Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Hai - Giới độ Vô Cực - Kinh Số Ba Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

CHƯƠNG HAI

GIỚI ĐỘ VÔ CỰC  

KINH SỐ BA MƯƠI  

Thuở xưa, Bồ Tát làm Thái Tử con Vua, tên là Pháp Thí, trong ngoài đều trong sạch, thường lấy cái họa đi theo nẻo tà để tự răn lòng, tôn trọng Hiền Thánh, hiếu đễ với người thân, luôn thương xót cứu giúp chúng sinh.

Mỗi khi Thái Tử vào chầu, thường đợi Tướng Quốc, tới lui đúng lễ, chưa từng mất oai nghi. Người thiếp yêu của Vua, lòng dạ dâm tà, một hôm ra tay ôm kéo Thái Tử.

Thái Tử tận lực tránh né nên thoát được, tay đụng vào đầu Tướng Quốc, miệng thì bảo: Đi đi! Mũ của Tướng Quốc rơi xuống đất, để lộ cái đầu không tóc. Người thiếp yêu của Vua cười, Tướng Quốc xấu hổ, ôm giận.

Sau đó, người thiếp gặp Vua tâu: Thiếp tuy hèn mọn nhưng cũng là vợ Vua, mà Thái Tử không biết tự chế, có lòng ham muốn thiếp.

Nhà Vua nói: Ta biết Thái Tử là người tiết tháo, không phải chí nguyện của Phật thì không nghĩ tới, không phải lời Phật dạy thì không nói ra, việc không đúng với giáo lý của Phật thì không làm bao giờ, tám phương khen ngợi đức hạnh, các nước không có ai bằng, há lại làm chuyện sai trái như thế sao?

Người thiếp yêu dùng bao lời tâu sàm tỉ tê để mê hoặc lòng Vua.

Nhà Vua nói: Cốt nhục tương tàn, đó là giặc loạn, ta không thể làm!

Bèn phong cho Thái Tử làm Vua vùng biên giới, cách đất nước tám ngàn dặm và dặn: Con trấn nhậm cõi ngoài thì nên theo phép Trời làm nhân nghĩa, không được tàn hại dân lành, không nên vơ vét làm cùng khốn trăm họ, phải tôn trọng người già như cha mẹ, phải yêu thương dân như con, phải thận trọng tu trì giới cấm của Đức Phật, giữ đạo cho đến chết. Đời nhiều gian dối, khi có lời dạy từ ấn răn con mới nên tin theo.

Thái Tử cúi đầu khóc, tâu: Con không dám bỏ qua lời dạy của cha. Rồi Thái Tử liền đến nhận đất phong, đem năm giới, mười đức, thương xót giáo hóa dân trong nước mình.

Thái Tử lên ngôi được một năm, dân chúng xa gần mến mộ ân đức nên theo về đông đúc, hộ dân tăng hàng vạn. Thái Tử viết biểu dâng lên, ca ngợi đức của Vua cha chiếu thấu nơi xa nên mới được như vậy.

Nhà Vua cùng Hoàng Hậu, cung phi vui mừng khen Thái Tử, riêng người thiếp thì vẫn ôm mối oán thù, nên cùng với Tướng Quốc làm điều gian, mưu trừ Thái Tử, rình chờ nhà Vua nằm ngủ, lén lấy sáp ong làm ấn, rồi dối viết thư: Người can tội phạm thượng, ta không nỡ giết ngay. Vậy nhận được thư này, mau móc đôi mắt giao cho sứ giả mang về Kinh Đô.

Khi sứ giả đến, xem thư xong, Quần Thần của Thái Tử đều nói: Đấy là sứ giả của kẻ yêu loạn, không phải của Đại Vương đâu.

Thái Tử nói: Đại Vương trước đã thân tình dặn dò, nay có dấu ấn răng làm tin đến đây rồi, nếu yêu quý thân mạng mình mà trái lệnh cha thì đó là đại nghịch. Liền cùng với Quần Thần vui chơi ba ngày, dạo khắp trong nước, chu cấp cho kẻ nghèo cùng, giúp đỡ người thiếu thốn, đem hình ảnh Đức Phật làm khuôn phép, lấy lòng từ giáo huấn chúng dân, rồi tìm người có thể móc mắt mình.

Có đứa trẻ bán cỏ đã giúp Thái Tử lấy mắt ra đem giao cho sứ giả. Hắn bỏ đôi mắt vào hộp rồi vội vã mang về nước. Tướng Quốc đem đôi mắt ấy giao cho người ái thiếp của Vua.

Bà này treo đôi mắt trước giường, mắng: Không theo ý muốn của ta thì bị khoét mắt, vậy có thích không?

Đại Vương nằm mộng thấy Thái Tử bị ong độc chích nơi mắt, tỉnh dậy nghẹn ngào nói: Con ta chắc có chuyện lạ gì đây?

Người thiếp yêu của Vua tâu: Vua luôn nghĩ đến con nên nằm mơ thấy đấy thôi, ắt không có gì lạ đâu. Thái Tử dùng đàn hát kiếm ăn nuôi thân, lần hồi qua nhiều nước. Tới nước Vua cha của hậu phi, là cung phi của Vua cha Thái Tử. Nhà Vua nước này có cây đàn kỳ diệu, nên gọi Thái Tử tấu đàn để nghe.

Đầu tiên tiếng đàn khen ngợi công đức của Tiên Vương, sau là âm thanh buồn thảm nói về số phận của cô nhi không cha mẹ.

Bà hậu phi kia thâu hiểu tiếng đàn ấy nên nghẹn ngào nói: Ôi! Thái Tử con Vua chồng ta cùng cực đến thế sao!

Nhà Vua hỏi: Con nói cái gì?

Người phi thuật lại đầy đủ về sự việc của Thái Tử, rồi nói lời từ giã cha mẹ: Việc này là do lệnh của ả nghiệt thiếp kia. Đàn bà hai họ thì chẳng phải là trinh tráng, con xin được theo người quân tử chí hiếu ấy. Cha mẹ bà đều buồn thương. Người phi đem Thái Tử trở về nước cũ. Nhà Vua nghe có tiếng đàn kỳ diệu, liền gọi vào tấu nhạc để thưởng thức, thấy hình dung Thái Tử tiều tụy, chỉ nhận biết qua tiếng nói.

Vua hỏi: Ngươi có phải là pháp thí, con của ta không?

Thái Tử cúi đầu sát xuống đất, nghẹn ngào. Vua, Hoàng Hậu, Cung nhân cả nước lớn nhỏ không ai là không thương xót. Người phi tâu rõ đầu đuôi sự việc.

Nhà Vua than: Hỡi ơi! Người nữ bất nhân! Chẳng khác nào chất độc lẫn lộn trong cơm gạo ngon. Đức Phật dạy nên xa lìa chúng, thật chẳng đúng lắm sao.

 Rồi nhà Vua liền cho bắt Tướng Quốc và người ái thiếp, dùng roi gai đánh chúng, rót nhựa cây nấu chảy vào vết thương, hơ lửa nóng cho nứt ra, sau đó đào hầm chôn sống chúng.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Túc mạng của Thái Tử từng là người bán ngọc trắng. Người thiếp kia thời đó là con gái nhà giàu, ngồi xe đi đường, còn quan Tướng Quốc ngày ấy là người đánh xe.

Hắn gọi Đồng Tử bán ngọc: Đem ngọc của ngươi lại đây nào! Rồi họ cầm ngọc khen nhưng không mua, lại nhìn nhau có vẻ dâm đãm, buông lời đùa cợt.

Đồng tử nổi giận nói: Không trả lại ngọc cho ta, lại còn nhìn dâm đãng, ta sẽ móc mắt các ngươi đấy.

Cô gái và người đánh xe đều nói: Ta lấy roi gai đánh, rồi đổ nhựa cây nóng vào vết thương cho nứt thịt ra, sau đó thì chôn sống ngươi được chăng?

Ôi, thiện ác đã làm, thì họa phước sẽ liền theo sau như bóng theo hình, ác chín mùi tội thành ngay, như âm vang ứng với tiếng. Làm ác mà muốn khỏi tai ương chẳng khác nào gieo giống mà không muôn mọc. Bồ Tát giữ giới thanh thịnh của Phật, thà chịu móc mắt mà chết chứ không phạm dâm để sống. Thái Tử pháp thí lúc ấy là thân ta.

Tướng Quốc là Điều Đạt, người thiếp yêu của Vua là vợ Điều Đạt. Bồ Tát giữ chí tu hạnh độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần