Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Tám - Chuyện Vấn đề Thủy Quái

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM TÁM  

CHUYỆN VẤN ĐỀ THỦY QUÁI  

Thời ấy có một nữ tu sĩ tên là Bheri, vẫn thường dùng cơm trong cung. Bà này thông thái tài trí và chưa hề tiếp kiến bậc Đại Sĩ, nay nghe báo tin bậc Trí Giả Mahosadha đang phụng sự Vua.

Ngài cũng chưa hề thấy bà này bao giờ, nhưng Ngài nghe rằng một nữ tu sĩ tên là Bheri thường ăn cơm cùng Vua.

Lúc bấy giờ Hoàng Hậu Nandà không hài lòng Bồ Tát vì Ngài đã làm bà mất tình yêu của Vua khiến bà sinh lòng phiền muộn, nên bà cho gọi năm tỳ nữ thân tín đến và dặn: Các ngươi rình tìm cho được lỗi lầm của bậc Trí Giả, rồi ta cố làm cho gã bị thất sủng.

Thế là họ đi tìm cơ hội chống phá Ngài. Một hôm vị nữ ẩn sĩ ấy sau buổi ăn, đang đi ra ngoài thì gặp Bồ Tát trên sân chầu đến yết kiến Vua. Ngài vái chào bà rồi đứng yên.

Bà nghĩ thầm: Họ bảo đây là một Trí Giả, vậy ta thử xem Ngài có thật là một Trí Giả hay không. Bà liền hỏi Ngài bằng cách ra dấu tay, bà mở bàn tay ra trong khi nhìn về phía Bồ Tát. Ý bà muốn hỏi Vua có ân cần chu đáo với bậc Trí Giả mà Vua đã đưa về từ ngoại quốc chăng.

Khi Bồ Tát thấy bà hỏi Ngài bằng cách ra dấu, Ngài đáp bằng cách nắm tay lại, ý Ngài muốn nói: Thưa hiền tỷ, nhà Vua đem ta về đây để làm tròn một lời hứa, nay Ngài nắm chặt tay lại, chẳng cho ta gì cả.

Bà hiểu ý, giơ tay ra xoa đầu như muốn nói: Hiền Giả, nếu Ngài không toại ý, cớ sao Ngài không đi làm ẩn sĩ như ta.

Thấy thế, bậc Đại Sĩ vỗ bụng như muốn bảo: Hiền tỷ ta còn phải cấp dưỡng nhiều người nên ta chưa làm ẩn sĩ được. Sau lần chất vấn không lời ấy, bà trở về nơi ẩn cư.

Bậc Đại Sĩ chào bà và đến yết kiến Vua.

Lúc bấy giờ các kẻ tâm phúc của Hoàng Hậu thấy rõ cảnh trên từ cửa sổ nên đến trình Vua: Tâu Hoàng Thượng, Ngài Mahosadha đang âm mưu với nữ ẩn sĩ Bheri để chiếm Vương Quốc này, đó chính là kẻ thù của Ngài.

Rồi họ vu khống cho Ngài.

Vua hỏi: Các ngươi đã nghe thấy gì?

Họ đáp: Tâu Hoàng Thượng, khi nữ ẫn sĩ ra về sau buổi ăn, thấy bậc Đại Sĩ, bà mở bàn tay ra như muốn bảo: Ngài không thể đè bẹp nhà Vua như lòng bàn tay này hay cái sàn đập lúa rồi chiếm lấy Vương Quốc này cho Ngài sao?

Và Ngài Mahosadha nắm tay lại như thể cầm thanh kiếm và bảo: Vài ngày nữa ta sẽ chém đầu Vua và cầm quyền.

Bà ra dấu: Hãy chém đầu Vua, bằng cách lấy tay xoa đầu.

Bậc Đại Sĩ lại ra dấu: Ta sẽ chặt Vua làm đôi bằng cách xoa bụng. Xin Hoàng Thượng hãy đề phòng, phải giết Mahosadha ngay mới được.

Vua nghe vậy, nghĩ thầm: Ta không thể làm hại bậc Trí Giả được, ta phải hỏi lại nữ tu sĩ kia.

Vì thế ngày hôm sau, lúc bà đang dùng cơm, Vua liền đến hỏi: Này hiền tỷ có gặp Trí Giả Mahosadha chăng?

Tâu Đại Vương, hôm qua sau khi dùng cơm xong thần có gặp.

Thế các vị có đàm luận gì với nhau chăng?

Đàm luận ư?

Thưa không, nhưng vì thần nghe nói về tài trí của Ngài, nên để thử tài Ngài, thần đã ra dấu hỏi Ngài bằng cách nắm tay lại, xem thử Đức Vua có rộng rãi hay hẹp hòi đối với Ngài, Đức Vua có ân cần đối với Ngài chăng?

Ngài nắm tay lại, ám chỉ rằng Đức Vua đã bảo Ngài đến đây để làm tròn một lời hứa, nay chẳng ban cho Ngài gì cả.

Sau đó thần xoa đầu để hỏi tại sao Ngài không xuất gia tu hành nếu Ngài không toại ý, Ngài vỗ bụng muốn bảo là Ngài còn phải cấp dưỡng nhiều người và nuôi họ ăn uống đầy đủ, nên chưa xuất gia được.

Thế Mahosadha có phải là bậc Trí Giả chăng?

Quả thật vậy, tâu Đại Vương, khắp thế gian này chẳng có ai tài trí như Ngài cả.

Sau khi nghe bà tường thuật, Vua cho bà lui ra. Sau khi bà đi về, bậc Trí Giả vào chầu.

Vua hỏi: Này bậc Trí Giả, khanh đã gặp nữ ẩn sĩ Bheri chưa?

Tâu Đại Vương, thần gặp bà ấy hôm qua trên đường về, bà hỏi thần bằng cách ra dấu, thần trả lời bà ấy ngay.

Rồi Ngài kể lại câu chuyện như bà ấy đã kể trước đây. Vua đẹp lòng, ngay hôm sau phong cho Ngài chức đại tướng quân và giao một mình Ngài đảm chức vụ ấy. Vinh quang của Ngài thật lừng lẫy, chỉ đứng sau Vua mà thôi.

Ngài nghĩ thầm: Nhà Vua bỗng dưng ban cho ta vinh quang tột bậc lẫy lừng. Đây là chuyện Vua chúa thường làm ngay cả khi họ muốn sát hại ai. Để ta thử xem nhà Vua có thiện ý với ta hay không. Không ai có thể làm việc này trừ ẩn sĩ Bheri đầy tài trí ấy và bà ấy sẽ có cách.

Thế là Ngài đem hương hoa đến thăm nữ ẩn sĩ, sau khi vái chào bà, liền bảo: Thưa hiền tỷ, từ khi hiền tỷ khen ngợi tài năng của ta với Đức Vua, Ngài liền ban tặng ta nhiều bảo vật, nhưng Ngài có thực tâm không thì ta chưa rõ. Vậy nếu hiền tỷ chịu khó tìm hiểu dùm cho ta về tâm ý Đức Vua thì hay quá.

Bà hứa sẽ làm thế và hôm sau bà vào cung, bà chợt nghĩ đến câu chuyện Thủy quái Dakarakkhasa.

Lúc ấy bà suy nghĩ: Ta không nên làm như một thám tử, ta phải tìm cơ hội hỏi chuyện này xem Đức Vua có thiện ý với bậc Trí Giả chăng?

Rồi bà đi vào, sau buổi ăn bà ngồi yên.

Vua vái chào bà và ngồi sang một bên, bà nghĩ thầm: Nếu Đức Vua có ác ý với bậc Trí Giả và khi Ngài được hỏi vấn đề kia, Ngài bày tỏ ác ý của Ngài trước mặt nhiều người, điều ấy không có lợi gì, vậy ta phải hỏi riêng mới được.

Bà liền bảo: Tâu Hoàng Thượng, thần ao ước được đàm luận riêng với Ngài.

Vua liền bảo cận thần lui ra, bà nói: Thần mong muốn hỏi Hoàng Thượng một điều. Hiền tỷ cứ nói, nếu ta biết, ta sẽ đáp ngay.

Bà liền đọc vần kệ thứ nhất về chuyện Thủy quái Dakarakkhasa:

 Bảy người thân của Hoàng Cung,

Ngự du trên chốn ngàn trùng đại dương,

Quỷ thần đòi hỏi tế đàn,

Khi vừa chụp lấy thuyền vàng của Vua,

Những ai Ngài sẽ đưa ra,

Dần theo thứ tự để mà cứu nguy?

Vua liền đáp kệ hết sức chân thành:

Trước tiên mẫu hậu tức thì,

Kế là Hoàng Hậu chánh phi Nandà,

Tiếp theo tiểu đệ hoàng gia,

Thứ tư thân hữu, năm Bà La Môn,

Chính ta thứ sáu bản thân,

Nhưng ta không hiến Trí Nhân của mình!

Như thế ẩn sĩ đã thấy rõ thiện tâm của Vua đối với bậc Đại Sĩ, nhưng tài trí của Ngài chưa được công bố cho mọi người rõ nên bà liền nghĩ đến một chuyện khác nữa: Trước công chúng, ta sẽ ca ngợi tài đức của nhiều người khác, và để Đức Vua tán dương tài trí của bậc Trí Giả, như vậy tài trí Ngài sẽ sáng tỏ như mặt trăng trên Trời. Bà liền tập hợp tất cả mọi người ở trong hậu cung.

Trước mặt họ, bà cũng hỏi câu trên và được đáp lại như thế, rồi bà nói: Tâu Hoàng Thượng, Ngài bảo sẽ đem Thái Hậu ra tế lễ trước tiên, nhưng một bà mẹ thật nhiều công đức. Hơn nữa Thái Hậu lại chẳng giống các bà mẹ khác, mẫu hậu thật đắc dụng.

Rồi bà kể công đức của mẫu hậu trong hai vần kệ sau:

Lệnh bà dưỡng dục sinh thành,

Bao năm tận tụy nhiệt tình với con,

Khi Cham bhì hại hoàng nam,

Khôn ngoan bà thấy việc làm lợi Vua,

Đem người thế chỗ Vương Gia,

Nên Ngài đã được chính bà cứu nguy.

Mẹ cho đời sống từ bi,

Chính bà mang nặng hoàng nhi trong lòng.

Vì đâu là các lỗi lầm,

Ngày đem Hiền Mẫu hiến dâng thủy Thần?

Nghe vậy Vua liền đáp: Mẫu hậu rất nhiều tài đức, trẫm thừa nhận Mẫu Hậu có nhiều công đức với trẫm, nhưng lỗi lầm của bà còn nhiều hơn nữa.

Rồi Vua tả các lỗi lầm của mẹ trong hai vần kệ:

Giống như thiếu nữ còn xuân

Bà đeo các món bội hoàn nữ trang

Mà bà già chẳng nên mang.

Phi thời bà chế nhạo quân canh phòng.

Lại thường gửi điệp địch Vương,

Mà không được lệnh của hoàng gia đây.

Chính vì các lỗi lầm này,

Nên ta đem hiến bà ngay thủy Thần!

Tâu Hoàng Thượng, đã đành vậy, nhưng Hoàng Hậu cũng có nhiều tài đức.

Và bà kể tài đức của Hoàng Hậu:

Lệnh bà đệ nhất hồng quần,

Cực kỳ diễm lệ, nói năng ân cần,

Tràn đầy Đức Hạnh, nhiệt tâm,

Kề bên Hoàng Hậu uyên ương bóng hình,

Chẳng hề giận dỗi bất bình,

Khôn ngoan, thận trọng, chân thành lợi Vua.

Vậy vì lầm lỗi đâu mà

Ngài đem Hoàng Hậu hiến dâng thủy thần?

Vua liền kể các lỗi lầm của bà:

Nhờ bao vẻ đẹp mê hồn,

Bà hoàng đã khiến Vương quân phục tòng,

Chịu nhiều ảnh hưởng bất nhân,

Và đòi những thứ bà không nên đòi

Dành cho con của bà thôi.

Vì ta say đắm ban hoài đặc ân.

Ta ban những vật khó ban,

Về sau hối hận muôn vàn đắng cay,

Chính vì các lỗi lầm này.

Ta đem Hoàng Hậu tế ngay thủy thần!

Nữ ẩn sĩ đáp: Đã đành vậy, nhưng còn hoàng đệ Tikhinamatì rất lợi ích cho Hoàng Thượng.

Vì lỗi gì Ngài đem chàng cho thủy quái?

Và bà ngâm kệ:

Chàng đem phồn thịnh cho dân,

Khi Ngài đang ở tha phương xứ người,

Chàng đưa Hoàng Thượng tái hồi,

Chàng không hề bị cuốn lôi bạc vàng.

Anh hùng thiện xạ vô song,

Ti khi na thật tinh thông muôn phần,

Vậy đâu là các lỗi lầm,

Ngài đem hoàng đệ tế dâng thủy Thần?

Vua kể lỗi lầm của chàng:

Ta đem phồn thịnh cho dân,

Khi Ngài đang ở tha phương xứ người,

Ta đưa Hoàng Thượng tái hồi,

Ta không hề bị cuốn lôi bạc vàng.

Ta là thiện xạ vô song,

Anh hùng vô địch tinh thông trí tài.

Ta tôn Hoàng Thượng lên ngôi.

Chàng suy nghĩ vậy, thế rồi về sau.

Chàng không đi đến cung chầu,

Như thường thuở trước chàng hầu bên ta.

Chính vì lầm lỗi kia mà,

Ta đem hoàng đệ tế dâng thủy tề.

Ẩn sĩ bảo: Hoàng đệ nhiều lỗi lầm như thế, nhưng còn Hoàng Tử Dhanusekha thương yêu Ngài rất tận tụy lại rất hữu ích.

Bà tả tài đức của chàng:

Ngài và Dha Nu Sek Ha,

Cùng mang tên tộc Pañ Cà La Mà.

Một đêm hai vị sinh ra,

Vừa là thân hữu vừa là đồng môn,

Suốt đời hầu cận minh quân,

Đồng cam cộng khổ vui buồn bên nhau.

Nhiệt tình thận trọng bấy lâu,

Hết lòng phục vụ kể đâu đêm ngày.

Vậy thì lầm lỗi nào đây,

Ngài đem thân hữu tế ngay thủy Thần?

Vua liền tả lỗi lầm của chàng:

Suốt đời, thưa nữ Đạo Nhân,

Chàng thường vui thú chung cùng bên ta.

Chính vì duyên cớ ấy mà,

Nay chàng hành động quá là tự do.

Nếu ta nói chuyện riêng tư,

Cùng Hoàng Hậu, cứ xông vô phi thời,

Mà không có lệnh ta đòi,

Cũng không thông báo cho người nào hay.

Nếu cho chàng một dịp may,

Làm điều bất kính, nhục đầy xấu xa,

Chính vì lầm lỗi ấy mà

Ta đem thân hữu hiến cho thủy Thần.

Nữ ẩn sĩ đáp: Lỗi lầm của chàng thật nhiều đấy, song còn vị quân sư rất hữu dụng cho Hoàng Thượng.

Bà liền tả tài đức của vị này:

Tế sư quả thật tinh khôn,

Biết nhiều điềm triệu, thanh âm ở đời,

Chuyên môn đoán rộng, vãng lai,

Am tường dấu hiệu đất Trời, trăng sao,

Vậy thì do lỗi lầm nào,

Đại Vương đem Đạo Sĩ trao thủy Thần?

Vua giải thích lỗi lầm của vị ấy:

Dù ngay ở giữa Quần Thần,

Lão thường mở mắt trừng trừng nhìn ta,

Nên ta muốn hiến lão già,

Nhăn mày quỷ quái ấy cho thủy thần!

Lúc ấy vị ẩn sĩ nói: Tâu Hoàng Thượng, Ngài phán rằng Ngài sẽ đem năm người này cho thủy quái và sẽ hy sinh thân mình cho bậc Trí Giả Mahosadha mà không nghĩ gì đến ngai vàng vinh hiển của mình.

Vậy Hoàng Thượng thấy vị ấy có tài đức gì?

Và bà ngâm các vần kệ này:

Đại Vương ở giữa triều thần,

Trong châu lục lớn, ngàn trùng biển xanh,

Thay vì thành lũy bao quanh,

Ngự trên đế quốc hùng anh đại cường,

Độc tôn Hoàng Đế trần gian,

Thật là vĩ đại vinh quang vô vàn.

 Nữ nhi một vạn sáu ngàn,

Điểm tô châu ngọc, nữ trang sáng ngời,

Giai nhân từ khắp mọi nơi,

Khác nào Tiên Nữ cao vời Thiên Cung.

Được dâng mọi thứ cần dùng,

Mọi điều ước nguyện cầu mong vẹn toàn,

Đại Vương đã sống trường tồn,

Trong niềm hạnh phúc hân hoan tột cùng.

Đâu là duyên cớ nguyên nhân,

Hy sinh ngọc thể hộ phòng trí nhân?

Nghe vậy, Vua ngâm các vần kệ này ca tụng đức hạnh của bậc Trí Giả:

Thưa bà, Trí Giả Đại Thần,

Từ khi đến ở kế gần bên ta,

Ta không hề thấy bao giờ,

Con người khí phách tạo ra lỗi lầm,

Dù là một mảy cỏn con.

 Nếu ta chết trước Trí Nhân lúc nào,

Người đem hạnh phúc biết bao,

Cho đàn con cháu mai sau lâu dài.

Người thông minh mọi việc trên đời,

Dù là quá khứ, tương lai xa gần.

Người này không có lỗi lầm,

Ta không muốn tế thủy Thần quỷ ma.

Như vậy chuyện Tiền Thân này đã đến hồi kết thúc tốt đẹp.

Lúc ấy vị ẩn sĩ suy nghĩ: Chuyện này vẫn chưa đủ để bày tỏ đức độ của bậc Trí Giả, ta sẽ cho dân chúng khắp Kinh Thành biết rõ công đức của Ngài như người ta rãi dầu thơm trên mặt biển.

Thế là bà mời Vua cùng bà đi xuống khỏi cung, soạn bảo toạ trên sân chầu, mời Vua ngự lên, rồi triệu tập dân chúng lại, bà hỏi Vua một lần nữa về chuyện thủy quái từ khởi đầu, và khi Vua trả lời như trên đây, bà liền bảo dân chúng:

Thần dân của xứ Pañ cà,

Nghe lời này của Vua Cù La Ni,

Bảo toàn bậc Trí Giả kia,

Đức Vua nào có kể chi mình vàng.

Cuộc đời của chính mẫu hoàng,

Em trai, Hoàng Hậu, thân bằng, bản thân,

Vua Pãncà thảy sẵn lòng,

Hy sinh tất cả hiến dâng thủy thần.

Diệu kỳ thay trí lực hùng,

Thông minh tài giỏi vô song như vậy,

Chỉ vì ích lợi đời này,

Cùng là hạnh phúc lâu dài đời sau.

Như vậy bà đã đạt đỉnh cao trong sự chứng minh tài đức của bậc Đại Sĩ, chẳng khác nào người ta đặt ngọn tháp cao chót vót lên một đống bảo vật.

Đến đây chấm dứt vấn đề thủy quái và cũng chấm dứt luôn toàn chuyện đường hầm vĩ đại.

Và sau đây là sự nhận diện Tiền Thân: Uppalavannì Liên Hoa Sắc là nữ ẩn sĩ Bheri, Suddhodana Vua Tịnh Phạn là cha của bậc Trí Giả, Mahàmàyà Hoàng Hậu Ma gia là mẹ Ngài, giai nhân Bimbà tức Yasodhàrà là Amarà, Ànanda là con két, Sàriputta là Vua Cùlani, Mahosadha là Đức Thế Tôn.

Tiền Thân này được hiểu như vậy. Devadatta là Kevatta, Cullanandikà là Talatà, Sundarì là Pañcàlacandì, Yasassika là Hoàng Hậu, Ambattha là Kàvinda, Potthapàda là Pukkusa, Pilotika là Devinda, Saccala là Senaka, Ditthamangalikà là Hoàng Hậu Udumbarà Cây Sung, Kundali là chim Maynah và Làludàyì là Vedeha.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần