Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cột Trói
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH CỘT TRÓI
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Vào thời quá khứ có Thiên Đế Thích và A tu la bày trận muốn đánh nhau.
Lúc ấy, Thích Đề Hoàn Nhân nói với Chư Thiên Cõi Trời Tam Thập Tam: Hôm nay Chư Thiên cùng A tu la đánh nhau, nếu Chư Thiên thắng, A tu la bại, thì sẽ bắt sống Vua A tu la Tỳ Ma Chất Đa La, trói chặt năm chỗ, đem về Thiên Cung.
A Tu La Tỳ ma Chất Đa La bảo các A tu la: Hôm nay Chư Thiên cùng A tu la đánh nhau, nếu A tu la thắng, Chư Thiên bại, thì sẽ bắt sống Thích Đề Hoàn Nhân, trói chặt năm chỗ, đem về cung A tu la. Đang lúc họ đánh nhau, Chư Thiên đắc thắng, A tu la bị bại.
Khi ấy, Chư Thiên bắt được vua A tu la Tỳ Ma Chất Đa La, lấy dây trói lại năm chỗ đem về Thiên Cung, cột dưới cửa, trước điện đoán pháp của Đế Thích. Khi Đế Thích ra vào cửa này, A tu la Tỳ ma Chất Đa La bị cột ở bên cửa tức giận, mạ lỵ.
Lúc đó người hầu cận của Đế Thích thấy vua A tu la thân bị trói năm vòng, cột bên cửa, thấy Đế Thích ra vào thì nổi giận mạ lỵ, liền làm bài kệ:
Nay Đế Thích sợ nó,
Vì không đủ sức chăng,
Nên nhẫn A tu la,
Mắng chưởi trước mặt mình?
Đế Thích liền đáp:
Không vì sợ nên nhẫn,
Không phải sức không đủ.
Có người trí tuệ nào,
Tranh cãi với kẻ ngu.
Người hầu cận lại tâu:
Nếu chỉ hành nhẫn nhục,
Sự việc tất thiếu sót.
Kẻ ngu si sẽ bảo,
Vì sợ nên nhẫn nhục.
Cho nên phải khổ trị,
Dùng trí chế ngu si.
Đế Thích đáp:
Ta thường xem xét kia,
Chế ngự kẻ ngu kia.
Thấy người ngu nổi sân,
Trí dùng tĩnh chế phục.
Không sức mà dùng sức,
Là sức kẻ ngu kia.
Ngu si trái xa pháp,
Thời với đạo không có.
Giả sử có sức mạnh,
Hay nhẫn đối người yếu,
Thì nhẫn này tối thượng.
Không sức sao có nhẫn?
Bị người mạ nhục quá,
Người sức mạnh hay nhẫn,
Đó là nhẫn tối thượng.
Không sức làm sao nhẫn?
Đối mình và với người,
Khéo làm chủ sợ hãi,
Biết kia nổi sân nhuế,
Mình lại giữ an tĩnh.
Đối hai nghĩa đều đủ,
Lợi mình cũng lợi người.
Gọi là kẻ ngu phu,
Do vì không thấy pháp.
Ngu bảo mình thắng nhẫn,
Càng tăng thêm lời ác.
Chưa biết nhẫn mạ lỵ,
Đối kia thường đắc thắng.
Nhẫn đối người hơn mình,
Đó là nhẫn do sợ.
Hành nhẫn, đối người bằng,
Đó là nhẫn tránh nhẫn,
Hành nhẫn, đối người thua,
Đó là nhẫn tối thượng.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Thích Đề Hoàn Nhân là Vua Tự Tại của Trời Tam Thập Tam, thường hành nhẫn nhục, khen ngợi nhẫn nhục. Tỳ Kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà, cũng nên nhẫn nhục như vậy và khen ngợi nhẫn nhục, nên học như vậy.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Ba - Phẩm Trưởng Giả Thuần đà
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Năm - Thiền độ Vô Cực - Kinh Số Bảy Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh Diệu Cát Tường Bình đẳng Tối Thượng Quán Môn đại Giáo Vương - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Không Gì Chuyển Hướng - Phần Bảy - Bốn Hạng Người
Phật Thuyết Kinh Thần Chú đà La Ni Bồ Tát Thiên Nhãn Thiên Tý Quán Thế âm