Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Lợi ái - Chuyện Con Rắn Tre Tiền Thân Veluka

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM LỢI ÁI  

CHUYỆN CON RẮN TRE

TIỀN THÂN VELUKA  

Với người muốn mình lợi. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỳ Kheo khó bảo.

Thế Tôn hỏi: Này Tỳ Kheo, có thật chăng ông là người khó bảo.

Bạch Thế Tôn, đúng vậy!

Bậc Ðạo Sư nói: Này Tỳ Kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo. Thuở trước, ông cũng đã khó bảo rồi. Vì tánh ông khó bảo, không nghe lời các Bậc Hiền Trí, ông mạng chung vì miệng con rắn. Nói vậy xong, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra trong một gia đình giàu có ở nước Kàsi. Khi lớn lên, thấy nguy hiểm của dục vọng, thấy lợi ích khi xa lìa nó, Bồ Tát từ bỏ các dục, đi vào Tuyết Sơn, xuất gia làm vị ẩn sĩ, chuẩn bị tốt đẹp đề tài thiền quán, đạt được năm thắng trí, và tám thiền chứng, sống hưởng thọ thiền lạc.

Sau một thời gian, Bồ Tát có một hội chúng lớn, với năm trăm ẩn sĩ khổ hạnh vây quanh. Ngài sống làm Bậc Ðạo sư của hội chúng.

Bấy giờ một con rắn độc con, theo bản tánh của mình, đi đến am thất của một vị tu khổ hạnh. Vị tư khổ hạnh khởi lòng thương con rắn như con mình, cho nó nằm trong một ống tre, và nuôi dưỡng nó. Vì nằm ở trong ống tre, nên nó được gọi là Veluka Rắn tre.

Vì vị tu khổ hạnh nuôi dưỡng con rắn với tình thương như con mình, nên vị ấy được gọi là cha của Veluka.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát nghe có vị tu khổ hạnh nuôi dưỡng con rắn độc, bèn cho gọi vị ấy lên và hỏi: Có thật chăng ông đã nuôi dưỡng con rắn độc?

Khi được biết là có thật, Bồ Tát nói: Chớ tin con rắn độc. Chớ nuôi dưỡng nó như vậy.

Vị tu khổ hạnh nói: Con rắn ấy đối với tôi như đệ tử đối với thầy. Không có nó, tôi không thể sống được. Vậy ông sẽ bị mệnh chung vì sống gần con rắn độc này.

Vị tu khổ hạnh không nghe lời Bồ Tát, không chịu từ bỏ con rắn độc. Nhiều ngày sau, tất cả vị tu khổ hạnh đi hái quả, đến một chỗ được nhiều trái cây và ở tại đấy hai ba ngày. Trước đó, cha của rắn tre cũng đi với họ, đã đặt con rắn độc nằm trong ống tre, đóng cửa lại rồi ra đi.

Sau hai ba ngày, vị ấy cùng về với các vị tu khổ hạnh, định đến cho Veluka ăn, vị ấy mở ống tre, vừa đưa tay vừa nói: Này con, hãy đến đây. Chắc con đói lắm. Con rắn độc nổi giận vì hai ba ngày không có đồ ăn, liền mổ vào tay vị tu khổ hạnh, khiến vị này chết ngay tại chỗ, rồi rắn bỏ vào rừng. Các vị tu khổ hạnh thấy vậy thưa với Bồ Tát. Ngài bảo hỏa táng người chết.

Rồi ngồi giữa chúng ẩn sĩ, Ngài nói lên bài kệ này:

Với người muốn mình lợi,

Với người thương tưởng mình,

Nếu cứng đầu không nghe

Không theo lời khuyên dạy,

Sẽ bị hại đến chết,

Như Cha Ve lu ka.

Như vậy, Bồ Tát khuyến cáo chúng ẩn sĩ. Rồi Ngài tu tập từ, bi, hỷ, xả, và khi mạng chung, Ngài sanh lên Cõi Trời Phạm Thiên.

Bậc Ðạo Sư nói: Này Tỳ Kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo. Trước kia do khó bảo, ông đi đến hoại diệt vì miệng con rắn độc.

Sau khi thuyết pháp thoại, Bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẩu chuyện, và nhận diện tiền thân như sau: Khi ấy, cha của Veluka là Tỳ Kheo khó bảo, hội chúng còn lại là hội chúng Đức Phật, và Bậc Ðạo Sư có hội chúng là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần