên trộm đến cho trẫm.

Sau đó Ngài lại kể một chuyện khác nữa: Chuyện giết mẹ già. Tâu Ðại Vương, trong một làng ở Ba La Nại, về phía Tây một nhà quý tộc, có con sông đầy cá sấu hung dữ, gia đình ấy chỉ có một trai. Lúc cha mất, cậu con chăm sóc mẹ già chu đáo.

Dù con trai không muốn, bà mẹ vẫn đem một cô gái quý tộc về làm vợ chàng. Ban đầu, nàng tỏ ra yêu thương mẹ chồng, nhưng về sau dần dần nàng có đủ con trai con gái đông đúc, nàng muốn trừ khử bà đi. Mẹ của nàng cũng ở nhà này.

Trước mặt chồng, nàng tìm ra đủ mọi lỗi lầm của mẹ chồng để làm cho chồng có ác cảm với bà, và bảo: Thiếp không thể nuôi mẹ chàng được nữa. Chàng phải giết mẹ đi.

Khi chàng bảo: Sát nhân là chuyện hệ trọng, làm sao ta có thể giết mẹ được?

Nàng đáp: Khi nào mẹ chàng ngủ rồi, chúng ta sẽ đem bà đi, luôn cả giường chiếu đồ đạc, rồi ném bà vào sông cá sấu. Cá sấu sẽ kết liễu đời bà.

Thế mẹ nàng ở đâu?

Mẹ thiếp ngủ cùng phòng với mẹ chàng. Thế thì nàng đi đánh dấu vào chiếc giường mẹ ta nằm bằng cách buộc sợi dây thừng vào đó.

Nàng làm như vậy rồi bảo: Thiếp đã đánh dấu lên đó rồi.

Người chồng đáp: Hãy đợi ta một lát, để mọi người đi ngủ trước đã. Rồi chàng nằm xuống giả vờ ngủ, sau đó, đi buộc sợi dây thừng vào giường mẹ vợ. Sau đó chàng đánh thức vợ dậy, cả hai cùng đi khiêng bà mẹ lẫn tất cả giường chiếu đồ đạc ném xuống sông. Bầy cá sấu giết chết bà ăn thịt ngay tại chỗ.

Hôm sau nàng khám phá mọi việc đã xảy ra cho chính mẹ mình, liền nói: Chàng ơi, mẹ thiếp đã chết rồi, nay ta hãy giết mẹ chàng.

Chàng bảo: Ðược lắm. Chúng ta làm một giàn hoả tại nghĩa địa, rồi thả bà vào đó để giết bà. Thế là hai vợ chồng khiêng bà ra nghĩa địa trong lúc bà ngủ và đặt bà tại đó.

Rồi người chồng hỏi vợ: Nàng có đem lửa theo không?

Chàng ơi, thiếp đã quên rồi. Vậy đi tìm lửa đem về đây. Chàng ơi, thiếp không dám đi, còn nếu chàng đi, thiếp không dám ở lại đây. Vậy chúng ta cùng đi nhé.

Khi họ đi rồi, bà già tỉnh giấc vì gió lạnh, thấy đấy là nghĩa địa, bà suy nghĩ: Chúng nó muốn giết ta, chúng đã đi tìm lửa. Chúng không biết ta mạnh dạn ra sao đâu. Bà liền lấy một tử thi đặt lên giường và lấy khăn phủ kín, rồi chạy đi trốn trong hang núi ở nơi ấy. Hai vợ chồng đem lửa về, tưởng tử thi ấy là bà già, họ đốt xác rồi ra về.

Có một kẻ trộm kia dấu một gói đồ vật trong hang núi ấy, lúc trở về thấy bà già, y suy nghĩ: Ðây chắc là quỷ Dạ Xoa. Gói đồ đạc của ta bị quỷ ám. Thế là y đi tìm thầy bùa trừ tà. Thầy bùa đọc Thần Chú và đi vào hang.

Bà già bảo: Ta không phải là quỷ Dạ Xoa, nào chúng ta cùng hưởng số báu vật này.

Làm sao tin được chuyện này?

Cứ đặt lưỡi ông trên lưỡi ta đây. Thầy bùa làm theo, bà già cắn một khúc lưỡi của thầy và nhả xuống đất.

Thầy bùa suy nghĩ: Chắc chắn đây là quỷ Dạ Xoa. Thầy bùa vừa chạy vừa la to, với cái lưỡi chảy máu ròng ròng. Hôm sau bà già mặc y phục sạch sẽ và đi lấy gói báu vật đem về.

Nàng dâu thấy bà vội hỏi: Mẹ ơi mẹ tìm gói này ở đâu thế?

Con yêu quí ơi, hễ ai bị đốt cháy trên giàn hoả trong nghĩa địa này đều tìm được một gói như vậy.

Mẹ yêu quí ơi, thế con có thể tìm được gói này chăng?

Nếu con cũng làm như ta thì con cũng có được. Thế rồi nàng không nói gì với chồng, và trong lòng ước muốn có được số châu báu để đeo, nàng đi đến đó tự thiêu sống.

Hôm sau, chồng nàng thấy vợ vắng, liền hỏi:

Mẹ yêu quí ơi, giờ này sao con dâu mẹ chưa đến?

Này đồ bất nhân kia, người chết làm sao trở về được?

Rồi bà già ngâm vần kệ:

Một gái xuân xanh đẹp biết bao

Với vòng hoa trắng đội trên đầu

Dầu thơm sực nức chiên đàn toả,

Ðã được ta ngày trước đón dâu.

Nương tử hân hoan mong ngự trị

Trong nhà ta ở tự bao lâu.

Con dâu đuổi mẹ đi nơi khác,

Chỗ dựa thành tai hoạ thảm sâu!

Tâu đại Vương, giống như con dâu đối với mẹ chồng, cũng vậy, Vua là nơi tựa của toàn dân.

Nếu hiểm hoạ xuất phát từ đó, thì ta có thể làm gì được nữa?

Xin đại Vương hãy chú ý điều này. Này Hiền hữu, trẫm không hiểu những việc khanh nói với trẫm. Cứ đem tên trộm lại đây cho trẫm.

Ngài suy nghĩ: Ta muốn che chở Vua, rồi Ngài lại kể một chuyện khác. Chuyện đuổi cha già. 

Tâu Ðại Vương, ngày xưa nay trong Kinh Thành này, một người kia sinh con trai đúng như lời nguyện cầu. Khi đứa con ra đời, người cha vui mừng hớn hở vì ý tưởng có được con trai, nên yêu quí nó lắm. Khi đứa trẻ lớn lên, người cha cưới vợ cho con rồi dần dần ông già yếu không làm được việc nữa.

Vì thế con ông bảo: Cha không làm việc được nữa, cha phải ra khỏi đây. Rồi nó đuổi cha ra khỏi nhà.

Ông cha hết sức chật vật kiếm sống bằng nghề hành khất, vừa ngâm vần kệ vừa khóc than:

Kẻ mà ta ước muốn sinh ra,

Cũng chẳng hoài công mong đợi kia

Lại đuổi ta đi: Nơi trú ẩn.

Hoá thành tai hoạ khổ thân ta.

Tâu đại Vương, giống như người cha già phải được đứa con khoẻ mạnh chăm sóc, cũng vậy, là toàn dân phải được Vua bảo vệ, giờ đây mối hiểm hoạ lại xuất phát từ Vua, người bảo vệ toàn dân.

Tâu Ðại Vương, xin hãy hiểu từ việc này rằng kẻ trộm là người như vậy như vậy. Trẫm không hiểu việc này, dù đó là sự thực hay không phải sự thực. Hoặc là ngươi phải mang kẻ trộm đến đây cho trẫm, hoặc chính ngươi là kẻ trộm ấy. Vua cứ bảo chàng thanh niên như vậy mãi.

Vì thế Ngài hỏi Vua: Tâu Ðại Vương, Ðại Vương thực sự muốn kẻ trộm bị bắt chăng?

Ðúng vậy, Hiền hữu. Thế thì Tiểu Thần sẽ công bố giữa quần chúng rằng kẻ trộm là người như vậy như vậy.

Hãy làm như vậy, này Hiền hữu.

Khi nghe Vua nói, Ngài suy nghĩ: Vua này không cho phép ta che chở nữa. Ta sẽ bắt tên trộm bây giờ.

Khi quần chúng đã tụ tập đầy đủ, Ngài vần kệ với họ:

Này dân thành thị đến nông làng

Tề tựu lắng nghe tất cả rằng:

Kìa! Nước lạnh nay đang đang bốc cháy

Chốn bình an phát xuất kinh hoàng.

Ðại Vương, Ðạo Sĩ cùng than vãn

Quốc Độ bị cường đạo phá tan.

Vậy mọi người dân lo tự vệ,

Nơi nương tựa bỗng hoá tai nàn.

Khi quần chúng nghe nói vậy, họ suy nghĩ: Vị Vua này, mặc dù phải bảo vệ thần dân, lại đổ lỗi cho người khác. Sau khi chính tay Vua bỏ báu vật vào hồ, Vua lại bảo đi tìm kẻ trộm.

Ðể cho Vua khỏi đóng vai kẻ trộm trong tương lai, chúng ta phải giết hôn quân vô đạo này. Vì thế họ đứng lên với trượng, chùy trong tay đánh Vua và vị Tế Sư cho đến chết tại chỗ. Rồi họ làm lễ quán đảnh rảy nước Thánh phong Vương Bồ Tát và đưa Ngài lên ngôi.

Sau khi kể chuyện này để làm sáng tỏ các sự thật, bậc Ðạo Sư bảo: Này cư sĩ, không kỳ diệu gì khi nhận ra dấu chân trên mặt đất, vì các bậc trí ngày xưa còn nhận ra chúng trên không nữa. Lúc kết thúc các sự thật, vị cư sĩ cùng con trai đắc Sơ Quả Dự Lưu.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy, người cha là Kassapa Ca Diếp và chàng thanh niên có tài nhận dấu chân chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần