Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Bốn - Tinh Tấn độ Vô Cực - Kinh Số Năm Mươi Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
CHƯƠNG BỐN
TINH TẤN ĐỘ VÔ CỰC
KINH SỐ NĂM MƯƠI NĂM
Sao gọi là Tinh Tấn Độ Vô Cực?
Tinh là chuyên giữ đạo thâm diệu. Tấn là không chút biếng trễ. Nằm, ngồi, đi, đứng, hít thở… không chút xao lãng. Mắt hằng thấy phảng phất hình bóng linh của Phật biến hóa trước mặt mình. Tai thường nghe tiếng đức chánh chân dạy bảo.
Mũi ngửi mùi đạo, miệng nói lời đạo, tay làm việc đạo, chân bước trong Nhà Đạo, không rời bỏ chí ấy dù chỉ trong hơi thở. Thương xót chúng sinh ở mãi trong đêm dài của biển nước sôi, trôi theo dòng luân chuyển, độc hại ngày một thêm, hết đường cứu độ. Bồ Tát buồn lo cho họ như nơi người con chí hiếu bị mất cha mẹ.
Nếu như con đường cứu giúp chúng sinh mà phía trước có nạn nước sôi lửa bỏng, có đao gươm, chất độc làm hại, dù phải hy sinh thân mạng, Bồ Tát vẫn hoan hỷ cứu giúp mọi hoạn nạn cho chúng sinh. Chí mong vượt khỏi sáu nẻo đường tăm lối để đạt tới cõi tươi sáng.
Thuở xưa, có Bồ Tát khi làm người phàm, nghe được danh hiệu, tướng tốt và đạo lực của Phật, công đức lồng lộng, Chư Thiên đều ngưỡng mộ. Người theo cao hạnh thì các khổ đều diệt.
Bồ Tát luôn nhớ tưởng, than khóc không yên nói: Ta làm sao được đọc tụng tu tập Kinh Điển của bậc thầy Trời người, phụng hành cho đến khi được thành Phật, để cứu lành bệnh của chúng sinh, khiến họ trở về với bản tánh thanh tịnh đây?
Thời đó Phật nhập diệt đã lâu xa, không có chúng Tỳ Kheo, không biết dựa vào đâu để được nghe, thọ trì.
Hàng xóm có một kẻ phàm phu tánh tình tham tàn, thấy Bồ Tát tinh tấn luyện chí, nên nói: Ta biết một chương gồm ba giới của Phật, ông muốn vâng thọ không?
Bồ Tát nghe nói lòng mừng vô cùng, cúi đầu đảnh lễ nơi chân, quỳ mọp xuống xin nghe giới.
Người biết kệ nói: Đây là giáo lý tinh yếu của Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư, ông muốn nghe suông, há được vậy sao?
Bồ Tát đáp: Xin cho biết nghi thức hỏi pháp, nghĩa ấy như thế nào?
Người kia nói: Nếu ngươi thật thành khẩn muốn nghe pháp, thì nơi mỗi lỗ chân lông một kim chích vào, máu chảy thân đau mà lòng không chút hối hận thì giáo pháp tôn quý mới có thể nghe được.
Bồ Tát đáp: Nghe Kinh Phật rồi chết, tôi cũng vui lòng làm, huống chi chích vào thân mà vẫn còn sống. Rồi đi chợ mua kim, tự chích vào khắp thân mình, máu tuôn như suối chảy. Bồ Tát vui mừng nghe pháp, chứng được pháp định dứt mọi đau đớn.
Trời Đế Thích thấy Bồ Tát dốc sức luyện chí mà đem lòng thương xót, nên hóa khiến trên toàn thân của Bồ Tát mỗi lỗ chân lông đều có một cây kim.
Người kia thấy rõ chí cao cả của Bồ Tát, liền trao lời Kinh: Giữ gìn miệng, nhiếp phục tâm ý, thân không phạm ác. Trừ được ba hạnh này thì được hội nhập vào con đường Hiền Thánh. Đó là giáo pháp chân chánh của các Đấng Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Tôn Tối Chánh Giác đã giảng nói.
Bồ Tát nghe giới hoan hỷ cúi đầu, ngoái nhìn thì kim châm trên thân bỗng biến mất hết. Bóng dáng Ngài sừng sững, khí lực hơn trước nhiều. Trời, Người, Quỷ, Rồng không ai là không khen ngợi. Chí tiến hạnh cao của Bồ Tát luôn nối tiếp cho đến khi thành Phật cứu vớt mọi chúng sinh.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Người trao kệ cho Bồ Tát nay là Điều Đạt. Điều Đạt tuy biết kệ của Phật trước, nhưng giống như người mù cầm đuốc soi cho kẻ khác mà bản thân thì không thấy sáng, thử hỏi có ích gì cho mình. Bồ Tát luyện chí độ vô cực, đã hành tinh tấn như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Ba Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Một - Phẩm đại - Kinh Chí Biên
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Sáu - Pháp Hội Vô Ngôn Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Khổ Uẩn - Phần Bốn - Vị Ngọt Các Cảm Thọ
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Mười Tám - Kinh Lên Lầu Mài Dao