Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Ba - Phẩm Mười Ba bài Kệ - Chuyện Chúa Thiên Nga Có Thần Tốc Tiền Thân Javana Hamsa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI BA  

PHẨM MƯỜI BA BÀI KỆ  

CHUYỆN CHÚA THIÊN NGA CÓ THẦN TỐC

TIỀN THÂN JAVANA HAMSA  

Này Thiên nga đến đậu nơi này. Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về Kinh Dalhadhamma Suttanta hay Kinh Thí Dụ các lực sĩ.

Ðức Thế Tôn dạy: Này các Tỳ Kheo, giả sử có bốn thiện xạ đứng ở bốn điểm trên một vòng tròn, bốn lực sĩ khéo huấn luyện, thật tài giỏi, thiện xảo nghề cung tên, bắn ra bốn mũi tên từ bốn điểm, ta sẽ lấy bốn mũi tên vừa được bắn ra trước khi chúng chạm xuống đất.

Phải chăng rõ ràng các ông đều đồng ý rằng kẻ đó là một người rất nhanh nhẹn và chính là hiện thân của tốc lực tuyệt vời!

Vậy mà, này các Tỳ Kheo, dù tốc lực của người kia nhanh đến đâu đi nữa, dù cho thần kỳ như tốc lực của mặt trăng, mặt trời, cũng còn cái khác nhanh hơn.

Này các Tỳ Kheo, Ta bảo tốc lực của người kia dù cho thần kỳ đến đâu đi nữa, dù nhiều vị Thiên bay nhanh hơn cả mặt trăng, mặt trời, vẫn còn có cái khác nhanh hơn Chư Thiên ấy nữa.

Này các Tỳ Kheo, tốc lực của người kia thần diệu là dường ấy như trên. Tuy thế còn nhanh hơn cả Chư Thiên biết bay là sự biến hoại của tứ đại hợp thành sự sống. Do vậy, này các Tỳ Kheo, các ông phải học tập điều này, phải tinh cần.

Thật vậy, Ta bảo các ông phải học tập điều này!

Hai ngày sau lời giáo huấn này, Tăng Chúng bàn luận chuyện đó trong chánh pháp đường: Này các Hiền hữu Tỳ Kheo, bậc Ðạo Sư trong địa vị tối thượng của một bậc Chánh Ðẳng Giác, đã chứng minh bản chất của những gì tác hợp nên sự sống, chỉ rõ đời sống thật là giả tạm và yếu ớt mỏng manh khiến cho Tăng Chúng lẫn người ngoại đạo phải hết sức kinh hoàng.

Ôi! Thần diệu thay uy lực của Đức Phật! Bậc Ðạo Sư bước vào, hỏi Tăng Chúng đang bàn luận điều gì.

Các vị thưa với Ngài và Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, nay ta đạt trí tuệ viên mãn mà dùng lời khuyến giáo để báo trước cho Tăng Chúng thấy rõ tứ đại thật là giả tạm thì cũng chẳng kỳ diệu gì.

Ngay cả khi Ta hóa sinh từ một chim thiên nga, ta cũng chứng tỏ tính cách giả tạm của tứ đại trong đời sống và bằng giáo pháp của ta, đã gây kinh hoàng cho cả Triều Đình một vị Vua cùng với chín vị Vua ở Ba La Nại nữa.

Nói xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Một thời khi Vua Brahmadatta lên ngôi ở Ba La Nại, Bậc Ðại Sĩ được sinh làm một chúa thiên nga có thần tốc, sống trên núi Cittakùta, dẫn đầu một đoàn gồm chín mươi ngàn thiên nga khác.

Một ngày kia, sau khi cùng cả đoàn đi ăn lúa mọc hoang trong cái hồ ở vùng đồng bằng xứ Diêm Phù Đề Ấn Ðộ, Ngài bay qua không gian như thể một tấm thảm vàng óng ánh trải dài từ đầu nọ đến đầu kia của Kinh Thành Ba La Nại và lượn chầm chậm như đùa chơi về phía núi Cittakùta.

Lúc bấy giờ Vua Ba La Nại trông thấy Ngài, liền bảo các triều thần: Con chim đằng kia ắt hẳn là chim chúa như trẫm đây.

Vua sinh lòng yêu mến chúa chim, nên đã đem vòng hoa, hương liệu và dầu thơm đi tìm bậc Ðại Sĩ và bảo trình diễn đủ loại âm nhạc cho Ngài nghe.

Khi bậc Ðại Sĩ thấy Vua tôn vinh Ngài như vậy, Ngài hỏi các chim thiên nga kia: Khi một ông Vua muốn tôn vinh ta như vậy, Vua ấy muốn gì chăng?

Tâu Chúa Thượng, Ngài muốn bầu bạn với Chúa Thượng.

Ðược rồi, thế thì ta bầu bạn với Vua ấy!

Ngài bảo và Ngài làm bạn với Vua, rồi sau đó bay về tổ.

Một ngày kia, sau việc kết bạn này, Vua vào ngự uyển và đi đến hồ Anotatta, chim Chúa bay đến gần Vua với một cánh mang đầy nước và cánh kia mang bột gỗ Chiên đàn, chim rảy nước lên mình Vua và rắc bột gỗ Chiên Đàn cho Vua nữa, trong lúc hội chúng đang nhìn theo, Ngài lại cùng với đàn chim bay về Cittakutà.

Từ lúc ấy về sau, Vua cứ mong ngóng Bậc Ðại Sĩ mãi.

Ngài thường nấn ná chờ đợi vừa nhìn con đường bậc Ðại Sĩ đến và nghĩ thầm: Hôm nay thân hữu ta sẽ đến.

Lúc bấy giờ hai con thiên nga non trẻ nhất trong đàn của bậc Ðại Sĩ, quyết định thi đua với mặt trời, vì vậy chúng xin phép bậc Ðại Sĩ thử sức bay qua với mặt trời.

Ngài bảo: Này các chú, tốc lực mặt trời rất thần kỳ, các Chú không bao giờ có thể thi đua với mặt trời đâu. Các Chú sẽ chết tiêu tan trong cuộc thi tài ấy. Vậy các Chú đừng đi.

Lần thứ hai chúng xin phép, rồi lần thứ ba. Song Bồ Tát phản đối chúng đến lần thứ ba chúng xin. Tuy nhiên, chúng vẫn khăng khăng giữ ý định đó, không tự lượng sức mình, rồi cương quyết bay đua với mặt trời mà không tâu trình với chúa chim.

Vì thế, trước lúc rạng đông, chúng đã đậu trên đỉnh núi Yugandhara một trong bảy rặng núi lớn quanh núi Meru: Tu Di. Bậc Ðại Sĩ thấy vắng chúng, liền hỏi chúng đi đâu. Khi Ngài nghe những việc xảy ra.

Ngài nghĩ thầm: Chúng sẽ chẳng bao giờ đủ sức bay đua với mặt trời, và chúng sẽ bị tiêu diệt trong cuộc so tài ấy. Ta phải cứu mạng chúng mới được.

Vì vậy, Ngài bay đến đỉnh núi Yugandhara và đậu bên cạnh chúng. Khi vầng nhật xuất hiện trên đường chân Trời, đôi tiểu thiên nga vùng lên, lao tới đằng trước theo mặt trời, Bậc Ðại Sĩ cũng bay theo chúng. Con chim bé nhất bay tới trước giờ ngọ thì ngất xỉu. Bên trong khớp xương đôi cánh nó cảm thấy như thể đang bị lửa đốt.

Rồi nó ra hiệu cho bậc Ðại Sĩ: Thưa đại huynh, tiểu đệ không tiếp tục được nữa.

Bậc Ðại Sĩ bảo: Ðừng sợ, ta sẽ cứu Chú.

Rồi mang nó trên đôi cánh dang rộng của mình, Ngài an ủi nó, đưa nó về núi Cittakùta đặt nó xuống giữa đàn thiên nga, sau đó Ngài lại bay đi bắt kịp mặt trời, đến bên cạnh chim kia.

Con chim ấy bay đua với mặt trời cho đến gần đúng ngọ thì ngất ngư và thấy như thể lửa đang thiêu đốt trong khớp xương ở đôi cánh của nó.

Nó vừa làm dấu cho bậc Ðại Sĩ vừa kêu lên: Thưa đại huynh, tiểu đệ không thể tiếp tục được nữa.

Ngài cũng an ủi nó như trên, rồi mang nó trên đôi cánh dang rộng của mình, Ngài đưa nó về đỉnh Cittakùta. Vào lúc ấy mặt trời đang ở trên đỉnh đầu.

Bậc Ðại Sĩ suy nghĩ: Hôm nay ta sẽ thử xem uy lực của mặt trời ra sao.

Thế là chỉ cần phóng lui một vòng, Ngài đã đậu trên đỉnh Yugandhara.

Sau đó vừa tung cánh lên là Ngài bắt kịp mặt trời, Ngài bay đi, lúc tiến về phía trước, lúc lùi lại đằng sau, Ngài nghĩ thầm: Ðối với ta thì chuyện bay đua với mặt trời thật là vô ích, chỉ do trí ngu si mà ra cả, nó có nghĩa lý gì đối với ta đâu?

Ta muốn bay đến Ba La Nại, nói cho thân hữu của ta là Vua ấy một lời khuyến giáo về công bình và chân chánh.

Rồi quay lại trước khi mặt trời dần đi xuống giữa không gian, Ngài bay qua toàn cõi Thế Giới từ đầu chí cuối xong, Ngài giảm dần tốc lực, bay từ đầu nọ đến đầu kia toàn xứ Diêm Phù Đề, cuối cùng đến thành Ba La Nại.

Cả Kinh Thành này với chu vi chừng mười hai dặm, như thể đang nằm dưới bóng chim chúa, không có một khe hở nào lộ ra. Rồi tốc lực giảm dần, những lỗ trống, kẽ hở lại xuất hiện trên bầu Trời. Bậc Ðại Sĩ bay chầm chậm rồi đáp xuống từ không trung, hạ cánh trước song cửa.

Vua vui mừng reo lớn: Thân hữu của ta đang đến kìa!

Rồi đặt chiếc bảo tọa bằng vàng cho chim đậu, Vua phán: Xin Hiền hữu vào đây, an tọa tại nơi này.

Và Ngài ngâm vần kệ đầu:

Chúa thiên nga, đến đậu nơi đây,

Lòng trẫm thiết tha diện kiến Ngài,

Hãy chọn thứ gì Ngài thấy được,

Nay Ngài là Chúa tể nơi này.

Bậc Ðại Sĩ đậu trên bảo tọa bằng vàng.

Vua xoa vào dưới đôi cánh của Ngài những loại dầu thơm đã lọc sạch cả trăm lần, hay còn hơn thế nữa, cả ngàn lần, ban cho Ngài thứ gạo mềm mại và nước đường trong cái đĩa bằng vàng, rồi nói chuyện với Ngài với giọng ngọt ngào như mật: Này Hiền hữu, Ngài đến đây một mình, vậy Ngài từ đâu lại?

Chim chúa kể hết mọi việc.

Sau đó Vua bảo Ngài: Này Hiền hữu, xin Ngài lần nữa biểu diễn tốc lực của Ngài so với mặt trời kia.

Thưa Ðại Vương, tốc lực ấy không thể phô diễn được.

Vậy xin Ngài biểu diễn một việc tương tự như thế.

Ðược lắm, thưa Ðại Vương, ta sẽ biểu diễn một việc tương tự như vậy.

Xin triệu tập các xạ thủ bắn nhanh như chớp lại đây.

Vua liền ra lệnh triệu tập họ. Bậc Ðại Sĩ lựa bốn người rồi cùng họ từ cung điện đến sân chầu. Nơi đó, Ngài bảo dựng một trụ đá, và buộc vào cổ Ngài một cái chuông nhỏ.

Sau đó, Ngài đậu trên đỉnh trụ đá, đặt bốn xạ thủ quay lưng từ trụ đá hướng ra bốn phía, bảo: Thưa Ðại Vương, xin ra lệnh cho bốn xạ thủ bắn ra cùng một lúc bốn mũi tên về bốn hướng và ta sẽ chụp lấy bốn mũi tên ấy trước khi chúng chạm mặt đất rồi đặt xuống chân các xạ thủ. Ðại Vương sẽ biết khi nào ta đi nhặt các mũi tên nhờ tiếng chuông reng reng, song Ðại Vương chẳng trông thấy được ta đâu.

Sau đó đồng loạt các xạ thủ bắn bốn mũi tên ra, Ngài liền chụp lấy chúng và đặt dưới chân đám xạ thủ kia, còn mọi người thấy Ngài đang đậu trên trụ đá.

Thưa Ðại Vương, Ngài đã thấy tốc lực của ta chăng?

Rồi Ngài nói tiếp: Thưa Ðại Vương, tốc lực ấy không phải là tốc lực bậc nhất của ta đâu, cũng không phải là tốc lực bậc trung mà là tốc lực kém nhất trong các tốc lực thấp kém: Thế mà nó đã chứng tỏ cho Ðại Vương thấy ta nhanh nhẹn đến mức độ nào.

Sau đó, Vua hỏi Ngài: Này Hiền hữu, thế có tốc lực nào nhanh hơn tốc lực của Ngài chăng?

Thưa Hiền hữu, có chứ.

Nhanh hơn tốc lực của ta đến trăm lần, à không, cả ngàn lần, là sự biến hoại của tứ đại trong đời sống của loài hữu tình: Chúng tan rã như vậy đó, chúng bị tiêu diệt như vậy đó.

Bằng cách ấy Ngài đã làm sáng tỏ cách Thế Giới hữu hình hoại vong như thế nào, bị hủy diệt như thế nào từng giây từng phút. Khi nghe nói vậy, Vua sợ chết, không còn giữ bình tĩnh được nữa, mà ngất xỉu đi. Cả hội Chúng kinh hoàng, rảy nước vào mặt Vua, khiến Ngài hồi tỉnh.

Sau đó bậc Ðại Sĩ nói với Vua: Thưa Ðại Vương, chớ sợ hãi, nhưng hãy nhớ đến thần chết. Hãy tiến lên trong đường công chính, bố thí và làm thiện sự, phải gắng tinh cần.

Lúc ấy Vua đáp lại: Tâu Chúa Thượng, nếu không có một Ðạo Sư hiền trí như Ngài, trẫm không thể nào sống được, vậy xin Ngài đừng trở về đỉnh núi Cittakùta nữa, mà hãy ở lại đây, dạy bảo trẫm, xin hãy làm Ðạo Sư để giáo hóa trẫm.

Rồi Vua ngâm hai vần kệ thỉnh cầu Ngài:

Nhờ nghe nói đến người mình yêu mến,

Mà tình yêu thương được dưỡng nuôi hoài,

Lòng nhớ nhung người vắng bóng dần phai,

Vì nghe, thấy, khiến người sinh lưu luyến,

Xin hãy cho ta đặc ân diện kiến.

Giọng nói Ngài thật thân ái bên ta,

Diện kiến Ngài còn thắm thiết hơn xa,

Vì ta thích được cùng Ngài diện kiến,

Thiên nga hỡi, ở cùng ta, xin đến!

Bồ Tát đáp:

Ví dù ta ở lại với Quân Vương,

Trong cảnh vinh quang dường ấy được ban,

Song ngày kia, choáng men nồng, Chúa Thượng

Có thể truyền: Ðem chúa chim ra nướng!

Không đâu Vua nói Lúc có Ngài ở bên cạnh, trẫm sẽ không bao giờ đụng đến men rượu nồng nữa.

Rồi Vua cam kết hứa hẹn điều này qua vần kệ sau:

Thức uống, ăn kia thật đáng rủa nguyền

Nếu trẫm quý yêu hơn cả bạn hiền!

Trẫm không nếm, dầu giọt nào hay ngụm,

Bao lâu Ngài ở lại đây cùng trẫm!

Sau vần kệ này, Bồ Tát ngâm sáu vần kệ khác:

Tiếng loài sơn cẩu, tiếng chim muông,

Cũng rất dễ dàng được cảm thông,

Tiếng nói người đời, tuy rõ thế,

Vô cùng tối nghĩa, hỡi Quân Vương!

Con người thường nghĩ: Bạn thân mình,

Quyến thuộc là đây, bạn chí tình!

Song tình bằng hữu thường hay mất,

Căm hận, oán thù lại khởi sinh.

Ai được Ngài thương, cũng quý Ngài,

Gần Ngài, dù ở tận phương Trời,

Song người sống cận kề Ngài đó,

Lòng Ngài hờ hững, cũng xa vời.

Ai ở nhà Ngài, dạ mến thương,

Vẫn ân cần, dẫu cách trùng dương,

Nhà Ngài ai ở, tâm thù nghịch,

Xa cách trùng dương, vẫn oán hờn!

Những người thù nghịch, Chúa công ôi!

Dù ở gần nhau, vẫn cách vời.

Song hỡi Ðại Vương nuôi Quốc Độ,

Các Hiền Nhân kết hợp nhau hoài!

Ai ở quá lâu sẽ thấy rằng

Thân bằng có lúc hóa cừu nhân,

Trước khi để mất tình thân hữu,

Ta giã biệt Ngài, cất bước chân.

Sau đó Vua nói với Ngài:

Dù trẫm chấp tay lại cố nài,

Ngài không hề chịu để vào tai,

Chẳng dành lời nói cho bằng hữu

Tha thiết cầu mong giúp đỡ hoài.

Trẫm khát khao Ngài ban đặc huệ:

Trở về đây viếng trẫm nay mai.

Thế rồi Bồ Tát đáp lời:

Nếu không gì gián đoạn dòng đời,

Vì thử Ngài, ta, Chúa Thượng ôi!

Còn sống, hỡi Người nuôi đại chúng,

Ta bay về lại chốn đây thôi,

Rồi ta còn dịp lành tương kiến,

Trong lúc ngày đêm lờ lững trôi.

Với lời nhắn nhủ Vua xong, bậc Ðại Sĩ lên đường về núi Cittakùta.

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại này, Ngài bảo: Như vậy, này các Tỳ Kheo, ngày xưa, ngay cả khi ta được sinh vào loài súc vật, ta đã chứng minh tính cách mong manh của tứ đại trong cuộc sống và tuyên thuyết chánh pháp.

Nói vậy xong, Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, Ànanda là Vua, Moggallàna Mục Kiền Liên là con chim trẻ nhất, Sàriputta Xá Lợi Phất là chim non thứ hai, hội chúng của Đức Phật là tất cả thiên nga, và ta chính là chúa thiên nga có thần tốc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần