Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Ba - Phẩm Mười Ba bài Kệ - Chuyện Hiền Giả Takkàriya Tiền Thân Takkàriya
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI BA
PHẨM MƯỜI BA BÀI KỆ
CHUYỆN HIỀN GIẢ TAKKÀRIYA
TIỀN THÂN TAKKÀRIYA
Ta nói điên cuồng tựa ễnh ương. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Tỳ Kheo Kokàlika.
Trong một thời an cư về mùa mưa, hai vị Ðại đệ tử Sàriputta Xá Lợi Phất và Moggallàna Mục Kiền Liên muốn rời hội chúng và sống độc cư, nên từ giã bậc Ðạo Sư, đi vào Vương Quốc, nơi có Tỳ Kheo Kokàlika trú ngụ.
Các vị đến nhà Tỳ Kheo Kokàlika và nói với ông như vậy: Này Hiền hữu Kokàlika, vì chúng ta thích sống với Hiền hữu và Hiền hữu cũng thích sống với chúng ta, nên chúng ta muốn ở lại đây ba tháng.
Vị kia hỏi: Các Tôn Giả hoan hỷ khi an trú với tiểu đệ theo cách nào?
Hai vị đáp: Nếu Hiền hữu không nói với ai rằng hai Ðại đệ tử đang ở đây, thì chúng ta sẽ rất hoan hỷ, đó là niềm an lạc của chúng ta khi sống với Hiền hữu.
Thế còn tiểu đệ được hoan hỷ như thế nào khi sống chung với các Tôn Giả?
Chúng ta sẽ thuyết pháp cho Hiền hữu trong ba tháng tại nhà Hiền hữu, chúng ta sẽ giảng giáo lý cho Hiền hữu và việc đó là niềm hoan lạc của Hiền hữu khi sống với chúng ta.
Xin các Tôn Giả hiền huynh hãy an trú tại đây bao lâu các Hiền huynh muốn.
Rồi ông dành một nơi cư trú an lạc cho các Ngài. Các Ngài an trú tại đó trong quả vị của các thiền chứng và không ai biết về việc các Ngài an trú tại nơi ấy.
Sau khi hai vị đã trải qua mùa mưa như vậy, hai vị bảo ông: Này Hiền hữu, nay chúng ta đã ở với hiền hữu xong, chúng ta muốn trở lại với bậc Ðạo Sư.
Và hai vị từ giã lên đường. Ông chấp thuận, cùng với hai vị trên đường đi khất thực vào một làng đối diện nơi đã ở. Sau buổi cơm, các vị Tỳ Kheo Trưởng Lão rời làng ấy.
Còn Tỳ Kheo Kokàlika từ giã các vị xong, trở về nói với dân chúng: Này các cư sĩ, các ông thật giống loài thú hoang sơ. Ðây là hai vị Ðại đệ tử của Đức Phật đã an cư suốt ba tháng trong một Tinh Xá đối diện nơi này, thế mà các ông không hay biết gì cả, nay các Ngài đã đi rồi.
Thưa Tôn Giả, tại sao Ngài không nói cho chúng tôi gì cả?
Dân chúng hỏi.
Rồi họ đem bơ tươi, và thuốc men, y phục đến gần các vị Trưởng Lão, kính lễ các vị và nói: Bạch các Tôn Giả, xin các Tôn Giả tha thứ cho chúng con. Chúng con không biết các Ngài là Ðại đệ tử, chúng con chỉ mới biết điều ấy do lời của Tôn Giả Tỳ Kheo Kokàlika. Xin các Ngài từ bi đối với chúng con và nhận các thuốc men, y phục này.
Kokàlika cùng dân chúng đi theo các Trưởng Lão vì ông suy nghĩ: Các Tôn Giả này sống rất đạm bạc và thiểu dục. Các Ngài sẽ không nhận các vật dụng này và rồi sẽ đem chúng cho ta.
Nhưng hai vị Trưởng Lão không nhận các vật dụng ấy cho phần mình, cũng không cho Tỳ Kheo Kokàlika, lý do là các vật ấy được cúng dường theo lời xúi giục của một Tỳ Kheo.
Lúc ấy, các cư sĩ liền nói: Bạch các Tôn Giả, nếu các Ngài không nhận các món này, xin đến đây lần nữa để ban phước cho chúng con.
Hai Trưởng Lão chấp thuận hứa lời xong, rồi đi về yết kiến bậc Ðạo Sư.
Lúc bấy giờ Tỳ Kheo Kokàlika tức giận vì hai Trưởng Lão không nhận vật cúng dường cho phần mình mà cũng không đem cho vị này. Còn hai vị Trưởng Lão, sau khi ở lại một thời gian ngắn với bậc Ðạo Sư, liền chọn năm trăm Tỳ Kheo làm đoàn tùy tùng cho mỗi vị, rồi cùng cả ngàn Tỳ Kheo này du hóa khất thực đến tận xứ sở của Tỳ Kheo Kokàlika.
Các cư sĩ ra đường đón Tăng Chúng và dẫn họ đến Tinh Xá trước kia, cùng bày tỏ lòng ngưỡng mộ hàng ngày đối với các vị.
Dân chúng cúng dường Tăng Chúng cả kho lớn y phục và thuốc men. Các Tỳ Kheo đi khất thực cùng hai vị Trưởng Lão phân phát y phục cho tất cả các Tỳ Kheo đã đến đây, song không chia cho Kokàlika cái nào cả, và hai vị Trưởng Lão cũng không cho ông chút gì.
Kokàlika không nhận được y phục nên bắt đầu phỉ báng mạ lỵ hai vị Trưởng Lão: Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thật tràn đầy ác dục, trước kia đã không nhận các lễ vật cúng dường, nhưng nay lại nhận hết. Chẳng có gì làm thỏa mãn hai vị này cả. Các vị không thương tưởng đến kẻ khác.
Nhưng hai vị Trưởng Lão nhận thấy ông đang nuôi ác tâm đối với mình nên các vị cùng đám đồ chúng ra đi, các vị cũng không muốn trở lại dù dân chúng van nài các vị hãy ở lại thêm vài ngày nữa.
Lúc ấy, một vị Tỳ Kheo trẻ hỏi: Hai vị Trưởng Lão sẽ không ở lại đâu, này các cư sĩ. Vị Tỳ Kheo khó tính của các ông không muốn các Ngài ở lại đây.
Sau đó, dân chúng đi đến gặp Tỳ Kheo Kokàlika và hỏi: Thưa Tôn Giả, chúng con được nghe nói Tôn Giả không muốn hai vị Trưởng Lão ở lại đây. Xin hãy đi ngay, hoặc là khuyên giải các Ngài và đưa các Ngài trở lại đây hoặc là Tôn Giả cũng đi tìm chỗ khác mà ở.
Vì sợ dân chúng, vị này đi thỉnh cầu các Trưởng Lão.
Các vị đáp: Này Hiền hữu, hãy đi về! Chúng ta không trở lại đâu.
Thế là ông không thể thuyết phục hai vị, phải trở về Tinh Xá. Sau đó, các cư sĩ hỏi ông các Trưởng Lão có trở lại nữa không.
Ông đáp: Ta không thể thuyết phục các Ngài trở lại được.
Tại sao không, thưa Tôn Giả?
Và họ bắt đầu suy nghĩ chắc hẳn không có thiện Tỳ Kheo nào muốn ở đó nữa, vì người này sống theo tà hạnh. Và họ phải tống xuất ông đi.
Họ liền bảo: Thưa Tôn Giả, xin đừng lại ở đây, chúng con chẳng cung cấp gì cho Tôn Giả nữa đâu.
Bị hội chúng làm ô nhục như vậy, vị ấy cầm bình bát, đắp y và đi đến Kỳ Viên.
Sau khi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, ông nói: Bạch Thế Tôn, các Tôn Giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên tràn đầy ác dục, hai vị đang có ác dục chế ngự.
Bậc Ðạo Sư đáp: Này Kokàlika, đừng nói vậy. Này Kokàlika, ông hãy có từ tâm đối với Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, phải biết rằng đó là các thiện Tỳ Kheo.
Kokàlika nói: Bạch Thế Tôn, Thế Tôn tin tưởng hai vị đại đệ tử của Thế Tôn, còn con thấy tận mắt hai vị đang có ác dục, hai vị có những việc riêng tư trong lòng, hai vị ấy là các ác nhân.
Người ấy nói như vậy ba lần mặc dù bậc Ðạo Sư đã ngăn cản, rồi đứng dậy ra đi. Ngay khi đang đi trên đường, khắp thân thể ông mọc lên các mụt nhọt bằng hạt cải, sau lớn dần bằng hạt cây vilva chín muồi, vỡ ra, máu chảy khắp người. Ông rên rỉ ngã xuống bên cổng ở Tinh Xá Kỳ Viên, đau đớn điên cuồng.
Bỗng có tiếng kêu lớn vang dội đến Cõi Trời Phạm Thiên: Kokàlika đã phỉ báng hai vị Ðại đệ tử.
Rồi một vị Phạm Thiên tên là Tudu, biết được chuyện này, xuất hiện với ý định hòa giải các Tỳ Kheo, liền bảo trong lúc đứng vững trên không: Này Kokàlika, ông đã làm một việc ác, vậy hãy đi giảng hòa với hai vị Ðại đệ tử.
Người ấy hỏi: Hiền hữu là ai thế?
Ta là Phạm Thiên Tudu. Vị Thần kia đáp.
Người này lại bảo: Ngài đã chẳng được Đức Thế Tôn tuyên bố Ngài là một vị Bất Lai đó sao?
Chữ ấy có nghĩa là một vị không trở lại đời này nữa. Ngài sẽ trở thành một con quỷ trên đống phân đấy.
Ông lại mạ lỵ vị Ðại Phạm Thiên như vậy.
Vì không thể thuyết phục người ấy theo lời khuyên của mình, vị Phạm Thiên đáp: Ông sẽ bị hành hạ theo khẩu nghiệp của ông.
Sau đó, vị Thiên Thần ấy trở về cõi an lạc của Ngài. Còn Kokàlika chết đi liền tái sinh vào địa ngục Hoa sen. Việc người này được tái sinh tại đó được vị Ðại Phạm Thiên Chủ đầy oai thần Sahampati Ta Bà chủ trình Đức Như Lai và bậc Ðạo Sư kể lại cho các Tỳ Kheo.
Trong Chánh Pháp Đường, Tăng Chúng bàn luận về ác tâm của các người ấy: Này Hiền hữu, Kokàlika đã phỉ báng Tôn Giả Xá Lợi Phất và Tôn Giả Mục Kiền Liên và vì lời nói phát xuất từ chính miệng kia mà vị ấy đã đọa xuống địa ngục Liên Hoa.
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi: Này các Tỳ Kheo, các ông đang nói chuyện gì trong lúc ngồi đây?
Tăng Chúng trình Ngài.
Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu tiên Kokàlika bị hủy hoại vì chính khẩu nghiệp và bởi chính do miệng mình nên phải đày đọa khổ sở, mà trước kia cũng vậy.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
Một thuở nọ khi Vua Brahmadatta trị vì Ba La Nại, vị Tế Sư của Vua có màu da ngăm ngăm đen và mất hết cả hàm răng. Bà vợ của ông thông gian với một vị Bà La Môn khác. Vị sau này cũng giống như vị trước. Nhiều lần vị Tế Sư cố tìm cách ngăn cản vợ mình, nhưng không thể được.
Rồi ông suy nghĩ: Ðấy là kẻ thù của ta, ta không thể chính tay giết được, mà ta phải lập mưu kế giết nó đi.
Thế là ông đến yết kiến Vua và tâu: Tâu Ðại Vương, Kinh Thành của Ðại Vương là Kinh Thành trọng yếu nhất trong toàn cõi Diêm Phù Đề, Ðại Vương là vị Vua cao trọng bậc nhất, nhưng dù Ðại Vương là vị Vua thủ lãnh, hoàng môn phía nam của Ðại Vương lại có điềm xấu, nó được xây theo kiểu xui xẻo.
Ðược rồi, này Quốc Sư, ta phải làm gì?
Xin Ðại Vương đem may mắn cho nó và chỉnh trang nó.
Vậy phải làm gì đây?
Ta phải hạ cổng cũ xuống, lấy loại gỗ mới có dấu hiệu may mắn, lập tế đàn cúng các vị Thần canh giữ hoàng thành rồi xây hoàng môn theo cách kết hợp tốt lành của các vì sao.
Thế khanh hãy làm như vậy.
Vào thời ấy, Bồ Tát là một trang nam tử tên là Takkàriya đang học tập với Tế Sư này.
Bấy giờ, vị Tế Sư ra lệnh hạ cổng thành cũ xuống làm cổng mới cho sẵn sàng, khi đã xong xuôi, ông vào tâu trình Vua: Tâu Chúa Thượng, cổng thành đã xong, ngày mai lại có sự kết hợp tốt lành của các tinh tú. Vậy trước khi ngày mai trôi qua hết, ta phải làm tế lễ và dựng cổng thành mới.
Ðược rồi, này Quốc Sư, phải cần tế lễ như thế nào?
Tâu Chúa Thượng, đại hoàng môn đang được các đại thần linh chiếm cứ và bảo vệ. Vậy phải giết một Bà La Môn có da ngăm ngăm đen và không có răng, thuần chủng cả hai bên cha mẹ, lấy máu thịt vị đó đem ra tế lễ, thân thể đặt phía dưới, và cổng dựng lên trên đó. Vị ấy sẽ đem lại vận may cho Chúa Thượng cùng cả Kinh Thành này.
Ðược lắm, này Quốc Sư, hãy tìm một Bà La Môn như vậy mà giết đi rồi dựng hoàng môn lên trên đó.
Vị Tế Sư rất hoan hỷ.
Ông bảo: Ngày mai ta sẽ trừ khử được kẻ thù của ta rồi!
Lòng đầy hăng hái, ông trở về nhà, nhưng không thể giữ yên cái lưỡi được, liền nói ngay với vợ: Này mụ già xấu xí kia, rồi mụ sẽ còn ai để hú hí nữa chứ?
Ngày mai ta sẽ giết tình lang của mụ và đem tế lễ đấy!
Tại sao ông muốn giết người vô tội?
Ðức Vua ra lệnh cho ta giết một người Bà La Môn ngăm ngăm đen và dựng cổng thành lên người đó. Còn tình lang của mụ cũng ngăm ngăm đen nên ta định giết nó để tế lễ.
Bà vợ liền gởi cho tình quân một lá thư nhắn nhủ: Chúng bảo Đức Vua muốn giết một Bà La Môn da ngăm ngăm đen để tế lễ. Vậy nếu chàng muốn cứu lấy mạng mình xin hãy lo đào tẩu kịp thời, đem theo cả những người nào giống như chàng nữa.
Người kia làm theo như vậy, tin đó lan khắp Kinh Thành, và mọi người nào có màu da đen đều tẩu thoát cả.
Vị Tế Sư không hề biết gì về việc kẻ thù đã chạy trốn, sáng hôm sau vào yết kiến Vua thật sớm và tâu: Tâu Chúa Thượng, trong chỗ kia có một Bà La Môn da ngăm ngăm đen, xin cho bắt nó lại.
Vua bảo vài người đến tìm kẻ đó, nhưng họ chẳng thấy ai cả, liền trở về thông báo cho Vua rằng kẻ ấy đã trốn thoát rồi, Vua phán: Vậy hãy tìm nơi khác.
Họ lục soát khắp Kinh Thành nhưng chẳng tìm được ai.
Vua phán: Phải kiếm thật nhanh lên.
Họ đáp: Tâu Chúa Thượng, ngoại trừ vị Quốc Sư, chẳng còn ai khác nữa.
Vua phán: Tế Sư không thể đem ra giết được.
Tâu Chúa Thượng, Chúa Thượng đã phán bảo điều gì vậy?
Theo lời Tế Sư này, nếu cổng thành không được dựng hôm nay, thì Kinh Thành sẽ gặp nguy hiểm. Khi vị Tế Sư giải thích việc này, ông ta để ngày này trôi qua, thì giờ tốt không trở lại nữa cho đến cuối năm.
Kinh Thành này không có cổng suốt một năm ròng là cơ hội ngàn vàng để cho kẻ thù chúng ta. Chúng ta phải giết một người nào đó, và làm tế lễ nhờ sự trợ lực của một vị Bà La Môn hiền trí rồi dựng cổng thành.
Nhưng có vị Bà La Môn nào đủ tài trí như Sư Phụ ta chăng?
Tâu Chúa Thượng, có đồ đệ của vị ấy, một nam tử tên là Takkàriya, xin hãy phong vị ấy làm Tế Sư và cử hành lễ cát tường này.
Vua liền triệu vị nam tử ấy vào, ban cho chàng vinh hiển và phong chàng làm Tế Sư, rồi ra lệnh làm mọi sự như đã nói.
Vị nam tử ấy đi đến hoàng môn với một đám đông theo sau. Nhân danh Hoàng Đế, họ trói vị Tế Sư cũ và đem đến. Bậc Ðại Sĩ bảo đào một cái hố, tại nơi hoàng môn sắp được dựng lên, che một cái lều trên đó, cùng với Sư Phụ bước vào lều.
Vị Tế Sư ấy nhìn cái hố, thấy không lối nào thoát, liền bảo bậc Ðại Sĩ: Mục đích của ta đã thành đạt, ta thật là một kẻ ngu si, ta đã không biết giữ mồm giữ miệng cho yên, mà lại hấp tấp nói với mụ đàn bà độc ác kia. Ta đã tự sát bằng chính binh khí của ta.
Rồi ông ngâm vần kệ đầu:
Ta nói điên cuồng tựa ễnh ương
Trong rừng gọi rắn: ngã nhào luôn
Vào trong hố, thật, Takka hỡi,
Lời nói phi thời phải tiếc thương!
Sau đó vị nam tử đáp lời ông và ngâm vần kệ này:
Người nói phi thời phải diệt vong
Như vậy, than khóc với đau buồn,
Xin thầy tự trách mình nay phải
Nhận lỗ đào này, ấy hố chôn.
Cùng với lời ấy, Ngài nói thêm: Thưa Sư Phụ, không phải chỉ mình Sư Phụ, mà nhiều người khác nữa, đã phải chịu khổ đau vì không biết phải giữ lời nói cho kỹ.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ để minh chứng điều đó.
Chuyện kỹ nữ Kàli
Chuyện kể rằng ngày xưa tại Ba La Nại, có một cô kỹ nữ sang trọng tên là Kàli, nàng có một người anh tên là Tundila. Trong một ngày, Kàli có thể kiếm cả ngàn đồng tiền.
Bấy giờ Tundila là một gã trác táng, nghiện rượu, mê cờ bạc, hễ nàng cho gã tiền và gã có được bao nhiêu tiền đều phung phí hết. Nàng cố sức ngăn cản gã nhưng không thể được.
Một hôm gã thua bài súc sắc, phải mất ngay cả áo quần đang mặc trong mình. Gã vừa mang quanh mình một tấm khố rách vừa đi đến nhà em gái.
Nhưng nàng đã ra lệnh cho các tỳ nữ rằng nếu Tundila có đến thì bọn họ không được cho gã cái gì cả mà phải lôi cổ gã quẳng ra ngoài. Vì thế, họ đã làm đúng như vậy. Gã liền đứng lại bên thềm và kêu than.
Bấy giờ, có con trai một phú thương nọ, thường vẫn cho Kàli cả ngàn đồng tiền, hôm ấy tình cờ gặp gã, liền hỏi: Tại sao lại khóc lóc vậy, Tundila?
Gã đáp: Thưa công tử, tôi đã thua bài súc sắc, đến cầu xin em tôi, bọn nữ tỳ lại nắm lấy cổ tôi lôi ra ngoài.
Ðược rồi, cứ ở lại đây, ta sẽ nói chuyện với em gái cậu.
Chàng vào nhà bảo: Anh của nàng đang đứng đợi kia, chỉ mặc khố rách che thân, tại sao nàng không cho anh áo quần mặc?
Nàng đáp: Ðúng vậy, thiếp chẳng muốn cho gì cả, nếu chàng thích anh ta thì chàng cho đi.
Bấy giờ, trong ngôi nhà mang tai tiếng xấu xa kia, có tục lệ như vậy: Cứ mỗi một ngàn đồng tiền nhận được, thì năm trăm đồng được dùng cho bọn nữ nhân, năm trăm đồng để mua sắm xiêm y, dầu thơm và vòng hoa. Bọn khách làng chơi đến đây nhận áo quần mặc vào, ở lại đêm tại đó, rồi ngày hôm sau cởi áo quần ấy ra trả, mặc quần áo của mình và ra đi.
Trong dịp ấy, con trai vị phú thương mặc áo quần mà bọn họ đưa cho chàng, và đem áo quần của chàng cho Tundila. Gã ấy mặc áo quần vào, vừa la hét vừa chạy đến tửu quán.
Nhưng nàng Kàli ra lệnh cho bọn nữ tỳ rằng khi chàng trai ra về ngày hôm sau, họ phải lấy lại áo quần.
Vì vậy, khi chàng bước ra, bọn họ chạy đến từ khắp nơi như bọn cướp, lột hết áo quần trên thân của chàng đến trần như nhộng, rồi bảo: Này công tử, ra về đi! Họ tống khứ chàng ta như vậy. Chàng ra đi trần truồng, bị mọi người chế diễu.
Chàng ta hổ thẹn than khóc: Ðây chính là việc ta gây ra vì ta không giữ được mồm miệng!
Ðể làm sáng tỏ vấn đề này, bậc Ðại Sĩ ngâm kệ thứ ba:
Tại sao lại hỏi chuyện Kàli
Cư xử thế nào với Tuấn di?
Gặp phải tay em chàng, hãy ngắm,
Áo quần ta đã biến bay đi,
Ta đành trần trụi, như tai vạ
Xảy với thầy, sao thật quái kỳ!
Chuyện chim đuôi chĩa
Một người khác lại kể chuyện này: Do sự bất cẩn của người chăn dê, hai con dê đực đánh nhau trên đồng cỏ ở Ba La Nại.
Trong lúc đang hăng máu, có một chim đuôi chĩa nghĩ thầm: Chúng sẽ vỡ đầu ra mà chết mất, ta phải ngăn cản chúng mới được!
Thế là nó cố gắng ngăn cản bằng cách kêu la: Chú ơi, đừng đánh nhau nữa!
Nó chẳng nghe chúng nói gì đáp lại. Ngay giữa trận đánh, nó nhảy lên lưng trước, rồi sau nhảy lên đầu, van xin chúng dừng lại nhưng chẳng được gì.
Cuối cùng, nó kêu to: Thế thì cứ đánh nhau đi, nhưng giết tôi trước đã!
Và nó đứng chen vào giữa hai cái đầu dê. Chúng vẫn tiếp tục húc nhau văng ra xa. Con chim bị nghiền nát như thể bởi cái chày, và chịu hủy hoại do chính hành động của nó.
Ðể giải thích việc này, bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ tư:
Chim đuôi chĩa vội đến bên sườn
Hai chú dê rừng lúc đả thương,
Dù chẳng dự phần trong trận đấu,
Hai đầu dê nghiến nát như tương
Ngay liền tại chỗ, như thầy vậy,
Số phận chim kỳ quái lạ thường!
Chuyện cây cọ dừa.
Một chuyện khác nữa: Gần một cây cọ dừa kia, bọn chăn bò cất giấu nhiều của cải. Dân chúng Ba La Nại thấy cây đó liền cho một người leo lên cây hái quả.
Trong lúc gã đang ném quả xuống thì một con rắn hổ đen bò ra từ một tổ kiến, bắt đầu leo lên cây, bọn người đứng phía dưới cố xua đuổi nó bằng gậy, đá v.v... nhưng không được, kêu la lớn gọi người kia: Con rắn đang bò lên cây!
Gã ấy kinh hoảng hét lớn. Những người đứng dưới lấy tấm vải thô cầm bốn góc, bảo gã kia ngã vào tấm vải. Gã gieo mình xuống, rơi vào chính lòng tấm vải giữa bốn người kia nhanh như gió, khiến bọn người ấy không giữ gã được phải đập đầu vào nhau mà chết.
Ðể giải thích việc này, bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ năm:
Bốn người muốn cứu mạng anh chàng,
Bốn góc cầm chung một tấm màn,
Bọn chúng vỡ đầu ra chết tiệt,
Như thầy, thật quái lạ kinh hoàng!
Chuyện con dê cái
Ðám người khác lại kể chuyện này: Một bọn ăn trộm dê sống ở Ba La Nại, một đêm kia bắt được một con dê cái, định làm một bữa chè chén trong rừng. Ðể dê khỏi kêu, chúng bịt mõm mó và cột nó vào một bụi tre. Hôm sau, khi chúng đến giết con dê, chúng quên mất con dao phay.
Chúng bảo nhau: Này, ta hãy giết dê rồi nấu. Hãy đem con dao phay ra đây!
Nhưng chẳng ai có dao. Nếu không có dao thì ta không thể nào ăn thịt nó được, dù ta có giết chết nó. Thôi thả nó ra. Việc này cũng do phước phần nào đó của con dê đây!
Vì thế, chúng thả dê ra. Bấy giờ, tình cờ có người thợ tre đến trước đó lấy một bó tre, gã để quên một con dao của người đan rổ, giấu dưới đám lá, định khi trở về sẽ lấy dùng.
Nhưng con dê tưởng mình đã thoát thân, nên bắt đầu vui chơi nhảy nhót dưới bụi tre, lấy chân sau đánh đá làm sao mà con dao rớt ra!
Ðám ăn trộm nghe tiếng dao rớt, chạy đến nơi thấy việc như vậy, vô cùng mừng rỡ, thế rồi chúng giết dê ăn thịt.
Như vậy để giải thích việc con dê đã tự giết mình bằng chính hành động của nó như thế nào, bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ sáu:
Dê cái cột trong bụi trúc dày
Nhảy quanh, tìm thấy một dao phay,
Cổ dê, chúng cắt bằng dao ấy,
Kỳ quái, dê kia giống hệt thầy!
Sau khi kể chuyện này, Ngài giải thích: Song còn những kẻ dè dặt trong lời nói, biết giữ gìn ngôn ngữ, thường thoát khỏi số phận chết chóc đau thương.
Rồi Ngài kể một chuyện thần tiên của loài Kinnara Khẩn Na La: các ca thần của Sakka Thiên Chủ.
Chuyện Ðôi Ca Thần
Chuyện kể rằng, một thợ săn sống ở Ba La Nại, một bữa nọ vào vùng Tuyết Sơn bằng cách nào đó đã bắt được một cặp Tiên Núi, gồm một Tiên Nữ và lang quân của nàng, rồi đem về dâng Vua. Vua chưa bao giờ thấy loài hữu tình này cả.
Vua hỏi: Này thợ săn, chúng là loài gì?
Tâu Chúa Thượng, chúng có thể hát êm tai và nhảy múa rất đẹp mắt, không có con người nào có thể ca múa hay bằng chúng được.
Vua ban thưởng gã thợ săn ấy rất hậu hỉ, rồi ra lệnh cho đôi tiên ca múa.
Song hai vị nghĩ: Nếu chúng ta không diễn tả đầy đủ ý nghĩa bài ca, thì bài ca sẽ thất bại, hội chúng sẽ mạ lỵ và làm thương tổn chúng ta. và hơn nữa, người nào nói nhiều thường hay nói dối.
Vì thế, sợ phải dối trá này kia, hai vị không múa hát dù Vua nài nỉ thế nào cũng mặc.
Cuối cùng, Vua nổi cơn thịnh nộ và bảo:
Hãy giết bọn này đem nấu và dâng cho ta dùng.
Vua ban lệnh này qua vần kệ thứ bảy:
Bọn này đây chẳng phải là Tiên,
Cũng chẳng nhạc thần của Cõi Thiên,
Là thú do người kia dẫn đến
Vì mong kiếm một túi đầy tiền
Vậy bây hãy nấu, ta dùng tối
Một đứa, rồi mai một đứa liền!
Lúc ấy Tiên Nữ nghĩ thầm: Bây giờ Vua nổi giận, chắc chắn Ngài sẽ giết chúng ta.
Vậy đây là lúc nên nói, và lập tức nàng ngâm vần kệ:
Mười vạn khúc ca biểu diễn lầm
Chẳng bằng một mảy khúc kỳ âm,
Hát tồi có tội, nên Tiên Chúng
Chẳng dám làm, không bởi hận tâm.
Vua rất hoan hỷ vì Tiên Nữ, lập tức đáp vần kệ:
Hãy để nàng đi, bởi nói rồi,
Cho nàng thấy lại Tuyết Sơn thôi,
Song bây hãy bắt chàng kia giết,
Bảo nấu, ta dùng bữa sáng mai!
Trong lúc vị Tiên kia suy nghĩ: Nếu ta giữ yên mồm, chắc chắn Vua sẽ giết ta, vậy đây là lúc phải nói.
Và chàng ngâm vần kệ nữa:
Trâu bò trông cậy đám mây Trời,
Trông cậy bò trâu, ấy mọi người,
Còn phận tôi nương nhờ Chúa Thượng,
Hiền thê này lại dựa vào tôi,
Xin Ngài đoán số phần chàng nọ
Trước lúc chàng quay lại núi đồi!
Khi chàng đã nói lời này xong, chàng ngâm hai vần kệ nữa, để nói rõ cho Vua rằng hai vị yên lặng không phải vì không muốn tuân lệnh Vua, song vì hai vị nghĩ rằng nói là sai lầm:
Khác người, khác cách, tấu Minh quân,
Tránh lỗi cho mình thật khó khăn,
Ðiều được kẻ này khen tốt đẹp,
Kẻ kia lại thấy đó sai lầm.
Có người cho tất cả điên cuồng
Tưởng tượng mỗi người vẫn khác luôn,
Thật khác, nhiều người nên lắm ý,
Ý người chẳng có luật thông thường.
Vua phán: Chàng ta nói đúng sự thật, đó quả là một vị tiên khôn ngoan.
Vì thế Vua rất hoan hỷ, ngâm vần kệ cuối cùng:
Ðôi vợ chồng tiên giữ lặng thinh,
Nay chàng cất tiếng bởi hồn kinh,
Bình an, hạnh phúc, tha chàng bước,
Vẫn biết lời hay tạo phước lành.
Sau đó, Vua đặt đôi Tiên Núi vào chiếc lồng vàng, truyền đưa người thợ săn vào, bảo gã thả hai vị ra ở nơi trước kia gã đã bắt.
Bậc Ðại Sĩ nói thêm: Này Sư Phụ, đôi tiên núi biết phòng hộ lời nói như trên, và nhờ nói đúng thời nên được thả tự do vì nói năng khéo léo. Còn thầy do nói năng sai lạc mà phải chịu đại họa.
Rồi sau khi so sánh cho vị Tế Sư thấy rõ như thế, Ngài an ủi ông: Xin Sư Phụ đừng sợ, con sẽ cứu mạng Sư Phụ.
Còn có cách nào chăng?
Vị kia hỏi: Làm thế nào con cứu ta được nữa?
Ngài đáp: Vì chưa đến đúng lúc các hành tinh gặp gỡ.
Ngài để cho ngày ấy trôi qua, vào canh giữa đêm canh ba, liền đem đến đó một con dê đã chết và nói: Xin thầy muốn đi đâu thì đi mà sinh sống. Rồi Ngài thả cho ông đi ngay, chẳng hề có ai hay biết gì cả. Còn Ngài làm tế lễ với thịt dê ấy, xong dựng cổng thành trên đó.
Khi bậc Ðại Sư đã chấm dứt pháp thoại, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu tiên Kokàlika bị hủy hoại vì chính lời nói của mình, mà ngày xưa cũng thế nữa.
Sau đó, Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Kokàlika là người Tế Sư da ngăm ngăm đen, còn ta là Hiền Giả Takkàriya.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Năm - Tán Thán
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Pháp Thuyết Nghĩa Thuyết
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Năm - Phẩm Mã Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Sáu - Pháp Hội Vô Ngôn Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Thắng Quân Vương Sở Vấn
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Mười Ba - Phẩm Lợi Dưỡng
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Bốn - Phẩm Không Thoái Chuyển