Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Bốn - Tạp Phẩm - Chuyện Năm Vị Hành Trì Trai Giới Tiền Thân Pancùposatha
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI BỐN
TẠP PHẨM
CHUYỆN NĂM VỊ HÀNH TRÌ TRAI GIỚI
TIỀN THÂN PANCÙPOSATHA
Ta chắc giờ chim thiểu dục rồi. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về năm trăm cư sĩ giữ hạnh Bồ Tát giới. Thời đó người ta nói là bậc Ðạo Sư ngồi trên bảo tọa dành cho Đức Phật trong chánh pháp đường, giữa tứ chúng, nhìn quanh hội chúng với từ tâm, Ngài thấy rằng hôm nay bài thuyết giảng sẽ quay về đề tài chuyện các nam cư sĩ.
Sau đó Ngài hỏi hội chúng: Các nam cư sĩ có giữ hạnh trai giới Bồ Tát chăng?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Họ đáp.
Lành thay, việc hành trì ngày trai giới là tập tục của các Trí nhân tự thuở xưa: Ta bảo là các bậc Trí tự ngàn xưa đã hành trì trai giới để nhiếp phục các tham dục. Rồi theo lời thỉnh cầu của hội chúng, Ngài kể một chuyện quá khứ.
Một thuở nọ, có một khu rừng lớn ngăn chia Vương Quốc Magadha Ma Kiệt Đà với hai Vương Quốc giáp giới nó. Bồ Tát sinh ra ở Ma Kiệt Đà trong một gia đình Bà La Môn sang trọng. Khi Ngài lớn lên, Ngài từ bỏ các tham dục và đi vào rừng kia dựng lên một ẩn am và sống tại đó.
Bấy giờ không xa nơi am thất ấy có một con Bồ câu rừng sống cùng chim mái, trong một tổ kiến kia có con Rắn, trong bụi rậm nọ có con chó rừng làm hang ổ và trong một bụi rậm khác lại có con Gấu.
Cả bốn con vật này thường đến viếng vị Hiền Nhân và nghe Ngài Thuyết Pháp. Một ngày kia, Bồ câu cùng vợ rời tổ đi kiếm thức ăn. Chim mái bay sau, và khi nó đang bay, một con chim ưng thình lình chụp bắt lấy nó và tha đi.
Nghe tiếng kêu thét của chim mái, chim trống quay lại nhìn và thấy chim ưng đang tha vợ nó đi!
Chim ưng giết chết chim mái ngay khi nó đang kêu cứu và xé xác ăn ngay. Bấy giờ lòng chim trống nóng như lửa đốt vì thương tiếc chim mái phải bị chia lìa đột ngột với nó như vậy.
Rồi chim suy nghĩ: Ái dục này xâu xé lòng ta đau đớn quá sức chịu đựng. Ta không còn muốn đi tìm mồi cho đến khi nào ta thấy được cách nhiếp phục nỗi đau.
Thế là chim bỏ ngang việc kiếm ăn, bay đến tận nhà tu khổ hạnh kia, quyết tâm giữ hạnh nguyện nhiếp phục tham ái và nằm xuống một bên.
Con rắn cũng nghĩ rằng nó muốn kiếm ăn, nên bò ra khỏi lỗ và kiếm được chút gì đó trên lối nó bò đi gần một làng ở biên địa.
Vừa lúc ấy, một con bò đực của người lý trưởng, một con vật tuyệt đẹp toàn màu trắng, sau khi gặm cỏ xong, quỳ mọp xuống gần một tổ kiến, lấy sừng hất tung đất lên để đùa chơi. Con Rắn kinh hoảng khi nghe tiếng móng bò sột soạt, phóng đến ẩn mình trong một tổ kiến.
Con bò tình cờ giẫm lên rắn, làm con rắn tức giận cắn con bò và con bò chết tại chỗ. Khi dân làng khám phá ra con bò đã chết, họ đều vừa chạy vừa khóc than, đem cúng vòng hoa cho bò rất trọng thể rồi mới chôn nó xuống mồ và trở về nhà.
Khi dân chúng đã đi hết, con Rắn bò ra và suy nghĩ: Vì giận dữ, ta đã đoạt mạng sống của con vật này và đã gây bao đau buồn cho nhiều người. Ta chẳng còn muốn đi kiếm mồi bao giờ nữa, cho đến khi ta học được cách nhiếp phục sân hận. Vì thế nó quay đi về thảo am sĩ kia, và quyết giữ hạnh nguyện nhiếp phục sân hận, nó nằm xuống một bên. Con chó rừng cũng đi kiếm mồi và thấy một con voi đã chết.
Nó vui mừng quá: Thức ăn nhiều lắm đây rồi!
Nó kêu lên và đi cắn một miếng vào thân voi, chẳng khác nào cắn vào một thân cây. Nó thấy chẳng thích thú gì cả nên cắn vào chiếc vòi cứ như thể là cắn vào hòn đá. Nó thử cắn cái bụng cũng như là cái thúng vậy, nên nó nhào vào đuôi voi giống như cái bát sắt.
Rồi nó chồm lên đít voi và ô kìa!
Chiếc mông mềm như chiếc bánh sữa!
Nó thích thú quá nên cứ ăn sâu vào trong. Rồi ở đó ăn mãi khi đói, còn khi khát thì uống máu voi.
Khi nằm xuống nó trải phần trong ruột và ngực voi ra như cái giường để ngã lưng, nó suy nghĩ: Ở đấy ta đã tìm được thức ăn uống và giường nằm rồi, vậy còn đi đâu làm gì nữa. Thế là nó ở lỳ đó, lòng rất thỏa mãn, trong cái bụng voi và chẳng hề chui ra ngoài lần nào cả. Dần dần xác voi khô cứng dưới sức nắng gió, cái chỗ hở phía sau mông voi khép kín lại.
Con chó rừng quằn quại bên trong mất dần máu thịt, thân thể võ vàng, song không tìm được cách thoát ra ngoài. Rồi một ngày kia, có cơn bão rớt thình lình, cái lỗ hở ấy thấm nước và mềm ra bắt đầu hé miệng.
Khi thấy khe hở, chó rừng kêu lên: Lâu nay ta đã bị hành hạ quá nhiều, giờ đây ta phải thoát ra bằng lỗ này. Rối nó đi ra lỗ đó bằng cái đầu trước tiên. Bấy giờ cái lỗ còn hẹp mà nó ra mau quá nên thân thể bầm dập và lông lá rụng xuống đất.
Khi ra ngoài được rồi, nó trần trụi như khúc thân dừa, không còn một sợi lông nào nữa!
Nó suy nghĩ: À, vì tham ăn mà ta ta chịu nông nỗi cực khổ này. Ta chẳng bao giờ muốn đi ra kiếm mồi nữa cho đến khi ta học được cách chế ngự dục tham trong ta.
Sau đo, nó đi đến ẩn am kia, quyết giữ hạnh nguyện chế ngự dục tham và nằm xuống một bên. Phần con Gấu ra khỏi rừng và vì lòng tham ăn thúc đẩy nó đi về phía làng Biên Địa của Quốc Độ Malla.
Con gấu đây này! Toàn dân làng la to lên, họ bước ra trang bị đầy cung, gậy, giáo và nhiều thứ khác nữa, vây quanh bụi cây mà Gấu đang nằm. Nó thấy mình bị cả đám người vây quanh thì vụt chạy trốn đi. Vừa chạy vừa bị đám người ấy đánh cho một trận nhừ tử bằng cung gậy, về đến hang, nó bị dập đầu và chảy máu.
Nó nghĩ thầm: À, chính vì lòng tham ăn thái quá đã gây cho ta mọi tai họa này. Thôi ta chẳng bao giờ muốn đi kiếm mồi cho đến khi học được cách nhiếp phục lòng tham ấy.
Vì thế nó đi đến thảo am, quyết giữ Hạnh Nguyện nhiếp phục tính tham lam, và nằm xuống một bên. Còn vị tu khổ hạnh này không thể phát khởi Thiền định được vì Ngài vốn vẫn tràn đầy kiêu mạn về dòng dõi quý tộc của Ngài. Một vị Ðộc Giác Phật, nhận thấy Ngài đang bị ngã mạn chi phối, tuy vậy, vị này biết rõ Ngài không phải là người tầm thường.
Vị ấy suy nghĩ: Người này sẽ thành bậc Chánh Giác, và ngay trong hiện kiếp này người ấy sẽ đạt Tối thắng trí. Ta muốn giúp người ấy nhiếp phục ngã mạn và khiến người ấy tụ tập các thiền chứng.
Vì vậy trong khi Ngài đang ngồi trong thảo am, vị Ðộc Giác Phật kia từ vùng thượng Tuyết Sơn đi xuống và an tọa trên một phiến đá của nhà tu khổ hạnh.
Vị này bước ra thấy vị Phật ngồi trên sàn tọa của mình thì do lòng đầy kiêu mạn, Ngài không tự chủ được nữa Ngài bước lên búng ngón tay vào mặt vị kia và kêu to: Ðồ vô tích sự xấu xa kia, thật đáng nguyền rủa, quân giả dối trọc đầu, tại sao ngươi dám ngồi trên tọa sàng của ta?
Vị kia đáp: Bạch Thánh Giả, tại sao Ngài đầy lòng kiêu mạn thế kia?
Ta đã đạt trí tuệ của một Ðộc Giác Phật, nên ta bảo cho Ngài biết rằng ngay trong chính hiện kiếp này, Ngài sẽ được hoàn toàn giác ngộ.
Ngài đã đủ cơ duyên thành Phật! Khi Ngài đã thành tựu Thập Hạnh Ba la mật và sau một thời gian dài bằng thời kỳ đó trôi qua, Ngài sẽ thành bậc Chánh Giác, danh hiệu là Siddhatha.
Sau đó vị ấy mới cho Ngài biết về danh tánh, dòng họ, gia tộc, các đệ tử, vân vânvà thêm: Vậy thì bây giờ tại sao Ngài quá kiêu mạn và sân hận như vậy?
Việc ấy không xứng đáng với Ngài. Ðó là lời khuyên của vị Ðộc Giác Phật. Nghe những lời này, nhà khổ hạnh chẳng nói gì nữa, cũng chẳng đảnh lễ vị kia, chẳng hỏi xem nơi đâu, bao giờ, và bằng cách nào mình sẽ thành Phật.
Sau đó vị khách lại bảo: Ngài hãy học cách đánh giá dòng dõi của Ngài và Thần lực của ta qua việc này, nếu làm được thì hãy bay lên không như ta đây. Nói vậy xong, vị này bay lên không hất tung bụi bám trên đôi chân mình vào cuốn tóc trên đầu nhà khổ hạnh, rồi lại trở về vùng thượng Tuyết Sơn. Khi vị ấy đi rồi, lòng nhà khổ hạnh tràn ngập đau buồn.
Ngài bảo: Ðó là một bậc Thánh, với tấm thân nặng như thế kia mà có thể bay qua không gian như một hạt bông bị gió cuốn. Một vị Ðộc Giác Phật như vậy, mà ta chẳng hề hôn chân Ngài, vì ta đây kiêu mạn về dòng dõi của ta, nên cũng không hỏi Ngài xem bao giờ ta sẽ thành Phật.
Cái dòng dõi này có làm gì được cho ta đã chứ?
Trong Thế Giới này, cuộc sống thuần thiện chính là một cách thể hiện uy lực, còn lòng kiêu mạn của ta chỉ đưa ta đến địa ngục thôi. Vậy ta sẽ chẳng bao giờ đi kiếm trái rừng nữa, cho đến khi nào ta học được cách nhiếp phục lòng kiêu mạn của ta.
Sau đó Ngài vào thảo am và quyết giữ hạnh nguyện nhiếp phục lòng kiêu mạn. Khi tĩnh tọa trên tấm đệm rơm. Bậc Trí Giả quý tộc kia nhiếp phục được lòng kiêu mạn rồi làm phát khởi tâm thiền định, tụ tập các thắng trí và các thiền chứng xong, liền bước ra ngồi trên phiến đá cuối mái hiên.
Lúc bấy giờ, chim bồ câu và các con vật kia đứng lên đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên, bậc Ðạo Sư bảo bồ câu: Các ngày kia chim chẳng hề đến đây vào giờ này, mà chim đi kiếm mồi.
Vậy hôm nay chim giữ Trai giới đó chăng?
Thưa Tôn Giả, chính vậy.
Ngài hỏi:
Tại sao thế?
Và Ngài ngâm vần kệ đầu:
Ta chắc giờ chim thiểu dục rồi,
Nay bồ câu chẳng muốn tìm mồi,
Tại sao đành chịu nằm thèm khát,
Sao nguyện theo trai giới hỡi Ngài?
Bồ câu đáp lời qua hai vần kệ:
Xin đầy tham đắm, cặp uyên ương
Ðùa giỡn quanh đây tựa phượng loan,
Ưng ác chụp nàng, bay biến mất,
Chia lìa duyên kiếp đã tan hoang!
Con biết niềm mất mát phủ phàng,
Bạo tàn, khốc liệt biết bao đường,
Con nhìn mọi vật, lòng đau đớn.
Vì thế con tìm đến náu nương
Nhờ giới hạnh, thề nguyền ái dục
Chẳng bao giờ trở lại lòng con.
Khi bồ câu đã tán thán hành động của mình liên quan đến hạnh nguyện ấy, bậc Ðạo Sư lại hỏi câu đó với con Rắn và lần lượt các con vật kia.
Mỗi con trong bọn chúng đều nêu lên sự việc như đã xảy ra:
Bồ Tát:
Vật ở cây, bò sát cuộn mình,
Ðầy răng nhọn hoắc, nọc truyền nhanh,
Rắn sao muốn giữ truyền Trai giới,
Sao đói khát cam chịu cố tình?
Con rắn:
Con bò thôn trưởng thật oai hùng,
Dáng đẹp, lưng gù cứ chuyển rung,
Bò gầm lên, con hờn cắn nó,
Ðau đớn, bò chết ngã lăn đùng!
Dân làng mọi kẻ đổ ra đường,
Than khóc vì trông thấy tận tường,
Vì vậy con nương nhờ giới hạnh,
Thề sân hận chẳng trở về con.
Bồ Tát:
Xác chết, thức ăn quý sẵn đầy,
Nằm trong nghĩa địa rã tan thây,
chó rừng, sao chịu đành thèm khát,
Sao lại thề tuân giới hạnh này?
Chó rừng:
Tìm được voi và thích thịt ngon,
Con vào bụng nó ở lỳ luôn
Song nhiều gió mạnh, Trời gay gắt
Làm héo khô khe hở chó chun!
Tôn Giả, con vàng võ, ốm gầy,
Vì không lối thoát, phải nằm đây,
Rồi cơn bão nọ bùng vang dội
Làm ướt, mềm đi ngã hậu này.
Ðể thoát ra, con chẳng chậm đâu
Như trăng thoát khỏi vuốt la hầu,
Nên con chạy đến nhờ trai giới,
Con nguyện tham tâm tránh chạy mau.
Bồ Tát:
Ngài có thói xưa vẫn kiếm mồi
Nằm trên tổ kiến, gấu ông ơi,
Sao nay lại chịu nằm thèm khát,
Sao muốn thề nguyền trai giới thôi?
Con gấu:
Bỏ nhà vì quá đói trong lòng,
Con đến Malla, chạy vội vàng
Dân chúng trong làng đều đổ đến,
Dùng cung, gậy, chúng đánh hung tàn.
Mình con vấy máu, vỡ tan đầu,
Con chạy về nơi trú ẩn mau,
Vì vậy con nguyền theo giới hạnh,
Dục tham chẳng kéo đến ngày sau.
Như vậy cả bốn con vật đều tán thán hành động của chúng trong việc quyết tâm giữ hạnh trai giới, xong vừa đứng lên đảnh lễ bậc Ðạo Sư, chúng vừa hỏi Ngài câu này: Thưa Tôn Giả, các ngày trước Ngài ra đi kiếm trái rừng vào giờ này.
Tại sao hôm nay Ngài không đi, mà lại hành trì trai giới?
Chúng liền ngâm vần kệ này:
Ðiều ấy, Ngài mong muốn giải bày,
Mọi điều con biết, đã thưa thầy,
Song nay đến lượt mình, xin hỏi:
Tôn Giả sao theo hạnh nguyện này?
Bồ Tát:
Một vì Ðộc Giác Phật qua đây
Chốc lát trong am, đã giải bày
Mọi việc vãng lai, danh tiếng, hiệu,
Gia đình và đạo lộ sau này.
Ta không quỳ, bởi quá kiêu căng
Ở trước chân Ngài, chẳng hỏi han,
Vì thế, ta nương vào giới hạnh,
Ðể kiêu căng ấy chẳng đeo gần.
Bằng cách ấy, bậc Ðạo Sư giải thích việc hành trì hạnh nguyện của mình. Sau đó Ngài thuyết giáo cho chúng, bảo chúng ra đi và Ngài bước vào thảo am. Các con vật kia trở về chốn ở của mình.
Bậc Ðạo Sư không hề gián đoạn tâm thiền định nên được sinh vào Cõi Phạm Thiên. Còn các con vật ấy tuân hành lời thuyết giáo của Ngài nên đã lên cộng trú đông đảo với Thiên Chúng.
Sau khi chấm dứt pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo: Như vậy, này các cư sĩ, giữ hạnh nguyện trai giới là một tập tục của các bậc trí ngày xưa, và nay các ông phải biết hành trì.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, Anuruddha A Na Luật là chim bồ câu, Kassapa Ca Diếp là con gấu, Mục Kiền Liên là chó rừng, Sàriputta Xá Lợi Phất là con rắn, và ta chính là nhà tu khổ hạnh kia.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba