Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Bảy - Phẩm Biranatthambhaka - ðám Cỏ Thơm - Chuyện Vua Bharu Tiền Thân Bharu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI
PHẨM BẢY
PHẨM BIRANATTHAMBHAKA
ÐÁM CỎ THƠM
CHUYỆN VUA BHARU
TIỀN THÂN BHARU
Ta nghe Vua Bharu. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Vua Kosala.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn được Vua Kosala cung kính tôn trọng đảnh lễ, cúng dường, nhận các tặng vật dồi dào như đồ ăn khất thực, sàng toạ, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỳ Kheo cũng được cúng dường.
Hội chúng ngoại đạo thấy lợi dưỡng, danh vọng của họ bị giảm thiểu bèn hội họp bí mật, ngày đêm thảo luận như sau: Từ khi Sa Môn Gotama xuất hiện, các lợi dưỡng danh vọng của chúng ta bị tổn giảm. Sa Môn Gotama được lợi dưỡng và danh vọng tối thượng.
Vì nhân duyên gì, Sa Môn ấy được thành công như vậy?
Một người trong hội chúng nói: Sa Môn Gotama có một trú xứ tối thượng, an toàn nhất ở cõi Diêm Phù Đề Ấn Ðộ. Do vậy, Sa Môn Gotama được lợi dưỡng cung kính. Ðể có lợi dưỡng, chúng ta cũng xây dựng một Tịnh Thất ngoại đạo ở bên cạnh Kỳ Viên, như vậy chúng ta sẽ được cúng dường nhiều tặng vật. Tất cả đi đến kết luận chung là như vậy.
Nhưng rồi họ nghĩ: Nếu chúng ta không báo tin cho Vua biết việc xây Tịnh Thất này, thì các Tỳ Kheo sẽ ngăn chận chúng ta. Còn nếu Vua nhận được quà tặng, Vua sẽ không ngần ngại phá trú xứ của họ.
Do vậy chúng ta phải hối lộ Vua, và chúng ta sẽ lấy được chỗ làm Tịnh Thất.
Họ thỏa thuận yêu cầu các cận thần đem dâng Vua một trăm ngàn đồng và thưa: Thưa Ðại Vương, chúng tôi muốn làm một Tịnh Thất ngoại đạo ở bên cạnh Kỳ Viên.
Nếu các Tỳ Kheo nói với Ðại Vương: Chúng tôi không cho phép làm, thì Ðại Vương chớ trả lời họ. Vì tham của hối lộ, Vua chấp thuận việc ấy. Hội chúng ngoại đạo được Vua chấp thuận, liền mời một kiến trúc sư bắt đầu công trình xây dựng, và gây tiếng ồn ào.
Bậc Ðạo Sư hỏi: Này Ànanda, tiếng ồn ào ầm ĩ này là tiếng gì?
Bạch Thế Tôn, các người ngoại đạo đang xây dựng Tịnh Thất bên cạnh Kỳ Viên. Tiếng ồn ào nổi lên từ đấy. Này Ànanda, chỗ ấy không thích hợp cho Tịnh Thất ngoại đạo. Các phái ngoại đạo ưa lớn tiếng ồn ào. Không thể sống với họ được.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư họp chúng Tỳ Kheo lại và nói: Này các Tỳ Kheo, hãy đi báo cho Vua biết, yêu cầu Vua ngăn chận việc làm Tịnh Thất ngoại đạo. Chúng Tỳ Kheo đi đến và đứng tại cửa Hoàng Cung.
Vua nghe chúng Tỳ Kheo đến, biết rằng họ đến để ngăn việc xây Tịnh Thất ngoại đạo. Nhưng tự mình đã nhận tiền hối lộ, nên Vua bảo người hầu cận ra nói rằng Vua không có ở nhà. Các Tỳ Kheo trở về trình bậc Ðạo Sư. Ngài biết Vua nhận hối lộ nên làm vậy.
Ngài cử hai vị đại đệ tử ra đi. Vua nghe hai vị đại đệ tử đến, cũng bảo người trả lời như trước. Hai vị đại đệ tử ấy trở về trình bậc Ðạo Sư.
Ngài nói: Này Xá Lợi Phất, chắc chắn hôm nay Vua không ở trong nhà. Có lẽ Vua đi ra ngoài. Vào sáng hôm sau, bậc Ðạo Sư đắp y, cầm bát, cùng với năm trăm Tỳ Kheo, đi đến cửa cung.
Vua nghe chư vị đến, liền từ trên lầu bước xuống cầm lấy bình bát của bậc Ðạo Sư. Vua cúng dường các món cơm cháo lên Chúng Tăng với Đức Phật là vị lãnh đạo, và đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi Vua ngồi xuống một bên.
Bậc Ðạo Sư bắt đầu thuyết giảng cho Vua: Thưa Ðại Vương, các Vua thuở trước đã nhận của hối lộ, do đó gây ra sự đấu tranh giữa các vị có giới đức, nên đã mất chủ quyền nước mình và gặp đại nạn. Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của Vua, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, tại nước Bharu, Vua Bharu trị vì Quốc Độ.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát là vị khổ hạnh, đã đạt được năm Thắng trí và tám Thiền chứng, là bậc Sư Trưởng một hội chúng, cư trú lâu ngày tại khu vực Tuyết Sơn.
Vì cần dùng muối và giấm, Bồ Tát cùng năm trăm vị tu khổ hạnh từ Tuyết Sơn theo thứ tự đi đến thành Bharu. Tại đấy hội chúng khất thực xong, đi ra khỏi thành, ngồi xuống gần cổng phương Bắc, dưới gốc một cây bàng đầy cành lá. Họ dùng cơm và trú ở đấy.
Bấy giờ, khi chúng Đạo Sĩ ấy sống tại đấy khoảng nửa tháng, một vị Sư Trưởng hội chúng khác với năm trăm Đạo Sĩ cùng đi đến khất thực trong thành xong, đi ra khỏi thành, ngồi xuống tại cổng phía nam, dưới một gốc cây bàng tương tự.
Sau khi ăn uống xong, họ cũng trú tại đấy. Như vậy hai hội chúng Đạo Sĩ ăn uống ở đấy cho đến thỏa thích, rồi đi về Tuyết Sơn.
Khi hội chúng đi rồi, cây bàng ở cổng phía nam bị khô héo. Lần sau, hai hội chúng ấy lại đến. Những vị trú ở cây bàng tại cổng nam đến trước, và thấy cây bàng của mình bị khô héo.
Sau khi đi khất thực, họ ra khỏi thành đến gốc cây bàng tại cổng phía bắc. Ăn uống xong, họ sống ở tại đấy. Các Đạo Sĩ của hội chúng kia đến sau, khất thực trong thành xong, đi đến gốc cây của mình, ngồi ăn uống và cũng muốn trú tại đấy.
Họ nói: Cây này không phải là cây của các ông. Chính là cây của chúng tôi. Như vậy, vì cái cây họ bắt đầu tranh cãi nhau. Cuộc tranh cãi trở thành lớn chuyện.
Một số Đạo Sĩ này nói: Các ông không được lấy chỗ của chúng tôi ở trước kia.
Một số Đạo Sĩ khác nói: Lần này chúng tôi đến đây trước. Các ông không được lấy chỗ này. Như vậy chúng tôi là chủ. Và vì vấn đề gốc cây, cả hai hội chúng đi đến Hoàng Cung. Vua quyết định cho hội chúng Đạo Sĩ đến ở trước tiên là chủ nhân của gốc cây ấy.
Nhóm kia nói với nhau: Nay chúng ta không thể nhịn thua những người này.
Với Thiên nhãn họ nhìn xung quanh, thấy một hòm xe xứng đáng là sở hữu của một vị Đại Vương, liền mang xe báu ấy hối lộ cho nhà Vua và thưa: Thưa Ðại Vương, hãy làm cho chúng tôi thành người chủ cái cây.
Nhà Vua nhận hối lộ và quyết định cả hai hội chúng ở đây đều là chủ nhân.
Nhóm Đạo Sĩ kia đem lại những bánh xe bằng bạc của chính hòm xe ấy, hối lộ Vua và thưa: Thưa Ðại Vương, hãy làm chúng tôi trở thành người chủ độc nhất.
Vua làm đúng như vậy.
Sau đó hai hội chúng Đạo Sĩ suy nghĩ: Chúng ta là những người đã đoạn tận dục về sở hữu và các dục gây phiền não, xuất gia tu hành, nay lại vì một gốc cây mà sanh ra đấu tranh, rồi đem của hối lộ. Ðây là việc không xứng đáng.
Họ ăn năn hối lỗi, và vội vã đi về Tuyết Sơn.
Chư Thần trú trong toàn nước Bharu đều nhất trí phẫn nộ đối với Vua Bharu vì Vua đã làm các vị có đức hạnh tranh đấu với nhau, một việc làm không thích đáng.
Họ liền dâng nước lên tràn ngập xứ Bharu đến ba trăm dặm khiến cả nước ấy không còn nữa. Như vậy, chỉ vì Vua Bharu toàn dân trong nước Bharu gặp nạn diệt vong.
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo Sư nhân danh bậc Chánh Ðẳng Giác, nói lên những bài kệ này:
Ta nghe Vua Bha ru,
Làm Đạo Sĩ đấu tranh,
Tự mình gặp đại nạn,
Cùng với cả Quốc Độ,
Như vậy vì tội ấy,
Vua đi đến diệt vong.
Vậy bậc Trí không khen,
Dục chinh phục nội tâm,
Vị có tâm không nhiễm,
Nói toàn lời chân thật.
Khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, Ngài nói với Đức Vua: Thưa Ðại Vương, chớ để lòng dục ngự trị, làm cho hai hội chúng xuất gia đấu tranh với nhau là việc không nên.
Rồi bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, ta là người lãnh đạo nhóm các vị hiền trí. Khi cúng dường Đức Như Lai xong, và bậc Ðạo Sư đã ra về, Vua sai người đến phá hủy Tịnh Thất ngoại đạo, khiến các phái ngoại đạo không có trú xứ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phạm Giới Tội Báo Khinh Trọng
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhất Thiết Sự
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Bốn - Tinh Tấn độ Vô Cực - Kinh Số Năm Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Phân Biệt Sáu Xứ
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Một - Phẩm Thí Dụ - Phần Một