Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Bốn - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM BỐN
CHUYỆN TẾ SƯ KHANDAHÀLA
TIỀN THÂN KHANDAHÀLA
PHẦN HAI
Lúc ấy Candakumàra nghĩ thầm:
Thảm họa xảy đến cho nhiều người cũng chỉ vì ta, vậy ta hãy van xin Phụ Vương cho họ khỏi tội chết mới được.
Vì thế chàng tâu với Vua Cha:
Xin làm nô lệ của Khan Da,
Nhưng mạng chúng con, xin hãy tha,
Con sẽ canh bầy voi, lũ ngựa,
Mang xiềng làm việc, thỏa lòng sư.
Xin làm nô lệ của Khan Da,
Nhưng mạng chúng con, xin hãy tha,
Con sẽ quét sân, chuồng của lão,
Mang xiềng làm việc thỏa lòng sư.
Hoặc bắt làm nô lệ tặng ai,
Chúng con tùy thánh ý an bài,
Hoặc đày tất cả ra ngoài nước,
Cầu thực tha phương ở xứ người.
Vua nghe chàng than khóc lòng đau đớn vô cùng, nước mắt chứa chan, nên Vua ra lệnh tha hết vợ con.
Vua bảo: Không ai giết được các con ta, ta không cần Thiên Giới nữa.
Những lời này tội nghiệp xin tha,
Làm trái tim ta tan nát ra,
Thả các Vương nhi, cho chúng thoát,
Thôi đừng tế lễ nữa vì ta!
Khi nghe Vua nói vậy, đám thị vệ liền thả hết tội nhân ra, khởi đầu là các Vương Tử và sau cùng là bầy chim chóc.
Lão Khandahàla đang bận rộn chuẩn bị việc đào huyệt tế lễ, có người đến mách lão: Này lão Khandàhàla hung dữ kia, Đức Vua đã thả hết tất cả các Vương Tử rồi, vậy lão hãy đi giết hết lũ con lão mà lấy máu đem ra tế Thần.
Sao nhà Vua làm gì vậy kìa?
Lão kêu lên và vội chạy đến tâu Vua:
Ta đã bảo Ngài tế lễ này,
Thật là vất vả khó khăn thay,
Sao Ngài can thiệp đòi đình chỉ,
Khi khởi đầu đang tốt đẹp vậy?
Những kẻ nào dâng lễ sát sinh,
Đi đường chắc chắn đến Thiên Đình,
Hoặc người ủng hộ đầy nồng nhiệt,
Khi thấy việc kia được thực hành.
Vua mù quáng, nghe lời của lão Bà La Môn đầy sân hận kia và tâm trí Vua đã bị ám ảnh bởi vấn đề Đạo Giáo liền ra lệnh bắt vợ con lại.
Lúc ấy Candakumàra đem hết lẽ phải trái tâu với Vua Cha:
Sao lúc sinh ra lũ chúng con,
Hão huyền chúc tụng Bà La Môn,
Khi phần con trẻ là đành chết,
Vô tội nạn nhân của oán hờn?
Sao cha tha mạng thuở thơ ngây,
Nhỏ dại biết đâu bất hạnh này?
Con trẻ hôm nay đành phải chết,
Giờ đang vui hưởng tuổi xuân đầy?
Nghĩ lúc chúng con mặc giáp bào,
Trên voi ngựa, chiến trận xông vào,
Nay làm lễ vật dâng Đàn Tế,
Chẳng lẽ việc này hợp lý sao?
Ở trong chiến địa hoặc rừng hoang,
Chống lại loạn thần, lũ chúng con,
Phục vụ thường xuyên, nay bảo giết,
Mà không lý lẽ hoặc nguyên nhân.
Nhìn chim xây tổ ấm trên cây,
Ca hót líu lo suốt cả ngày,
Yêu dấu chim non chăm sóc kỹ,
Còn cha đem giết lũ con vậy?
Cha đừng tưởng lão Bà La Môn,
Phản bạn tha cha lúc vắng con,
Đến lượt cha theo con kế tiếp,
Chúng con không chỉ chết cô đơn!
Vua thường ban đạo sĩ thôn làng,
Thành thị tối ưu chính đặc ân,
Trên mọi gia đình đều hưởng lợi,
Tạo nên tài sản thật cao sang.
Chính bọn này đây, tâu phụ thân,
Sẵn sàng phản bội các ân nhân,
Bà La Môn tộc, cha nên nhớ,
Là giống bất trung, lũ bội ân.
Vua nghe lời con oán trách, liền kêu to:
Những lời này tội nghiệp xin tha,
Làm trái tim ta tan nát ra,
Thả các Vương nhi, cho chúng thoát,
Thôi đừng tế lễ nữa vì ta!
Khandahàla liền vội chạy đến và cũng phản đối Vua như trước, khiến Vương Tử lại phải lý luận với Vua Cha lần nữa:
Nếu kẻ đem con trẻ tế đàn,
Đến khi chết, thảy được vinh quang,
Bà La Môn hãy dâng con trước,
Vua chúa noi gương kẻ dẫn đường.
Nếu kẻ đem con trẻ tế thần,
Thẳng lên Thiên Giới lúc lìa trần,
Tế Sư sao chẳng hy sinh trước,
Và cả toàn gia tộc lão luôn?
Đúng hơn, kẻ cúng tế như vậy,
Sẽ thẳng đường vào Địa Ngục ngay,
Những kẻ dám đồng tình ủng hộ,
Hành vi ấy, cũng đọa sau này.
Vương Tử nói xong, thấy rằng không thể thuyết phục nổi cha, liền quay qua đám dân chúng đang vây quanh Vua và bảo họ:
Làm sao các bậc mẹ cha này,
Đứng lặng yên nhìn, chẳng có ai,
Dù quý yêu con mình đến thế,
Cả ngăn Vua giết các con Ngài.
Ta ao ước Vương Phụ vạn an,
Ta mong tâm các bạn hân hoan,
Nhưng không tìm được người nào để
Phản đối nên lời trước Phụ Vương?
Nhưng vẫn không ai thốt một lời nào.
Vương Tử liền bảo các Vương Phi đến van xin Vua tỏ lòng thương xót con:
Này các Vương Phi hãy nguyện cầu,
Van xin Sư Trưởng, Phụ Vương mau,
Để tha Vương Tử này vô tội,
Khéo trổ tài chinh chiến biết bao.
Hãy xin Sư Trưởng với minh Quân,
Tha mạng Vương nhi chẳng lỗi lầm,
Danh tánh đã vang lừng Thế Giới,
Là niềm vinh dự của non sông.
Bọn họ liền đến van xin Vua tỏ lòng thương xót con nhưng Vua chẳng chút quan tâm, lúc ấy Vương Tử quá tuyệt vọng nên bắt đầu than khóc:
Nếu không sinh trưởng chốn triều đường,
Ở dưới mái tranh kẻ khốn cùng,
Hoặc thợ giầy hay người quét rác,
Thì ta sẽ sống thật an toàn,
Đến tròn tuổi thọ, không vong mạng,
Làm nạn nhân Vua chúa bất thường!
Rồi chàng nói to:
Đi mau tất cả các Vương Phi,
Đến trước Khan Da, hãy lạy quỳ,
Bảo các nàng không làm hại lão,
Các nàng chẳng có tội tình gì!
Và đây là lời của bậc Đạo Sư:
Se la khóc, thấy các anh nàng,
Bị kết tội oan bởi Phụ Vương:
Người bảo đây là Đàn Tế lễ,
Vì cha ta muốn đến Thiên Đường.
Nhưng Vua cũng không quan tâm đến nàng.
Đến lượt Vàsula, con của Vương Tử, thấy cha quá sầu thảm liền nói: Con sẽ cầu xin Thái Thượng Hoàng tha mạng cho cha.
Cậu bé quỳ xuống chân Vua than khóc:
Bậc Đạo Sư tả sự việc như sau:
Chập chững Va su la bước chân,
Trên đường đi đến chiếc ngai vàng,
Xin tha mạng của cha con trẻ,
Đừng để chúng con mất phụ thân.
Vua nghe cậu bé than khóc, lòng đau như cắt, liền ôm cháu vào lòng, ràn rụa nước mắt và bảo:
Vương tôn hãy an tâm, ta sẽ trả phụ thân lại cho cháu đó.
Rồi Vua ra lệnh:
Này cha con đó, Vàsula,
Lời của trẻ thơ cảm hóa ta,
Tha các Vương nhi, cho chúng thoát,
Thôi đừng tế lễ nữa vì cha!
Một lần nữa lão Khandahàla vội đến phản đối Vua và vị Vua mù quáng lại nhượng bộ lão, ra lệnh bắt các Vương Tử như cũ.
Lúc ấy Khandahàla tự nhủ: Nhà Vua này lòng quá mềm yếu, khi thì đòi bắt các con, khi thì lại thả ra hết, bây giờ lại nghe theo lời con trẻ đòi thả chúng ra, thôi ta phải dẫn Vua đến huyệt tế thần mới được.
Lão liền ngâm kệ thúc giục Vua:
Đàn Tế lễ nay đã sẵn sàng,
Kho tàng lễ vật tuyệt cao sang,
Đại Vương, mau hãy đi dâng lễ,
Rồi hưởng Thiên Cung Cực Lạc tràn.
Khi họ đem Bồ Tát đi đến huyệt tế Thần, các cung phi theo sau thành một đoàn dài.
Bậc Đạo Sư tả cảnh ấy như sau:
Bảy trăm cung nữ của Can Da,
Rực rỡ yêu kiều giữa tuổi hoa,
Tóc xõa tơi bời, mắt đẫm lệ,
Theo anh hùng tận số đi xa.
Nhiều phu nhân nhập bọn tùy tùng
Trông dáng như Tiên Nữ giáng trần,
Với tóc tơi bời, mắt đẫm lệ,
Đi theo nối gót vị anh hùng.
Thế rồi bọn họ đồng cất tiếng khóc than:
Lô hội, hoa tai với giáng hương,
Lụa Kà si khoác tuyệt cao sang,
Nhìn Can Da với Su Ri ấy,
Làm nạn nhân đưa đến tế đàn.
Lòng mẹ dường như bị cắt dao,
Lòng dân tràn ngập nỗi u sầu,
Nhìn Can Da với Su Ri ấy,
Làm nạn nhân đày đọa khổ đau.
Được tẩm đầy huơng các loại hoa,
Lụa Kà si khoác trắng như ngà,
Nhìn Can Da với Su Ri ấy,
Làm nạn nhân theo lệnh của cha.
Xưa ngự trên mình các thớt voi,
Oai phong lẫm liệt trước muôn người,
Nhìn Can Da với Su Ri ấy,
Đang bước lê chân cõi chết rồi.
Xưa ngự xe Vua, cưỡi ngựa, la,
Điểm trang vàng ngọc, với cài hoa,
Nhìn Can Da với Su Ri ấy,
Lê chân chờ chết buổi chiều tà.
Trong lúc các Vương Phi đang khóc như vậy thì đám thị vệ đem Bồ Tát ra khỏi Kinh Thành. Dân chúng cả Kinh Thành đều đi theo Ngài trong cảnh đại hỗn loạn. Nhưng vì đám người quá đông đảo, cổng thành không đủ rộng cho họ đi ra, nên lão Bà La Môn sợ chuyện bất trắc có thể xảy ra, liền ra lệnh đóng cửa thành lại.
Vì thế đám đông không thể đi ra được, nhưng có một khu vuờn hoa gần cổng phía nội thành, họ tụ tập tại đó lớn tiếng khóc than số phận thảm thương của Vương Tử, khiến một bầy chim nghe tiếng liền bay đến tụ tập trên Trời rất đông.
Dân chúng cùng cất tiếng kêu gào với đàn chim:
Chim hỡi, chim ăn thịt sống chăng?
Hãy bay đi đến phía đông môn,
Hôn quân đang lập đàn dâng lễ,
Cả bốn Vương nhi bởi hận sân.
Chim hỡi, chim ăn thịt sống chăng?
Hãy bay đi đến phía đông môn,
Hôn quân đang lập đàn dâng lễ,
Cả bốn công nương bởi hận sân.
Cứ thế đám dân chúng than khóc mãi trong hoa viên.
Rồi họ đi đến cung của Bồ Tát, vừa trang nghiêm đi diễu quanh nhiều vòng vừa cất tiếng khóc than trong khi họ ngắm các hậu cung của các Vương Phi, các đỉnh tháp và hoa viên, các khóm cây và hồ nước cùng chuồng coi ngựa:
Làng xóm từ nay chẳng bóng người,
Trở thành rừng vắng vẻ xa xôi,
Kinh Thành ta sẽ nằm hoang lạnh,
Khi các Vương nhi đổ máu rồi!
Vì không có cách nào ra khỏi thành được, họ đành lang thang quanh quẩn trong thành khóc lóc tỉ tê. Trong lúc ấy Bồ Tát được đưa đến Đàn Tế.
Mẹ Ngài, Hoàng Hậu Gotami, quỳ dưới chân Vua, khóc lóc van xin Vua tha mạng cho con:
Thiếp sẽ khổ đau hóa dại khờ,
Đầy mình phủ bụi lấm bơ phờ,
Nếu Can Da bị dâng thần chết,
Thiếp thở nghẹn ngào khóc trẻ thơ.
Khi thấy Vua không trả lời, bà ôm lấy bốn Vương Phi của Vương Tử và bảo họ:
Vương nhi phải đau đớn chia lìa các nàng.
Sao các nàng không năn nỉ Vương nhi ở lại?
Sao chẳng nói năng hỡi các nàng,
Đứng đây, bày tỏ mến yêu chàng,
Quanh chàng, ca múa đầy vui thú,
Vừa nắm tay nhau vỗ nhịp nhàng.
Cho đến khi chàng hết muộn phiền,
An vui theo lệnh các nàng Tiên,
Vì ai có đủ tài ca múa,
Như vậy dù tìm khắp mọi miền?
Rồi thấy rằng không làm gì hơn được nữa, bà ngừng than khóc với các Vương Phi và bắt đầu nguyền rủa lão Khandahàla:
Ta mong mẹ ác Tế Sư này,
Phải chịu bao đau khổ đắng cay,
Đang xé tim ta khi thấy cảnh,
Can Da yêu quí chết hôm nay.
Ta mong vợ ác Tế Sư này,
Phải chịu bao đau khổ đắng cay,
Đang xé hồn ta khi thấy cảnh,
Can Da yêu quý chết hôm nay.
Ta mong nó thấy cả chồng con,
Bị giết, vì nguơi, ác Đạo Nhân,
Muốn giết người vô can dũng cảm,
Là niềm vinh dự của phàm trần.
Sau đó Bồ Tát van xin Vua Cha trong Đàn Tế:
Một số nữ nhân vẫn ước mong,
Cầu xin để có thật nhiều con,
Họ thường phát nguyện và dâng lễ,
Trời đất, mong con cháu nội đông,
Nhưng không được một con nào cả,
Để cả nhà vui sướng thỏa lòng.
Đừng giết chúng con quá bạo tàn,
Dầu con cầu tự được Trời ban,
Đừng đem bầy trẻ dâng Đàn Tế,
Bất kể công lao của mẫu thân.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba