Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Bốn - Phẩm Asadisa - Chuyện Vua Mang Sữa ðông Tiền Thân Dadhivàhana

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI  

PHẨM BỐN

PHẨM ASADISA  

CHUYỆN VUA MANG SỮA ÐÔNG

TIỀN THÂN DADHIVÀHANA  

Ðẹp, thơm và vị ngọt. Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về sự thân cận với kẻ ác. Câu chuyện này giống như câu chuyện trước.

Bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, thân cận kẻ ác là không tốt và có hại.

Tại sao ta phải nói đến tác hại của bạn ác đối với con người?

Trong thời gian quá khứ, do thân cận với cây Nimba không ngọt và không tốt lành, một cây xoài dù thuộc loài vô tri, với vị ngọt sánh bằng thực phẩm Chư Thiên, cũng trở thành chua và đắng.

Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ: Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba La Nại, bốn anh em Bà La Môn tại xứ Kàsi xuất gia làm Đạo Sĩ. Họ làm một dãy am thất bằng lá ở khu vực Tuyết Sơn và sống tại đấy.

Người anh cả mệnh chung và sanh làm Thiên Chủ Sakka Ðế Thích. Biết rõ thần lực của mình, sau khoảng bảy hay tám ngày, Ðế Thích thường đến thăm và giúp đỡ đồ chúng.

Một hôm Thiên Chủ đi đến thăm vị khổ hạnh lớn tuổi nhất, đảnh lễ, ngồi xuống một bên, rồi hỏi: Thưa Tôn Giả, Tôn Giả cần gì?

Vị này mắc bệnh hoàng đản đáp: Tôi cần lửa. Ðế Thích cho một con dao kiếm có búa con dao kiếm có búa được gọi như vậy là vì khi lắp cán vào có thể dùng như con dao hay cây búa.

Vị tu khổ hạnh hỏi: Với dụng cụ này, ai mang củi lại cho ta?

Ðế Thích nói: Thưa Tôn Giả, khi Tôn Giả cần củi, chỉ lấy tay gõ lên cây búa này và nói: Hãy đem củi cho ta và nhen lửa, cây búa sẽ đem củi lại và nhen lửa cho Tôn Giả.

Sau khi cho vị ấy con dao kiếm có búa thần ấy, Ðế Thích đi đến vị thứ hai và hỏi: Thưa Tôn Giả, Tôn Giả cần gì?

Gần chòi lá vị này có con đường voi đi. Các con voi làm vị này bực phiền.

Vị này nói: Các con voi này làm ta khổ sở. Hãy đuổi chúng đi.

Ðế Thích giao cho vị ấy một cái trống và nói: Thưa Tôn Giả, đánh mặt phía này, Tôn Giả sẽ đuổi các kẻ thù. Ðánh mặt phía bên kia, kẻ thù sẽ trở thành bạn tốt và bao vây Tôn Giả với bốn loại binh chủng.

Nói vậy xong, Ðế Thích cho vị này cái trống và đi đến vị trẻ tuổi nhất và hỏi: Thưa Tôn Giả, Tôn Giả cần gì?

Vị này cũng bị bệnh hoàng đản nên nói: Tôi cần sữa đông.

Ðế Thích cho vị này một ghè sữa đông và nói: Nếu Tôn Giả muốn gì, hãy lật ngược ghè này, nó sẽ trở thành sông lớn, chảy dòng nước lớn, và có thể chiếm một Quốc Độ cho Tôn Giả.

Nói vậy xong, Ðế Thích ra đi. Từ đó trở đi, con dao kiếm có cây búa được dùng để đốt lửa cho người anh trưởng. Người thứ hai nhờ đánh mặt trống đuổi các con voi đi, còn người em út dùng sữa đông. Lúc bấy giờ, một con heo rừng sống trong một ngôi làng cũ, chợt thấy một hòn ngọc có thần lực.

Khi nó lấy miệng cắn hòn ngọc, nhờ thần lực hòn ngọc, nó bay lên hư không, đi đến một hòn đảo ở giữa biển, và nghĩ: Nay ta sẽ ở lại đây.

Nó đi xuống một chỗ tốt đẹp, dưới gốc cây Udumbara, và nó sống tại đấy. Một hôm, con heo rừng để hòn ngọc trước mặt và nằm ngủ dưới gốc cây ấy.

Có một người sống ở nước Kà Si, bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà vì không giúp ích được gì, bèn đi đến bờ biển, leo lên một chiếc tàu làm người giúp việc cho chủ tàu.

Khi tàu bị chìm giữa biển, anh ta nằm trên tấm gỗ, trôi đến hòn đảo ấy. Trong khi đi tìm trái cây, thấy con heo rừng nằm ngủ, anh ta đi nhẹ đến gần và lấy hòn ngọc.

Nhờ thần lực hòn ngọc, anh ta bay lên hư không, ngồi trên cây Udumbara và suy nghĩ: Con heo rừng này nhờ thần lực hòn ngọc, đi được trên hư không. Ta nghĩ có lẽ nó muốn sống ở đây. Trước hết, ta hãy giết nó, ăn thịt rồi sẽ đi. Anh ta bẻ một cây gậy và phóng cây gậy rơi xuống trên đầu con heo rừng.

Con heo rừng thức dậy, không thấy hòn ngọc, hoảng sợ chạy nhanh. Anh ta ngồi trên cây cười lớn. Con heo rừng nhìn lên, thấy anh ta liền húc đầu vào cây và chết tại chỗ. Anh ta trèo xuống đốt lửa, nấu thịt con heo rừng, ăn xong, liền bay lên hư không.

Khi bay ngang qua dãy Tuyết Sơn, anh ta thấy am thất các Đạo Sĩ liền xuống am thất của người lớn tuổi nhất, ở đấy hai ba ngày, và được vị tu khổ hạnh chiêu đãi. Thấy thần lực của con dao kiếm có cây búa, anh ta nghĩ: Ta phải lấy vật dụng này.

Anh ta chỉ cho vị tu khổ hạnh thần lực của hòn ngọc và nói: Tôn Giả hãy lấy hòn ngọc này của tôi và cho tôi con dao kiếm có búa. Vị tu khổ hạnh mong muốn đi trên hư không, bèn lấy hòn ngọc và trao đổi con dao kiếm có búa với anh ta.

Người ấy lấy con dao kiếm có búa, đi một lát, gõ vào vật ấy và nói: Này con dao kiếm có búa, hãy chém đầu người tu khổ hạnh và đem lại hòn ngọc cho ta. Con dao kiếm có búa liền đi chém đầu người tu khổ hạnh và đem lại hòn ngọc. Anh ta cất con dao kiếm có búa tại một chỗ kín, đi đến gần vị Đạo Sĩ thứ hai và sống tại đấy vài ngày.

Anh ta thấy được thần lực cái trống bèn gạ đổi hòn ngọc để lấy cái trống. Với cách thức trước anh ta bảo cái búa chém đầu người ấy, rồi đi đến người em út. Thấy thần lực của ghè sữa đông, anh ta cho hòn ngọc, đổi lấy cái ghè sữa đông, và với phương tiện trước, anh ta bảo cái búa chém đầu người ấy.

Anh ta lấy lại hòn ngọc, con dao kiếm có búa, cái trống và cái ghè sữa đông, rồi bay lên hư không.

Ðứng không xa Ba La Nại, anh ta gửi thư nhờ một người cầm tay mang đến cho Vua: Hãy giao Quốc Độ cho ta hay muốn bị chém đầu.

Vua được tin liền nói: Ta sẽ bắt tên đạo tặc kia. Và Vua đi ra khỏi thành. Tên cướp ấy đánh trên một mặt trống, khiến bốn loại binh chủng vây quanh mình. Khi biết Vua đã dàn bày thế trận, anh ta lật ngược cái ghè sữa đông, khiến dòng sông lớn tuôn chảy.

Ðại quân của Vua bị sữa đông chìm ngập không thể ra được. Rồi anh ta gõ cây kiếm có búa, bảo con dao chặt đầu Vua. Con dao bay đi, đem đầu Vua lại và quăng dưới chân anh ta.

Không một ai có thể đưa binh khí lên chống anh ta. Với quân lực bao quanh, anh ta vào thành, làm lễ quán đảnh, trở thành Vua tên là Dadhivahana Vua mang sữa đông và trị nước.

Một hôm, trong khi đang chơi thả lưới trên sông lớn, một trái xoài chín, được Chư Thần sử dụng, trôi từ hồ Kannamundà ở Tuyết Sơn xuống và mắc vào lưới.

Khi lưới được kéo lên, thấy trái xoài ấy, các quan liền dâng Vua. Trái xoài ấy lớn bằng cái ghè, tròn trịa, màu sắc vàng.

Vua hỏi các người đi rừng: Trái cây gì vậy?

Khi nghe đáp là trái xoài, Vua ăn xong, bảo đem gieo hột xoài vào vườn của mình, và tưới nước sữa. Cây mọc lên, đến năm thứ ba đã sanh trái.

Cây xoài được kính trọng, được tưới nước sữa, được cho hương liệu dày đến năm phân, các vòng hoa được giăng xung quanh. Cây được đốt đèn với dầu thơm, có màn vải bao bọc xung quanh đến bảo vệ các trái chín có vị ngọt và sắc vàng.

Khi Vua Dadhivahana gửi các trái xoài để tặng các Vua khác, vì sợ sau này hột xoài sẽ mọc lên thành cây xoài, Vua lấy gai chích tại chỗ mộng sanh cây. Các Vua ấy ăn xoài xong, gieo hạt, nhưng nó không mọc. Họ hỏi nguyên do và biết được sự việc.

Một vị Vua cho gọi người giữ vườn và hỏi: Người có thể phá hoại hương vị trái xoài của Vua Dadhivahana, khiến nó trở thành đắng được không?

Người ấy đáp: Tâu Ðại Vương, có thể được. Vua liền sai người ấy đi và cho một ngàn đồng tiền vàng. Người ấy đi đến Ba La Nại, báo tin cho Vua này biết có một người giữ vườn đến. Khi được Vua cho gọi, anh ta vào thành, đảnh lễ Vua.

Vua hỏi: Ngươi có phải là người giữ vườn không?

Anh ta thưa: Tâu Ðại Vương, phải.

Và anh ta bắt đầu ca tụng khả năng của mình.

Vua nói: Ngươi có thể làm phụ tá cho người giữ vườn của ta. Từ đấy trở đi, hai người săn sóc ngự viên.

Người giữ vườn mới tới không bao lâu đã làm cho cây trổ hoa trái mùa và sanh quả trái mùa, khiến cho khu vườn càng thêm xinh đẹp. Vua rất bằng lòng bèn đuổi người giữ vườn cũ đi, và giao khu vườn cho anh ta.

Ngay khi người giữ vườn ấy chiếm được ngôi vườn vào trong tay mình, anh ta liền bao vây cây xoài bằng cách trồng các cây Nimba và các loại cây leo.

Dần dần các cây Nimba lớn lên, rễ với rễ, cành với cành, chúng xen lẫn chằng chịt với cây xoài. Do xen lẫn với vị không tốt, trái xoài có vị ngọt trở thành đắng giống như là nimba. Vừa khi biết được trái xoài đã trở thành đắng, người làm vườn bỏ chạy trốn.

Vua Dadhivahana đi đến thăm vườn và ăn trái xoài. Khi nước của trái xoài vào miệng, có vị đắng như trái nimba không thể nào nuốt nổi, Vua phải khạc nhổ ra. Lúc bấy giờ Bồ Tát là vị cố vấn của Vua về Thánh sự và tục sự.

Vua cho gọi Bồ Tát và hỏi: Thưa Bậc Hiền Trí, cây này được săn sóc cẩn thận như xưa, sự việc là vậy, sao trái trở thành đắng?

Vì lý do gì vậy?

Và Vua đọc bài Kệ đầu:

Ðẹp, thơm và vị ngọt,

Trái xoài xưa là vậy,

Vẫn được ta tôn quý,

Sao lại có vị đắng?

Ðể nêu lý do, Bồ Tát đọc bài kệ thứ hai:

Da dhi va ha na,

Trái xoài chín của Ngài,

Bị vây bởi Nimba,

Rễ xen lẫn với rễ,

Cành xen lẫn với cành,

Chính cây đắng bao quanh

Ðã làm hư trái ngọt,

Do sống với bạn ác,

Trái ngọt trở thành đắng.

Vua nghe lời Bồ Tát, bảo chặt tất cả các cây Nimba và cây leo, nhổ rễ lên, đào bỏ đất bùn không tốt xung quanh và đổ đất bùn tốt vào gốc cây ấy. Rồi cây được nuôi dưỡng cẩn thận với sữa, nước ngọt, nước thơm. Sau đó, nhờ được thấm nhuần đủ mọi vị ngọt nên trái cây trở lại ngọt như trước, Vua liền giao khu vườn cho người giữ vườn trước kia săn sóc.

Sau khi sống hết thọ mạng, Vua đi theo nghiệp của mình.

Khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ ta là vị Đại Hiền Trí.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần