Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Hai - Phẩm Mười Hai Bài Kệ - Chuyện Thương Nhân Trên Biển Cả Tiền Thân Samudda Vànijà

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI HAI  

PHẨM MƯỜI HAI BÀI KỆ  

CHUYỆN THƯƠNG NHÂN TRÊN BIỂN CẢ

TIỀN THÂN SAMUDDA VÀNIJÀ  

Người thì gieo hạt, kẻ đi cày. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về Devadatta Đề Bà Đạt Đa khi ông bị đọa xuống địa ngục, kéo theo năm trăm gia đình bị đọa luôn.

Bấy giờ, lúc hai Đại đệ tử là Sàriputta Xá Lợi Phất và Moggallàna Mục Kiền Liên đưa các Tỳ Kheo đã theo vị ấy trở về cùng mình, Đề Bà Đạt Đa không thể nào chịu đựng khổ đau, nên đã khạc ra máu và sắp từ giã cõi đời, ông tự nhủ: Trong chín tháng ròng ta đã nghĩ xấu về Đức Như Lai, song trong tâm của Đức Như Lai không hề có một ác ý đối với ta.

Trong tám mươi vị Trưởng Lão cũng không ai làm gì hại ta, bởi chính vì những hành động của ta mà ta thành kẻ bơ vơ lạc lõng, ta đã bị bậc Ðạo Sư từ bỏ rồi, các Trưởng Lão, Tôn Giả La hầu trưởng tộc, cùng tất cả hoàng tộc dòng họ Thích Ca, nên ta muốn đến gặp bậc Ðạo Sư và hòa giải với Ngài.

Vì thế ra hiệu cho các đệ tử, ông bảo họ mang ông trên chiếc cáng, rồi du hành suốt ngày đêm đến Kinh Thành xứ Kosala.

Trưởng Lão Ànanda thưa với bậc Ðạo Sư: Họ bảo rằng Đề Bà Đạt Đa đang đi đến làm hòa với Đức Thế Tôn. Này Ànanda, Đề Bà Đạt Đa không được gặp ta đâu.

Khi ông đã đến thành Xá Vệ, Tôn Giả lại thưa trình với bậc Ðạo Sư, và Đức Thế Tôn cũng trả lời như trước. Khi ông đến cổng Kỳ Viên và tiến về hồ Kỳ Viên, tội ác đã đến tột đỉnh. Một cơn sốt nổi lên trong người khiến ông muốn tắm và uống nước, vì thế ông ra lệnh cho họ đưa mình ra khỏi cái cáng để có thể uống nước.

Khi ông vừa bước xuống và đứng trên mặt đất thì, trước khi ông có thể giải khát cho mình, quả đất rộng há miệng ra, một ngọn lửa phát xuất từ địa ngục tận cùng Avìci A tỳ hay vô gián bao phủ lấy ông.

Trong lúc biết các ác nghiệp của mình đã lên đến cực điểm, cùng nhớ lại các công đức của Như Lai, ông ngâm vần kệ này:

Nắm xương này đem đến tối thượng nhân,

Bậc Toàn tri, đây trăm tướng tốt lành,

Bậc điều ngự tâm người, hơn Thiên Chủ,

Tâm trí ta bay về Ngài giác ngộ.

Song chính ngay trong hành động tìm nơi an trú này mà ông bị đọa vào ngục A tỳ và có năm trăm gia đình của các đồ đệ ông, những gia đình đã theo ông phỉ báng đấng Thập Lực Dasabala gièm pha Ngài, nên cũng tái sinh vào ngục A tỳ. Như thế ông xuống Địa Ngục A tỳ, kéo theo mình cả năm trăm gia đình.

Vì vậy một ngày kia, Tăng Chúng nói chuyện trong Chánh Pháp Đường: Này Hiền hữu Tỳ Kheo, Đề Bà Đạt Đa ác độc vì tham lợi dưỡng đã vô cớ khởi lên lòng sân hận với bậc Chánh Ðẳng Giác và không biết đến nỗi kinh hoàng trong tương lai, nên cùng với năm trăm gia đình đọa xuống địa ngục. Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi Tăng Chúng đang nói chuyện gì. Hội chúng liền thưa lại Ngài.

Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, Đề Bà Đạt Đa vì ham lợi dưỡng và danh vọng nên không nhìn thấy những mối kinh hoàng trong tương lai, và ngày xưa cũng như bây giờ, vì không nhìn thấy những nỗi khủng khiếp trong tương lai mà kẻ ấy cùng các đệ tử tham muốn lạc thú hiện tại, nên phải chịu hoàn toàn hủy diệt.

Nói vậy xong, Ngài kể cho Tăng Chúng nghe một chuyện quá khứ. Một thời, khi Vua Brahmadatta trị vì tại Ba La Nại, gần thành Ba La Nại có một thị trấn lớn của các người thợ mộc, gồm một ngàn gia đình, những thợ mộc từ thị trấn này thường tự xưng là họ đóng giường, ghế, nhà cửa và thường sau khi nhận tiền trước của dân chúng, lại tỏ ra không có năng lực để làm gì được cả.

Dân chúng thường trách mắng bất cứ người thợ mộc nào tình cờ họ gặp mặt và gây trở ngại cho bọn họ. Vì thế bọn người mắc nợ này gặp phiền nhiễu đến độ không thể nào sống yên ở đấy được nữa.

Bọn họ bảo nhau: Chúng ta hãy đi ra xứ khác và kiếm một nơi nào đó ẩn thân. Thế là họ vào rừng, đẵn cây, làm thuyền lớn phóng xuống sông đẩy thuyền ra khỏi thị trấn khoảng chừng ba phần tư dặm, thì kéo thuyền vào bờ. Sau đó vào nửa đêm, họ trở về thị trấn tìm gia đình mình đưa lên thuyền rồi xuôi dòng tiến ra biển cả.

Họ gặp thuận buồm xuôi gió cho đến khi cập vào một hòn đảo nằm giữa đại dương. Lúc bấy giờ trên đảo ấy đã mọc lên nhiều loại cây rừng có trái như lúa gạo, cây mía, chuối, xoài, mận, mít, dừa và đủ các loại khác nữa. Trước bọn ấy đã có một người bị đắm tàu và chiếm lấy đảo này.

Sống tại đó, ăn lúa gạo và thưởng thức cây mía cùng các loại cây khác, nhờ thế gã trở thành lực lưỡng cường tráng, gã sống trần truồng, râu tóc dài ra.

Bọn thợ mộc suy nghĩ: Nếu đảo có loài quỷ ở thì bọn ta chắc phải chết hết. Vì vậy ta muốn thám hiểm xem sao. Sau đó bảy thanh niên dạn dĩ lực lưỡng, trang bị năm thứ vũ khí, rời thuyền đi thám hiểm đảo này.

Ngay lúc ấy người sống sót trên đảo vừa ăn sáng xong, uống nước mía và trong lúc sảng khoái nằm dựa lưng trên một nơi xinh tươi, mát mẻ dưới bóng cây trên bãi cát lấp lánh như một cái đãi bạc, gã suy nghĩ: Những người sống ở cõi Diêm Phù Đề Ấn Ðộ không thể có được niềm hạnh phúc này, những người cày cấy kia, còn hòn đảo này đối với ta tuyệt hơn cả cõi Diêm Phù Đề nữa. Gã liền vui mừng trong niềm Cực Lạc ấy.

Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ đầu để giải thích người sống trên hoang đảo này ca hát vì niềm hoan lạc như thế nào:

Người thì gieo hạt, kẻ đi cày,

Sống với mồ hôi ở cuối mày,

Chúng chẳng hưởng vùng ta được sống,

Hơn xa Ấn Ðộ chính nơi này!

Những người đi thám thính hòn đảo bắt gặp tiếng hát của gã, bảo nhau: Hình như ta nghe tiếng người, ta hãy đến làm quen với người đó. Theo tiếng hát họ đi đến gặp người kia, nhưng vẻ bề ngoài của gã làm họ kinh hãi.

Họ kêu lên: Có phải quỷ đó chăng?

Rồi họ tra mũi tên vào cây cung.

Khi người kia thấy họ, gã sợ bắn bị thương nên la to: Ta không phải quỷ đâu, ta là người đấy, các ông ơi, xin tha mạng cho ta.

Sao? Họ bảo người ta lại trần truồng và không có gì bảo vệ như người ư?

Họ hỏi đi hỏi lại mãi, cũng chỉ nhận được câu trả lời ấy, rằng gã là con người. Cuối cùng họ đến gần gã và mọi người trò chuyện vui vẻ với nhau, những kẻ mới đến hỏi gã làm sao đến đó được. Gã kể cho họ nghe sự thật về việc này.

Gã bảo: Do thiện nghiệp của các bạn mà các bạn đã đến đây, đảo này là phần thưởng của các bạn. Ðây là đảo tuyệt hảo. Ở đây các bạn không cần làm việc với đôi tay để sinh sống, gạo mía và các loại cây khác ở đây có vô tận, tất cả đều mọc hoang. Các bạn sống ở đây không còn lo ngại gì nữa.

Họ hỏi: Có gì khác cản trở cuộc sống của ta ở đây chăng?

Không sợ gì cả trừ một điều: Đảo này có loài quỷ dữ, lũ quỷ này sẽ nổi giận khi thấy phân thải ra từ cơ thể các bạn. Vậy khi bạn muốn đại tiện, hãy đào lỗ trong cát chôn đi. Ðó là mối nguy hiểm duy nhất, ngoài ra không còn gì nữa, chỉ nhớ luôn luôn cẩn thận điều này.

Sau đó họ lên cư ngụ trên đảo này. Song giữa đám một ngàn gia đình này, có hai người cai thợ, mỗi người dẫn đầu năm trăm gia đình trong đó, một kẻ ngu si tham ăn món Thượng Hạng, người kia khôn ngoan và không thích chiếm phần ưu thắng trong mọi sự đời.

Theo thời gian họ tiếp tục sống tại đó, tất cả đều thành lực lưỡng cường tráng.

Sau đó bọn họ suy nghĩ: Lâu nay chúng ta không vui chơi gì cả, ta muốn làm một ít rượu mạnh với nước mía. Vì thế họ làm rượu mạnh, và say sưa, ca hát, nhảy múa, vui đùa. Sau đó họ vô ý đi đại tiện bừa bãi khắp nơi mà không chôn dấu đi, nên họ đã làm cho hòn đảo hôi hám thật ghê tởm. Các Thần linh tức giận vì bọn người này làm nơi giải trí vui chơi thành ô uế.

Các thần bàn tính kỹ lưỡng: Chúng ta sẽ dâng nước biển trên đảo để rửa sạch đảo này chăng?

Nay là nửa tháng tối Trời, cuộc hội họp của ta phải đình hoãn lại. Ðược rồi, vào ngày thứ mười lăm kể từ nay, vào ngày đầu tiên trăng tròn, vào giờ trăng mọc, chúng ta sẽ dâng nước biển lên và tận diệt chúng. Như vậy các Thần đã định ngày.

Lúc này một vị Thần công chính trong đám ấy suy nghĩ: Ta không muốn các người này chết trước mắt ta.

Vì thế do lòng từ mẫn, vào lúc bọn người đang ngồi trước cửa trò chuyện vui vẻ, sau buổi cơm chiều, vị này làm cho toàn hòn đảo sáng lòa, với phục sức đầy vẻ huy hoàng, đứng trên không hướng về phía Bắc và nói với bọn họ như vậy: Này các thợ mộc, các Thần Linh nổi cơn thịnh nộ vì các ông. Ðừng sống ở đây nữa, vì trong nửa tháng kể từ nay các Thần sẽ dâng nước biển lên giết hết các ông đó. Vậy phải trốn khỏi nơi này.

Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:

Trong hai tuần nữa thấy tròn trăng,

Từ biển này dâng ngọn sóng thần

Tràn ngập đảo to này: Hãy vội! 

Di cư để khỏi hại người dân. Cùng với lời khuyên này vị ấy trở về nơi ở của mình.

Khi vị ấy đi rồi, một vị Thần bạn là một hung Thần, suy nghĩ: Có lẽ dân chúng sẽ theo lời vị ấy khuyên mà trốn hết, còn ta muốn cản trở việc chúng đi, để làm cho chúng phải tiêu diệt hoàn toàn.

Vì vậy vị Thần này trang điểm thật huy hoàng, tỏa ra một luồng ánh sáng lớn, bao trùm khắp hòn đảo ấy, và đến gần đại chúng, đứng trên không hướng về Nam, trong khi ông hỏi: Có một vị Thần vừa đến đây chăng?

Họ đáp: Thưa có.

Vị ấy nói gì với ông?

Họ đáp: Tâu Thần Chúa biển cả, những việc như vậy như vậy.

Lúc ấy vị Thần bảo: Vị Thần này không muốn các ông sống ở đây, nên đã nói thế trong cơn thịnh nộ. Vậy đừng đi nơi khác, mà cứ ở lại đây.

Cùng với những lời này, vị Thần ngâm hai vần kệ:

Theo nhiều dấu hiệu đã nêu rằng

Dân chúng nghe tin đợt sóng thần

Sẽ chẳng hề tràn lên đảo lớn,

Vui lên đừng sợ, chớ đau buồn.

Các ông gặp chốn rộng nơi đây,

Các thức uống ăn lại đủ thay,

Ta thấy chẳng gì nguy, cứ hưởng

Ðến đời sau, lạc thú như vậy.

Sau khi nói vậy qua hai vần kệ để làm nhẹ nỗi lo âu của dân chúng, Thần này ra đi.

Khi ông đi rồi, người thợ mộc ngu si cất cao giọng lên, và không để ý đến lời nói của vị Thần công chính, gã kêu lên: Xin quý Ngài nghe theo ta.

Gã nói với mọi người thợ mộc bằng cách ngâm vần kệ thứ năm:

Từ hướng Nam, Thần ấy hét vang,

Chúng ta nghe: Vạn sự bình an,

Từ Thần này nói là thật,

Sợ hãi, hay không phải hoảng hồn,

Vị Bắc Thần kia nào có biết,

Vui lên đừng sợ, chớ lo buồn!

Khi nghe gã nói, năm trăm người thợ mộc tham hưởng lợi lạc muốn nghe theo lời khuyên của gã ngu si đó.

Song lúc ấy người thợ mộc khôn ngoan không chịu nghe theo gã, và vẫn nói với đám thợ mộc, vừa ngâm bốn vần kệ:

Khi nói ngược nhau, nhị hải Thần,

Một kêu sợ hãi, một an toàn,

Nghe lời ta dặn, e giây lát

Tất cả người đây chết cả đoàn.

Ta cùng xây một đại thương thuyền,

Thuyền lớn, hành trang cất hết lên,

Nếu vị Nam Thần này nói thật,

Thần kia nói nhảm nhí quàng xiêng.

Khi cần, thuyền sẽ ích cho ta,

Ta chẳng rời ngay đảo ấy mà,

Song nếu Bắc Thần kia nói đúng,

Thần Nam chỉ nói chuyện điên rồ,

Ta cùng lúc ấy lên thuyền cả,

Nơi có bình an, sẽ vội qua,

Ðừng xem ưu, liệt, chuyện vừa nghe,

Ai để lọt tai cả mọi phe,

Xét kỹ, rồi theo phần chính giữa,

Bến bình an nhất, kéo neo về.

Sau đó người ấy lại nói: Này bây giờ, chúng ta hãy nghe theo lời cả hai vị Thần ấy. Ta hãy đóng thuyền, rồi nếu lời của vị Thần thứ nhất là đúng sự thật, ta sẽ leo lên thuyền và ra đi. Và nếu lời vị Thần thứ hai đúng thì ta sẽ cất thuyền chỗ khác và ở lại đây.

Khi người ấy nói vậy xong, người thợ mộc ngu si bảo: Anh cứ đi mà xem con cá sấu nằm trong chén trà!

Anh thật quá ư chậm trí! Vị Thần thứ nhất nói như vậy vì tức giận chúng ta, còn vị thứ hai nói vì thương yêu chúng ta.

Nếu ta rời hòn đảo tuyệt hảo này, thì ta sẽ đi đâu nữa?

Song nếu anh cần phải đi thì cứ đi mà đóng thuyền, bọn ta không cần thuyền, bọn ta ở đây. Người thợ mộc khôn ngoan cùng những người theo phe mình, đóng một con thuyền, đặt mọi hành trang lên thuyền, rồi cả bọn đứng vào thuyền.

Sau đó vào ngày trăng tròn, đúng lúc trăng mọc, từ đại dương dâng lên một ngọn sóng bao phủ khắp hòn đảo đến tận đầu gối, khi người khôn ngoan ấy thấy đợt sóng dâng lên thì vội thả thuyền ra.

Bọn người theo phe người thợ ngu si gồm năm trăm gia đình, cứ ngồi bảo nhau: Một ngọn sóng đã dâng lên trên đảo. Nhưng nó sẽ không cao hơn đâu. Sau đó sóng biển dâng cao lên thắt lưng, rồi cao bằng đầu người, cao tận ngọn cây dừa, rồi bảy cây dừa, rồi phủ lên khắp hòn đảo.

Con người nhiều mưu trí ấy, biết đủ phương cách, không than lam các tài vật, nên đã ra đi an toàn. Còn người thợ ngu si tham của cải, không thấy nỗi kinh hoàng trong tương lai nên đã bị tiêu hủy cùng năm trăm gia đình nọ.

Và ba vần kệ nữa đầy tính cách giáo hóa, để làm sáng tỏ vấn đề trên, là kệ phát xuất từ trí tuệ Tối thắng:

Do nghiệp làm, như giữa đại dương,

Nên người trí hiểu điều sâu kín,

Chẳng phạm ngày sau lỗi cỏn con.

Kẻ ngu, khờ dại nuốt tham lam,

Chẳng hiểu tương lai hiểm họa tràn,

Chìm ngập trước nhu cầu hiện tại,

Như người tận số giữa trùng dương.

Hãy làm xong việc trước khi cần,

Ðừng để túng cùng phải khổ thân,

Ai đúng thời làm điều thiết yếu,

Chẳng hề lâm cảnh ngộ đau buồn.

Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt pháp thoại này, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải lần đầu tiên, mà cả ngày xưa nữa, Đề Bà Đạt Đa đã bị mắc vào bẫy dục lạc hiện tại mà không nhìn thấy tương lai, nên đã gặp hủy diệt cùng đồng bọn của kẻ ấy.

Nói xong, Ngài nhận diện tiền thân: Thời bấy giờ, Đề Bà Đạt Đa là người thợ mộc ngu si, Kokàlika là vị ác Thần đứng ở phương Nam, Sàriputta Xá Lợi Phất là vị thần đứng ở phương Bắc và ta chính là người thợ mộc có trí khôn ngoan kia.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần