Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện điềm Lành Lớn Tiền Thân Mahà Manga

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI  

PHẨM MƯỜI BÀI KỆ  

CHUYỆN ĐIỀM LÀNH LỚN

TIỀN THÂN MAHÀ MANGALA  

Hiển bày chân lý giải nghi nan. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Kinh Ðiềm Lành Tối Thượng hay Luận Về Ðiềm Lành.

Tại Kinh Thành Vương Xá vì một lý do này nọ, một đám đông tụ họp trong nhà nghỉ của Vua, giữa bọn ấy có người đứng dậy, bước ra nói: Hôm nay là ngày có điềm lành.

Một người khác nghe được, bảo rằng người kia bước ra và nói đến điềm triệu, vậy y muốn nói gì qua chữ Ðiềm?

Một người thứ ba bảo: Dấu hiệu gì có vẻ may mắn thì đó là điềm lành, ví dụ một người thức dậy sớm, và thấy một con bò đực toàn trắng hay một người đàn bà có thai, hay con cá màu đỏ Ciprinus Rohita hay cái bình đầy đến tận miệng, hoặc bơ tươi mới tan từ sữa bò, hoặc y phục mới chưa giặt hoặc cháo gạo, thì chẳng có điềm nào tốt hơn nữa.

Vài kẻ bàng quan bình phẩm lời giải thích này: Nói hay đấy.

Song có kẻ khác chen vào: Ồ không, chẳng có điềm gì trong việc ấy cả, chỉ lời nói bạn nghe mới là điềm.

Có người nghe người ta nói:

Ðầy đủ, rồi lại nghe lớn đầy đủ hoặc đang lớn, hoặc nghe chúng bảo: Ăn đi hay nhai đi thì chẳng có điềm nào tốt hơn nữa.

Một số kẻ bàng quan bảo: Nói hay đấy. Và họ bình phẩm lời giải thích này.

Một người khác lại nói: Chẳng có điềm gì trong mọi chuyện ấy cả. Hễ vật gì bạn đụng chạm đến mới là điềm. Nếu một người thức dậy sớm đụng vào đất hay cỏ xanh, phân bò tươi, chiếc áo sạch, cá màu đỏ, vàng hay bạc, thức ăn thì chẳng có điềm gì tốt hơn nữa.

Ở đây vài kẻ bàng quan lại tán đồng và bảo là khéo nói. Và sau đó, số người theo phái chủ trương các điềm do mắt thấy, điềm về âm thanh, điềm về xúc chạm, chia làm ba nhóm, không ai thuyết phục ai được cả. Từ Chư Thần trên mặt đất đến Phạm Thiên Giới không ai có thể xác định điềm là như thế nào cả.

Ðế Thích Thiên Chủ nghĩ thầm: Giữa Chư Thiên và loài người ai ngoài Đức Thế Tôn là có thể giải đáp đúng vấn đề điềm triệu. Ta muốn đi đến Đức Thế Tôn, và đặt vấn đề với Ngài.

Thế là ban đêm Thiên Chủ đến thăm Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và chắp tay vào nhau để thỉnh cầu, Thiên Chủ đặt câu hỏi bắt đầu bằng: Có Chư Thiên và loài người. Sau đó Bậc Ðạo Sư dùng mười hai vần kệ nói cho biết ba mươi tám điềm lành lớn. Và trong khi Ngài ngâm những lời Kinh điềm lành ấy, lần lượt Chư Thiên lên đến con số mười ngàn triệu vị đắc Thánh Quả A La Hán, còn các vị đắc ba Ðạo quả kia thì không sao kể xiết. Thiên Chủ nghe xong các điềm lành, liền trở về cõi của mình.

Khi bậc Ðạo Sư nói các điềm lành xong, Thế Giới loài người và Thiên Giới đồng tán thành và bảo: Thật là khéo nói.

Sau đó trong Chánh Pháp Đường, Tăng Chúng bắt đầu bàn luận về công đức của Đức Như Lai: Này các Hiền Giả, vấn đề điềm triệu vượt phạm vi hiểu biết của mọi người, nhưng Ngài đã tuệ tri tâm của loài người và Chư Thiên, cùng giải tỏa các mối nghi của quần chúng như thể Ngài khiến mặt trăng hiện lên trên bầu Trời!

Ôi Đức Như Lai là một bậc Ðại trí, này các hiền hữu. Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi Tăng Chúng đang nói chuyện gì trong lúc ngồi tại đó. Tăng Chúng trình với Ngài.

Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, chẳng vi diệu gì khi Ta giải đáp vần đề điềm lành, vì nay ta đã đạt trí tuệ tối thắng. Mà ngay cả khi Ta còn là Bồ Tát trên trần gian, Ta đã giải đáp các mối nghi hoặc của Chư Thiên và loài người bằng cách trả lời vấn đề điềm lành.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ. Một thuở nọ, Bồ Tát tái sinh vào một thị trấn trong một gia đình Bà La Môn giàu có, cha mẹ đặt tên Ngài là Rakhita Kumàra.

Khi Ngài khôn lớn và đã hoàn thành việc học tập tại Takkasilà, Ngài cưới vợ. Sau khi song thân qua đời, Ngài kiểm tra lại gia sản, suy nghĩ kỹ, Ngài phân chia tài sản để bố thí, và điều phục các tham dục rồi, Ngài trở thành Ẩn Sĩ trong vùng Tuyết Sơn.

Ở tại đó, Ngài tu tập các Thắng trí, và an trú tại một nơi, tự nuôi sống bằng các thứ củ, quả rừng. Theo thời gian, đệ tử của Ngài rất đông, gồm năm trăm vị cùng sống với Ngài.

Một ngày kia, các Ẩn Sĩ này đến gần Bồ Tát nói như sau: Bạch Ðạo Sư, khi mùa mưa đến, xin cho chúng con xuống vùng Tuyết Sơn đi qua đồng bằng để kiếm muối và các thứ gia vị. Nhờ vậy thân thể chúng con sẽ được khỏe mạnh và chúng con sẽ thành tựu cuộc sống tu hành.

Ðược rồi, các bạn cứ đi Ngài bảo. Còn ta sẽ ở lại nơi này. Thế là các vị từ giã Ngài, đi xuống từ vùng Tuyết Sơn, tiến hành trên lộ trình đến tận Ba La Nại, tại đó các vị trú ngụ ở trong ngự viên. Dân chúng đón tiếp các vị rất trọng thể và nồng nhiệt.

Lúc bấy giờ, một ngày kia, có đám đông tụ tập trong nhà nghỉ của cung Vua tại Ba La Nại, và vấn đề điềm triệu được đưa ra bàn cãi. Lúc ấy, cũng như trước kia, đám đông không thấy ai có đủ khả năng đánh tan mối hoài nghi của mọi người và giải đáp vấn đề điềm triệu. Vì thế họ đi đến ngự viên đặt vấn đề cùng hội chúng Hiền Nhân kia.

Các Hiền Nhân ấy nói với Vua: Tâu Ðại Vương, chúng thần không thể giải đáp vấn đề này, song Bổn Sư của chúng thần, Ẩn Sĩ Rakkhita, một bậc đại tuệ sống ở Tuyết Sơn, Ngài sẽ giải đáp vấn đề ấy, vì Ngài thông suốt tư tưởng của Chư Thiên và loài người.

Vua đáp: Này các Hiền Giả, Tuyết Sơn quá xa xôi và khó đi lắm đấy, chúng ta không thể nào đến đó được. Xin các Hiền Giả đích thân đi về gặp Đức Bổn Sư và xin hỏi Ngài vấn đề ấy.

Sau khi các vị đã biết rồi, hãy trở lại đây nói cho chúng ta biết được chăng?

Các vị ấy hứa sẽ làm như vậy. Và khi các vị đã trở về gặp Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài và sau khi Ngài đã vấn an Vua cùng các phong tục của dân chúng, các vị kể lại cho Ngài toàn thể câu chuyện các điềm triệu như trên, từ đầu tới cuối và giải thích việc các vị đến đây theo lời dặn dò của Vua như thế nào, để nghe tận tai lời giải đáp vấn đề này.

Các vị thưa: Bạch Tôn Sư, giờ đây xin Tôn Sư giải thích vấn đề Ðiềm triệu cho chúng con rõ và cho chúng con thấy chân lý.

Lúc ấy vị đệ tử lớn tuổi nhất hỏi bậc Ðạo Sư bằng cách ngâm vần kệ đầu:

Hiển bày chân lý, giải nghi nan,

Xin dạy Kinh gì của Thánh nhân

Ðược học hành theo giờ thuận lợi,

Ðời này, đời kế tạo hồng ân?

Khi vị đệ tử lớn nhất đã đặt vấn đề điềm lành qua các lời kệ này, bậc Ðại Sĩ muốn xóa tan mọi nỗi nghi ngờ của Chư Thiên và loài người, liền đáp lại: Ðây và đây chính là điềm lành.

Và như vậy Ngài diễn tả các điềm lành với tài thiện xảo của một vị Phật:

Mỗi Phạm Thiên, Thần Thánh hiển linh,

Rắn Rồng ta thấy giữa quần sinh,

Trong lòng mãi mãi đầy từ mẫn,

Vị ấy ban ơn mọi hữu tình.

Như vậy bậc Ðại Sĩ đã thuyết giảng điềm lành thứ nhất, rồi tiếp đến thuyết giảng điềm lành thứ hai và các điềm lành khác còn lại:

Kẻ nào khiêm tốn với muôn người,

Yêu mến nữ nam, mọi gái trai,

Ðứng trước lời bình, không đáp lại,

Sẽ mang hạnh phúc đến cho đời.

 Gặp hiểm nguy, người có trí nhanh

Chẳng khinh đồng nghiệp, bạn đồng hành,

Chẳng khoe dòng trí, giàu, giai cấp,

Hạnh phúc cho đời ắt khởi sinh.

 Người nào kết bạn thiện, Hiền Nhân,

Ðược trọng vì mồm chẳng ác thâm,

Không hại bạn, chia đều của cải,

Chính niềm hạnh phúc giữa thân bằng.

Vợ hiền, đồng tuổi, có tình thân,

Tận tụy, nhân từ, trẻ lại đông,

Ðức hạnh, trung thành, dòng quý tộc,

Ấy niềm hạnh phúc giữa hồng quần.

Vua nào Đại Đế giữa thần dân,

Biết sống thanh cao, đủ khả năng,

Bảo: Ðấy bạn ta, không dối trá,

Chính niềm hạnh phúc giữa Vương quân.

Thành tín, cùng cơm nước cúng dường,

Vòng hoa tươi tốt, các mùi hương,

Với tâm thanh tịnh, gieo an lạc,

Ấy mang hạnh phúc mọi Thiên Đường.

 Các Trí nhân thuần thiện, Chánh chân,

Tâm tư rửa sạch, gắng tinh cần,

Theo đời thanh tịnh, người hiền trí,

Phúc lạc thay người giữa Thánh nhân!

Cứ như vậy bậc Ðại Sĩ đã đưa bài thuyết pháp lên đến đỉnh cao nhất của Thánh Quả, và sau khi đã giải thích các điềm lành trong tám vần kệ, Ngài ngâm vần kệ cuối cùng để tán thán các điềm lành ấy:

Công đức như vậy giữa thế gian,

Ðược tôn sùng bởi mọi Hiền Nhân,

Người khôn hãy bước đi theo chúng,

Ðiềm triệu chẳng mang tính thật chân.

Các Bậc Hiền trí, sau khi nghe các điềm lành này xong, còn ở lại bảy tám ngày nữa rồi từ giã Ngài và lên đường đến chỗ cũ. Vua đến thăm các ông và hỏi chuyện kia. Các vị giải thích vấn đề điềm lành như cách đã được giải thích cho quý vị và trở lại Tuyết Sơn. Từ đó về sau, vấn đề điềm lành đã được thông hiểu trên Thế Giới.

Sau khi đã chuyên tâm học tập vấn đề điềm lành, lúc mạng chung, các vị đều lên cộng trú với Thiên Chúng rất đông đảo. Còn Bồ Tát tu tập tứ vô lượng tâm, và cùng với hội chúng của Ngài được tái sinh lên Cõi Phạm Thiên.

Sau khi chấm dứt pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo: Này các Tỳ Kheo, không phải bây giờ mà cả ngày xưa nữa ta cũng đã giải thích vần đề điềm lành.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, hội chúng đệ tử của Đức Phật là đám hiền nhân kia, Sàriputta Xá Lợi Phất là vị Trưởng đệ tử, người đã hỏi vấn đề điềm lành, và ta chính là Ðạo Sư.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần