Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Một - Phẩm Dalha - Chuyện Lời Giáo Giới Cho Vua Tiền Thân Ràjovàda
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI
PHẨM MỘT
PHẨM DALHA
CHUYỆN LỜI GIÁO GIỚI CHO VUA
TIỀN THÂN RÀJOVÀDA
Cứng rắn đối cứng rắn. Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về lời giáo giới cho Vua. Câu chuyện sẽ được nói đến trong Tiền Thân Tesakuna.
Một hôm Vua Kosala, vừa xét xử một vụ kiện rất khó liên hệ đến pháp luật xong, tay chưa khô ráo, Vua ngự lên xe được trang hoàng, đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ dưới chân Ngài, những ngón chân tuyệt đẹp như hoa sen nở rộ, rồi ngồi một bên.
Bậc Ðạo Sư nói với Vua Kosala: Thưa Ðại Vương, Ðại Vương từ đâu đi đến quá sớm như vậy?
Bạch Thế Tôn, mấy hôm nay trẫm phải xét xử một vụ kiện rất khó liên hệ đến luật pháp, nên không có được cơ hội đến yết kiến Thế Tôn. Nay công việc đã được giải quyết, ăn uống xong, với tay chưa khô ráo, trẫm đi đến hầu Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói: Thưa Ðại Vương, xét xử một vụ kiện đúng pháp và công bằng là một việc thiện, đây là con đường đưa đến Chư Thiên. Thật không có gì vi diệu khi Vua nhận được lời giáo giới từ một vị nhất thiết trí như ta và đã xét xử vụ kiện đúng pháp và công bằng.
Thật là vi diệu, thuở xưa khi các Vua nghe lời các vị hiền triết không phải nhất thiết trí, vẫn xét xử vụ kiện đúng pháp và công bằng, từ bỏ con đường đi đến ác thú, tuân theo mười Vương Pháp và đã đi lên Thiên Giới làm đông đảo hội chúng Chư Thiên.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của Vua, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. Thuở xưa khi Vua Brahmadatta trị vì xứ Ba La Nại, Bồ Tát nhập thai làm con bà chánh Hậu của Vua, và thai được săn sóc chu đáo, nên đã sanh ra từ lòng mẹ an toàn.
Ðến ngày lễ đặt tên, Bồ Tát được đặt tên là Hoàng Tử Brahmadatta. Hoàng Tử tiếp tục lớn lên, khi được mười sáu tuổi đã trưởng thành, Hoàng Tử đến thành Takasilà để học tập và tinh thông tất cả các tài nghệ.
Sau khi thân phụ mất, Bồ Tát được đặt lên Vương Vị, và trị nước đúng pháp và công bằng phán quyết các vụ kiện, không dựa theo ý muốn của riêng mình.
Bồ Tát trị vì đúng pháp như vậy nên các Đại Thần cũng xét xử các vụ kiện công bằng. Khi các vụ kiện được xét xử đúng pháp luật thì không còn ai tạo ra các vụ kiện lừa đảo nữa, do đó, các sự ồn ào trong sân Vua do các vụ kiện tụng gây ra cũng được chấm dứt.
Các Đại Thần ngồi cả ngày trong pháp đình, không thấy có một vụ kiện nào đưa đến để xét xử, cũng bỏ đi. Các pháp đình trở thành trống vắng.
Bồ Tát suy nghĩ: Vì ta trị vì đúng pháp, không có ai đến kiện tụng, các tiếng ồn ào được chấm dứt, xem pháp đình trở thành trống vắng. Nay ta cần phải tìm xem ta có khuyết điểm gì, nếu có, ta sẽ từ bỏ nó và sẽ sống trong an lạc.
Từ đấy, Bồ Tát đi tìm cùng khắp xem có ai nói lên khuyết điểm của mình không, nhưng trong các nội cung, Ngài không tìm được ai nói lên khuyết điểm, chỉ nghe ca tụng công đức của mình.
Bồ Tát suy nghĩ: Những người này vì sợ ta, không nói lên khuyết điểm, chỉ nói lên công đức. Bồ Tát đi ra ngoài nội cung để tìm, tại đấy cũng không thấy một ai, liền tìm trong nội thành, rồi ra tìm ở ngoại thành, hỏi những người ở tại bốn cửa thành. Tại đây cũng không thấy một ai nói lên khuyết điểm, chỉ nói lên công đức.
Bồ Tát suy nghĩ: Nay ta sẽ đi tìm tại các tỉnh thành. Vua giao Quốc Độ cho các đại thần ngự lên xe, chỉ đem theo người đánh xe, ra khỏi thành giả dạng để vẫn không một ai biết và đi khắp đất nước, cho đến khi đến biên địa vẫn không thấy một ai nói lên khuyết điểm, chỉ nghe nói đến công đức của mình.
Từ biên địa, theo đường đại lộ Vua trở về Kinh Thành. Trong lúc ấy, Vua nước Kosala tên là Mallika trị vì Quốc Độ đúng pháp, cũng đi tìm khuyết điểm, từ trong nội cung v.v... không thấy một người nào nói lên khuyết điểm, chỉ nghe nói về công đức của mình, liền đi tìm khắp nước và đến chỗ ấy.
Cả hai người gặp mặt nhau trên một con đường chật hẹp chỉ đủ một xe đi chứ không có chỗ để xe này tránh xe kia.
Rồi người đánh xe của Vua Mallika nói với người đánh xe của Vua Ba La Nại: Hãy tránh ra xe của bạn.
Người đánh xe kia nói: Này bạn đánh xe, hãy cho xe của bạn tránh ra. Trên xe này là Vua nước Ba La Nại, đại Vương Brahmadatta đang ngồi.
Người đánh xe trước nói: Này bạn đánh xe, trên xe này là Vua Kosala, Ðại Vương Mallika đang ngồi, hãy cho xe của bạn tránh ra. Hãy nhường chỗ cho xe Vua chúng tôi đi.
Người đánh xe của Vua Ba La Nại suy nghĩ: Ðây cũng là Vua.
Vậy phải làm sao đây?
À, có phương tiện này. Sau khi hỏi tuổi, xe của vị nào trẻ hơn sẽ nhường chỗ cho vị lớn tuổi. Suy nghĩ và thi hành như vậy, người ấy biết được cả hai Vua đều đồng tuổi với nhau.
Lại hỏi về diện tích Vương Quốc, thế lực tài sản, danh vọng và những vấn đề liên hệ đến sanh chủng, dòng họ, gia đình, trú xứ, sau khi hỏi tất cả, người ấy được biết rằng cả hai đều làm chủ Vương Quốc rộng đến ba trăm dặm, đều đồng đẳng về uy lực, tài sản, danh vọng, và những vấn đề đều liên hệ đến sanh chủng, dòng họ, gia đình, trú xứ.
Rồi người đánh xe ấy suy nghĩ: Ta sẽ nêu lên trường hợp ai thù thắng về giới đức, và hỏi: Giới đức của Vua bạn như thế nào?
Người đánh xe kia trả lời: Vua của chúng tôi có giới đức như thế này.
Và anh ta đọc bài kệ thứ nhất:
Mal li ka xử sự
Cứng rắn đối cứng rắn,
Mềm mỏng đối mềm mỏng,
Thiện đức đối thiện đức,
Bất thiện đối bất thiện,
Vua này là như vậy,
Này bạn đánh xe ơi,
Hãy nhường đường Vua ta.
Người đánh xe của Vua Ba La Nại nói: Này bạn, có phải đấy là giới đức của Vua bạn?
Khi được biết đúng như vậy, người ấy nói: Ðấy là những công đức, còn những khuyết điểm gì?
Như thế này, thế này Nhưng hãy nói các công Đức Vua của bạn?
Vậy hãy nghe.
Và người đánh xe của Vua Ba La Nại đọc bài Kệ thứ hai Pháp Cú:
Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chân thắng hư ngụy.
Vua này là như vậy,
Này bạn đánh xe ơi!
Hãy nhường đường Vua ta.
Khi nghe nói như vậy, Vua Mallika và người đánh xe, cả hai đều xuống xe, mở dây các con ngựa, đẩy xe sang một bên, và nhường đường cho Vua Ba La Nại.
Rồi Vua Ba La Nại giáo giới cho Vua Mallika: Ðây là những việc cần phải làm. Sau đó Vua đi về Ba La Nại và suốt đời làm các công đức như bố thí v.v..., sau khi mệnh chung, Vua đi lên Thiên Giới làm đông đảo hội chúng Chư Thiên.
Còn Vua Mallika ghi nhớ lời giáo giới trong lòng. Sau khi đi khắp đất nước và không tìm thấy ai chỉ trích mình, Vua trở về thành. Tại đó, Vua trọn đời làm thiện sự cho đến khi mệnh chung, Vua cũng lên Thiên Giới làm đông đảo hội chúng Chư Thiên.
Khi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện và thuyết pháp để giáo giới Vua Kosala xong, Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, người đánh xe của Vua Mallika là Mục Kiền Liên, Vua là Ànanda, người đánh xe của Vua Ba La Nại là Xá Lợi Phất, còn Vua Ba La Nại là ta vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đại Vân Thỉnh Võ Cầu Mưa
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Ly Thế Gian - Phần Sáu
PHÁP TU TRÁNH GIẶC NGOÀI PHÁ HOẠI
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Tệ Túc - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Bảy