Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Chín - Chuyện ðại Vương Vessantara Tiền Thân Vessantara - Phần Mười Một - đoạn Kết đại Vương đi đón Thái Tử - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM CHÍN
CHUYỆN ÐẠI VƯƠNG VESSANTARA
TIỀN THÂN VESSANTARA
PHẦN MƯỜI MỘT
ÐOẠN KẾT
ĐẠI VƯƠNG ĐI ĐÓN THÁI TỬ
PHẦN MỘT
Bấy giờ Bồ Tát và Maddì sống hạnh phúc cùng nhau trong thảo am mà Thiên Chủ Sakka đã ban hai vị. Còn Jùjaka cùng đôi trẻ tiếp tục cuộc hành trình dài sáu mươi dặm.
Các thần linh vẫn chăm sóc đôi trẻ. Mỗi khi Mặt Trời lặn, Jùjaka thường lấy cây liễu gai buộc chúng lại và để chúng nằm trên mặt đất, còn chính lão lại sợ thú dữ nên trèo lên cây ngồi giữa các cành chĩa ba.
Rồi một vị thần giả dạng Vessantara và một Nữ Thần giả dạng Maddì đến với đôi trẻ, mở dây cho chúng được tự do, xoa bóp tay chân, tắm rửa, mặc quần áo cho chúng.
Rồi họ cho chúng ăn và ngủ trên chiếc giường thần tiên. Ðến lúc rạng đông, họ lại đặt chúng nằm trong dây trói và biến mất. Như vậy do sự giúp đỡ của thần linh nên đôi trẻ đi đường không bị thương tích gì.
Jùjaka cũng được các vị Thần dẫn đường, vì thế lão dự định đi đến Vương Quốc Kalinga, nhưng trong vòng mười lăm ngày, lão đến Kinh Thành Jetuttara.
Cùng đêm ấy, Vua Sañjaya của nước Si vi nằm mộng một giấc mơ như vậy: Trong khi Ngài đang dự một buổi triều kiến quan trọng có người đến dâng Ngài hai đóa hoa. Ngài đeo chúng vào mỗi bên tai và phấn hoa rơi xuống ngực Ngài. Sáng hôm sau Ngài thức dậy và hỏi các Bà La Môn ý nghĩa giấc mơ ấy.
Các vị đáp: Tâu Đại Vương, các thân Vương của Ngài xa cách đã lâu nay sắp trở về. Thế là sáng hôm sau, khi đã thọ hưởng đủ thứ cao lương mỹ vị, Ngài ngự ra thiết triều, các vị thần nọ đưa lão Bà La Môn này đến đặt lão trước sân chầu của cung điện.
Trong chốc lát, Vua nhìn thấy đôi trẻ và hỏi:
Mặt ai đây chiếu ánh vàng
Khác nào lửa đốt khô rang nóng bừng,
Giống như mặt chiếc vòng vàng
Nung trong ngọn đuốc héo tàn cả thôi?
Cả hai đều giống dáng người
Ðây là đôi trẻ nhà ai thế này?
Kìa Jà li giống cậu trai,
Kan hà, cô gái chẳng sai chút gì.
Giống như sư tử thiếu nhi
Mới từ hang núi bước đi xuống đường.
Giống nhau như thể đúc khuôn,
Khác nào các bức tượng vàng đứng kia.
Sau khi khen ngợi chúng như thế qua ba vần kệ, Vua phái một vị triều thần đến gặp chúng và bảo đem chúng vào cho Ngài.
Vị ấy nhanh chóng mang chúng vào và Vua hỏi lão Bà La Môn:
Hiền Nhân Bhà Rad Và Ja,
Từ đâu đem lũ trẻ thơ đến vậy,
Hãy mau nói rõ ta hay.
Jùjaka đáp:
Muôn tâu, nửa tháng trước đây có người
Ðã đem lũ trẻ cho tôi,
Hân hoan về việc làm người ban ân.
Vua hỏi:
Nhờ tài dịu ngọt nói năng,
Hay lời chân thật khiến ông được lòng
Từ đâu có các nhi đồng,
Thí tài đệ nhất tôn ông nhận vậy?
Jùjaka đáp:
Ves san ta Ðại Vương này
Sống trong rừng thẳm lâu ngày ẩn thân,
Cho làm nô lệ, gia nhân,
Ngài như đất mẹ rộng lòng phát ban.
Ves san ta, chính Ðại Vương
Cho tôi con ruột làm thân tôi đòi.
Mọi người cầu phúc đến Ngài
Như muôn sông đổ biển khơi ngàn trùng.
Nghe vậy, các triều thần chê bai Vessantara:
Khi còn ở tại Vương Cung
Làm điều sai trái minh quân chẳng hề.
Sao còn cho cả thiếu nhi,
Khi Ngài đã bị đuổi đi vào rừng?
Hãy nghe ta, cả Quần Thần,
Thảy đang tề tựu ở trong Cung Đình
Sao Vua ban chính con mình
Ðể hầu hạ một gia đình khác kia?
Cứ ban nô lệ, nữ tỳ,
Ngựa, la, và cả cỗ xe để ngồi,
Hoặc là cho cả bầy voi,
Nhưng sao cho chính cả hai con Ngài?
Nhưng cậu bé nghe vậy, không chịu nhận lỗi của cha mình, mà vung tay lên như thể nâng lấy núi Sineru Tu Di bị cuồng phong đánh ngã, và cậu ngâm vần kệ này:
Làm sao có thể cho ai
Khi không có chút gia tài đất đai,
Ngựa, la và cả bầy voi
Cỗ xe, tỳ nữ, tôi đòi cũng không?
Vua đáp:
Ông khen cha cháu ban ân,
Không lời chê trách lỗi lầm gì đâu,
Nhưng lòng Vương phụ thế nào,
Khi cha trao các con vào tay kia?
Cậu bé đáp:
Lòng Ngài nặng trĩu sầu bi,
Lòng nung nấu chẳng khác chi lửa nồng.
Mắt ngầu đỏ tựa cá hồng,
Tuôn rơi lệ thảm đôi dòng xuống chân.
Lúc ấy, Kanhàjinà lại nói:
Ông ơi, xem lão La Môn
Cứ ưa đánh đập lưng con mãi hoài
Với dây leo nọ, liễu gai,
Giống như nô lệ tôi đòi xuất thân.
Lão này không phải Đạo Nhân,
Vì Đạo Nhân phải Chánh chân mới là.
Lão này đội lốt quỷ ma
Dẫn đi ăn thịt cả nhà trẻ con.
Sao đành nhìn cháu đích tôn
Bị lôi đi thật ác ôn bạo tàn?
Vua thấy lão Bà La Môn không để cho chúng đi, liền ngâm kệ:
Các con: Vương Tử, công nương,
Mẹ cha là chính Quốc Vương nước này,
Xưa thường đeo sát sườn đây,
Sao bây giờ đứng như vậy xa xa?
Cậu trai đáp:
Chúng con dòng dõi Vương gia,
Quốc Vương là chính mẹ cha song toàn,
Nhưng nay nô lệ Đạo Nhân,
Cho nên con đứng trông chừng xa xa.
Vua đáp:
Cháu yêu, đừng nói vậy mà,
Nóng như thiêu đốt, lòng ta khô cằn,
Thân ta như lửa cháy bừng,
Ðứng ngồi quá thật bất an bây giờ.
Cháu yêu, đứng nói vậy mà,
Cháu làm ông thật xót xa buồn rầu,
Ông mua cháu với giá nào
Thoát thân nô lệ, hãy mau cháu à.
Nói cho ông rõ thật thà,
Rồi ông sẽ trả cho Bà La Môn
Giá nào cha đã định phần,
Khi cha đem cháu ban ân cúng dường?
Cậu bé đáp:
Một ngàn đồng giá của con,
Phần em con muốn thoát thân nô tỳ,
Trăm voi và mọi thứ kia,
Một trăm mỗi thứ cha đà định luôn.
Vua ra lệnh trả giá chuộc hai cháu:
Cận thần, mau trả Đạo Nhân
Ðúng theo giá được định phần cháu ta.
Một trăm nam nữ gia nô,
Một trăm voi với đàn bò trăm con,
Một trăm con ngựa trong chuồng,
Một ngàn đồng chẵn tiền vàng đúng cân.
Cận thần liền trả Đạo Nhân
Ngay khi giá được định phần rõ ra:
Một trăm nam nữ gia nô,
Một trăm voi với đàn bò trăm con,
Một trăm con ngựa trong chuồng,
Một ngàn đồng chẵn tiền vàng đúng cân.
Sau đó Vua ban lão một cung thất bảy tầng, lão Bà La Môn được đại vinh hiển. Lão đem cất mọi thứ tài sản, rồi đi vào cung, đặt mình xuống tọa sàng sang trọng và hưởng cao lương mỹ vị.
Khi đôi trẻ được đem đi tắm rửa, ăn uống và mặc áo quần xong, Tổ Phụ liền ôm vào lòng một cháu, và Tổ Mẫu ôm một cháu.
Bậc Ðạo Sư giải thích việc này:
Chuộc xong, trẻ được tắm ngay,
Uống ăn, trang điểm và thay áo quần.
Ðược ông bà bế vào lòng,
Quốc Vương cất tiếng hỏi han ân cần:
Ta tin rằng Phụ Mẫu thân
Thảy đều thịnh vượng, an khương mọi bề
Với bao thóc lúa thu về,
Và bao củ quả tràn trề thảo am.
Song thân con có phiền lòng
Vì loài rắn rít, bọ ong quấy hoài,
Hay bầy dã thú tìm mồi,
Song thân có tránh mọi loài được chăng?
Cậu bé đáp:
Cám ơn ông, tổ Phụ Vương,
Song thân thịnh vượng, an khương mọi bề,
Với bao thóc lúa thu về
Và bao củ quả tràn trề thảo am.
Song thân không bị phiền lòng
Vì loài rắn rít, bọ ong quấy hoài,
Hoặc bầy dã thú tìm mồi,
Song thân tránh được mọi loài, bình an.
Mẹ đào củ cải, hành hoang,
Mẹ tìm cỏ thuốc, rau thơm, bạc hà,
Táo và hạt dẻ, Vilva,
Mẹ thường hái để cả nhà ăn luôn.
Và khi nào mẹ cưu mang
Dù là củ quả rừng hoang loại gì,
Cả nhà đều đến tựu tề,
Và cùng ăn uống no nê đêm ngày.
Mẹ con vàng võ, ốm gầy,
Bởi vì vất vả suốt ngày kiếm ăn,
Dãi dầu mưa nắng gió sương
Ở trong rừng rậm thú hoang trú nhiều.
Như hoa sen thật yêu kiều
Ở trong tay nọ tiêu điều xác xơ.
Tóc bà chỉ mọc lơ thơ
Vì lang thang giữa rừng già trống trơn.
Dưới tay bám đất từng hòn,
Tóc bà buộc chặt từng chòm phía trên.
Bà chăm nom ngọn lửa thiêng,
Ðắp nhiều da thú nằm trên đất dày.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Khổ Uẩn
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Bốn - ðại Phẩm - Phần Bốn - Thiền
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Kẻ Chiến Sĩ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi - Phẩm đà Lân Ni