Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Vua ða Tiền Thân Nigrodha
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI
PHẨM MƯỜI BÀI KỆ
CHUYỆN VUA ÐA
TIỀN THÂN NIGRODHA
Người ấy là ai, ta chẳng hay. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Trúc Lâm về Devadatta Đề Bà Đạt Đa.
Một bữa nọ, các Tỳ Kheo bảo vị này: Này hiền hữu Đề Bà Đạt Đa, bậc Ðạo Sư cứu độ hiền hữu rất nhiều!
Từ bậc Ðạo Sư, Hiền hữu đã thọ đủ Tiểu Giới và Ðại Giới. Hiền hữu đã học Tam Tạng là tiếng nói của Đức Phật. Hiền hữu đã làm phát khởi thiền định trong tâm Hiền hữu. Vinh quang là lợi lạc của Đấng Thập Lực thuộc về Hiền hữu.
Nghe vậy vị này liền đưa lên một cọng cỏ và nói: Ta không thấy một điều lợi lạc nào mà Sa Môn Gotama đã tạo cho ta cả, dù chỉ bằng cọng cỏ này. Tăng Chúng bàn tán việc ấy trong chánh pháp đường. Khi bậc Ðạo Sư bước vào, Ngài hỏi các vị ấy đang bàn luận điều gì trong lúc ngồi đó.
Các vị trình lên Ngài, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải lần đầu, mà từ lâu cũng như bây giờ, Đề Bà Đạt Đa đã vô ơn và phản bội thân hữu.
Rồi Ngài kể cho Tăng Chúng một chuyện đời xưa: Ngày xưa một vị Ðại Vương Danh Hiệu là Magadha Ma Kiệt Đà cai trị ở thành Ràjagaha Vương Xá. Một thương nhân trong thành ấy cưới về nhà cho con trai mình một cô vợ, đó là con gái của một thương nhân ở thôn quê. Song nàng ấy không sinh sản gì. Theo thời gian, vì nguyên cớ đó, lòng kính trọng đối với nàng giảm đi.
Cả nhà thường nói chuyện cho nàng có thể nghe được như vậy: Khi có một người vợ không sinh sản trong nhà, con trai ta làm sao nối dõi tông đường được?
Khi chuyện này cứ đến tai nàng mãi, nàng tự nhủ: Được rồi, ta sẽ giả vờ mang thai để đánh lừa họ.
Thế là nàng hỏi vú già tốt bụng của nàng: Ðàn bà có thai phải làm gì?
Và khi được chỉ bảo những điều cần làm để giữ gìn thai nhi, nàng dấu kín thời kỳ hành kinh của nàng, lại tỏ ý thích ăn các vị chua mới lạ. Vào lúc tay chân bắt đầu to lên, nàng nhờ chúng bạn đập vào tay chân, và lưng cho đến khi chúng sưng phồng lên.
Dần dần nàng bó quanh người nàng bằng giẻ vụn và vải làm cho thân thể có vẽ lớn dần. Lại bôi đen hai đầu vú nàng, và chỉ trừ bà nhũ mẫu ấy ra, chẳng ai được phép ở bên nàng lúc nàng tắm rửa. Chồng nàng cũng tỏ ra chăm sóc nàng chu đáo cho phù hợp với hoàn cảnh ấy.
Sau chín tháng trôi qua trong cảnh này, nàng tỏ ý muốn trở về nhà sinh con trong nhà cha mẹ mình. Vì vậy nàng từ giã cha mẹ chồng, lên xe cùng một số gia nhân từ bỏ thành Vương Xá lại đằng sau, thẳng tiến lên đường.
Lúc bấy giờ trước mặt nàng có một đoàn xe ngựa đang du hành, và lúc nào nàng cũng đến vào khoảng giờ ăn điểm tâm ở địa điểm mà đoàn xe kia vừa mới ra đi.
Vào một đêm kia, một người đàn bà nghèo khổ trong đoàn xe đã hạ sinh một con trai dưới gốc cây đa. Và nghĩ rằng nếu không có đoàn xe ấy bà không thể đi thêm được nữa, song nếu bà sống, bà có thể nhận được hài nhi ấy, nên bà quấn nó lại, để nó nằm dưới gốc cây đa.
Vị Thần cây này săn sóc hài nhi: Đó không phải là một đứa bé bình thường, mà chính là Bồ Tát đã xuất hiện ở đời trong hình thức ấy. Vào giờ ăn sáng, đoàn lữ hành kia đến nơi đó. Còn nàng ấy cùng nhũ mẫu của nàng đi riêng ra chỗ bóng mát của cây đa để rửa ráy, chợt thấy hài nhi có màu vàng chói nằm đó. Lát sau, nàng gọi bà nhũ mẫu bảo rằng mục tiêu của họ đã đạt được rồi.
Nàng liền mở các lớp vải quấn bụng ra, tuyên bố hài nhi ấy là con nàng và nàng vừa mới sinh ra nó. Các kẻ hầu cận lập tức dựng lều để dành chỗ ở riêng cho nàng, và vô cùng hân hoan gởi một lá thư về thành Vương Xá. Cha mẹ chồng nàng đáp thư lại rằng vì hài nhi đã ra đời nên nàng không cần phải trở về nhà cha nàng nữa, mà hãy quay lui.
Vì vậy nàng lập tức trở về Vương Xá. Và gia đình chồng thừa nhận hài nhi ấy nên khi hài nhi được đặt tên, họ đặt tên nó theo chốn nó ra đời, là Nigrodha Kumàra hay Cậu Bé Ða.
Cùng ngày hôm ấy cô con dâu của một thương nhân trên đường về nhà cha ruột để sinh con, đã cho ra đời một bé trai dưới cành cây nên họ đặt tên nó là Sakka Kumàra hay Cậu Nhành.
Và cùng ngày hôm đó, vợ của người thợ may làm việc cho thương nhân này lại sinh một con trai giữa đống vải vụn của nàng, họ nên đặt tên nó là Pottika hay Chú Bé Nhồi Bông.
Nhà đại phú thương cho đi tìm hai hài nhi ấy về, vì chúng sinh cùng một ngày với công tử Ða, và cho nuôi chúng với nhau. Các đứa trẻ lớn lên, về sau đi đến Takkasilà để hoàn thành việc học tập. Cả hai nam tử con các thương nhân nhận được hai ngàn đồng để trả học phí cho thầy giáo, công tử Ða bảo trợ việc học tập cho Pottika.
Khi việc học hành đã hoàn tất, các ông từ giã thầy giáo và ra đi với ý định tìm hiểu phong tục dân quê, nên cứ ngao du mãi, vừa lúc đến thành Ba La Nại, liền nằm xuống nghỉ ngơi, trong một ngôi đền thờ.
Khi ấy Vua Ba La Nại đã băng hà được bảy ngày rồi. Có tiếng trống lệnh loan báo khắp kinh thành rằng ngày mai sẽ có xe hoa hành lễ.
Ba người bạn ấy đang nằm ngủ dưới gốc cây, vào tảng sáng, Pottika thức dậy, vừa ngồi vừa xoa bóp chân cậu Ða. Có vài con gà trống đang gáy trên cây ấy, con gà trên đọt cây làm rơi một cục phân trên con gà ở gần gốc cây.
Con này hỏi: Cái gì rớt trên ta thế này?
Con kia đáp: Xin tôn ông đừng giận, ta không cố ý làm như vậy.
Thế chú tưởng thân ta là chỗ để chú thả phân ra hay sao?
Chú không biết giá trị của ta, điều ấy đã rõ quá!
Nghe vậy con gà kia đáp lại: Ô kìa, Ngài cứ thịnh nộ mãi, dù ta đã nói là ta không cố ý làm việc đó.
Thế xin cho biết giá trị của Ngài ra sao?
Hễ bất kỳ ai giết ta ăn thịt sẽ được một ngàn đồng tiền sáng nay.
Ðó không phải là điều đáng tự hào hay sao?
Úi chà! Úi chà!
Gà kia đáp lại. Tự hào gì cái việc vặt vãnh ấy!
Này, nếu cứ giết ta và ăn mỡ của ta sẽ trở thành Vua ngay sáng nay. Còn nếu ăn thịt ở bụng sẽ thành đại tướng. Ai ăn thịt ở ức sẽ thành quan giữ ngân khố. Pottika nghe lọt hết mọi chuyện này.
Cậu suy nghĩ: Một ngàn đồng tiền!
Cái gì đây?
Ðược làm Vua là tuyệt nhất!
Thế là nhẹ nhàng trèo lên cây, cậu nắm lấy con gà trống gáy trên đọt cây, giết nó đi và nướng gà trên than hồng, đem mỡ gà cho cậu Ða, thịt bụng cho Cậu Nhành còn chính mình ăn thịt quanh xương ức.
Khi đã ăn xong, cậu bảo: Thưa công tử Ða, hôm nay Ngài sẽ làm Vua. Thưa công tử Nhành, hôm nay Ngài sẽ làm đại tướng. Còn tôi sẽ làm quan giữ kho báu.
Hai cậu kia hỏi làm thế nào biết được chuyện ấy, cậu liền kể lại hết. Vì vậy vào khoảng giờ ăn buổi cơm sáng trong ngày, ba cậu vào thành Ba La Nại. Tại nhà một vị Bà La Môn, các cậu được ăn một bữa cháo gạo, với bơ tươi và đường, rồi từ Kinh Thành các cậu vào ngự viên.
Cậu Ða nằm xuống một phiến đá, hai cậu kia nằm bên cạnh. Vừa lúc ấy dân chúng cử hành lễ rước xe hoa cùng với năm biểu tượng của Vương quyền kiếm, lọng, miện, hài, quạt trên đó. Các chi tiết câu chuyện này sẽ được tả trong câu chuyện Tiền Thân Mahàjanaka.
Vương xa tiến vào và dừng lại, đứng sẵn sàng để các vị bước lên. Chắc có một bậc Đại Nhân tài đức ở đây. Viên quan tế lễ tự nhủ. Ông bước vào ngự viên, nhìn thấy cậu thanh niên này, rồi giở lớp vải dưới bàn chân cậu để quan sát các dấu hiệu trên đó.
Ông bảo: Ô kìa, người này có số được làm Vua toàn cõi Diêm Phù Đề Ấn Ðộ, chứ nói gì chỉ một thành Ba La Nại. Và ông ra lệnh cho chuông trống, thanh la nổi lên. Cậu Ða thức dậy ném tấm vải trùm mặt ra, liền thấy một đám đông vây quanh cậu.
Cậu quay nhìn quanh quẩn nằm im một lát rồi trở dậy ngồi xếp bằng đôi chân vị Tế Sư quỳ xuống bảo: Tâu Thần nhân, Vương Quốc này thuộc về Ngài. Ðược rồi, cứ như vậy. Cậu đáp. Vị Tế Sư liền đặt cậu ngồi trên một đống báu vật rồi làm lễ quán đảnh rảy nước Thánh, phong Vương cho cậu.
Khi được phong Vương như vậy rồi, Vua ban chức Ðại tướng cho bạn Nhành, rồi vào Kinh Thành trong cảnh uy nghi trọng thể, còn Potika cũng đi vào với hai ông. Từ ngày ấy trở về sau, bậc Ðại Sĩ cai trị rất đúng pháp tại Ba La Nại.
Một ngày kia chợt nhớ đến song thân, Ngài bảo tướng nhành: Này Hiền hữu, ta không thể sống thiếu cha mẹ được. Vậy hãy đem một đoàn người về tìm song thân ta.
Song tướng Nhành từ chối: Ðó không phải là việc của hạ thần. Ông bảo. Sau đó Ngài bảo Pottika làm việc ấy. Pottika tuân lệnh lên đường tiến về nhà song thân của Vua Ða, nói cho hai vị biết là con trai của họ đã lên làm Vua, và mong họ đến ở với Ngài.
Song họ từ chối, bảo rằng họ đã có cả thế lực lẫn giàu sang rồi, đầy đủ như vậy, họ không muốn đi nữa. Chàng cũng đi mời song thân tướng Nhành đến triều, nhưng họ cũng chỉ thích ở lại đấy hơn.
Và đến khi chàng về mời chính song thân mình, họ bảo: Chúng ta sống bằng nghề may vá, thế đủ rồi, đủ rồi. Và họ cũng từ chối như các người kia. Vì chàng không đáp ứng nguyện vọng các vị lão thân, chàng đành trở về Ba La Nại. Chàng nghĩ rằng sẽ về và nghỉ ngơi cho đỡ mệt nhọc vì cuộc hành trình tại nhà vị đại tướng trước khi yết kiến Vua Ða, liền đến nhà kia.
Chàng bảo người canh cổng: Xin báo cho đại tướng biết thân hữu Pottika đến đây. Người ấy tuân lệnh.
Song tướng Nhành vẫn mang mối hiềm hận đối với chàng, vì tướng ấy bảo chàng kia đã giao Vương quyền cho thân hữu Ða thay vì chính mình cho nên khi nghe lời nhắn này, tướng quân nổi cơn thịnh nộ:
Thân hữu như vậy ư?
Ai là thân hữu của nó?
Nó chỉ là thằng thô tục, hạ đẳng, ngu ngốc.
Hãy tóm lấy nó ngay!
Thế là chúng đánh đá chàng, nện nhừ tử bằng chân cẳng, cùi chỏ một trận nên thân, rồi tóm cổ chàng quẳng ra đường.
Chàng suy nghĩ: Nhành được chức vụ đại tướng nhờ ta, thế mà nay nó phản bội, độc ác, đã đánh đập ta rồi quẳng ta ra đường. Song còn bạn Ða là Bậc Hiền Nhân, biết ân nghĩa và lương thiện, và ta sẽ đi gặp bạn ấy. Thế là chàng đến cửa cung, đưa tin vào nhà Vua rằng thân hữu của Ngài là Pottika đang chờ ở cửa.
Vua mời chàng vào, khi thấy chàng đến gần, Ngài liền đứng dậy, tiến đến đón chàng, chào hỏi rất thân thiết. Ngài ra lệnh cạo râu tóc và chăm sóc chàng chu đáo rồi trang điểm cho chàng bằng các loại ngọc vàng, đãi tiệc chàng đầy đủ thức cao lương mỹ vị.
Xong xuôi nhà Vua lại ân cần ngồi bên chàng hỏi thăm song thân mình, chàng tường trình cho Ngài biết hai vị đó từ chối việc đến đây ở.
Lúc bấy giờ tướng Nhành thầm nghĩ: Chắc Pottika sẽ phỉ báng ta vào tai Đức Vua, song nếu ta đến bên Ngài, gã sẽ không thể nói được. Vì thế chàng này cũng đến đó.
Còn Pottika, dù có Nhành hiện diện, vẫn tâu với Vua: Tâu chúa thượng, khi hạ thần mệt nhọc vì đường xa, đã đến nhà tướng Nhành, hy vọng nghỉ ngơi tại đó trước rồi đến yết kiến Ngài sau.
Song tướng Nhành bảo: Ta chẳng biết gã đó!
Rồi đối xử tàn tệ với hạ thần, và tóm cổ hạ thần quẳng ra ngoài!
Xin Chúa Thượng tin lời hạ thần nói.
Cùng với các lời này, chàng ngâm ba vần kệ:
Người đó là ai, ta chẳng hay,
Ai là thân phụ của người đây,
Nhành còn hỏi: Nó là ai đó?
Ða hỡi, nghĩ sao trước việc này?
Ðầy tớ nhành kia cứ y lời
Ðấm, thoi, tát, đánh khắp người tôi,
Rồi còn chụp lấy tôi vào cổ,
Từ đó lôi tôi quẳng phía ngoài.
Phản bội như vậy đối với tôi,
Chỉ người độc ác mới làm thôi,
Vong ân bạc nghĩa là ô nhục,
Gã cũng bạn Ngài, Chúa Thượng ôi!
Nghe những lời này, Vua Ða liền ngâm bốn vần kệ
Ta chẳng hề nghe, cũng chẳng hay
Một ai từng nói chuyện như vậy,
Xấu xa như bạn đang tường thuật,
Nhành ấy vừa làm tại chốn đây.
Bạn cùng ta, sống với Sàkkha,
Ðồng bọn chí tình thưở đã qua,
Bạn đã giành phần cho mỗi một,
Hướng quyền Vương tước, tặng hai ta,
Vinh quang ta được là nhờ bạn,
Còn có gì nghi hoặc nữa mà.
Khi hạt ném trong ngọn lửa hồng,
Cháy rồi, hạt chẳng thể gieo trồng
Ta làm việc thiện cho người ác,
Cũng vậy, nó tàn lụi diệt vong.
Chúng chẳng như nhiều kẻ biết ơn,
Những người đức hạnh, bậc hiền lương,
Ðất lành, hạt chẳng hề quăng bỏ,
Như việc làm cho các thiện nhân.
Trong khi Vua Ða ngâm kệ trên, tướng Nhành đứng im tại chỗ.
Sau đó Vua hỏi: Nào bạn Nhành, bạn có nhận ra anh chàng Pottika này không?
Gã đành câm lặng.
Vua liền truyền xử gã này qua những lời của vần kệ thứ tám:
Tóm tên hèn hạ bội ân này,
Tư tưởng nó đà xấu ác thay,
Ðâm nó! Vì ta cho nó chết,
Nghĩa gì đời nó với ta đây?
Sau khi Pottika nghe nói vậy, liền suy nghĩ trong lòng: Chớ nên để kẻ ngu si này chết vì ta!
Nên chàng ngâm vần kệ thứ chín:
Ðại Vương, mong mở lượng từ bi,
Thật khó tìm đời sống mất đi,
Chúa thượng dung tha cho nó sống,
Thần mong thằng khốn chẳng sầu chi.
Khi Vua nghe vậy, Ngài tha tội cho Nhành. Và Ngài muốn ban chức đại tướng cho Potika, song chàng không nhận. Rồi Vua phong chàng chức chưởng khố, và với chức vụ đó, chàng xét xử các đám thương nhân. Trước kia chẳng có chức vụ đó, song chức vụ này tồn tại từ đây về sau.
Dần dần với thời gian, quan chưởng khố Pottika được phước đầy đủ con trai con gái, đã ngâm vần kệ cuối cùng để giáo hóa các con:
Ta cần sống với Nigrodha
Chẳng tốt gì hầu hạ Sàkha,
Nếu phải sống cùng nhành, đại tướng,
Thà nên chịu chết với Vua Ða.
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo: Như vậy, này các Tỳ Kheo, các ông thấy rằng trước kia Đề Bà Đạt Đa cũng đã vô ơn bạc nghĩa rồi.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời đó, Đề Bà Đạt Đa là Sàkha, Ànanda là Pottika, và Nigrodha chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ương Quật Ma La - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Sáu - Nhân Duyên Sanh
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Bánh Xe - Phần Năm - Vassakàr
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Tùy Tâm Chú - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Niệm Tử Tướng
Phật Thuyết Kinh Bát đại Nhân Giác
Phật Thuyết Kinh Thương Chủ Thiên Tử Sở Vấn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh Chư Pháp Bổn