Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Kurunga - Chuyện Con Ngựa Thuần Chủng Tiền Thân Bhojanìya
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MỘT
PHẨM KURUNGA
CHUYỆN CON NGỰA THUẦN CHỦNG
TIỀN THÂN BHOJANÌYA
Nay tuy nằm một bên. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỳ Kheo từ bỏ tinh tấn.
Thời ấy, Bậc Ðạo Sư gọi Tỳ Kheo ấy và nói: Này các Tỳ Kheo, thuở trước các Bậc Hiền Trí, trong những hoàn cảnh khó khăn vẫn kiên trì tinh tấn, dầu có bị thương vẫn không thối thất.
Nói vậy xong, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ: Thuở xưa, khi Vua Brahamadatta đang trị vì ở thành Bà La Nại, Bồ Tát được sanh làm con ngựa Sindh nòi giống tốt, con ngựa báu của Vua, được trang sức lộng lẫy.
Nó ăn cơm nấu với gạo cũ ba năm, đầy đủ hương vị đặc biệt, đựng trong một cái dĩa bằng vàng, trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng.
Chuồng ngựa được dựng trên đất ướp thơm với bốn loại hương. Xung quanh chuồng có treo những màn đỏ, trên trần treo cái tán bằng vải, được trang hoàng với các vì sao bằng vàng. Trên tường thả xuống những chuỗi hoa thơm, vòng hoa và một ngọn đèn dầu thơm luôn luôn cháy đỏ. Không có vị Vua nào không thèm muốn Vương quốc Ba La Nại.
Một thời, bảy vị Vua bao vây thành Ba La Nại, gửi tối hậu thư cho Vua Ba La Nại, nói: Hãy trao Vương quốc cho chúng ta, hãy là giao chiến.
Vua mời các Đại Thần họp, báo tin ấy và hỏi: Này các khanh, nay phải làm gì?
Tâu Thiên Tử, Ngài không nên tự mình giao chiến trước. Hãy sai một vị cưỡi ngựa, đi giao chiến trước. Nếu vị ấy thất bại, chúng ta sẽ tính sau.
Rồi Vua cho mời vị ấy đến và hỏi: Khanh có thể giao chiến với bảy vị Vua không?
Thưa Thiên Tử, nếu thần được con ngựa Sindh nòi giống tốt, kể gì bảy vị Vua, thần có thể giao chiến với các Vua ở toàn cõi Diêm Phù Đề Ấn Ðộ. Này khanh, con ngựa Sindh giống tốt, hay con nào khác, tùy ý khanh muốn, hãy lấy con ngựa ấy và đi giao chiến.
Lành thay, thưa Thiên Tử! Vị ấy đảnh lễ Vua, từ trên lầu bước xuống, cho đem lại con ngựa Sindh tốt giống, khéo mặc áo giáp cho nó, tự mình vũ trang toàn diện, đeo gươm, rồi leo lên lưng ngựa Sindh, đi ra khỏi thành và nhanh như chớp, đánh tan đội quân thứ nhất, bắt sống một Vua, cho dẫn Vua ấy về giam ở đội quân trong thành.
Rồi vị ấy đi nữa, đánh tan đội quân thứ hai, cũng vậy, đội quân thứ ba, thứ tư, thứ năm và bắt sống được năm ông Vua. Nhưng khi vị ấy đánh tan đội quân thứ sáu, và bắt Vua thứ sáu, thì con ngựa Sindh giống tốt bị thương, chảy máu và cảm thấy đau đớn rất nhiều.
Biết con ngựa đã bị thương, người kỵ mã cho nó nằm xuống trước cửa cung Vua, cởi áo giáp cho nó, và sai lính nai nịt một con ngựa khác.
Bồ Tát nằm một bên hông rất thoải mái, mở mắt thấy người kỵ mã, tự nghĩ: Người kỵ mã đang nai nịt một con ngựa khác, sẽ không thể nào đánh tan đội quân thứ bảy, không thể nào bắt được ông Vua thứ bảy.
Như vậy nó làm tiêu tan công lao ta đã làm, còn người kỵ mã không ai sánh kịp này sẽ bị giết, và Nhà Vua sẽ rơi vào tay quân thù. Ngoài ta ra, không một con ngựa nào khác đánh tan được đội quân thứ bảy, và có thể bắt được vị Vua thứ bảy!
Ðang nằm như vậy, Bồ Tát gọi người kỵ mã và nói: Này bạn, ngoài tôi ra, không có con ngựa nào khác có thể đánh tan đội quân thứ bảy, bắt được ông Vua thứ bảy. Tôi sẽ không để ai hủy hoại thành quả tôi đã làm.
Hãy đỡ tôi dậy và nai nịt cho tôi!
Sau khi nói vậy, Bồ Tát đọc bài kệ này:
Nay tuy nằm một bên,
Bị bắn bởi mũi tên,
Con ngựa nòi giống tốt,
Thắng hơn con ngựa khác
Hỡi này người kỵ mã
Hãy nai nịt cho tôi.
Người kỵ mã đỡ con ngựa dậy, băng bó vết thương, khéo nai nịt áo giáp cho nó, rồi nhảy lên lưng ngựa ra trận đánh tan đội quân thứ bảy, bắt sống ông Vua thứ bảy và dẫn vị ấy về đội quân của Vua mình. Người kỵ mã dắt Bồ Tát đến cửa thành và Vua đi ra để xem Bồ Tát.
Bậc Ðại Sĩ nói với Vua: Tâu Ðại Vương, chớ giết bảy ông Vua ấy. Hãy bắt họ thề sẽ trung thành với Ngài rồi thả họ ra. Hãy cho người kỵ mã thọ hưởng danh vọng xứng đáng với công lao. Thật không phải đạo nếu để một chiến sĩ đã bắt được bảy vị phải chịu thiệt thòi.
Ðại Vương hãy bố thí, hãy giữ giới, hãy trị vì Quốc Độ với chánh pháp công bằng. Khi Bồ Tát khuyến giáo Vua như vậy xong, người ta cởi áo giáp cho Bồ Tát. Nhưng khi được cởi tung mảnh giáp, Bồ Tát mệnh chung.
Vua lo việc hoả táng con ngựa rất trọng thể, cho người kỵ mã hưởng danh vọng lớn, và đòi bảy ông Vua kia phải tự mình thề không còn phản bội gây chiến nữa, rồi đưa họ về nhà của họ. Vua trị vì Quốc Độ với chánh pháp và công lý, sau khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình.
Bậc Đạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, như vậy thuở trước, các Bậc Hiền Trí trong những hoàn cảnh khó khăn vẫn kiên trì tinh tấn, dầu có bị thương vẫn không thối thất.
Còn ông được sống trong giáo pháp giải thoát như vậy, vì sao lại thối thất tinh tấn?
Sau khi nói xong, Thế Tôn thuyết giảng bốn sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỳ Kheo thối thất tinh tấn chứng quả A La Hán.
Sau khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và kết luận với sự nhận diện tiền thân: Thời ấy, Vua là Ànanda, người cưỡi ngựa là Xá Lợi Phất, và con ngựa Sindh nòi giống tốt là ta vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Ba - Phẩm Vô Y Hành - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Giới Tiêu Tai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chư Lưu
Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Mười - Phẩm Tham
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Mốt - Kinh Gấu Cắn, Bắn Tiên
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đại Hải - Phần Một
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi Mốt - Bát Quan Trai Giới