Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Năm - Phẩm Ruhaka - Chuyện Tế Sư Ruhaka Tiền Thân Ruhaka

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI  

PHẨM NĂM

PHẨM RUHAKA  

CHUYỆN TẾ SƯ RUHAKA

TIỀN THÂN RUHAKA  

Dây cung, dù bị đứt. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự luyến ái người vợ cũ. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được đề cập ở Chương tám, Tiền Thân Indriya.

Bậc Ðạo Sư nói với Tỳ Kheo ấy: Này Tỳ Kheo, nữ nhân ấy đã làm hại ông. Thuở xưa, cô ta đã làm nhục ông trước mặt Vua và Triều Đình. Ngay sau đó, ông đã đuổi cô ta ra khỏi nhà.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra làm con của Hoàng Hậu chánh cung. Khi đến tuổi trưởng thành, Phụ Vương mệnh chung, Bồ Tát được đặt trên Vương vị và trị nước theo chánh pháp.

Bồ Tát có một cố vấn tế tự tên là Ruhaka. Ông ta có bà vợ già là một nữ Bà La Môn. Vua cho vị Bà La Môn một con ngựa với đầy đủ đồ trang sức, leo lên ngựa đi đến chầu Vua.

Khi ông ngồi trên lưng ngựa được trang sức như vậy, dân chúng đứng khắp nơi đều khen con ngựa ấy: Ôi chói sáng thay con ngựa! Nó đẹp làm sao! 

Người Bà La Môn đi về nhà, lên lầu và nói với bà vợ: Này hiền thê, con ngựa của chúng ta tuyệt đẹp. Người đứng hai bên đường đều khen nó.

Nữ Bà La Môn là người có chút ác tánh, và hay lừa phỉnh, liền nói với chồng: Ông có biết nguyên nhân nào làm cho con ngựa này đẹp không?

Con ngựa này đẹp là nhờ các thứ trang hoàng cho loài ngựa. Nếu ông muốn đẹp như con ngựa, hãy trang sức như con ngựa, rồi đi xuống giữa đường, vừa đi vừa nhún chân như con ngựa. Khi ông đến yết kiến Vua, Vua sẽ tán thán ông, và mọi người ai cũng đều khen ông cả.

Vị Bà La Môn ấy bản tánh ngu ngốc, nghe lời bà vợ, không biết ý đồ của vợ, cứ làm đúng như vậy.

Những ai thấy người Bà La Môn ấy đều cười lớn và nói: Ðẹp thay là bậc Sư Trưởng!

Vua nói với người Bà La Môn: Này Sư Trưởng, có phải ông nổi giận rồi sao?

Ông có điên không?

Câu nói của Vua chê vậy khiến ông sanh hổ thẹn.

Lúc bấy giờ, vị Bà La Môn biết:

Ta làm một việc không thích đáng, liền sinh lòng căm tức nữ Bà La Môn: Nó đã làm ta xấu hổ trước mặt Vua và quân đội. Ta sẽ đánh nó và đuổi nó ra khỏi nhà. Ông đi về nhà với ý nghĩ trả thù như vậy. Nữ Bà La Môn ác tánh biết chồng trở về với lòng căm giận mình, liền trốn ra khỏi nhà bằng một cửa nhỏ, đi đến cung điện của Vua, và ở tại đấy bốn, năm ngày.

Vua biết được tin ấy, cho gọi vị cố vấn tế tự, khuyên ông tha thứ: Này Sư Trưởng, đàn bà đầy lỗi lầm, ông nên tha thứ cho nữ Bà La Môn.

Rồi với mục đích khuyến giáo vị ấy tha thứ, Vua nói lên bài kệ đầu:

Dây cung dù bị đứt,

Cũng có thể nối liền,

Hãy giảng hòa với vợ,

Chớ để tâm hận hiềm.

Nghe xong, Ruhaka đọc bài kệ thứ hai:

Có vỏ, làm dây khác,

Lại có thợ biết làm.

Tôi sẽ tìm vợ mới,

Vợ cũ, tôi chán nhàm!

Nói vậy xong, ông đuổi nữ Bà La Môn ấy và cưới một nữ Bà La Môn khác. Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này, Ngài trình bày các sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỳ Kheo có tâm luyến ái đã đắc quả Dự Lưu.

Và Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, người vợ cũ là nữ Bà La Môn, Ruhaka là Tỳ Kheo có tâm luyến ái, còn Vua Ba La Nại là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần