Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Một - Nói Về đại Chúng - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG VÔ TƯỞNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

CHƯƠNG MỘT

NÓI VỀ ĐẠI CHÚNG  

TẬP BA  

Lại có Thiên Tử Tự Tại cùng vô lượng thiên chúng hiện thần biến lớn phóng ra ánh sáng năm màu, đem các loại hoa như núi Tu Di: Hoa Ưu Bát La, Bát Đầu Ma, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lợi, hoa hương, hoa đại hương, hoa vi diệu, hoa đại vi diệu, hoa ái kiến, hoa đại ái kiến, hoa thời, hoa thường.

Hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, cùng các thứ hương như: Hương chiên đàn, hương hoa, hương phức ca, với các thứ kỹ nhạc, các loại hoa lớn như bánh xe. Những vị Trời ấy, cũng vào sáng sớm, ra khỏi thiền định, đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ, chấp tay cung kính, nhiễu bên phải ba vòng, xong xuôi, lui ra ngồi một bên.

Lại có hàng vạn Phạm Thiên như Phạm Thiên Loa kế v.v… vô lượng Phạm Thiên này, đều phóng ra ánh sáng năm màu, có năng lực phá tan mọi tham dục hắc ám của chúng sinh hiện có nơi núi Kỳ Xà Quật. Các vị Phạm Thiên ấy đem vô số loại hương tạp, hoa, kỹ nhạc đi đến chỗ Phật ở tại rừng Trúc Ca Lan Đà, núi Kỳ Xà Quật, trong đại thành Vương Xá.

Tại đây, đất đai ngang dọc một do tuần, các y Trời trải kín khắp mặt đất, như: Y Kiều Thi Ca, Y Ca Lăng Già, Y Sô Ma, Y Câu Nhuệ Bà.

Lại dựng tòa Sư Tử bảy báu, cao một trăm vạn tám ngàn do tuần, bày biện những vật cúng dường xong, các Phạm Thiên đều nhiễu quanh Như Lai đủ ba mươi vòng, rồi cởi y báu mang nơi thân, phủ lên trên Như Lai và nói: Cúi xin Như Lai hãy vì các chúng sinh mưa xuống cơn mưa pháp.

Lúc đó, từ nơi không trung phát ra âm thanh lớn: Bạch Thế Tôn! Mặc dù được nghe nói về pháp thường, lạc, ngã, tịnh, nhưng tất cả chúng sinh không thể nào hiểu được. Cúi mong Như Lai hãy trình bày, giảng nói.

Lại có vô lượng Nga vương, như Nga vương Sư Tử v.v… đem đầy đủ những thứ cúng dường như các loại hoa hương để cúng dường tòa Sư Tử báu.

Lại có vô lượng Khổng tước vương như Thiện Mục v.v… đem các loại hương hoa, những kỹ nhạc vi diệu cúng dường Phật.

Lại có vô lượng Điểu Vương Câu Chỉ La, Như Điểu Vương Thiện Hạnh v.v… cũng vào sáng sớm, ra khỏi thiền định, đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ, chấp tay cung kính, nhiễu bên phải ba vòng, xong xuôi, lui ra ngồi một bên.

Lại có Điểu Vương Ca lan đà trên núi Tuyết, như Điểu Vương Liên Hoa v.v… đem các hương hoa, cũng vào sáng sớm, ra khỏi thiền định, đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ, chấp tay cung kính, nhiễu bên phải ba vòng, xong xuôi, lui ra ngồi một bên.

Lại có vô lượng Điểu Vương Mạng Mạng, như Điểu Vương Vô Ngại v.v… cũng vào sáng sớm, ra khỏi thiền định, đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ, chấp tay cung kính, nhiễu bên phải ba vòng, xong xuôi, lui ra ngồi một bên.

Lại có vô lượng Vua thần núi, đứng đầu là Vua thần núi Tu Di, cũng vào sáng sớm, ra khỏi thiền định, đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ, chấp tay cung kính, nhiễu bên phải ba vòng, xong xuôi, lui ra ngồi một bên.

Lại có Vua các loài cỏ thuốc ở Hương Sơn, như Vua Nhẫn Nhục v.v… cũng vào sáng sớm, ra khỏi thiền định, đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ, chấp tay cung kính, nhiễu bên phải ba vòng, xong xuôi, lui ra ngồi một bên.

Bấy giờ, mọi cây cối hiện có đều trổ hoa quả. Mọi kỹ nhạc không tấu tự nhiên phát ra âm thanh vi diệu. Mọi loài thú dữ như Sư Tử v.v… trong núi Tuyết đều phát khởi tâm từ, xem nhau như mẹ với con.

Lại có tất cả các loài trùng độc như muỗi, nhặng v.v… đều đạt tâm từ xem nhau như con một.

Các loài chim dữ cũng lại như vậy.

Lại có bốn loại rắn độc, đó là: Loại rắn độc nhìn, loại rắn độc phì hơi, loại rắn độc cắn, loại rắn độc xúc chạm v.v… cũng đều đạt được tâm từ.

Cả đến mười sáu loại luật nghi xấu ác cũng đều như vậy. Các chúng sinh ác thảy đều thọ năm giới.

Khi đó, tất cả đại chúng cùng đều thọ trì giới hạnh thanh tịnh, ưa muốn nghe thọ Kinh Điển đại thừa, cung kính đại thừa, ủng hộ đại thừa, những kẻ chê bai hủy báng đại thừa, khi thấy việc như thế cũng đều thọ trì, cung kính cúng dường.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng liền từ tòa ngồi đứng dậy, trịch bày vai phải, đảnh lễ Phật, quỳ dài, chấp tay, bạch: Bạch Thế Tôn! Chư đại chúng ở đây đều có lòng hồ nghi. Nay con có điều muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn cho phép.

Đức Phật nói: Tốt lắm! Hay lắm! Này thiện nam! Ta có thể phá tan sự nghi ngờ nơi tâm của đại chúng. Có điều gì, ông cứ thưa hỏi.

Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng hỏi: Bạch Thế Tôn!

Bậc Đại Bồ Tát làm sao tu hành đạt được Đà La Ni?

Làm sao có khả năng đạt được Tam Muội đại hải?

Làm sao có khả năng giải thích những lời bí mật của Chư Phật?

Làm sao đạt được sự nhận biết đầy đủ về pháp vị?

Làm sao thấy được Tạng kín đáo?

Làm sao hội nhập vào nơi an ổn thấy được sự tồn tại mãi mãi của Như Lai?

Làm sao có khả năng đạt được Tạng báu của Như Lai?

Chấm dứt vĩnh viễn mọi bần cùng khốn khổ của chúng sinh?

Làm sao có khả năng giải thích được nghĩa lý sâu xa của Chư Phật Như Lai?

Làm sao có khả năng đến được bờ biển giải thoát của Chư Phật Như Lai?

Làm sao Bồ Tát hội nhập vào cảnh giới của Chư Phật Như Lai?

Làm sao Bồ Tát lại hộ trì mọi pháp huyễn của Chư Phật?

Làm sao Bồ Tát đạt được pháp của Như Lai, khi đạt rồi lại có khả năng diễn nói?

Làm sao có khả năng biết được tất cả Pháp Giới?

Làm sao đạt được thân tuệ tinh, thân nguyệt, thân nhật thân sao chổi, thân Mặt Trời, thân Mặt Trăng của Phật?

Làm sao đạt được biên vực tận cùng của Như Lai?

Làm sao có khả năng đạt được nghiệp thanh tịnh của Chư Phật?

Làm sao đạt được con đường hành hóa của Như Lai đi?

Làm sao đạt được ao thanh tịnh thâm diệu của Phật?

Làm sao được hoa Phân đà lợi của Phật?

Làm sao đạt được sức tự tại của Phật?

Làm sao có khả năng đạt được tài sản của Chư Phật?

Làm sao có khả năng thấy được thật tướng của Như Lai?

Làm sao thấy được sự thường trụ bất biến của Phật?

Làm sao có khả năng đạt được màu sắc vàng ròng của Như Lai?

Làm sao Bồ Tát đạt được ngôi vị Pháp Vương của Phật?

Làm sao có khả năng đạt được pháp thân kim cương?

Làm sao đạt được thường thân, thường thanh của Phật?

Làm sao Bồ Tát đến được nơi an ổn của Như Lai mà không có tưởng an ổn?

Làm sao thấy được thường, lạc, ngã, tịnh của Chư Phật Như Lai mà chẳng phải là ác kiến?

Thế nào là pháp thân chân thật, sinh thân chân thật của Như Lai?

Thế nào là thân kim cương của Như Lai xua tan mọi tạp thân?

Thế nào là thấy thân hoại mà gọi là cái thấy chân chánh?

Thế nào là thân Như Lai không được gọi là thân do máu, thịt, gân, xương kết hợp thành, hay là có những thân như thế?

Thế nào là quán không khi nghe Như Lai nói pháp?

Thế nào là những điều đã đạt được?

Thế nào là khi nói pháp lại nghe đầy đủ về pháp vô sở hoạch, hoặc vô sở hữu?

Thế nào là được nói về cái thường, chân thật của Như Lai?

Thế nào là nhập Niết Bàn hoặc không nhập Niết Bàn?

Thế nào gọi là giới thật ngữ hoặc không tịnh uế?

Tại sao khen ngợi việc trì giới là pháp Phật không bị diệt?

Tại sao nói pháp diệt, lại nói khi pháp diệt có nhiều người phá hủy giới cấm?

Tánh tịnh của Phật Như Lai là thượng tịnh, là cứu cánh tịnh chăng?

Tánh của những người hủy hoại giới cấm cũng như vậy phải không?

Thế nào là ưa thích sinh tử?

Thế nào là Chư Bồ Tát thường nói về cái vui của sinh tử?

Thế nào là Chư Bồ Tát lại ưa thấy tánh của Như Lai?

Thế nào là sự thường hằng của phiền não?

Thế nào là ưa phiền não?

Thế nào là lại nhập vào được tất cả cửa phiền não?

Thế nào là có khả năng tu được tất cả nghiệp của cõi Phật?

Thế nào là khéo biết được gốc rễ của phiền não?

Thế nào là các Bồ Tát có khả năng khéo diệt trừ được tâm nghi ngờ về thường, lạc, ngã, tịnh đối với Phật, hoặc là không có tâm hồ nghi?

Thế nào là sợ sống chết, hoặc là có sự sợ hãi đối với sự sống chết?

Thế nào là ưa đắm chấp?

Thế nào là đạt được con đường của Phật?

Thế nào là chuyển bánh xe chánh pháp?

Thế nào là hướng dẫn cho chúng sinh nhận biết Phật tánh không thể bị đoạn trừ?

Thế nào là đối trị chúng ma, khiến lìa cảnh giới ma?

Thế nào là đưa chúng sinh vượt qua biển khổ lớn sống chết?

Thế nào là nói về sống chết, chỉ dẫn con đường sống chết?

Thế nào là đạt được biển cả vô lượng của sự sống chết?

Thế nào là cầu sống chết, khát khao con đường sống chết?

Thế nào là tham sống chết, nuối tiếc không buông bỏ?

Thế nào là mở bày sự sống chết giống như Phân đà lợi?

Thế nào là sự ràng buộc của phiền não giống như bốn biển lớn?

Thế nào là các phiền não thường khởi lên giống như sự phát nguyện?

Thế nào là có được tâm địa ngục?

Thế nào là thường cầu tâm địa ngục?

Thế nào là tu tập giới cấm địa ngục?

Thế nào là chấm dứt hết thân địa ngục do nghiệp hành của địa ngục đao, kiếm, cung, tên, dùi, vòng lửa…?

Thế nào là có khả năng phá tan quả địa ngục của chúng sinh?

Thế nào là tạo sự An Lạc cho chúng sinh ở địa ngục?

Thế nào là giáng cơn mưa lớn xuống dập tắt ngọn lửa địa ngục?

Thế nào là thân ở địa ngục nhưng không chịu hình phạt?

Thế nào là làm người chèo thuyền dẫn dắt cho địa ngục?

Thế nào là làm vị thuốc hay, lớn cho địa ngục?

Thế nào là có khả năng bít lấp con đường địa ngục?

Thế nào là làm ngọn đuốc tuệ phá tan sự u ám nơi sinh tử?

Thế nào là không bị vấy bẩn do sự độc hại của phiền não sinh tử?

Tuy trụ nơi vô sở trụ mà không đồng với không trụ, lại có khả năng tiêu trừ mọi phiền não, như Mặt Trời phá tan tuyết, thấy được thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai, tâm an trụ như núi Tu Di, không lay động, không chuyển dời, giống như cây cờ của Đế Thích.

Như Lai thật sự không có Niết Bàn cứu cánh, cũng nói Như Lai nhập vào Niết Bàn, tâm ấy không hoại, giống như Kim Cang?

Thế nào là có được sự xấu hổ?

Thế nào là đạt được thân tướng tốt đẹp?

Thế nào là lại có khả năng đạt thân được mọi người ái kính?

Thế nào là đạt được không tham lam?

Thế nào là đạt được không giận dữ?

Thế nào là có khả năng đạt được ánh sáng vi diệu?

Thế nào là đạt được tánh chân chánh?

Thế nào là đạt được sự tự tại?

Thế nào là có khả năng đạt được quyến thuộc của đại chúng?

Thế nào là có khả năng đạt được quyến thuộc không hoại, không lui, không mất, không tham ăn uống, thường tu hạnh biết vừa đủ, trọn không ăn thịt, thường sinh lòng yêu mến đối với các chúng sinh, thường được thế gian cung kính, tôn xưng là bậc đại thí chủ cho tất cả, bậc đại lực sức lực mạnh mẽ, bậc kiện hành bước đi vững chắc, bậc có lòng đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, đại tuệ tổng trì, tùy thuận theo thế gian làm An Lạc cho thế gian?

Thế nào là đạt được sự vô thượng của thế gian, vô thắng của thế gian, vô biên của thế gian. Thường thực hành chánh ngữ, tu hành phạm hạnh. Thực hành hạnh đại bi, hạnh hỷ, thánh hạnh. Thấy cõi pháp không rồi tùy thuận diễn nói, thấy cõi bất không nói cũng như vậy.

Nói tướng pháp Phật, thấy pháp chân chánh của Phật, đạt được sự tự tại trong sạch. Giữ gìn giới tài, đức tài, pháp tài và bất thực tài, vì chúng sinh nghèo đạt được tài vật chứa nơi thân.

Vì các chúng sinh đạt được ba loại định: Không, vô tướng, vô nguyện. Muốn sinh tịnh độ thì đạt thân theo nguyện. Tuy vì các chúng sinh phải thọ ấm thân này nhưng không vì vậy mà cầu chúng sinh phải báo đáp ân đức, ca ngợi việc tu trì giới, quở trách việc phá giới, không bị đám người tà vạy cản trở, quấy phá.

Tuy đọc ngoại điển nhưng không theo nghĩa lý, những lời thuyết giảng về cú nghĩa không dứt. Tuy được mệnh danh là Sa Môn, Bà La Môn nhưng hoàn toàn không phát sinh ý tưởng của Sa Môn, của Bà La Môn.

Tuy tỏ tường về toán số, chú thuật nhưng tâm chưa từng có ý nghĩ lệ thuộc. Tuy vì chúng sinh hiện vào thiên tự, cung kính cúng dường, y chỉ lễ bái nhưng trong tâm thường y vào pháp giới. Hiện tại làm mười điều ác, kỳ thật là hành phạm hạnh, được Chư Phật hộ niệm, xem như con một.

Hay khéo hộ trì pháp thân Chư Phật, có khả năng chuyển tất cả bánh xe chánh pháp của Chư Phật. Thấy một cách sâu xa về tướng chân thật cùng Pháp Giới thâm diệu của Chư Phật, tu hành tất cả mọi hành của Chư Phật, đạt được vô lượng thân cùng vô lượng hạnh, khéo giải thích mọi mật ngữ của Chư Phật, cùng trừ bỏ kiêu mạn giống như Chư Phật. Khéo nói nghĩa lý sâu kín của pháp giới.

Tuy nói kiêu mạn nhưng không có ý tưởng kiêu mạn, cũng không dạy người khác kiêu mạn. Tâm không tham, sân, si, sợ hãi, giống như Chư Phật, hạnh nguyện vô lượng, sự kín đáo vô lượng, chư pháp vô lượng, ưa nói vô lượng, tánh tướng vô lượng, chân thật vô lượng, thấy chân, thấy thật, thấy tánh, thấy pháp.

Vì muốn đoạn trừ phiền não cho chúng sinh nên diễn nói pháp, thường được tri kiến của Chư Phật Thế Tôn, vượt hẳn biển cả của mọi sự ràng buộc theo phiền não. Vì muốn độ chúng sinh nên nói pháp vượt biển cả của mọi sự ràng buộc nơi phiền não.

Đối với những người tự mình được độ, đã độ, chưa độ, những người tự mình được thoát, đã thoát, chưa thoát, những người tự mình được an, đã an, chưa an và những người chưa được Niết Bàn thì đều khiến đạt được sự Niết Bàn, tự thấy pháp giới một cách rõ ràng chân thật.

Hoặc vì chúng sinh nói thật không thật. Trải qua vô lượng kiếp đã phá tan bốn loại ma, vì các chúng sinh nên hiện ở nơi cây đạo hàng phục chúng ma.

Tri kiến thật bên trong từ lâu đã phá tan các ma, vì các chúng sinh nên nói nay phá trừ, dùng phương tiện khéo léo chuyển bánh xe chánh pháp, dùng phương tiện khéo léo để hiện nhập Niết Bàn?

Thế nào là có khả năng đạt được thần thông của Chư Phật?

Thế nào là đạt được ngôi Pháp Vương của Phật Như Lai?

Thế nào là đạt được tạng pháp bí mật của Phật?

Thế nào là đạt được sự không thể nghĩ bàn của Phật?

Thế nào là có khả năng đạt được sự vô lượng, vô xưng, vô số, vô thắng, vô biên của Chư Phật?

Thế nào là có khả năng ban phát vị cam lồ cho tất cả chúng sinh?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần