Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Chín - Chuyện ðại Vương Vessantara Tiền Thân Vessantara - Phần Tám - Bố Thí Hai Con

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM CHÍN  

CHUYỆN ÐẠI VƯƠNG VESSANTARA

TIỀN THÂN VESSANTARA  

PHẦN TÁM

BỐ THÍ HAI CON  

Jùjaka tiếp tục đi theo con đường ẩn sĩ Accata đã chỉ cho lão và đến tận cái hồ vuông góc.

Lão nghĩ: Bây giờ là chiều tối rồi. Giờ này Maddì đã trở về từ rừng và đàn bà thường hay cản trở. Ngày mai, khi bà ấy đã đi vào rừng, ta sẽ đến gặp Vua Vessantara và xin Ngài các đứa trẻ kia, rồi trước khi bà trở về, ta phải đi ngay. Thế là lão trèo lên ngọn đồi bằng phẳng không xa mấy, và nằm xuống một nơi êm ái.

Bấy giờ khoảng rạng ngày hôm sau, Maddì nằm mộng thấy như vậy: Một người đàn ông da đen mặc hai áo vàng, đeo đôi hoa tai đỏ, bước vào lều cỏ và chụp lấy tóc trên đầu Maddì và lôi nàng ra ngoài ném nàng nằm sấp xuống đất và trong lúc nàng kêu thét, gã móc hai mắt nàng ra, chặt hai tay, cắt xẻ lồng ngực nàng, kéo tim nàng ra máu chảy ròng ròng và đem quả tim đi mất.

Nàng kinh hoàng thức dậy, và nghĩ: Ta vừa thấy một cơn ác mộng. Ta không có ai ở đây trừ Vessantara giải thích mộng này, vậy ta phải hỏi Ngài việc này. Rồi nàng đi đến lều của bậc Ðại Sĩ và gõ cửa.

Ai đó?

Tâu chúa công, thiếp là Maddì đây.

Này hiền thê, sao nàng đến đây phi thời, và phá lời giao kết của chúng ta?

Tâu chúa công, thiếp đến đây không phải vì ham muốn gì, mà vì thiếp vừa thấy ác mộng. Vậy nàng hãy nói cho ta biết, Maddì. Nàng kể lại giấc mộng đã hiện ra.

Bậc Ðại Sĩ hiểu ngay ý nghĩa giấc này và suy nghĩ: Sự bố thí của ta sắp thành tựu viên mãn. Hôm nay sẽ có người đến cầu xin các con ta.

Ta sẽ an ủi Maddì và để nàng ra về, vì thế Ngài bảo: Tâm trí nàng chắc hẳn bị xao động vì ngủ không an giấc hay ăn khó tiêu đó thôi. Ðừng sợ gì cả. Ngài giả vờ lấy cớ này an ủi nàng và để nàng đi ra.

Khi Trời sáng dần, nàng làm tất cả mọi việc xong, hôn các con và nói: Hôm qua mẹ gặp cơn ác mộng, các con hãy cẩn thận nhé. Rồi đem hai con giao cho bậc Ðại Sĩ, nàng xin Ngài chăm sóc các con rồi lấy thúng, cuốc xẻng, lau nước mắt và đi vào rừng hái củ quả.

Còn Jùjaka nghĩ lúc ấy nàng đã đi rồi, liền từ đồi đi xuống theo con đường mòn tiến về phía am lá. Bậc Ðại Sĩ vừa ra khỏi am và ngồi xuống trên một phiến đá như một bức tượng bằng vàng.

Bây giờ người cầu ân sắp đến rồi!

Ngài suy nghĩ, như một người say rượu đang khát nước và ngồi ngắm con đường mà kẻ kia sắp đến, còn các con Ngài đang chơi đùa quanh quẩn bên chân Ngài.

Và trong lúc Ngài ngắm con đường, Ngài thấy lão Bà La Môn đang đến, như thể gánh nặng bố thí trong suốt bảy tháng được đặt xuống nay Ngài lại mang lên, Ngài reo mừng:

Này Bà La Môn, hãy đến đây mau!

Rồi Ngài ngâm kệ với bé trai Jàli:

Jà li, hãy đứng lên con,

Ngắm xem kìa lão La Môn đến rồi,

Chính thời xưa đã tái hồi,

Làm ta tràn ngập niềm vui chan hòa.

Nghe vậy, cậu bé đáp:

Vâng vâng, phải đấy thưa cha,

Con đang nhìn thấy lão Bà La Môn,

Hình như lão đến cầu ân,

Hẳn là vị khách đang cần nhà ta.

Cùng với những lời này, cậu muốn bày tỏ lòng cung kính lão, liền đứng lên từ chỗ ngồi và đi ra đón lão Bà La Môn, xin xách dùm hành lý của lão.

Lão Bà La Môn nhìn cậu và nghĩ: Ðây hẳn là Jàli, con trai Vua Vessantara. Ngay từ đầu, ta phải nói năng thô lỗ với nó mới được.

Thế là lão búng ngón tay ra phía cậu và thét to: Thôi cút đi! Cút đi!

Cậu bé suy nghĩ: Người đâu mà thô lỗ thế?

Rồi nhìn kỹ thân lão, cậu nhận thấy lão có đủ mười tám dị tật của con người!

Nhưng lão Bà La Môn đến gần Bồ Tát và vừa cung kính, chào Ngài, vừa nói:

Ta tin rằng, hỡi Thánh Nhân,

Ngài thường thịnh vượng, an khương mọi bề,

Với bao thóc lúa thu về

Và bao củ quả tràn trề ẩn am.

Ngài nay có bị phiền lòng

Vì loài rắn rít bọ ong quấy hoài?

Hoặc bầy dã thú tìm mồi,

Chẳng hay Ngài tránh mọi loài được chăng?

Bồ Tát từ tốn đáp lại:

Cám ơn ông, hỡi Đạo Nhân,

Ta nay thịnh vượng, an khương mọi bề,

Với bao thóc lúa thu về

Và bao củ, quả tràn trề ẩn am.

Ta không phải chịu phiền lòng

Vì loài rắn rít, bọ ong quấy hoài,

Hoặc bầy dã thú tìm mồi

Ta đây tránh được mọi loài bình an.

Sống đây đã bảy tháng trường,

Chúng ta hạnh phúc trong rừng hoang sơ,

Chẳng hề từ trước đến giờ

Ðược trông thấy một vị Bà La Môn.

Như nay nhìn thấy tôn ông

Khác nào thấy được thần nhân thế này:

Vil va làm gậy cầm tay,

Hộp bùi nhùi với bình đầy nước trong.

Kính chào ông, hỡi Đạo Nhân,

Mừng duyên hạnh ngộ đưa đường đến đây.

Hãy vào chúc phúc cầu may,

Bước vào và rửa chân tay, ta mời.

Pi yal, tin dook lá tươi,

Kà su ma quả ngọt bùi thơm ngon,

Trái cây như thể mật ong,

Chọn ngay hạng nhất, La Môn, ăn nào.

Nước này lấy tự hang sâu

Ẩn mình dưới ngọn đồi cao trong rừng,

Xin mời, hỡi bậc Thánh Nhân,

Uống vào cho thỏa tấm lòng ước mong.

Nói lời này xong, bậc Ðại Sĩ suy nghĩ: Chẳng phải lão Bà La Môn đến khu rừng rậm này mà không có duyên cớ. Ta phải hỏi lão lý do ngay lập tức.

Rồi Ngài ngâm kệ:

Nói cho ta biết nguyên nhân,

Lý do nào khiến tôn ông lên đường,

Ðẩy đưa ông tận rừng hoang,

Xin ông hãy nói rõ ràng ta hay.

Jùjaka đáp:

Giống như hồng thủy ngập đầy

Và không hề có một ngày nào vơi,

Thần nay muốn đến xin Ngài

Ban cho thần được cả hai con nhà.

Nghe điều này, bậc Ðại Sĩ hân hoan trong lòng và Ngài nói như thể người dang tay đưa ra chiếc túi cả ngàn đồng tiền:

Ban ân, ta chẳng chần chừ,

Ông là chủ chúng từ giờ trở đi.

Sáng nay đi vắng Vương Phi,

Ðể tìm thực phẩm, chiều về đến đây.

Xin ông ở lại đêm nay,

Sáng mai, ông sẽ đi ngay lên đường.

Tắm con, bà xức dầu thơm,

Và quàng cho chúng những tràng hoa tươi.

Ðêm nay ở lại, xin ông,

Sáng mai vừa hé vầng đông lên đường,

Hai con sẽ được điểm trang

Với nhiều hoa đẹp mùi hương ngạt ngào,

Rồi ông đem chúng đi mau

Cùng nhiều củ quả dồi dào thức ăn.

Jùjaka đáp:

Thưa không, trình tấu Ðại Vương,

Thần đi, chẳng dám vấn Vương nơi này,

E rằng trở ngại gì đây

Sẽ ngăn cản bước chân ngay trên đường.

Nữ nhân chẳng phải rộng lòng

Phát ban thường vẫn cản ngăn cố tình,

Biết nhiều mưu kế thông minh,

Thường hay lạc lối, ác hành tạo nên.

Người ban bố với niềm tin

Đừng nên thấy mặt mẹ mình thiết thân,

Nếu không, bà sẽ cản ngăn,

Tâu Quân Vương, tiểu thần mong lên đường.

Xin ban Vương Tử, công nương,

Đừng cho trẻ thấy mặt Vương Phi này.

Người ban bố, tín tâm đầy,

Thì công đức ấy càng ngày càng tăng.

Xin ban Vương Tử, công nương,

Ðừng cho trẻ thấy mặt Vương Phi này

Người cho kẻ giống thần đây,

Ði lên Thiên Giới thẳng ngay tức thì!

Vessantara nói:

Nếu không muốn thấy Vương Phi,

Trung thành tận tụy hiền thê quả là,

Hãy đưa Jà lí, Kan hà,

Ði thăm Tổ Phụ Vương gia trên đường.

Khi nhìn đôi trẻ dễ thương,

Nói năng dịu ngọt đến gần Vương gia,

Ngài ban nhiều của lắm quà,

Tràn đầy hỷ lạc, chan hòa hân hoan.

Jùjaka đáp:

Thần e làm hỏng hành trang,

Thần xin Ngài, hỡi ông hoàng, nghe đây:

Phụ Vương trừng trị thần ngay,

Hoặc sai giết, bản thân này còn chi,

Không tiền của, chẳng nô tỳ,

Thì bà nội tướng cười chê trăm đường.

Vessantara nói:

Khi nhìn đôi trẻ dễ thương,

Nói năng dịu ngọt, đến gần Vương quân,

Vị Vua cấp dưỡng toàn dân

Sivi Quốc vốn công bằng chánh chân,

Sẽ ban ông lắm bạc vàng,

Hân hoan thích thú ngập tràn niềm vui.

Jùjaka đáp:

Không, thần không thể nghe lời

Làm điều này nọ mà Ngài đưa ra.

Thần mong đem bọn trẻ thơ

Ðể về hầu hạ vợ nhà đó thôi!

Ðôi trẻ nghe những lời thô lỗ ấy, liền lẩn trốn ra sau lều tranh, rồi chạy khỏi lều giấu mình gần một bụi cây. Ngay chỗ đó, chúng hình như cũng thấy chúng sẽ bị Jùjaka bắt.

Chúng run sợ không thể đứng yên nơi nào cả, mà cứ chạy loanh quanh, cho đến khi chúng đến bờ hồ vuông góc kia, quấn chặt bộ áo vỏ cây quanh mình rồi chúng nhảy xuống nước, đứng giấu đầu dưới đám lá sen.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Jà li chạy tới chạy lui

Cùng Kan hà, chúng đứng ngồi không an

Trong niềm đau khổ muôn vàn,

Khi nghe giọng nói người săn theo mình.

Và Jùjaka, khi chẳng thấy bóng dáng đôi trẻ đâu liền quở trách Bồ Tát: Này Vessantara, khi Ngài vừa cho ta đôi trẻ bây giờ, ngay lúc ta bảo Ngài là ta không muốn đến thành Jetuttara, mà chỉ muốn đôi trẻ về hầu hạ vợ ta, thì Ngài ra hiệu cho chúng và khiến chúng chạy trốn mất, rồi ngồi đó làm ra vẻ chẳng biết gì!

Ta chắc trên đời chẳng có ai dối trá như vậy!

Bậc Ðại Sĩ thấy lòng xúc động:

Chắc chắn chúng nó đã chạy trốn.

Ngài suy nghĩ và nói to:

Ðừng lo gì việc ấy, này tôn ông, ta sẽ dò tìm chúng về.

Thế là Ngài đứng dậy đi ra sau am lá, nhận thấy chúng có lẽ đã trốn vào rừng, Ngài đi theo dấu chân chúng dẫn đến bờ hồ, rồi vừa thấy dấu chân ở nơi chúng bước xuống hồ, Ngài nghĩ chắc hẳn chúng đã lặn xuống nước, vì thế Ngài gọi to:

Này Jàli con ơi!

Và Ngài ngâm hai vần kệ này:

Con yêu dấu, tới đây nhanh,

Hãy làm Đạo Hạnh hoàn thành cho cha.

Ðến đây thánh hóa tim ta,

Hãy theo ý nguyện cha đến cùng.

Con làm thuyền chở băng dòng

Cho cha vượt biển sinh tồn bình yên,

Vượt lên Thế Giới Nhân Thiên,

Cha nguyền qua đến bến miền tự do.

Này Jàli, hãy đến đây con ơi?

Ngài kêu to.

Cậu bé nghe giọng cha nghĩ thầm: Cứ để lão Bà La Môn làm gì ta mặc ý, ta không muốn cãi cọ với cha ta. Cậu bé ngẩng đầu lên, rẽ các lá sen và bước ra khỏi nước, nhào đến trên chân phải của bậc Ðại Sĩ ôm lấy mắt cá chân và khóc.

Sau đó bậc Ðại Sĩ nói: Này con, em gái con đâu?

Cậu đáp: Mọi vật đều biết tự bảo vệ mình lúc gặp hiểm nguy.

Bậc Ðại Sĩ nhận ra rằng chắc hẳn đôi trẻ đã giao kết với nhau rồi, nên Ngài kêu to:

Ðến đây Kanhà?

Và Ngài ngâm hai vần kệ:

Con yêu dấu, tới đây nhanh,

Hãy làm đạo hạnh hoàn thành cho cha.

Ðến đây thánh hóa tim ta,

Hãy theo ý nguyện cha đến cùng.

Con làm thuyền chở băng dòng

Cho cha vượt biển sinh tồn bình yên,

Vượt lên Thế Giới Nhân Thiên,

Cha nguyền qua đến bến miền tự do.

Cô bé cũng suy nghĩ: Ta không muốn cãi cọ với cha ta, và chỉ chốc lát, cô hiện ra ngã vào chân phải cha, nắm chặt mắt cá chân và khóc. Nước mắt hai trẻ thơ nhỏ xuống chân bậc Ðại Sĩ có màu như lá sen, và nước mắt Ngài chảy xuống lưng chúng có màu như phiến vàng.

Sau đó bậc Ðại Sĩ nâng hai con lên và an ủi chúng: Này con Jàli, con không biết cha đã hoan hỷ bố thí con sao?

Hãy làm thế cho ước nguyện của cha được thành tựu. Và ngay lúc ấy Ngài định giá hai con như thể người ta định giá trâu bò.

Ngài bảo con trai: Này con Jàli, nếu con muốn được tự do, con phải trả cho Đạo Sĩ này một ngàn đồng vàng. Còn em gái con đẹp lắm, nếu có người nào thuộc dòng hạ đẳng đưa cho Đạo Sĩ này một số tiền nhiều độ như thế như thế để trả tự do cho em con, thì người ấy sẽ phá hủy quyền quý tộc của nó.

Không ai trừ nhà Vua mới có thể ban tặng vật theo số trăm!

Vì vậy nếu em con muốn được tự do, phải trả cho Đạo Sĩ một trăm nô tài, một trăm nữ tỳ và voi, ngựa, bò đực, tiền vàng, mỗi thứ đều một trăm. Ngài định giá hai con như vậy xong, rồi an ủi vỗ về chúng và đưa chúng trở lại Am Tranh.

Sau đó Ngài lấy nước trong bình ra, gọi Đạo Sĩ đến gần, vừa rót nước vừa cầu nguyện cho Ngài đạt thành Chánh Giác: Còn đáng quý hơn con trai ta cả trăm, cả ngàn, cả trăm ngàn lần là quả vị Chánh Giác. Ngài kêu lớn làm cho Cõi đất vang dội, rồi Ngài đem hai con làm tặng vật quý báu cho lão Bà La Môn.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo Sư ngâm kệ:

Người bảo dưỡng dân, vị Ðại Vương

Si vi Quốc Độ dẫn hai con

Và đem tặng vật cao sang nhất

Cho Đạo Sĩ kia, thật sẵn lòng.

Thế rồi, đầy sợ hãi, kinh hoàng,

Cõi đất lớn này đã chuyển rung

Giờ phút này Vua tay chắp lại

Và ban tặng vật: cả hai con.

Thế rồi đầy sợ hãi, kinh hoàng,

Cõi đất lớn này đã chuyển rung

Khi chúa Sivi đem quý tử

Sẵn lòng cho lão Bà La Môn.

Khi bậc Ðại Sĩ đã bố thí xong, Ngài đầy hân hoan, nghĩ rằng tặng vật Ngài ban thật tuyệt hảo làm sao, trong khi Ngài đứng nhìn hai con. Còn lão Jùjaka đi vào rừng, cắt một nhánh cây leo, lấy buộc tay bên phải cậu bé vào tay trái cô bé và vừa xua chúng đi vừa đánh chúng bằng đầu dây leo ấy.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Lão Đạo Sĩ kia độc ác thay

Cắt ngay một nhánh dây leo dài,

Buộc dây vào cánh tay đôi trẻ

Và kéo chúng đi cách thế này.

Rồi Đạo Sĩ kia, gậy dưới tay,

Cầm dây leo ấy chặt trong tay,

Ðánh bầy con trẻ và xua chúng

Trước mắt nhìn theo của chính Ngài.

Nơi nào lão đánh chúng, da đều bị đứt ra và chảy máu, chúng lảo đảo dựa lưng nhau mà đi, nhưng đến một chỗ gồ ghề, lão té nhào. Bàn tay yếu mềm của đôi trẻ tuột ra khỏi sợi dây nhẹ và chúng vừa khóc vừa chạy về phía bậc Đại Sĩ.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Ðôi trẻ như vậy được thoát thân

Chạy bay khỏi lão Bà La Môn,

Bé trai nhìn mặt cha khi ấy

Dòng lệ tuôn ra cặp mắt tràn.

Như gặp gió lay, ngọn lá sung,

Thân bé trai kia cứ chuyển rung,

Tay cậu ôm chân cha thật chặt,

Nói lời cùng với vị cha thân:

Sao cha muốn bỏ lũ con thơ

Trong lúc mẹ đang phải vắng nhà?

Ðừng bỏ, đợi khi bà trở lại,

Khi bà trở lại, hãy chần chờ.

Sao cha muốn bỏ lũ con thơ

Trong lúc mẹ đang phải vắng nhà?

Hãy đợi đến khi bà trở lại,

Rồi cho con trẻ hợp lòng cha!

Rồi cho Đạo Sĩ đem đi bán

Hoặc để lão già giết trẻ thơ!

Chân lão to phù, móng xác xơ,

Thịt u xệ xuống tựa bao da,

Môi dài phía dưới luôn run rẩy,

Mũi gãy, đen sì thật khó ưa!

Bụng như cái trống, chiếc lưng còng,

Ðôi mắt nhìn sao lé đứng tròng,

Ðầy vết nhăn nheo và lốm đốm,

Râu màu máu đỏ, tóc vàng hung.

Võ vàng, rệu rã, khoác da nai,

Thô lỗ, bạo tàn, chẳng giống ai,

Nửa ngợm nửa người, co quắp lại,

Thật là khủng khiếp cái hình hài!

Quỷ ăn thịt sống hoặc người trần?

Cha cứ nhìn xem thật tĩnh tâm:

Con quỷ này vào rừng vắng vẻ

Ðể xin cha bố thí ban ân?

Có phải tim cha hóa đá chăng

Buộc thêm sợi thép chặt quanh vòng,

Không quan tâm lão già tham dục

Chẳng chút nào thương xót chạnh lòng

Trói chúng con và xua đuổi mãi

Như trâu bò phải chạy lông rông?

Ít nhất, con mong cầu khẩn cha

Cho em ở lại, bé Kan hà

Giống như nai nhỏ đang còn bú

Kêu khóc vì đi lạc cả nhà.

Nghe những lời này, bậc Ðại Sĩ không đáp lại tiếng nào.

Sau đó cậu bé lại khóc than vì cha mẹ mình:

Con chẳng lo gì chết khổ thân,

Ðó là số phận mọi thường nhân,

Nhưng không thấy bóng hình từ mẫu

Quả thật điều trên đáng khổ buồn!

Con chẳng lo gì chết khổ thân,

Ðó là số phận mọi thường nhân,

Nhưng không nhìn thấy hình thân phụ,

Quả thật điều trên đáng khổ buồn.

Mẹ cha than khóc sẽ dài lâu,

Chẳng biết bao giờ hết khổ đau,

Vào lúc nửa đêm, Trời tảng sáng,

Như nguồn suối chảy, các dòng châu

Vì không thấy mặt Kanhà nữa,

Con gái được yêu quý biết bao!

Khóm hồng đào vẫn mọc la đà

Lủng lẳng chung quanh mặt nước hồ,

Ôi! Cả rừng cây đầy quả chín,

Từ nay ta ngoảnh mặt làm ngơ!

Cây sung, cây mít với cây đa

Tỏa rộng, mọi cây cối mọc ra,

Ôi! Cả rừng cây đầy quả chín

Từ nay ta ngoảnh mặt làm ngơ!

Ðứng kia như cả một vườn hoa,

Dòng suối kìa trôi thật lặng lờ,

Nơi chốn ngày xưa đùa giỡn ấy,

Ngày nay ta ngoảnh mặt làm ngơ!

Trái núi ngày xưa ta vẫn ăn

Hoa rừng thuở trước vẫn thường mang,

Mọc trên đồi nọ đằng xa ấy,

Giờ phút này ta phải bỏ ngang!

Xinh xinh, nhỏ nhắn các đồ chơi,

Ngày trước ta đùa giỡn chúng hoài,

Bầy ngựa, trâu bò, voi đủ thứ,

Ngày nay ta cũng phải xa rời!

Mặc dù cậu than khóc như vậy, lão Jùjaka vẫn đến xua cậu đi cùng em gái.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo Sư ngâm kệ:

Hai con trẻ nói với người cha

Trong lúc bị đưa đẩy thật xa:

Cha hỡi! Mẹ hiền mong mạnh khỏe,

Và mong hạnh phúc tháng ngày qua!

Trâu bò, bầy ngựa, cả bầy voi

Ngày trước chúng con vẫn lấy chơi,

Trao chúng dùm cho hiền mẫu nhé,

Sẽ làm sầu khổ mẹ dần nguôi.

Trâu bò, bầy ngựa, cả bầy voi

Ngày trước chúng con vẫn lấy chơi,

Lúc mẹ ngắm nhìn vào bọn chúng

Sẽ làm sầu khổ mẹ dần nguôi.

Bây giờ nỗi khổ đau thống thiết vì các con chợt nổi lên trong lòng bậc Ðại Sĩ khiến tim Ngài nóng bừng: Ngài run rẩy dữ dội như con voi bị sư tử có bờm chụp lấy, hoặc như mặt trăng bị nuốt trửng trong móng vuốt của thần Ràhu La hầu: Vua của loài Asura A tu la thường nuốt Mặt Trăng, Trời gây nên nhật thực, nguyệt thực. Không còn đủ nghị lực chịu đựng nữa, Ngài đi vào lều, nước mắt ràn rụa và Ngài khóc lên thảm thiết.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Ông hoàng Sát lỵ Ves san ta

Bố thí như vậy lũ trẻ thơ,

Vội bước đi vào lều cỏ lá,

Ngồi kia than khóc lẫn buồn lo.

Sau đây là các vần kệ than khóc của bậc Ðại Sĩ:

Vào lúc sáng mai hoặc xế chiều,

Ðói ăn, lũ trẻ phải kêu rêu,

Bị cơn đói khát luôn hành hạ,

Ai sẽ cho con trẻ ít nhiều?

Làm sao chân bé bỏng run run

Cất bước đi theo mọi lối mòn

Không có hài? Ai dắt díu chúng,

Ai đưa lối chúng nhẹ nhàng chăng?

Làm sao có thể lão La Môn

Vô sỉ, lúc ta đứng ngóng trông,

Lại đánh con ta nào có tội,

Lão vô liêm sỉ thế là cùng!

Không ai biết sỉ nhục như vậy

Lại đối xử người khác thế này,

Dẫu đó là con nô lệ nữa

Mà ta xem thật thấp hèn thay.

Ta không thể thấy lão đằng xa

Nhưng lão đánh đau lũ trẻ nhà

Như thể cá nằm trong chiếc bẫy,

Ta đây bất lực đứng trơ ra!

Vì thương con, những tư tưởng này hiện ra trong trí bậc Ðại Sĩ, Ngài không thể chịu được nỗi đau khổ khi nghĩ lão Bà La Môn đánh đập tàn nhẫn con Ngài như thế nào, nên Ngài định đi tìm lão và giết lão, rồi đem các con về.

Nhưng không, Ngài lại nghĩ: Làm thế là sai lầm. Bố thí rồi lại hối tiếc vì nỗi khổ của con trẻ quá lớn lao, thì đó không phải là cách của người chân chánh.

Hai vần kệ sau đây chứa đựng những suy tư trên soi sáng vấn đề này:

Bên trái buộc thanh kiếm cạnh sườn,

Ngài nai nịt đủ với cây cung:

Ta đem con trẻ về nhà lại,

Ðánh mất con thơ thật khổ buồn.

Nhưng nếu con ta phải mạng vong

Thật tàn nhẫn quá, nỗi đau lòng:

Nào ai biết thói lề người thiện

Và đến cầu xin nữa phải không?

Trong lúc ấy lão Jùjaka đánh đập đôi trẻ kia khi lão dẫn chúng đi đường.

Cậu bé lại than khóc:

Tục ngữ hình như thật đúng thay

Người đời thường vẫn nói như vậy:

Ai không có mẹ mình bên cạnh

Cũng giống không cha ruột thế này.

Ðời chẳng còn gì với chúng ta,

Thà ta chết: chỉ phận gia nô,

Con người tàn bạo đầy tham ác

Xua đuổi chúng ta tựa lũ bò.

Khóm hồng đào vẫn mọc la đà

Lủng lẳng chung quanh mặt nước hồ,

Ôi! Cả rừng cây đầy quả chín

Từ nay ta ngoảnh mặt làm ngơ!

Cây sung, cây mít với cây đa

Tỏa rộng, mọi cây cối mọc ra,

Ôi! Cả rừng cây đầy quả chín

Từ nay ta ngoảnh mặt làm ngơ!

Ðứng kia như cả một vườn hoa,

Dòng suối kìa trôi thật lặng lờ,

Nơi chốn ngày xưa đùa giỡn ấy,

Ngày nay ta ngoảnh mặt làm ngơ!

Trái núi ngày xưa ta vẫn ăn,

Hoa rừng thuở trước vẫn thường mang,

Mọc trên đồi nọ đằng xa ấy,

Giờ phút này ta phải bỏ ngang!

Xinh xinh, nhỏ nhắn các đồ chơi,

Ngày trước ta đùa giỡn chúng hoài,

Bầy ngựa, trâu bò, voi đủ thứ,

Ngày nay ta cũng phải xa rời!

Lần nữa, lão Bà La Môn lại ngã vào một nơi gồ ghề, và sợi dây sút ra khỏi tay lão, hai đứa trẻ run rẩy như đôi chim bị thương chạy một mạch về phía cha.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Lúc ấy Kanhà với Jàli

Ðược La Môn nọ dẫn đường đi,

Thoát thân, chúng vội vùng lên chạy

Mải miết chúng bay biến tức thì.

Nhưng lão Jùjaka vội đứng lên ngay và đuổi theo chúng, với dây và gậy trong tay, lão gầm thét như lửa phun vào ngày tận thế:

Chúng bây có tài chạy khôn lanh thật đấy!

Rồi lão buộc tay chúng lại và đưa chúng đi đường như cũ.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Rồi lão Đạo Nhân nắm sợi dây,

Và cầm cây gậy ở trong tay

Vừa đem chúng trở về, vừa đánh,

Trong lúc Vua đành phải ngó ngây!

Trong lúc bị dẫn đi xa, Kanhàjinà quay lại và than khóc với cha.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Cô bé Kan hà nói thế này:

Cha ơi, xin hãy ngắm nhìn đây:

Con như nô lệ xuất thân ấy

Ðạo Sĩ đánh con thật mạnh tay!

Ðạo Sĩ là người sống chánh chân,

Lão này không phải Bà La Môn,

Quỷ ma đội lốt La Môn ấy

Lão dẫn đi ăn thịt chúng con,

Cha có thể ngồi yên ngắm nghía

Trẻ con bị bắt để ma ăn?

Trong khi con gái bé bỏng than khóc run rẩy bước đi, nỗi đau đớn xót xa bùng dậy trong lòng bậc Ðại Sĩ, tim Ngài nóng bừng, mũi Ngài không đủ sức để thở, vì thế từ miệng Ngài thoát ra tiếng thở hổn hển và dòng lệ như những giọt máu tuôn ra từ mắt Ngài.

Rồi Ngài suy nghĩ: Tất cả nỗi đau đớn này đều do tình thân yêu chứ không vì cớ gì khác, ta phải xoa dịu tình cảm này và giữ bình thản. Như vậy là nhờ trí lực, Ngài dứt được nỗi đau buồn sâu sắc này và ngồi yên như cũ.

Trước khi đi đến lối vào trong ngọn núi, cô bé lại tiếp tục than khóc:

Ðau nhức đôi chân của trẻ thơ,

Con đường thật khó bước đi qua,

Ðạo nhân xua đuổi bầy con trẻ,

Vầng nhật lăn dần ở phía xa.

Qua các núi đồi, rừng thẳm xanh,

Những nơi cư ngụ các Thần linh,

Chúng con trân trọng chào chư vị,

Tất cả, chúng con thảy cúi mình.

Chào Chư Thần trú ngụ hồ này,

Cùng cỏ dây leo, rễ mọc dày,

Mong ước mẹ hiền con mạnh khỏe,

Nhưng La Môn nọ đuổi con ngay,

Nếu bà muốn chạy theo con trẻ.

Xin chớ chần chờ, phải chạy bay.

Con đường dẫn đến chiếc Am Tranh,

Con trẻ thường theo bước lộ trình,

Nếu mẹ muốn theo đường lối ấy,

Mẹ tìm con trẻ thật là nhanh.

Mẹ hái trái cây, các củ rừng,

Tóc thường được kết lại từng chùm,

Khi nhìn thấy chiếc Am Tranh vắng

Sẽ khiến mẹ đau đớn tột cùng.

Mẹ ta đi kiếm quả từ lâu,

Chắc mẹ đã chất đống thật cao,

Mẹ chẳng biết con người độc ác

Tham lam buộc chặt trẻ ra sao.

Vô cùng độc ác là người đó

Xua đuổi chúng ta tựa lũ trâu.

Ôi, nếu mẹ ta đến xế tà,

Nếu hai bên gặp gỡ tình cờ,

Mẹ cho lão ấy ăn nhiều quả

Trộn với mật ong thật đủ no,

Lão sẽ không xua đuổi bạo tàn,

Sau khi được một bữa ăn ngon,

Lão già xua trẻ thơ tàn nhẫn,

Chân của trẻ thơ bước vọng vang,

Vì ngóng mẹ hiền lâu quá đỗi,

Các con đã thảm thiết kêu than.

Ðến đây chấm dứt Chuyện Trẻ Thơ Kumàra pañham.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần