Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Một - Phẩm Một Kệ - Phẩm Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP TÁM

TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ  

CHƯƠNG MỘT

PHẨM MỘT KỆ  

PHẨM HAI  

Ngài sanh là vị Bà La Môn ở Kosambi, nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, Ngài xuất gia. Lúc bấy giờ các Tỳ Kheo ở Kosambi tranh cãi nhau, Cùlagavachha không theo phe phái nào, trung thành với lời dạy của bậc Ðạo Sư, phát triển trí tuệ và chứng quả A La Hán.

Thấy sự tranh cãi các Tỳ Kheo là nguyên nhân của sự thối thất, Ngài hoan hỷ với thái độ không phe phái của mình và nói lên bài kệ:

Tỳ Kheo nhiều hân hoan,

Trong Pháp Phật tuyên bố,

Ðạt được đạo tịch tịnh,

Hành dừng lại an lạc.

Ngài sinh ra trong thời Đức Phật tại thế, làm con của Sammiddhi, một Bà La Môn ở làng Nàlaka, Magadha. Ngài xuất gia vì Sàriputta đã xuất gia, và Ngài biết Sàriputta rất sáng suốt.

Sau khi chứng quả A La Hán, và thọ hưởng lạc giải thoát, Ngài nói lên bài kệ để khích lệ các đồng phạm hạnh tinh cần tu tập:

Trí tuệ lực, giới hạnh,

Ðịnh, thiền lạc, chánh niệm,

Chỉ ăn những món ăn

Ðem lại quả tốt đẹp,

Ở đây, tham viễn ly,

Chờ đợi giờ mạng chung.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Kapilavatthu. Ngài sanh ra trong rừng, khi mẹ Ngài đi vào rừng viếng cảnh, và sanh tại đấy. Ngài trở thành một trong những đứa trẻ chơi cát với Đức Phật trong tương lai. Vì Ngài thích rừng núi, Ngài được biết với tên là Vanavaccha.

Về sau, khi Ngài xuất gia, Ngài sống trong rừng tinh tấn tu hành và chứng quả A La Hán.

Ðể tán thán hạnh ở rừng, Ngài nói lên bài kệ này, đáp lời vị đồng phạm hạnh đã hỏi Ngài: Ngài thích thú gì ở rừng núi?

Ngài đáp: Thích thú thay, các ngôi rừng các ngọn núi!

Ðẹp sắc, mây xanh biếc,

Nước mát lạnh, chảy trong,

Kẻ chăn bò Inda,

Che kín cả ngôi rừng,

Những ngôi núi đá ấy,

Làm hân hoan tâm ta.

Một Sa Di phục vụ cho Vanavaccha.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh làm con người chị của Vanavaccha. Khi mẹ Ngài được tin Vanavaccha xuất gia, thọ đại giới, đã sống trong rừng.

Mẹ Ngài nói với Ngài: Này Sìvaka, con hãy xuất gia dưới sự chỉ dẫn của Vanavaccha và phục vụ cho Ngài, vì nay Ngài đã già. Ngài nghe theo lời mẹ xuất gia sống ở trong rừng phục vụ săn sóc Vanavaccha. Một hôm, khi đi đến gần làng, Ngài bị đau nặng. Khi thuốc không chữa được, Ngài không về và Trưởng Lão Vanavaccha đi tìm và thấy Ngài bị đau.

Sau khi cho Ngài uống thuốc và săn sóc Ngài, khi bình minh mới bắt đầu, vị Trưởng Lão nói với Ngài: Này Sìvaka, từ khi ta xuất gia, ta không sống ở trong làng. Vậy chúng ta hãy đi vào rừng.

Sìvaka trả lời: Dầu thân con ở trong làng, nhưng tâm con bao giờ cũng hướng về rừng núi. Vậy nay con tuy nằm ở đây, con sẵn sàng đi vào rừng. Vị Trưởng Lão cầm tay Ngài, dắt Ngài đi vào rừng, khích lệ Ngài. Ngài nhờ sự khích lệ này, tự mình sách tấn và chứng quả A La Hán.

Rồi Ngài nói lên bài kệ của mình hợp chung lời vị Trưởng Lão và lời mình, nói lên sự ưa thích sống viễn ly và quả chứng của mình, sự vâng lời thầy của mình và chứng đắc chánh trí:

Thầy ta nói với ta,

Hãy đi, Sìvaka!

Thân ta sống ở làng,

Nhưng tâm hướng về rừng,

Dầu còn nằm ta đi,

Người biết, không trói buộc.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Sàvatthi, con một Bà La Môn và được gọi là Dhàna. Thuộc lòng ba tập Vệ Đà, sau khi đã lớn tuổi, Ngài nghe Đức Phật thuyết pháp và xuất gia. Khi Vua Pasenadi nước Kosala để ý đến Ngài, cúng dường Ngài các đồ dùng cần thiết nên Ngài khỏi phải đi khất thực.

Khi nàng Subhaddà mời bậc Ðạo Sư và chúng Tỳ Kheo dùng cơm, lúc ấy Kunda Dhàna mới chứng tỏ quả chứng và sức mạnh của mình như đã được ghi chép trong tập sớ Anguttara Nikàya.

Ngài nói lên các bài kệ này cho các vị Tỳ Kheo:

Năm pháp thầy cắt đứt,

Năm pháp thầy từ bỏ,

Và năm pháp Thượng Nhân,

Thầy cố gắng tu tập,

Tỳ Kheo vượt năm ái,

Ðược gọi là vượt bộc lưu.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà La Môn. Trước khi Đức Phật Thành Đạo, Ngài đã xuất gia theo giáo đoàn của Kassapa ở Uruvelà và thờ lửa.

Khi Kassapa được Đức Phật Giáo hóa, Ngài là một trong ngàn người đệ tử của Kassapa chứng được quả A La Hán, khi nghe Đức Phật giảng Kinh Kinh Lửa Cháy.

Sau Ngài trở thành vị giáo thọ của Tôn Giả Ananda.

Một hôm, nghĩ đến sự an lạc thuần tịnh của quả chứng, và sự tu hành ban sơ của mình, Ngài nói lên bài kệ diễn tả sự hân hoan của Ngài:

Như vật hiền giống tốt

Với sừng, kéo cái cày,

Ði đứng không mệt nhọc,

Cũng vậy, ta ngày đêm,

Ði đứng không mệt nhọc,

Ðược lạc không thế vật.

Do nghiệp của mình, Ngài sanh vào thời Đức Phật hiện tại, con của một người nô lệ của Anàthapindika, và được giao việc gác cửa vào Tịnh Xá Jetavana.

Ðược nghe đức tánh và nguyện vọng của Ngài, ông Anàthapindika giải thoát cho Ngài khỏi vòng nô lệ và Ngài nói Ngài sẽ sung sướng nếu được xuất gia.

Do vậy, Ngài được xuất gia ngay. Nhưng khi được xuất gia, Ngài trở thành biếng nhác, thụ động, tiêu cực, không chịu cố gắng để thoát khỏi sanh tử, và ngủ quá nhiều sau các bữa ăn.

Khi đến thời thuyết pháp, Ngài lựa một chỗ ngoài vòng Tăng Chúng, tìm một góc và ngồi ngáy.

Thế Tôn nghĩ đến việc làm trước của Ngài, nên nói lên bài kệ này để khích lệ Ngài:

Ai hôn trầm, ăn nhiều,

Nằm ngủ, lăn qua lại,

Như heo lớn, ăn no,

Kẻ ngu tiếp thai sanh.

Khi nghe vậy, Dasaka trở thành dao động hốt hoảng và phát triển thiền quán và chứng quả A La Hán.

Rồi Ngài suy nghĩ: Bài kệ của Thế Tôn đã khích lệ ta nhiều và Ngài nói lại bài kệ này. Như vậy, dầu cho bài kệ chống đối ăn nhiều, bài kệ trở thành lời tuyên bố về chánh trí của Ngài.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh trong gia đình giàu có ở Sàvatthi, lập gia đình và đặt tên con là Singàlaka và tự mình được gọi là Singàla pitar cha của Singàla.

Về sau Ngài từ bỏ gia đình và xuất gia. Thế Tôn biết được căn cơ xu hướng của Ngài, dạy Ngài đề tài thiền quán là bộ xương người.

Dùng đề tài này để thiền quán, Ngài sống giữa các dòng họ Thích Ca ở Sumsumàragira, tại khu rừng Bhesaskalà.

Trong rừng ấy, một thần rừng biết được Ngài sẽ chứng được Thánh Quả nên nói lên bài kệ này:

Hãy nhìn trong khu rừng,

Rừng Bhesakala!

Một Tỳ Kheo đang sống,

Thừa tự lời Phật dạy,

Ngang thân địa đại này,

Tỏa khắp tưởng bộ xương.

Ta nghĩ Tỳ Kheo ấy,

Mau đoạn tận dục tham.

Nghe bài kệ này, vị Trưởng Lão nghĩ rằng: Vị thần rừng này muốn ta cố gắng tu tập, nên Ngài phát triển thiền quán và chứng quả A La Hán. Về sau, Ngài nhớ lại bài kệ của thần rừng này và nói lên lại bài kệ ấy như là lời tuyên bố về chánh trí của Ngài.

Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh trong một gia đình Bà La Môn, xuất gia và vì tâm tư chưa được thăng bằng, Ngài không chú tâm được trên một đề tài nhất định. Một ngày kia đi khất thực, Ngài thấy người dẫn nước bằng cách đào cách kênh dẫn nước.

Trong Thành Phố, Ngài thấy người làm cung tên uốn nắn cung tên bằng nheo một con mắt như thế nào, và khi trở về với bình bát đầy đồ ăn, Ngài thấy những người làm xe sửa soạn trục xe, bánh xe và vành xe như thế nào.

Bước vào Tịnh Xá, dùng cơm xong, khi đang nghỉ trưa, Ngài nghĩ đến ba phương pháp nhiếp phục này, và lấy chúng làm khích lệ và dùng chúng để tự mình tu tập, không bao lâu Ngài chứng quả A La Hán.

Liên hệ những bài học này với sự tu tập tâm của mình, Ngài nói lên lời chánh trí với bài kệ như sau:

Người trị thủy dẫn nước,

Kẻ làm nên nắn tên,

Người thợ mộc uốn gỗ,

Bậc tự điều, điều thân.

Khi bậc Ðạo Sư còn sống, Ngài được sanh ở Sàvatthi con của một Bà La Môn làm nghề đánh giá hàng hóa cho Vua Kosala.

Ngài trở thành một Ẩn Sĩ tu theo Bàvari, một vị Bà La Môn có học thức ở vườn Kapittha trên bờ sông Godhàvarì. Bàvarì bảo Ngài cùng với Tissa và Metteya đi đến bậc Ðạo Sư. Ajita được Đức Phật cảm hóa, và xuất gia.

Lựa một đề tài để thiền quán, Ngài phát triển thiền quán và chứng quả A La Hán.

Ngài nói lên sự thắng trận của Ngài với bài kệ này:

Ta không có sợ chết,

Không ưa thích sanh mạng

Ta sẽ bỏ thân này,

Tỉnh giác và chánh niệm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần