Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Mốt - Phẩm Hai - Phẩm Tám Mươi Bài Kệ Số Hai - Phần Bảy - Chuyện đàn Kim Nga
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT
PHẨM HAI
PHẨM TÁM MƯƠI BÀI KỆ SỐ HAI
PHẦN BẢY
CHUYỆN ĐÀN KIM NGA
Lúc ấy kẻ ăn thịt người, nhìn vào mặt Ngài sáng rực rỡ như đóa sen nở hay vầng trăng tròn đầy, lại suy nghĩ: Vua Sutasoma này thấy ta đang sửa soạn một đống than hồng và mài nhọn cái xiêng nướng thịt, tuy nhiên không hề tỏ ra chút mảy may sợ hãi.
Có thể đây là thần lực của các vần kệ đáng giá một trăm đồng kia hay là nó phát xuất từ một chân lý nào khác?
Ta sẽ hỏi vị ấy.
Và y ngâm kệ theo hình thức câu hỏi:
Thoát kẻ bạo hung nuốt thịt người
Về cung, tràn mộng ước xin tươi,
Sao còn trở lại thăm thù địch?
Vương Tử chắc không sợ chết rồi,
Ðể giữ trọn lời Ngài đã hứa,
Bỏ qua dục lạc ở trên đời.
Bậc Ðại Sĩ đáp lại:
Ta phát nguyện làm muôn ngàn công đức,
Lễ dồi dào được danh tiếng lừng vang,
Ðến đời sau, ta giữ thẳng con đường,
Ai sợ chết khi trú an chánh pháp?
Ta phát nguyện làm muôn ngàn công đức,
Lễ dồi dào được danh vọng vẻ vang,
Không ăn năn, ta tiến đến thiên đàng,
Hãy tế lễ và xé mồi ăn thịt.
Song thân, ta đã thương yêu khắng khít,
Ta được khen cai trị tuyệt công bình,
Ðến đời sau ta chọn lối quang vinh,
Ai sợ chết khi trú an Ðạo Giáo?
Song thân, ta đã phụng thờ chu đáo,
Ta được khen cai trị tuyệt công bình,
Không ăn năn, ta tiến đến thiên đình,
Hãy tế lễ và xé mồi ngon ngọt.
Ta phục vụ đám thân bằng quyến thuộc,
Cai trị công bình được mọi người khen,
Không ăn năn, ta chọn lối thăng Thiên,
Hãy tế lễ và xé mồi ăn gấp.
Biết bao người, ta cúng dường cung cấp:
Bà La Môn, đạo sĩ, thảy hân hoan
Ðến đời sau, ta chọn lối Thiên Đàng,
Ai sợ chết khi trú an chánh pháp?
Biết bao người, ta cúng dường cung cấp,
Bà La Môn, Đạo Sĩ, thảy hân hoan,
Không ăn năn, ta tiến tới Thiên Đàng,
Hãy tế lễ và xé mồi ăn thịt.
Nghe vậy, kẻ ăn thịt người suy nghĩ: Vua Sutasoma này là bậc thiện nhân tài trí:
Giả sử ta ăn thịt vị ấy, sọ đầu ta sẽ vỡ ra bảy mảnh, hoặc quả đất sẽ há miệng nuốt ta mất, và y hoảng sợ nói: Này hiền hữu, bạn không phải hạng người mà ta phải ăn thịt đâu.
Và y ngâm kệ:
Thuốc độc kẻ nào uống chủ tâm,
Ðộc xà hung bạo, lấy tay cầm,
Tan thành bảy mảnh ngay đầu nó,
Người chẳng dối lời, lại dám ăn!
Y nói với bậc Ðại Sĩ như vậy: Ta chắc bạn như thể là thứ thuốc độc chết người, ai dám ăn bạn chứ?
Và nóng lòng muốn nghe các vần kệ, y van xin Ngài ngâm kệ cho y.
Nhưng khi muốn tỏ lòng cung kính cao trọng đối với đạo Thánh Hiền, lời thỉnh cầu của y bị bậc Ðại Sĩ từ chối vì lý do rằng y không phải là kẻ xứng đáng nhận vần kệ đầy Đạo Đức vẹn toàn như vậy, y tự nhủ: Khắp Cõi Diêm Phù Đề Ấn Ðộ không có vị Hiền Nhân nào như thế này, vì khi vị ấy thoát được tay ta, vị ấy đi về nghe kệ, và sau khi bày tỏ lòng cung kính trọng thể đối với vị Pháp Sư, vị ấy trở lại đây với dấu hiệu thần chết in trên trán. Các vần kệ này chắc hẳn có giá trị siêu phàm.
Lòng y vẫn tràn đầy ước vọng cung kính nghe kệ ấy, y van xin bậc Ðại Sĩ và ngâm kệ này:
Những người nghe giáo lý như chân,
Thiện, ác sẽ mau chóng biệt phân,
Có lẽ nếu nghe vần kệ ấy,
Tâm ta sẽ hỷ lạc vô ngần.
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ suy nghĩ:
Nay kẻ ăn thịt người mong muốn nghe kệ:
Ta sẽ ngâm kệ cho y, và Ngài nói: Thôi được, này hiền hữu, hãy lắng nghe thật kỹ.
Sau khi đã làm kia chú ý, Ngài ngâm nga các vần kệ đúng như Ngài đã được Bà La Môn Nanda thuyết giáo, trong lúc Chư Thiên Thần ở sáu Cõi Trời Dục Giới đều đồng thanh hô lớn và Thiên chúng đều hoan nghênh tán thán, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp cho kẻ ăn thịt người như vậy:
Hãy hòa hợp với Thánh Hiền Nhân,
Này hỡi Soma, chỉ một lần,
Và chớ bao giờ thân kẻ ác,
Bình an tràn ngập khắp toàn thân.
Thường xuyên giao kết với Hiền Nhân,
Chỉ nhận Hiền Nhân chính bạn thân,
Học chánh lý từ bao Bậc Thánh,
Mỗi ngày tu tập tốt thêm dần.
Như các xe Vua khéo điểm trang
Cũng thành mờ nhạt, sẽ tan hoang,
Thân ta yếu đuối càng mòn mỏi,
Và phải chịu nhanh chóng lụi tàn.
Song Ðạo Thánh Hiền Nhân vĩnh cửu,
Chẳng hề tàn tạ với thời gian,
Thiên nhân tuyên thuyết cùng người thiện
Qua các thời chưa được bảo ban.
Bầu Trời giăng rộng rãi bao la,
Quả đất trải dài ở dưới ta,
Lãnh thổ bên kia bờ đại hải
Chúng ta đều biết thật là xa.
Song còn vĩ đại hơn muôn vật,
Tầm mức ấy càng tỏa rộng ra
Là Ðạo lý về điều thiện, ác
Người hiền, kẻ ác dạy cho ta.
Nhờ các vần kệ được bậc Ðại Sĩ khéo ca tụng và cũng chính vì kẻ ăn thịt người có trí khôn ngoan, y nghĩ thầm: Quả thật các vần kệ này là lời của Đức Phật Toàn Tri kiến. Và toàn thân y rúng động vì năm thứ hỷ lạc, y cảm thấy một niềm từ ái đối với Bồ Tát và nhìn Ngài theo cách một người cha sẵn sàng ban chiếc lọng trắng của hoàng gia cho con mình.
Rồi y lại nghĩ: Ta không có tặng vật bằng vàng ròng để tặng Sutasoma, nhưng ta sẽ ban một điều ước cho mỗi vần kệ ấy.
Và y ngâm kệ:
Ý nghĩa chứa chan, giọng sáng trong,
Lọt tai, Vương Tử, các chân ngôn,
Tâm ta hoan hỷ, ta thích thú,
Muốn tặng bạn hiền bốn đặc ân.
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ lại quở trách y: Này quả thật còn điều ước nào bạn muốn ban cho ta nữa ư?
Và Ngài ngâm kệ:
Người chẳng biết gì phận bản thân,
Ðiều lành, điều ác chẳng hề phân,
Chẳng phân địa ngục cùng Thiên Giới,
Nô lệ cho lòng dục hám ăn,
Sao kẻ đê hèn như bạn vậy
Biết ban ân huệ đến tha nhân?
Nếu bảo: Cho ta ân huệ này,
Rồi Ngài lấy lại lời thề ngay,
Ai khôn ngoan muốn đành lòng chịu
Liều lĩnh phân tranh vậy hỡi Ngài?
Kẻ ăn thịt người tự nhủ:
Vị ấy không tin ta.
Ta muốn làm vị ấy tin, rồi y ngâm kệ:
Chẳng ai đòi tặng một hồng ân,
Rồi lại nuốt lời hứa, giả nhân,
Bạo dạn chọn hồng ân, hỡi bạn,
Dù ta mất mạng, vẫn ban phần.
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ suy nghĩ: Kẻ này nói như một vị anh hùng và hứa làm những gì ta nói, ta sẽ nhận lời đề nghị của y. Nhưng nếu ta chọn ngay điều ước đầu tiên là y phải chừa ăn thịt người, chắc y sẽ đau lòng lắm.
Vậy trước hết ta sẽ chọn ba điều ước khác, sau đó sẽ chọn điều này, và Ngài ngâm kệ:
Ai kẻ sống cùng một Thánh Nhân,
Thường xuyên đối diện với đồng tâm,
Vậy là người trí luôn tin chắc
Làm đẹp ý lòng bậc Trí Chân
Ta nguyện cầu Ngài luôn tráng kiện,
Sống lâu đến cả một trăm năm,
Ðây lời cầu nguyện đầu tiên vậy,
Ta muốn Ngài ban tặng đặc ân.
Kẻ ăn thịt người nghe vậy, suy nghĩ: Người này, dù ta đã đẩy ra khỏi Vương quyền, nay vẫn cầu chúc trường thọ cho ta, một kẻ cướp lừng danh thèm khát thịt người và muốn làm hại vị ấy.
Ôi! Thật là một người đầy thiện ý đối với ta.
Y thấy lòng hân hoan, mà không biết rằng lời ước này được chọn để đánh lừa y và sẽ có lợi cho Ngài, y liền ngâm kệ ban lời ước:
Ai kẻ sống cùng một Thánh Nhân,
Thường xuyên đối diện với đồng tâm,
Vậy là người trí luôn tin chắc
Làm đẹp ý lòng bậc Trí Chân.
Ngài nguyện cầu ta luôn tráng kiện
Sống lâu đến cả một trăm năm,
Trước lời cầu nguyện đầu tiên ấy
Hoan hỷ ta ban tặng đặc ân.
Tiếp theo, Bồ Tát nói:
Các Vua bị bắt dưới tay Ngài
Nhiều nước phong Vương, quán đảnh rồi,
Những vị Vua hùng trên cõi đất
Chớ nên ăn thịt, Ðại Vương ôi!
Ðây là điều kế ta cầu khẩn
Như một lời nguyền ước thứ hai.
Như vậy trong khi lựa chọn đặc ân thứ hai Ngài đã đạt ước nguyện đem lại mạng sống cho hơn một trăm vị Vua Sát Đế Lỵ, và kẻ ăn thịt người ngâm kệ ban Ngài điều ước ấy:
Các Vua bị bắt dưới tay ta
Nhiều nước phong Vương, quán đảnh xưa,
Những Vua hùng mạnh, ta thề nguyện,
Ta sẽ không ăn thịt nữa mà.
Ước thứ hai này ta cũng tặng
Thể theo lời bạn nguyện cầu ta.
Như thể các vị Vua ấy có nghe được những gì hai vị này nới chăng?
Họ chẳng nghe được gì cả vì khi kẻ ăn thịt người châm lửa, và sợ khói lửa làm hại cây, y bước lùi một khoảng xa cây ấy.
Bậc Ðại Sĩ đàm luận với y, ngồi ở khoảng giữa cây và đống lửa, cho nên các Vua không nghe mọi chuyện hai vị nói, mà chỉ nghe một phần và an ủi lẫn nhau:
Thôi đừng sợ hãi, nay Sutasoma đang cải hóa kẻ ăn thịt người.
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ ngâm kệ:
Hơn trăm Vua ấy bị Ngài giam
Ðều bị trói tay, lại khóc than,
Xin trả mỗi người về cố quốc,
Ðệ tam ân huệ, ước Ngài ban.
Như vậy trong khi chọn điều ước thứ ba, bậc Ðại Sĩ xin cho các vị Vua được phục hồi quê quán, mỗi vị về Vương Quốc mình.
Tại sao vậy?
Bởi vì kẻ ăn thịt người kia, giả sử không ăn thịt họ, nhưng vì sợ các Vua thù oán y, sẽ giam cầm họ lại và bắt họ ở trong rừng hoặc giết họ rồi phơi thây, hoặc đem họ ra vùng biên địa bán làm nô lệ.
Do đó Ngài chọn điều ước cho các Vua phục hồi cố quốc, và kẻ ăn thịt người ngâm kệ chấp thuận lời thỉnh cầu này:
Hơn trăm Vua ấy bị ta giam,
Ðều bị trói tay, lại khóc than,
Ta sẽ phục hồi về cố quốc,
Ðệ tam ân huệ được ta ban.
Bấy giờ Bồ Tát ngâm kệ chọn điều thứ tư:
Vương Quốc hãi kinh, hóa dại cuồng,
Trốn Ngài, dân chúng ẩn trong hang,
Thịt người, Chúa Thượng, xin kiêng ky,
Ấy nguyện thứ tư, ước được ban.
Khi Ngài nói vậy xong, kẻ ăn thịt người vỗ tay cười lớn:
Này hiền hữu Sutasoma, quả thật đây là điều bạn muốn nói không?
Làm sao ta có thể ban cho bạn đặc ân này chứ?
Nếu bạn muốn nhận một đặc ân khác, thì hãy chọn một điều nữa đi.
Rồi y ngâm kệ này:
Ta thấy món này, hợp vị ta,
Nếu ta ẩn náu chốn rừng già,
Làm sao lạc thú ta kiêng kỵ,
Nguyện ước thứ tư, chọn lại mà!
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ nói:
Vì Ngài thích thịt người nên Ngài nói: Ta không thể từ bỏ nó được. Người nào làm ác chỉ vì thú vui thì thật là kẻ ngu si.
Và Ngài ngâm kệ:
Vua chúa như Ngài chẳng được chơi,
Hy sinh cuộc sống chỉ vì vui.
Hãy tìm ý nghĩa cao siêu nhất
Cuộc sống tặng ban quý tuyệt vời
Lạc thú vị lai đời kế tiếp
Rồi Ngài hưởng phước đức này thôi.
Khi những lời này được bậc Ðại Sĩ nói xong, kẻ ăn thịt người bị nỗi kinh hoàng trấn áp và suy nghĩ: Ta không thể từ chối lời ước mà Sutasoma lựa chọn, cũng không thể chừa ăn thịt người.
Vậy ta phải làm gì đây?
Với đôi mắt đẫm lệ, y ngâm kệ này:
Ngài biết ta yêu thích thịt người,
Su ta Ðại Sĩ, thế này thôi,
Ta không bỏ nó bao giờ nữa,
Suy nghĩ, chọn điều khác, bạn ôi!
Bồ Tát lại đáp:
Người nào luôn hưởng thú vui chơi,
Hủy diệt cuộc đời để được vui,
Như kẻ say dùng liều thuốc độc,
Về sau phải chịu khổ không nguôi.
Người quyết tâm chừa lạc thú đời,
Con đường phận sự khó theo hoài,
Như người đau uống liều điều trị,
Sống lại đời sau Cực Lạc thôi.
Sau khi Ngài nói vậy xong, kẻ ăn thịt người đau đớn khóc than, ngâm vần kệ:
Ngũ lạc phát sinh tự giác quan,
Ta đều từ bỏ cả song thân,
Ta vào rừng ở vì nhân ấy,
Lời bạn ước sao có thể ban?
Bậc Ðại Sĩ ngâm kệ đáp:
Trí nhân không thể nói hai lời,
Ta biết thiện nhân đúng ước thôi:
Hiền hữu chọn đi vài nguyện ước
Là điều Ngài đã bảo ta rồi,
Giờ đây những chuyện Ngài đang nói
Khó hợp điều này, Chúa Thượng ôi!
Một lần nữa, kẻ ăn thịt người vừa khóc vừa ngâm kệ:
Tổn đức, ô danh, khổ nhục tràn,
Tham lam, tà hạnh, tội muôn vàn,
Ta đều phạm, để ăn đồng loại,
Lời bạn ước, sao ta phải ban?
Bậc Ðại Sĩ lại nói:
Không ai đòi tự nguyện ban ân,
Rồi lấy lại lời, kẻ giả nhân,
Bạo dạn chọn ân này, bạn hỡi,
Dù ta mất mạng, cũng ban phần.
Khi Ngài đã đưa ra vần kệ do chính kẻ ăn thịt người cảm khái thốt lên trong giai đoạn đầu, Ngài lại ngâm kệ để khích lệ y can đảm ban điều ước ấy:
Thiện nhân đành mất cả dòng đời
Song giữ lời xưa, dẫu thiệt thòi,
Chúa Thượng, nếu Ngài ban ước nguyện,
Làm ngay chuyện ấy trọn công Ngài.
Ai đem tài sản cứu tay chân,
Sẽ bỏ tay chân cứu lấy thân,
Tài sản, tứ chi, thân sẽ mất,
Chỉ còn Chân lý khẩn cầu ân.
Như vậy bậc Ðại Sĩ dùng nhiều phương tiện an trú kẻ ăn thịt người vào chánh pháp, và bây giờ Ngài ngâm kệ để giải thích việc cần phải tôn trọng danh hiệu của Ngài:
Miệng kẻ nào minh chứng thật chân,
Ðoạn nghi nhờ các Bậc Hiền Nhân,
Kẻ ấy chính là nơi ẩn trú,
Chính là điểm tựa, chốn nương thân.
Lòng Hiền Nhân mến thương người ấy
Sẽ chẳng bao giờ phải diệt vong.
Sau khi ngâm kệ xong, Ngài bảo: Này hiền hữu ăn thịt người, nếu bạn vi phạm lời dạy của một bậc Ðạo Sư Tối thắng như vậy, thì thật không hợp lẽ phải, và hơn nữa, khi bạn còn trẻ, ta đã làm vị trợ giáo cho bạn, đã chỉ bảo bạn nhiều rồi, nay ta dùng uy lực của một bậc Giác Ngộ ngâm cho bạn nghe các vần kệ trị giá mỗi vần một trăm đồng: Vậy bạn hãy vâng lời ta.
Khi nghe vậy, kẻ ăn thịt người suy nghĩ: Sutasoma đã là thầy dạy ta, vừa là bậc đa văn uyên bác và ta đã ban cho vị ấy chọn điều ước.
Ta phải làm gì đây?
Cái chết quả thật là một sự dĩ nhiên trong cuộc đời mỗi người. Vậy ta sẽ không ăn thịt người nữa nhưng phải ban ân huệ mà Ngài yêu cầu.
Với dòng lệ tuôn tràn từ đôi mắt, y đứng lên và quỳ xuống chân Sutasoma, ngâm kệ ban ân:
Thực phẩm ngọt ngon, thú vị thay,
Vì duyên cớ ấy, ẩn rừng cây,
Nhưng nay bạn bảo ta làm vậy,
Ta tặng bạn thầy ân huệ đây.
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ nói: Này hiền hữu, mong được như vậy. Ðối với người đã đứng vững vàng trong giới hạnh, thì ngay cái chết cũng là một ân huệ. Thưa Ðại Vương, ta xin nhận đặc ân mà Ngài đã ban ta.
Ngay từ hôm nay, Ngài được an trú trong con đường của một bậc Ðạo Sư hướng dẫn, và vì vậy, ta xin Ngài một đặc ân này nữa: Nếu Ngài có lòng thương mến ta, xin Ngài chấp nhận Ngũ Giới.
Y đáp: Tốt lành thay, xin hiền hữu dạy ta ngũ giới. Xin Ðại Vương học ngũ giới từ ta. Thế rồi y đảnh lễ bậc Ðại Sĩ với năm phần thân thể sát đất và ngồi xuống một bên, và bậc Ðại Sĩ an trú y vào ngũ giới.
Lúc ấy các Địa Thần tụ họp lại, bảo nhau: Không ai từ các chúng sinh trong địa ngục Avìci A tỳ: Vô Gián đến Chư Thiên tối cao trong các Cõi Vô Sắc mà vì lòng thương mến đối với bậc Ðại Sĩ, có thể làm cho kẻ ăn thịt người này từ bỏ việc sát nhân ấy.
Ôi! Sutasoma đã thị hiện một phép thần thông vị diệu thay?
Các vị hoan nghênh làm rừng cây vang dội với những tiếng reo hò lớn, và khi nghe huyên náo, Tứ Ðại Thiên Vương cũng reo lớn như vậy toàn Thế Giới vang rền tiếng tán thán đến tận Cõi Phạm Thiên.
Các vị Vua bị treo trên cành cây nghe tiếng náo động reo mừng của Chư Thần, và Nữ Thần cây vẫn còn đứng ở nơi trú ẩn cũng thốt ra âm thanh hưởng ứng. Như vậy người ta nghe tiếng reo hò của các vị Thần, nhưng không thể thấy được hình dáng các vị.
Khi nghe tiếng reo lớn hoan nghênh của Chư Thần, các vị Vua suy nghĩ: Nhờ Sutasoma chúng ta được cứu mạng, Sutasoma đã thị hiện phép thần thông để giáo hóa kẻ ăn thịt người ấy, và các vị cũng dâng lên lời tán tụng Bồ Tát. Còn kẻ ăn thịt người đứng sang một bên sau khi đảnh lễ dưới chân Bồ Tát.
Bậc Ðại Sĩ bảo y: Này hiền hữu, hãy thả các Vương Tử này.
Y suy nghĩ: Ta là kẻ thù của họ.
Nếu họ được ta thả ra, họ sẽ nói: Hãy bắt y, y là kẻ thù của chúng ta, và sẽ làm hại ta. Nhưng dù có mất mạng sống, ta cũng không thể phạm vào giới hạnh mà ta đã nhận từ tay Sutasoma. Ta sẽ đi cùng Ngài và thả họ ra, như thế ta sẽ được bình an.
Rồi vừa đảnh lễ Bồ Tát, y vừa nói: Này Sutasoma, chúng ta hãy cùng đi thả các Vương Tử.
Và y ngâm kệ:
Ngài là thầy giáo của riêng ta,
Cùng với bạn thân, chỉ một mà.
Hãy ngắm, thưa Ngài, lời bạn bảo
Ta vừa mới thực hiện bây giờ.
Lượt Ngài thực hiện lời ta bảo:
Ta sẽ đi cùng thả các Vua.
Bồ Tát đáp:
Ta là thầy giáo của ngày xưa
Cùng với bạn thân, chỉ một mà.
Quả thật, thưa Ngài, lời dạy bảo
Ngài vừa mới thực hiện bây giờ.
Lượt ta thực hiện lời Ngài bảo:
Ta sẽ cùng đi thả các Vua.
Khi đến gần các Vua kia, Ngài nói:
Các Ngài bị trói trên cây này,
Nước mắt chảy tuôn đã ngập đầy,
Vì ác quỷ này làm hại vậy,
Song ta vẫn muốn các Ngài hay
Một lời ước hẹn cùng Vua ấy
Chẳng có bao giờ đụng ngón tay.
Các vị Vua đáp liền:
Khóc than vì bị trói trên cây,
Ác quỷ hại người, đáng ghét thay,
Tuy thế, chúng ta long trọng hứa:
Nếu còn sống, chẳng hại người này.
Lúc ấy Bồ Tát nói:
Tốt lành thay, xin hãy hứa lời này với ta.
Và Ngài ngâm kệ:
Như với bầy con, bậc mẹ cha
Tỏ tình yêu thắm thiết, bao la,
Ước mong Vua ấy luôn minh chứng
Là một người cha đúng nghĩa mà.
Mong ước các Ngài như lũ trẻ
Thương yêu Vua ấy thật sâu xa.
Các vị Vua cũng đều đồng ý việc này và ngâm kệ:
Như với bầy con, bậc mẹ cha
Tỏ tình yêu thắm thiết, bao la,
Ước mong Vua ấy luôn minh chứng
Là một người cha đúng nghĩa mà.
Mong ước chúng ta như lũ trẻ
Thương yêu Vua ấy thật sâu xa.
Như vậy bậc Ðại Sĩ đã đòi các vị ấy thề ước xong, Ngài gọi kẻ ăn thịt người đến và bảo: Hãy đến thả các Vương Tử này ra. Kẻ ăn thịt người cầm kiếm cắt dây trói một Vua trong số đó. Vì Vua này đã nhịn ăn suốt bảy ngày cùng chịu đau khổ đến điên cuồng, nên vừa được cắt dây thả ra, vị ấy ngã nhào xuống đất.
Bậc Ðại Sĩ thấy vậy động lòng từ bi, liền nói: Này hiền hữu ăn thịt người, đừng cắt dây thả họ xuống như vậy.
Rồi ôm lấy một vị Vua thật chặt trong đôi tay, Ngài ôm sát vị ấy vào ngực mình và nói: Bây giờ hãy cắt dây đi. Như vậy, kẻ ăn thịt người cắt dây trói họ với thanh kiếm và bậc Ðại Sĩ, nhờ có sức mạnh phi thường, liền ôm mỗi vị Vua vào ngực, và đưa xuống nhẹ nhàng như thể đó là con mình, rồi đặt vị ấy nằm sát xuống đất.
Cứ vậy Ngài đặt tất cả các vị Vua xuống đất và sau khi rửa các vết thương, Ngài nhẹ nhàng kéo các dây trói khỏi tay họ, giống như thể sợi dây ở tai trẻ con, Ngài chùi sạch máu đông, làm cho các vết thương không nhiễm độc.
Rồi Ngài bảo kẻ ăn thịt người: Này hiền hữu, hãy giã một ít vỏ cây kia trên hòn đá rồi mang đến cho ta. Sau khi Ngài bảo y đi tìm vỏ cây về, Ngài thực hiện một lời thề chân lý và chà xát lòng bàn tay các Vua ấy, thì các vết thương lành lặn ngay lập tức.
Kẻ ăn thịt người lấy một ít gạo đã chà vỏ, nấu thành một thứ thuốc phòng bệnh, rồi hai vị đưa cho một trăm lẻ một Vương Tử Sát Đế Lỵ uống như thuốc phòng bệnh, vì vậy mọi người đều hân hoan vừa lúc Mặt Trời lặn.
Hôm sau, vào lúc rạng đông, giữa trưa và xế chiều, hai vị đều cho họ uống nước cháo, nhưng ngày thứ ba, hai vị cho họ ăn cháo gạo và cơm chín, cứ thế cho đến khi họ bình phục.
Sau đó bậc Ðại Sĩ hỏi xem họ đủ mạnh hẳn đề về nhà chưa và khi họ đáp họ có thể lên đường, Ngài bảo: Này, hiền hữu ăn thịt người, chúng ta cùng đi về Vương Quốc của mình.
Nhưng y vừa khóc, vừa quỳ xuống chân bậc Ðại Sĩ và kêu to: Xin hiền hữu đem các Vua này ra đi, còn ta sẽ tiếp tục ở đây sống bằng củ quả rừng.
Này hiền hữu, bạn muốn làm gì ở đây thế?
Vương Quốc bạn là nơi đầy lạc thú. Hãy đi về cai trị ở Ba La Nại.
Này hiền hữu nói gì thế?
Ta không thể về đó được. Toàn dân Kinh Thành đều là kẻ thù của ta.
Họ sẽ phỉ báng ta và nói: Kẻ này đã ăn thịt mẹ, cha ta, hãy bắt tên cướp này, và họ sẽ lấy hòn đất đoạt mạng sống ta, nhưng còn ta đã quyết nhờ hiền hữu an trú vào ngũ giới, ta không thể giết ai được cả, cho dù để cứu mạng mình. Ta không muốn đi đâu.
Vì ta từ bỏ thói ăn thịt người, ta sẽ sống bao lâu nữa đây?
Và giờ đây ta cũng sẽ không còn thấy hiền hữu nữa.
Kẻ ấy vừa khóc vừa nói: Thôi bạn hãy ra đi.
Bậc Ðại Sĩ vỗ lưng y và bảo:
Này hiền hữu, ta tên là Sutasoma: Trước đây ta vừa cải hóa một người độc ác như bạn, và nếu bạn hỏi bạn sẽ phải kể chuyện gì ở Ba La Nại, tại sao ta muốn an trú bạn ở đó, hoặc chia đôi Vương Quốc của ta, thì ta sẽ giao bạn một nửa đất nước ấy. Trong Kinh Thành của bạn cũng có những kẻ thù của ta. Y đáp.
Sutasoma nghĩ thầm: Khi vâng lời ta, người này đã hoàn thành một nhiệm vụ thật khó khăn. Vậy ta phải dùng phương tiện nào đó đưa y về cảnh vinh quang ngày trước.
Và để chiêu dụ y, Ngài ca tụng cảnh huy hoàng vĩ đại trong Kinh Thành của y như sau:
Thú vật, chim muông, đủ mọi nơi,
Ngày xưa thịt của chúng Ngài xơi
Do đầu bếp khéo tài đun nấu,
Thật đúng cao lương vị tuyệt vời
Tạo nỗi hân hoan như Đế Thích
Hưởng bao tiên thực ở trên Trời.
Tại sao Ngài bỏ rơi tất cả,
Tìm lạc thú rừng vắng lẻ loi?
Cung nữ cao sang, dáng mảnh mai,
Xiêm y lộng lẫy khoác hình hài,
Chung quanh Chúa Thượng ngày xưa ấy,
Cả đám vây quanh chật ních người,
Như Ðế Thích trong Thiên chúng nọ,
Ngài đi, lòng hạnh phúc vui tươi,
Sao Ngài lìa bỏ đời như vậy,
Tìm lạc thú rừng vắng lẻ loi?
Giữa Vương sàng rộng rãi mênh mông,
Ngài ngự, ngày xưa, hỡi chúa công,
Nhiều lớp chăn màn lông thú quý,
Chất lên cao phủ cả mình rồng,
Dưới đầu Ngài gối màu hồng thắm,
Giường nệm sạch tinh, trắng tựa bông,
Sao lại giã từ tất cả vậy,
Tìm vui đơn độc ở trong rừng?
Nơi kia nhiều lúc giữa đêm thanh,
Ngài vẫn thường nghe tiếng trống canh,
Và những âm thanh siêu thế tục
Vẫn thường vang dội đến tai mình,
Lời ca, tiếng nhạc đồng hòa điệu,
Khơi dậy tâm tư rộn rã tình.
Sao lại giã từ tất cả vậy,
Tìm vui đơn độc giữa rừng xanh
Ngài có hoa viên đẹp đắm say,
Nơi kia phong phú cỏ hoa đầy,
Mi gà vốn đã từng danh tiếng
Là chốn ngự viên, đô thị này,
Xa pháo dập dìu vô số kể,
Ngựa, voi lũ lượt đứng từng bầy,
Sao Ngài lại bỏ rơi tất cả,
Tìm thú rừng hoang cô độc vậy.
Bậc Ðại Sĩ suy nghĩ: Có lẽ khi người này nhớ lại hương vị các món cao lương mà y đã thưởng thức ngày xưa, y sẽ mong muốn trở về với ta. Vì thế Ngài chiêu dụ y trước tiên bằng thức ăn, kế đó là lôi cuốn các sắc dục của y, thứ ba là ý nghĩ về sàng tọa, thứ tư là ca múa nhạc, thứ năm là gợi lại ngự viên và Kinh Thành.
Ngài làm cho kẻ ấy mê mẩn với những ý tưởng trên rồi nói: Thưa Ðại Vương, ta sẽ đi cùng Ngài về Ba La Nại và ổn định Ngài tại đó xong, ta mới trở về Vương Quốc ta. Nhưng nếu chúng ta thất bại trong việc ổn định Vương Quốc Ba La Nại, thì ta sẽ tặng bạn một nữa giang sơn của ta. Ngài còn làm gì với cuộc sống ở rừng nữa chứ. Chỉ cần làm theo lời ta dặn Ngài là được.
Sau khi nghe lời Ngài, kẻ ăn thịt người nôn nóng đi với Ngài và suy nghĩ: Sutasoma mong muốn ta an lạc quả thật là người đầy nhân từ. Trước tiên Ngài đã an trú ta trong giới đức, nay lại bảo sẽ phục hồi vinh quang cũ cho ta và Ngài có khả năng làm việc đó. Ta cần phải đi với Ngài.
Ta còn làm gì với rừng hoang nữa chứ?
Lòng đầy hoan hỷ, y ước mong ca ngợi Sutasoma về đức hạnh của Ngài, liền nói: Này hiền hữu Sutasoma, không gì tốt đẹp hơn kết giao với bạn hiền, không gì xấu xa hơn kết giao với bạn ác.
Giống như trong nửa tháng đêm đen,
Mặt nguyệt mỗi ngày một khuyết thêm,
Cũng vậy kết giao cùng kẻ ác
Chịu bao hủy hoại, hỡi Vua hiền!
Như ta kết bạn hỏa đầu quân,
Kẻ tối liệt trong bọn hạ tầng,
Ta đã phạm vào bao ác nghiệp
Kịp thời xuống địa ngục đày thân.
Ví như trong nửa tháng Trời quang,
Mặt nguyệt ngày thêm một sáng dần,
Cũng vậy, kết giao cùng bậc thiện,
Ðại Vương ôi, sẽ chẳng suy tàn.
Như với bạn, ta được kết đôi,
Này Su ta, phải biết ngay thôi:
Sau khi thành tựu điều chân chánh,
Tất cả an vui đến Cõi Trời.
Như lũ lụt tràn mặt đất khô,
Thấy thường tạm bợ, chóng trôi qua,
Cũng vậy kết bạn cùng người ác
Là việc phù du, nước nổi mà.
Song nước lụt tràn khắp hải dương
Thấy bền lâu ấy chuyện bình thường
Cũng như giao kết cùng người thiện,
Là chuyện lâu dài, hỡi Ðại Vương.
Giao kết thiện nhân chẳng chóng qua,
Tình huynh đệ vững suốt đời ta,
Kết giao kẻ ác mau tàn lụi,
Kẻ ác thường đi lạc hướng tà.
Như vậy kẻ ăn thịt người ca tụng bậc Ðại Sĩ qua bảy vần kệ trên. Còn Ngài đem kẻ ấy và các Vua kia đi đến một làng biên địa. Khi thấy bậc Ðại Sĩ, quần chúng vào Kinh Thành thông báo việc ấy.
Quần Thần của Vua đi cùng một đạo quân hộ tống bậc Ðại Sĩ và Ngài cùng đoàn tùy tùng này vào Vương Quốc Ba La Nại. Trên đường đi, dân chúng mang quà đến tháp tùng Ngài, thế rồi cả đám đại chúng theo Ngài đến Ba La Nại.
Thời ấy Vương Tử của kẻ ăn thịt người đang làm Vua và Kàlahatthi vẫn là đại Tướng Quân, nên dân Kinh Thành đến trình Vua việc này: Tâu Ðại Vương, nhiều người kể với chúng thần rằng Vua Sutasoma đã giáo hóa kẻ ăn thịt người và đang đến đây với y, chúng thần không muốn cho phép y vào Kinh Thành đâu. Họ vội vàng đóng cổng thành và đứng đó với binh khí trong tay.
Khi thấy cổng thành đã đóng, bậc Ðại Sĩ để kẻ ăn thịt người và một trăm lẻ một Vua kia ở lại rồi cùng với vài cận thần đi kêu lớn: Ta là Vua Sutasoma, hãy mở cổng ngay. Các tướng lãnh đi tâu trình Vua và Vua ra lệnh mở cổng thành lập tức để bậc Ðại Sĩ vào thành. Vua cùng vị đại tướng Kàlahatthi ra nghênh tiếp Ngài và đưa Ngài cùng lên thượng lầu của cung điện.
Bậc Ðại Sĩ an tọa trên ngai vàng, triệu tập bà Chánh Hậu của kẻ ăn thịt người cùng cả đám cận thần đến, rồi Ngài bảo Kàlahatthi: Này Kàlahatthi, tại sao khanh không cho Vua ấy vào thành?
Vị này đáp: Ðó là một kẻ cùng hung cực ác, trong khi làm Vua cai trì Kinh Thành này, đã ăn thịt nhiều người, làm điều phi pháp đối với các vị Vua Sát Đế Lỵ và làm tan nát toàn Cõi Diêm Phù Đề: đó là lý do khiến chúng thần hành động như vậy.
Ngài đáp: Các khanh chớ nghĩ rằng bây giờ kẻ ấy còn hành động như thế nữa. Ta đã giáo hóa y và an trú y vào giới đức. Y sẽ không làm tổn hại ai cho dù để cứu mạng mình đi nữa. Các khanh không còn gì nguy hiểm do y gây ra cả, vậy các khanh đừng hành động như thế.
Thực ra các con phải chăm sóc cha mẹ: Ai yêu quý cha mẹ sẽ lên Thiên Giới, còn các người khác sẽ xuống địa ngục. Ngài khuyên răn Vương Tử như thế, trong lúc vị ấy ngồi trên một bảo tọa thấp bên cạnh Ngài.
Rồi Ngài giáo huấn vị đại tướng: Này Kàlahatthi, khanh là bạn thân cũng là tùy tướng của Vua, ngày trước khanh đã được Vua phong quyền cao chức trọng, vậy khanh cũng phải hành động vì quyền lợi của Vua.
Ngài lại khuyến giáo Vương Hậu: Này Vương Hậu, bà xuất thân dòng quý tộc và tự tay Vua bà đã đạt ngôi vị Chánh Hậu, lại đầy đủ con trai con gái với Vua ấy. Vậy bà cũng phải hành động vì quyền lợi của Vua.
Rồi Ngài thuyết giảng chánh pháp để đưa vấn đề này lên hàng đầu:
Không Vua nào được quyền chinh phục
Người chẳng nên xâm phạm suốt đời.
Không bạn nào nên lừa dối bạn
Bằng hành vi bội bạc tình người.
Nàng nào có ý sợ phu quân,
Ta bảo chẳng là vợ chánh chân.
Khi phụ thân già không cấp dưỡng,
Làm con chẳng đúng với danh xưng.
Chẳng phải là nơi chốn hội trường,
Nếu Hiền Nhân chẳng vãng lai luôn,
Những ai không giảng bày chân lý
Rộng khắp, chẳng là bậc trí nhân.
Những bậc ly tham dục, hận sân,
Si mê, là những Thánh Hiền Nhân
Chẳng hề quên giảng bày chân lý
Cho các thế nhân khắp mọi vùng.
Bậc Hiền ở giữa đám ngu đần,
Nếu lặng thinh, ai biết trí nhân,
Vị ấy nói lên thì tất cả
Nhận ra thầy dạy Pháp như chân.
Thuyết giảng, tôn vinh pháp chánh chân,
Giương cao cờ hiệu của Hiền Nhân,
Thánh Nhân biểu tượng là lời thiện,
Ngài phất ngọn cờ chánh pháp luôn.
Vua và vị đại tướng nghe Ngài thuyết chánh pháp đều rất hoan hỷ, liền nói: Chúng ta hãy đi rước Ðại Vương về đây.
Sau khi truyền đánh trống báo cáo khắp Kinh Thành, hai vị triệu tập dân chúng lại và bảo: Ðừng sợ nữa, chúng ta nghe tin Đức Vua đã được an trú vào chánh pháp. Chúng ta hãy đi đón Ngài về đây. Thế rồi hai vị cùng quần chúng được bậc Ðại Sĩ dẫn đầu đi đảnh lễ Vua kia.
Họ đưa các thợ cạo đến và khi tóc râu được cạo sạch xong, Vua ấy tắm rửa, mặc xiêm y sang trọng vào, họ đặt Vua ngồi trên một đống bảo ngọc, làm lễ quán đảnh rảy nước phong Vương, rồi rước Vua vào thành.
Vị Vua ăn thịt người làm lễ cung kính chào một trăm lẻ một Vua Sát Đế Lỵ và bậc Ðại Sĩ. Khắp nước Diêm Phù Đề chấn động vì tin loan truyền rằng Sutasoma, Chúa Thượng của loài người, đã giáo hóa kẻ ăn thịt người kia và phục hồi Vương vị cho y. Còn dân chúng thành Indapatta dâng sớ cầu xin Vua trở về.
Bậc Ðại Sĩ ở lại đó đúng một tháng và thuyết giáo Vua kia: Này hiền hữu, chúng ta sắp ra đi, hãy chăm lo tinh cần làm thiện pháp và truyền xây năm bố thí đường ở các cổng thành và tại cung Vua, tuân hành Thập Vương Pháp mười đức tính của Vua hiền và tránh xa ác đạo.
Rồi tứ một trăm lẻ một Kinh Thành, các đạo quân đông đảo tụ tập lại, cùng với đoàn hộ tống này, Ngài lên đường về Ba La Nại.
Vị Vua ăn thịt người cũng tiễn đưa Ngài đến nửa đường thì dừng lại. Bậc Ðại Sĩ tặng ngựa cho những ai không có ngựa để cỡi rồi cho phép tất cả ra đi.
Họ trao đổi những lời từ giã thân tình với Ngài và sau các nghi lễ ôm nhau thắm thiết, họ trở về xứ sở riêng của mỗi người.
Bậc Ðại Sĩ cũng đến thành Indapatta trong cảnh uy nghi trọng thể, Kinh Thành ấy được dân chúng trang hoàng giống như Kinh Thành của Chư Thiên. Sau khi cung kính đảnh lễ song thân, và bày tỏ nỗi hân hoan được gặp lại cha mẹ, Ngài đi lên thượng lầu của Hoàng Cung.
Trong thời gian thực hành nền cai trị chân chánh tại Vương Quốc, tư tưởng này chợt nảy ra trong trí Ngài: Vị Thần cây thật ích lợi cho ta. Ta muốn vị ấy được cúng dường lễ vật. Vì thế Ngài truyền xây một hồ nước rộng ở gần cây đa và di chuyển nhiều gia đình đến đó dựng một ngôi làng. Chẳng bao lâu nó trở thành một vùng rộng lớn có được tám mươi ngàn tiệm buôn.
Và bắt đầu từ mút xa nhất của các cành cây, Ngài bảo san bằng mặt đất quanh gốc cây và xây một hành lang bao bọc có các cửa vòng cung và cổng ra vào thế là thần cây được lợi lộc.
Chính nhờ việc thiết lập ngôi làng trên địa điểm quỷ ăn thịt người được giáo hóa, vùng ấy trở thành thị trấn với tên là Kammàsadamma Kiềm Ma sắc đàm: Nơi có quỷ ăn thịt người. Còn các vị Vua kia tuân theo lời giáo huấn của bậc Ðại Sĩ, thực hành các thiện sự như bố thí và nhiều việc khác, nên về sau được lên Thiên Giới.
Ðến đây, bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại và nói: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ bây giờ ta mới cải hóa Angulimàla, mà ngày xưa nữa, vị ấy cũng được ta cải hóa.
Và Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy vị Vua ăn thịt người là Angulimàla Người đeo vòng ngón tay, đại tướng Kàlahatthi là Sàriputta Xá Lợi Phất, Bà La Môn Nanda là Ànanda A Nan, Thần cây là Kassapa Ca Diếp, Sakka Thiên Chủ là Anuruddha A Na Luật Đà, Quần Thần của các Vua là hội chúng của Đức Phật, song thân của Vua là các vị trong hoàng gia của Ðại Vương, và Vua Sutasoma trong chuyện chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Xuất Sanh Bồ đề Tâm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Năm Phật đảnh Tam Muội đà La Ni - Phẩm Hai - Phẩm Nhập Tam Ma địa Gia Trì Hiển đức
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Tham Pháp Cú
Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Ba - Phẩm Quán Không
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Bảy - Pháp Hội Bảo Kế Bồ Tát - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Ba Mươi Mốt - Tri Kiến Bất Sanh
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Sáu - Phẩm Tượng Hộ