Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Năm - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM NĂM
CHUYỆN BẬC ĐẠI TRÍ BHÙRIDATTA
TIỀN THÂN BHÙRIDATTA
PHẦN HAI
Gã Bà La Môn nghĩ thầm: Con ta đã ưng thuận ra đi, nhưng nếu ta bảo với Hoàng Tử Bhùridatta rằng ta không toại nguyện, Hoàng Tử sẽ ban cho ta thật nhiều ân huệ khác nữa và thế là ta không thể đi về.
Mục đích của ta chỉ đạt được bằng một cách này thôi: Ta sẽ tả cảnh huy hoàng của Ngài rồi hỏi Ngài: Tại sao Ngài rời bỏ mọi vinh quang để lên nhân thế hành trì trai giới?
Khi Ngài đáp: Để được lên Thiên Giới, ta sẽ bảo Ngài: Chúng thần lại càng phải nên tu tập như thế hơn nữa, vì chúng thần đã sống bằng nghề sát sinh hại mạng. Thần cũng muốn trở lại trần thế để thăm quyến thuộc xong rồi sẽ xuất gia sống đời khổ hạnh. Thế là Ngài sẽ phải để ta đi.
Sau khi quyết định xong, một ngày kia Bồ Tát đến hỏi thăm gã xem có gì chưa toại ý chăng, gã liền vội trấn an Ngài rằng không có điều gì gã mơ ước mà Ngài không ban cho gã, rồi không hề nói gì đến ý định ra đi, trước tiên gã chỉ ngâm kệ tả cảnh phồn vinh thịnh vượng của xứ Ngài:
Đất bằng trải rộng khắp nơi nơi,
Hoa trắng ta ga nở rợp Trời,
Tổ bọ yên chi màu đỏ thắm,
Rừng xanh rực rỡ phủ nền tươi.
Đền đài linh hiển khắp trong rừng,
Hồ lắm thiên nga đắm mắt trần,
Tô điểm lá sen tàn rải rác,
Khác nào các tấm thảm đang nằm.
Cung đình ngàn cột trụ nguy nga,
Tiên nữ bao nàng rộn múa ca,
Cột trụ dát toàn châu ngọc quý,
Tứ bề phản chiếu ánh Trời xa.
Ngài có cung đình thật hiển vinh,
Chính nhờ công đức đã hoàn thành,
Mọi niềm ước nguyện đều viên mãn,
Ngay khi nguyện ước mới thành hình.
Ngài chẳng ước mơ điện Ngọc Hoàng,
Thiên triều tráng lệ sánh sao ngang?
Cung Ngài vinh hiển còn hơn thế,
Với cảnh huy hoàng chiếu ánh quang.
Bậc Đại Sĩ đáp: Này hiền hữu Bà La Môn, đừng nói thế, cảnh vinh quang của ta so với Thiên Chủ Sakka chỉ như hạt cải bên cạnh núi Tu Di Meru. Chúng ta không bằng được Quần Thần của Ngài nữa.
Rồi Ngài ngâm kệ:
Ý dẫu tối cao chẳng dám mơ.
Vinh quang ngôi vị của Sakka,
Bốn Thiên Vương ở trong Triều Đại,
Mỗi vị một miền được định ra.
Khi Ngài nghe gã lập lại: Cung điện của Ngài chẳng khác nào cung Sakka Thiên Chủ.
Ngài đáp: Ta đã nghĩ đến chuyện này từ lâu, chính vì ta muốn lên điện Vejayanta Tối thắng ở Cõi Thiên mà ta thực hành sự tu tập trai giới.
Rồi Ngài ngâm kệ tả rõ tâm nguyện mình:
Ta mong tha thiết cảnh cao đường,
Của các bậc Tiên Thánh vĩnh hằng,
Vì thế ta ngồi trên tổ kiến,
Hành trì giới hạnh mãi không ngừng.
Gã Bà La Môn nghe vậy thầm nghĩ:
Nay ta đã có cơ hội rồi đây, và với lòng hân hoan, gã ngâm kệ xin phép Ngài ra đi:
Thần đã cùng con trẻ bắt hươu,
Ngày xưa bôn tẩu chốn rừng sâu,
Bạn bè để lại nhà không biết,
Sống chết thần nay hiện ở đâu.
Đại Trí Dạt ta, thần muốn đi,
Hỡi Ngài Minh chúa tộc Kà si,
Chúng thần cất bước thăm lần nữa,
Quyến thuộc thân bằng ở chốn quê.
Bồ Tát đáp:
Ta muốn các Ngài ở chốn đây,
Cùng ta hưởng hạnh phúc bao ngày,
Nơi nào trên chốn nhân gian ấy,
Ngài thấy bình an giống cảnh này?
Nhưng nếu Ngài mong ở chốn kia,
Thì Ngài hãy hưởng lạc tràn trề,
Rồi sau sẽ giã từ đi nhé,
Hạnh phúc Ngài mong gặp bạn bè.
Rồi Ngài suy nghĩ: Nếu gã nhờ ta mà có được hạnh phúc chắc gã sẽ không tiếc lộ ta với ai đâu, ta sẽ cho gã viên ngọc như ý ban mọi điều ước.
Ngài liền tặng gã viên ngọc rồi bảo:
Kẻ được mang viên bảo ngọc thần,
Ngắm đàn con cháu với gia trang,
La môn, lấy ngọc và đi nhé,
Chẳng có bao giờ gặp bất an.
Gã Bà La Môn đáp:
Hạ thần hiểu rõ những lời Ngài,
Ngài thấy thần nay đã lão lai,
Thần sẽ đi theo đời khổ hạnh,
Nghĩa gì lạc thú ở trên đời?
Bồ Tát nói:
Nếu Ngài chẳng giữ trọn lời thề,
Tìm thú thế nhân lần nữa kia,
Thì hãy đến tìm ta lại nhé,
Ta ban Ngài lạc thú tràn trề.
Gã Bà La Môn đáp:
Dat ta Đại Trí, tạ muôn vàn,
Ân huệ mà Ngài đã phát ban,
Ví thử thần tìm cơ hội tốt,
Sẽ về mong được hưởng hồng ân.
Bậc Đại Sĩ thấy rằng gã không còn muốn ở lại đây nữa, nên Ngài ra lệnh bốn đồng tử Nàga dẫn gã trở lại cõi trần.
Bậc Đạo Sư tả mọi việc như sau:
Dat ta Đại Trí lệnh truyền ban,
Bốn tiểu Long Thần: Hãy bước chân,
Đem vị La Môn ta uỷ thác,
Dẫn người trở lại chốn người mong.
Nghe lời xong, các vị Long Thần,
Lập tức lệnh Ngài được phục tuân,
Họ dẫn Bà La Môn đến chốn,
Rồi đi để lại gã đơn thân.
Trên đường về lão Bà La Môn bảo con: Này Soma, ta sẽ giết được con nai chỗ này và con lợn chỗ kia.
Rồi thấy một hồ nước, gã kêu lên: Này Soma, xuống tắm đi. Thế là cả hai cha con cởi hết áo quần thần tiên ra cuộn thành một bó đặt trên bờ, xuống hồ tắm. Lập tức áo quần biến mất về cảnh giới Nàga chỉ còn bộ áo quần nghèo khổ màu vàng xưa kia của họ mang lên người cùng với cung tên giáo hiện ra như ngày xưa ấy.
Cha ơi, cơ nghiệp tiêu tan hết rồi. Somadatta kêu gào lên thế.
Nhưng cha cậu vội an ủi: Đừng lo gì, hễ còn hươu nai trong rừng là ta còn có kế sinh nhai. Mẹ Somadatta nghe họ về, vội chạy ra đón vào nhà, thiết đãi cơm rượu thỏa thuê.
Khi gã Bà La Môn đã ăn xong và đi ngủ, người mẹ hỏi con: Lâu nay hai cha con đi đâu thế?
Thưa mẹ, cha con và con được Vua Nàga là Bhuridatta mang đến xứ Nàga thần tiên, nhưng vẫn không toại nguyện nên nay lại trở về.
Thế con có mang về được món châu báu nào không?
Thưa mẹ không.
Thế vị Vua đó không cho con món châu báu nào sao?
Thưa mẹ, Vua Bhùridatta đã tặng cho cha con một viên ngọc ban mọi điều ước, nhưng cha con từ chối.
Vì cớ sao?
Cha con bảo là muốn làm ẩn sĩ tu hành.
Sao lâu nay đã vứt lại cho ta cả một gánh nặng con cái và đi ở xứ Nàga, bây giờ lão đòi làm ẩn sĩ à?
Thế là bà nổi cơn thịnh nộ, đập vào lưng gã bằng chiếc thìa lâu nay vẫn dùng nó chiên cơm rồi mắng gã xối xả: Ông thật là thứ Bà La Môn ác độc, tại sao ông bảo là sắp đi tu làm ẩn sĩ và từ chối báu vật?
Rồi tại sao ông còn vát mặt về nhà mà không thực hiện nguyện ước tu hành?
Hãy cút ra khỏi nhà ta ngay.
Nhưng gã bảo vợ: Này hiền thê, xin nàng chớ vội thịnh nộ, hễ còn hươu nai trong rừng là ta còn cấp dưỡng mẹ con nàng. Thế là ngày hôm sau, gã cùng con trai vào rừng tiếp tục sinh nhai bằng nghề cũ.
VIÊN NGỌC THẦN VÀ GÃ BẮT RẮN
Lúc bấy giờ có một con chim Kim Sí Điểu chim Thần cánh vàng Garula sống trong cây bông vải trong vùng núi Himavat Tuyết Sơn gần đại dương miền Nam, bay lượn trên mặt nước rồi sà xuống vùng núi Himavat chụp lấy đầu của một chúa Rồng Nàga.
Đây là thời kỳ chim Garula chưa biết cách bắt Rồng Nàga chúng đã biết cách bắt rồng này trong chuyện Tiền Thân Pandara. Vì thế, dù đã chụp được đầu Rồng mà không làm bắn nước tung tóe, nó lại mang Rồng tòn teng đến đỉnh núi Himavat.
Một Bà La Môn trước đây là dân xứ Kà si, sống ẩn dật trên núi này trong một chòi lá, và cuối lối đi có mái che là một cây đa lớn nên ban ngày ông vẫn cư ngụ dưới gốc cây. Chim Garula mang Rồng Nàga đến ngọn cây đa, và Rồng Nàga cố thoát ra, nên cuộn đuôi quanh một cành.
Chim Garula không biết việc này, lấy toàn lực bay vụt lên Trời mang theo luôn cây đa bật khỏi gốc. Chim thần mang rồng Nàga đến cây bông vải, dùng mỏ phanh bụng rồng ra, ăn hết mỡ, rồi ném xác xuống biển.
Cây đa rớt xuống đánh ầm, chim Thần không biết gì vì sao có tiếng động lớn như vậy, liền nhìn xuống, thấy cây đa, nó tự hỏi: Cây này ta mang từ đâu lại?
Rồi nhận ra đó là cây đa ở cuối lối đi có mái che của ẩn sĩ kia, nó suy nghĩ: Cây đa rất ích lợi cho vị ấy, không biết có tai họa giáng xuống cho ta chăng?
Ta thử đi hỏi ông xem sao. Rồi nó giả dạng làm một tiểu sinh đến gặp ẩn sĩ trong lúc ông đang đập đất cho bằng phẳng lại.
Thế là Vương điểu đảnh lễ ẩn sĩ xong, ngồi qua một bên, hỏi thăm sự tình như thể nó không biết gì những việc đã xảy ra: Cây gì đã mọc chỗ ấy?
Vị ẩn sĩ đáp: Một con chim Garula mang một con Rồng Nàga đi ăn thịt, con rồng quấn đuôi quanh một cành cây để cố trốn thoát, nhưng con chim mạnh quá bay vút lên không làm cây bật gốc theo và đây là nơi cây đã bật ra.
Thế con chim mắc phải tội gì?
Nếu nó không biết việc nó làm, thì đó chỉ là vô ý thức, không phải tội lỗi.
Thế còn trường hợp của Rồng Nàga thì sao?
Nó không cuộn vào cây với ý định làm hư hại cây, cho nên nó cũng không có tội.
Chim chúa Garula hài lòng với lời giải thích của ẩn sĩ liền nói: Này hiền hữu, ta chính là Vương điểu Garula, ta rất hài lòng với lời giải thích vấn đề của ông. Nay ông sống trong rừng này và ta lại biết Thần Chú Àlambàyana quý vô giá. Ta sẽ tặng nó cho ông để đền đáp công ơn ông đã giải thích cho ta, mong ông nhận nó. Ta cũng đã biết nhiều Thần Chú lắm, hiền hữu cứ an tâm ra đi.
Nhưng chim chúa cứ nài ép mãi cuối cùng cũng năn nỉ được vị ẩn sĩ nhận lời, nên nó trao bùa và chỉ những dược thảo cần thiết rồi tạ từ.
Lúc bấy giờ ở Ba La Nại có một Bà La Môn nghèo khổ nợ nần tứ tung và bị các chủ nợ giày vò mãi, gã tự nhủ: Sao ta lại cứ sống mãi như thế này?
Ta thà vào rừng mà chết còn hơn. Thế là gã bỏ nhà đi nhiều chuyến phiêu bạt vào rừng cho đến khi gã thấy lều ẩn sĩ. Gã vào xin ở lại và được ẩn sĩ vui lòng nhận vì gã siêng năng làm mọi phận sự.
Vị ẩn sĩ tự nhủ: Gã Bà La Môn này giúp đỡ ta rất nhiều, vậy ta sẽ cho gã chú thiêng mà chim chúa đã cho ta.
Vì thế ông bảo gã: Này hiền hữu Bà La Môn, ta biết Thần Chú Àlambàyana, ta sẽ cho ông, mong ông nhận lấy.
Gã đáp: Hiền hữu hãy an tâm, ta chẳng cần bùa chú gì cả. Nhưng vị ẩn sĩ nài ép mãi, cuối cùng cũng thuyết phục gã kia lấy bùa, rồi chỉ bảo cho gã những loại cây thuốc cần thiết và mọi cách sử dụng bùa.
Gã Bà La Môn tự nhủ: Ta đã có kế sinh nhai rồi. Thế là sau khi ở lại thêm vài ngày, gã lấy cớ bị chứng phong thấp và sau khi xin vị ẩn sĩ thứ lỗi, gã kính cẩn từ giã và đi khỏi khu rừng, qua nhiều chặn đường, gã đến bờ sông Yamunà, đi dọc theo đường cái, miệng lầm thầm câu Thần Chú.
Ngay lúc bấy giờ cả ngàn tiểu đồng Nàga, vốn là thị giả của Bhruridatta đang mang viên bảo châu như ý ấy. Họ đã ra khỏi cảnh giới Nàga, ngồi nghỉ chân và đặt bảo ngọc trên một đụn cát, rồi sau khi nô đùa suốt đêm dưới làn nước nhờ ánh sáng tỏa ra từ viên bảo châu ấy, họ mang hết mọi món trang sức lên mình lúc Trời mới tảng sáng, thâu hào quang của bảo châu lại và ngồi canh chừng.
Gã Bà La Môn đến đó ngay lúc gã đang lầm thầm câu Thần Chú, đám tiểu đồng nghe Thần Chú hoảng sợ vì tưởng đó là Vương điểu Garula, liền độn thổ về cảnh giới Nàga mà quên lấy viên bảo ngọc.
Gã Bà La Môn thấy bảo ngọc liền kêu to: Thần Chú của ta đã linh nghiệm tức thì. Gã vui mừng lượm bảo ngọc ra đi.
Ngay lúc ấy gã Bà La Môn hạ đẳng đang cùng con săn nai, chợt thấy viên bảo ngọc trong tay gã kia, liền bảo con: Đó phải chăng chính là viên bảo ngọc mà Bhùridatta cho ta?
Người con đáp: Vâng, chính phải. Được thế thì ta sẽ nói cho gã kia biết những tính tai hại của viên ngọc rồi đánh lừa gã để dành viên ngọc cho ta.
Thưa cha, trước kia cha đã không lấy viên bảo ngọc khi Vua Bhùridatta tặng cha, nay vị Bà La Môn này chắc chắn sẽ dối gạt được cha cho mà xem. Cha nên yên lặng thì hơn. Cứ thế, con sẽ thấy ai dối gạt được ai hay nhất, gã ấy hay cha.
Rồi gã tiến đến gần Àlambàyana và bảo gã kia:
Từ đâu ông có bảo châu này,
Mang hạnh phúc nhiều, đẹp mắt thay,
Song có bức tường chi triệu đấy,
Là điều ta đã nhận ra ngay.
Àlambàyana đáp vần kệ sau:
Sáng nay ta rảo bước trên đưởng,
Ta thấy ngọc ngay chỗ nó nằm,
Vệ sĩ mắt hồng ngàn đứa chạy,
Để cho ta được miếng mồi ngon.
Gã Bà La Môn hạ đẳng muốn đánh lừa gã kia, liền nói thêm ba vần kệ kể những tai hại của viên bảo ngọc, vì muốn dành phần cho mình:
Nếu được nâng niu, quý trọng nhiều,
Để dành cẩn thận, hoặc thường đeo,
Ngọc làm toại nguyện cho người chủ,
Dù lớn bao nhiêu đủ mọi điều.
Nhưng nếu tỏ bất kính ngọc thần,
Người đeo hoặc giữ chẳng quan tâm,
Thì người sẽ phải ăn năn mãi,
Ngọc chỉ mang cho nỗi khốn cùng.
Nay ông chẳng có việc cần dùng,
Cũng chẳng có tài giữ bảo châu,
Vậy hãy đưa ta và đổi lấy,
Vàng ròng đây chẵn một trăm cân.
Àlambàyana liền đáp kệ:
Ta sẽ không đem bán bảo châu,
Dù bò hay ngọc quý ông trao,
Các điềm của nó ta tường tận,
Nó chẳng bao giờ bán được đâu.
Gã Bà La Môn nói:
Nếu ngọc hay bò chẳng thể mua,
Ngọc kia ông có được bây giờ,
Giá nào ông bán ra viên ngọc,
Hãy nói ta nghe rõ thật thà.
Àlambàyana đáp:
Ai bảo cho ta biết chốn nào,
Tìm ra rồng chúa đại anh hào,
Ta cho người ấy ngay viên ngọc,
Tỏa sáng bốn bề rực rỡ sao!
Gã Bà La Môn hỏi:
Có lẽ nào đây chính Điểu Vương,
Hôm này giả dạng Bà La Môn,
Đi tìm dấu vết săn mồi thịt,
Để bắt Long Vương lấy món ngon?
Àlambàyana đáp:
Ta quả thật không phải Điểu Vương,
Mắt ta chẳng thấy bóng chim Thần,
Danh y, Đạo Sĩ là ta đấy,
Nọc rắn rồng là việc sở trường.
Gã Bà La Môn nói:
Phải chăng ông có lực Thần nào,
Hay đã học hành kỹ thuật cao,
Việc ấy khiến ông không nhiễm độc,
Khi cầm nọc rắn giết người sao?
Gã đáp, miêu tả năng lực của mình như sau:
Ko sy ẩn sĩ chốn rừng hoang,
Khổ hạnh dài lâu giữ vững vàng,
Chim chúa sau cùng đem tiết lộ,
Cho Ngài bùa chú bắt Long Thần.
Bậc Thánh tối cao sống ẩn thân,
Trên sườn núi nọ thật cô đơn,
Nhiệt tình hầu hạ Ngài, ta đã,
Phụng sự ngày đêm chẳng nhọc nhằn.
Vì vậy, cuối cùng để thưởng công,
Cho ta hầu hạ những năm ròng,
Đạo Sư khả kính ta tôn quý,
Tiết lộ cho ta mật Chú Thần.
Tin vào chú thuật vạn quyền năng,
Ta chẳng sợ tồng rắn cực hung,
Những nọc giết người, ta giải hết,
Ta là bậc Trí Giả À Lam.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Bốn Mươi Năm - Phẩm Mê Ngộ Khác Nhau
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Tám - Phẩm Cùng Chúng Thể Nữ Du Cư
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Tám - Phẩm Thuật Thiên - Thí Dụ Ba Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bản Sinh Tâm địa Quán - Phẩm Một - Phẩm Tựa - Phần Một