Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Bốn Cổng Thành Tiền Thân Catu Dvàra
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI
PHẨM MƯỜI BÀI KỆ
CHUYỆN BỐN CỔNG THÀNH
TIỀN THÂN CATU DVÀRA
Thành sắt này xây bốn cổng cao. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo phóng dật. Các chi tiết câu chuyện đã được nêu ra trong chuyện Tiền Thân đầu tiên của Chương Chín.
Ở đây, một lần nữa bậc Ðạo Sư hỏi Tỳ Kheo này: Có đúng như Tăng Chúng nói rằng ông bất tuân giới luật?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Ngài bảo: Ngày xưa, cũng vì bất tuân lời dạy bảo của các bậc trí nhân, mà ông phải nhận lấy một bánh xe sắc như dao cạo. Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
Ngày xưa vào thời Đức Phật Kassapa Ca Diếp, tại thành Ba La Nại có một thương gia làm chủ tài sản đến tám trăm triệu đồng, nhưng chỉ sinh được một trai tên là Mittavindaka.
Cha mẹ cậu này đã đi vào hướng Dự Lưu, song cậu vẫn là một kẻ theo ác hạnh, không có lòng tin vào Ðạo.
Về sau, khi cha cậu mất, mẹ cậu thay thế điều hành sản nghiệp ấy, bà bảo con như vậy: Này con, thân người khó được, vậy con hãy bố thí, tu tập công đức, giữ ngày trai giới và lắng tai nghe pháp.
Cậu đáp lại: Này mẹ, không có chuyện bố thí, tu tập gì cả với con đâu, đừng bao giờ nhắc chúng với con nữa, con sống thế nào thì ngày sau con theo nghiệp đó.
Vào một ngày rằm trăng tròn, khi cậu cũng nói như trên, mẹ cậu đáp: Con ơi, hôm nay được dành làm ngày trai giới thanh tịnh. Vậy ngày nay con hãy phát nguyện giữ giới, đi viếng Tinh Xá và lắng nghe pháp suốt đêm, rồi khi con trở về, mẹ sẽ cho con một ngàn đồng tiền nhé.
Vì tham số tiền ấy, cậu bằng lòng ngay. Ngay khi ăn sáng xong, cậu đi đến Tinh Xá, ở lại đó suốt ngày. Song từ đầu hôm cho đến lúc canh tàn, chẳng một lời Giáo Pháp này lọt vào tai cậu cả. Cậu đi nằm một nơi và ngủ thẳng giấc. Ngày hôm sau, từ tảng sáng, cậu rửa mặt và đi về nhà, ngồi phịch xuống.
Bấy giờ, mẹ cậu nghĩ thầm: Hôm nay, sau khi nghe pháp, con ta sẽ về từ sáng sớm, dẫn theo vị Trưởng Lão đã giảng pháp. Vì thế, bà nấu cháo sẵn, với thức ăn đủ loại cứng và mềm, sửa soạn chỗ ngồi xong, đợi con về.
Khi bà thấy con đi về một mình, bà hỏi: Này con, sao con không đưa về vị Pháp Sư?
Mẹ ạ, chẳng có Pháp Sư nào giảng cho con cả. Cậu đáp.
Bà mẹ bảo: Thế thì con húp cháo này đi.
Cậu nói: Mẹ đã hứa cho con một ngàn đồng tiền, mẹ ạ. Trước tiên mẹ hãy trao tiền cho con, rồi sau đó con mới húp cháo. Húp cháo trước đi con, rồi con sẽ được tiền kia mà.
Cậu bảo: Không được, con không muốn húp cháo cho đến khi con được tiền kia. Thế là bà mẹ đặt túi tiền một ngàn đồng trước mặt cậu. Cậu liền húp cháo, xong cậu lấy túi tiền một ngàn đồng đi làm công chuyện của cậu. Và cứ thế về sau, chẳng bao lâu cậu kiếm được hai triệu đồng tiền.
Lúc ấy, cậu chợt nghĩ ra rằng cậu muốn tậu lấy một con tàu rồi đi làm ăn trên đó.
Thế là cậu sắm tàu, rồi bảo mẹ: Mẹ à con có ý định đi làm ăn trên tàu này.
Bà mẹ đáp: Con là con độc nhất của mẹ, mà trong nhà mình hiện có nhiều tài sản lắm rồi. Còn biển cả lại đầy nguy hiểm, con đừng đi.
Song cậu bảo: Con quyết ra đi, mẹ không thể cản con được đâu.
Bà tiếp: Này, mẹ cứ muốn cản con đấy. Rồi bà cầm lấy tay cậu, xong cậu hất tay bà ra khiến bà ngã xuống, và trong chốc lát, cậu đã biến dạng, vội lên đường.
Vào ngày tháng bảy, nhân vì có mặt Mittavindaka, con tàu cứ đứng bất động trên biển sâu. Người ta rút thăm và cả ba lần đều trúng tay Mittavindaka.
Thế là họ cho cậu một chiếc bè và nói: Ðừng để nhiều người phải chết chỉ vì một người này. Rồi họ thả cậu trôi dạt trên đại dương, chỉ thoáng chốc sau, con tàu ấy đã lao nhanh vùn vụt trên biển.
Còn cậu trai trên chiếc bè trôi đến một đảo kia. Tại đó, trong một cung điện bằng thủy tinh, cậu chợt thấy bốn Ma Nữ. Trước kia, ma chúng thường phải chịu bảy ngày đau khổ và hưởng bảy ngày hạnh phúc. Ðược kết bạn với chúng, cậu thọ hưởng khoái lạc Thần Tiên.
Rồi khi đến thời chúng phải chịu khổ hình, chúng bảo cậu: Thưa công tử, chúng em sắp xa chàng bảy ngày, trong lúc chúng em đi vắng, xin chàng ở lại đây và đứng lo buồn gì cả. Nói xong, chúng giã từ. Song cậu trai, lòng đầy khát vọng, lại ra khơi trên chiếc bè kia, và vượt đại dương, đến một đảo khác, tại đây trong một cung điện bằng bạc, cậu thấy tám Ma Nữ khác.
Cứ như thế, cậu thấy trên một đảo nữa mười sáu Ma Nữ trong một cung bằng ngọc, rồi trên một đảo khác nữa, ba mươi hai Ma Nữ trong một cung bằng vàng.
Cũng như trước kia, với các Ma Nữ này, cậu hưởng thọ lạc thú Thần Tiên, rồi khi chúng đi xa để chịu cực hình, cậu lại ra khơi lần nữa, lênh đênh trên đại dương, mãi cho đến cuối cùng cậu thấy một kinh thành có bốn cổng lớn và hào lũy bao bọc.
Người ta bảo đó là ngục Ussada Ngục bằng sắt hay Thiết Vi địa ngục, nơi mà nhiều chúng sinh bị đọa đầy, phải thọ lãnh các nghiệp báo của mình, song đối với Mittavindaka, nó lại có vẻ như một Kinh Thành tuyệt mỹ.
Cậu suy nghĩ: Ta muốn vào thăm Kinh Thành kia và làm Vua tại đó. Thế là cậu bước vào, vừa thấy một sinh linh đang chịu khổ hình phải mang một cái bánh xe sắc như lưỡi dao cạo, song đối với Mittavindaka dường như bánh xe dao trên đầu kẻ kia lại giống như đóa hoa sen nở, năm vòng xiềng xích trên ngực gã nào khác chiếc áo choàng rực rỡ sang trọng, dòng máu nhỏ giọt trên đầu gã như thể phấn bột gỗ Chiên Đàn đỏ thắm ngát hương, còn tiếng gã rên la tựa tiếng ca êm dịu nhất trên đời.
Vì vậy cậu đến gần và bảo: Này người kia, anh đã mang cái hoa sen ấy lâu rồi, nay hãy đưa cho ta.
Người ấy đáp: Thưa Ngài, nó không phải là hoa sen đâu, mà nó là bánh xe sắc như dao cạo.
Cậu trai bảo: À, anh nói vậy vì anh không muốn đưa nó cho ta đấy thôi.
Gã tội nhân khốn khổ kia liền suy nghĩ: Ắt hẳn các nghiệp quá khứ của ta đã tiêu trừ hết. Rõ ràng người này cũng như ta đi đến đây vì đã đánh mẹ nó. Ðược rồi ta sẽ cho nó đưa bánh xe dao này.
Gã liền bảo: Này đây, hãy cầm lấy hoa sen.
Cùng với lời nói trên, gã thả bánh xe dao trên đầu cậu, nó rơi xuống đỉnh đầu và nghiến sâu vào đó, lập tức, Mittavindaka biết ngay đó là bánh xe dao, cậu liền nói: Lấy bánh xe của anh lại! Và cậu gào thét dữ dội trong cơn đau đớn, song kẻ kia đã khuất dạng mất rồi.
Vừa lúc ấy, Bồ Tát cùng đoàn tùy tùng đông đảo đang đi kinh lý qua ngục Ussada, và đến tận nơi ấy, Mittavindaka trông thấy Ngài, vội kêu lên: Tâu Thiên Chủ, Thượng Đế của Chư Thiên, bánh xe này đang đâm thủng và xé nát đầu con như thể cái chầy nghiền nát mớ hột cải, vậy con đã phạm tội ác gì?
Cậu vừa hỏi, vừa ngâm hai vần kệ này:
Thành sắt này xây bốn cổng cao,
Con nay mắc bẫy bước chân vào,
Chung quanh con, lũy hào bao bọc,
Con đã gây nên các nghiệp nào.
Giờ đây đóng chặt các thành môn
Và bánh xe này hủy diệt con
Nào khác chim lồng, con bị bắt.
Tại vì sao vậy, tấu Thiên Vương?
Lúc ấy Thiên Chủ ngâm các vần kệ này để giải thích vấn đề cho cậu rõ:
Ngài có ngày xưa chục vạn đồng,
Hai mươi lần nữa đấy, tôn ông,
Tuy nhiên Ngài vẫn không hề muốn
Tai lắng nghe bằng hữu nói năng.
Ngài đã vội vàng vượt đại dương
Chất đầy nguy hiểm dọc đường trường,
Nữ ma, bốn tám, Ngài thăm viếng,
Mười sáu nàng, theo kế tám nàng.
Tiếp theo mười sáu, đến ba hai
Tận hưởng dục tham cứ miệt mài,
Nay hãy nhìn đây đầy phần tặng thưởng
Bánh xe dục lạc ở đầu Ngài.
Ai đi đại lộ dục tham đầy,
Con lộ thênh thang rộng lớn thay,
Vô độ, chúng không hề thỏa mãn
Thì phần chúng đội bánh xe này.
Ai chẳng mong phân phát bạc vàng,
Chẳng cầu tìm chánh đạo bình an
Cũng không biết phải làm như vậy,
Phần bánh xe này chúng sẽ mang.
Hãy suy kết quả việc Ngài làm
Gia sản Ngài xem thật ngập tràn,
Ðừng ước làm tài chủ bất chính,
Thực hành điều bạn tốt khuyên răn,
Về sau chẳng có bao giờ nữa
Vòng bánh xe này đụng đến thân.
Nghe vậy, Mittavindaka tự nhủ: Vị Thiên Chủ này vừa giải thích thật chính xác những việc ta làm. Chắc chắn Ngài cũng biết được mức độ trừng phạt ta.
Rồi cậu ngâm vần kệ thứ chín:
Vậy tấu Thiên Vương, đến lúc nào
Bánh xe này dính ở trên đầu?
Mấy ngàn năm nữa xin Ngài dạy,
Ðừng để con hoài sức khẩn cầu.
Lúc ấy bậc Ðại Sĩ tuyên bố vấn đề qua vần kệ thứ mười:
Bánh xe này tiếp tục xoay vần,
Mà chẳng hiện ra vị cứu nhân
Nó dính đầu Ngài cho đến chết,
Này Mítta hỡi có nghe chăng?
Nói vậy xong Thiên Chủ trở về cõi của Ngài, còn kẻ kia chìm vào cơn đau đớn cùng cực.
Sau khi chấm dứt pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, Tỳ Kheo phóng dật này là Mittavindaka, và ta chính là Thiên Chủ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Tập Hư Không Tạng Bồ Tát Sở Vấn - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Ba ức Thiếu đồng Tử được Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn Mươi Bảy - Phẩm Lưỡng Bất Hòa Hiệp Quá
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hoan Hỷ
Phật Thuyết Kinh Tối Thượng Căn Bản đại Lạc Kim Cang Bất Không Tam Muội đại Giáo Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Mười Ba - Phẩm Thành Tựu đạo Quả