Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Hai - Phẩm Mười Hai Bài Kệ - Chuyện Vương Tử Liên Hoa Tiền Thân Mahà Paduma

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI HAI  

PHẨM MƯỜI HAI BÀI KỆ  

CHUYỆN VƯƠNG TỬ LIÊN HOA

TIỀN THÂN MAHÀ PADUMA  

Vua chẳng nên trừng phạt tội hình. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tai Kỳ Viên về Ciddamànavikà người đã vu cáo Đức Phật về việc thông gian.

Khi đấng Thập Lực mới đạt Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác, sau đó chúng đệ tử này càng đông đảo, vô số Chư Thiên và loài người đã được sinh lên Thiên Giới, hạt duyên lành gieo rắc khắp nơi, nên Ngài được uy danh lừng lẫy và lễ vật cúng dường cao trọng.

Bọn ngoại đạo tà giáo chẳng khác nào bầy đom đóm sau buổi bình minh, họ chẳng còn danh vọng, lợi dưỡng cúng dường nữa.

Họ liền ra giữa đường hét lớn vào đám dân chúng: Nay sao, Sa Môn Gotama là bậc giác ngộ à?

Chúng ta cũng là những bậc giác ngộ.

Chỉ có các lễ vật cúng dường cho vị ấy mới mang lại kết quả lớn sao?

Những vật cúng dường cho chúng ta cũng mang lại kết quả lớn cho các ngươi.

Vậy các ngươi hãy cúng dường cho chúng ta, phục vụ chúng ta nữa chứ?

Song dù họ kêu gào mãi, họ cũng chẳng hưởng được danh vọng lợi dưỡng nào cả.

Sau đó họ bí mật họp nhau lại, và bàn bạc vấn kế: Làm thế nào ta có thể gây ô nhục cho Sa Môn Gotama trước mặt công chúng để chấm dứt danh vọng lợi dưỡng cúng dường của ông ấy đây?

Lúc bấy giờ tại Xá Vệ có một cô gái kia tên là Cincamànavikà, vẻ đẹp tuyệt trần, dáng kiều diễm mảnh mai, như một Nữ Thần, ánh sáng như tỏa ra từ thân thể nàng.

Có người bày mưu kế ác độc như sau: Nhờ Cincamànavikà giúp sức, ta có thể gây ô nhục cho Sa Môn Gotama và chấm dứt danh vọng lợi dưỡng mà ông đang hưởng. Phải lắm, cả bọn đồng ý. Ta phải làm cách ấy đấy. Khi nàng ấy đến chỗ tu hành của bọn ngoại đạo tà giáo, đảnh lễ họ rồi đứng yên, bọn tà Đạo Sư không nói gì với nàng cả.

Nàng hỏi: Con có lỗi gì chăng?

Con đã chào các Tôn Giả ba lần rồi.

Nàng lại bảo: Thưa các Tôn Giả, tại sao các vị không nói gì với con?

Họ đáp: Này chị, chị có biết Sa Môn Gotama đang du hành qua đây và làm hại chúng ta, làm mất hết mọi danh vọng và lợi dưỡng cúng dường mà chúng ta đã được hưởng trước kia chăng?

Thưa các Tôn Giả, con không biết việc đó, nhưng con có thể làm gì được?

Này chị, nếu chị muốn chúng ta được tốt lành thì hãy tự mình gây ô nhục cho Sa Môn Gotama để chấm dứt danh vọng lợi dưỡng mà vị ấy đang hưởng.

Nàng đáp: Thưa các Tôn Giả, được lắm, xin để việc ấy cho con đừng lo lắng gì nữa. Nói vậy xong nàng từ giã ra đi. Sau đó nàng dùng mọi xảo thuật của nữ nhân để đánh lừa người đời. Khi dân chúng ở Xá Vệ nghe pháp xong và ra về từ Kỳ Viên, nàng lại thường đi về phía Kỳ Viên, khoác chiếc y nhuộm màu đỏ yên chi, tay cầm vòng hoa thơm ngát.

Khi có ai hỏi nàng: Ði đâu vào giờ này?

Nàng thưởng trả lời: Các vị có liên quan gì đến việc tôi di, tôi về mà hỏi?

Nàng cứ ở lại ban đêm trong am thất của bọn tà Đạo Sư ấy, sát gần Kỳ Viên, rồi đến sáng sớm mai, khi các Cư Sĩ cận sự của Tăng Chúng từ Kinh Thành đến đảnh lễ Tăng Chúng buổi sáng, nàng thường hay gặp gỡ họ như thể nàng đã ở lại ban đêm tại Kỳ Viên rồi đi về Kinh Thành.

Nếu có ai hỏi nàng đã ở lại nơi đâu, nàng liền trả lời: Tôi ở lại nơi đâu thì có việc gì đến các vị?

Song sau chừng sáu tuần lễ, nàng đáp: Tôi ở ban đêm tại Kỳ Viên với Sa Môn Gotama trong Hương phòng. Các người ngoại đạo bắt đầu thắc mắc không biết việc ấy có đúng chăng. Sau chừng ba bốn tháng, nàng lại quấn nhiều lớp vải quanh bụng, làm vẻ như thể nàng đang có thai, và khoác áo choàng đỏ ra ngoài. Rồi nàng tuyên bố là nàng có thai với Sa Môn Gotama khiến cho đám người ngu si mù quáng tin theo lời.

Sau chừng tám chín tháng nàng cột quanh người những miếng gỗ cuộn thành bó, khoác áo đỏ phủ lên, lấy xương hàm của bò đập vào tay chân thân thể cho sưng phồng to, và làm ra dáng mệt mỏi.

Một buổi chiều khi Đức Như Lai đang ngồi trên bảo tọa thuyết pháp, nàng bước vào giữa hội chúng, đứng trước mặt Đức Như Lai và nói: Này Ðại Sa Môn, quả thực Ngài đang thuyết pháp cho nhiều hội chúng. Giọng nói của Ngài thật êm ái, nhưng Ngài đã làm cho tiện thiếp có thai và ngày sanh đã gần kề, tuy thế Ngài không sắp đặt phòng bảo sanh cho thiếp, Ngài không cho thiếp bơ tươi hay dầu ăn gì cả.

Những việc tự Ngài không muốn làm, Ngài cũng không nhờ một người cư sĩ nào làm thay thế, như Vua Kosala, Ông Cấp Cô Ðộc hay nữ cận sự Visàkhà.

Tại sao Ngài không bảo một người trong các vị ấy làm những việc cần cho thiếp?

Ngài biết cách hưởng dục lạc, song lại không biết cách chăm sóc cái kết quả sẽ phát sinh từ đó. Thế là nàng ta phỉ báng Đức Như Lai giữa đại chúng như một người cố ném bùn làm vấy bẩn mặt trăng.

Ðức Như Lai ngưng thuyết giảng và thét lên như tiếng rống sư tử vang dội khắp nơi: Này chị, những điều chị vừa nói đúng hay sai, chỉ mình Ta và chị biết thôi.

Nàng đáp: Ðúng thế, quả thực vậy, việc này xảy ra như thế nào, chỉ mình Ngài và thiếp biết thôi. Ngay lúc ấy chiếc ngai vàng của Sakka Ðế Thích Thiên Chủ nóng rực lên.

Khi xem xét kỹ, Ngài thấy rõ lý do: Nàng Cincamànavikà đang vu cáo Đức Như Lai về một việc không có thực. Ngài quyết định làm sáng tỏ vấn đề này, liền cùng bốn Thiên Thần đi đến đó. Các Thiên Thần giả dạng bầy chuột đồng lập tức cắn sợi dây cột bó gỗ kia, rồi một cơn gió thổi tốc lên chiếc y đỏ nàng mặc, bó gỗ lộ ra và rơi xuống chân nàng, các ngón chân nàng đều bị đứt lìa cả.

Ðại chúng la lớn: Một con mụ phù thủy đang vu cáo bậc Chánh Ðẳng Giác. Ðại chúng liền khạc nhổ lên đầu nàng, lấy gậy gộc, đất đá xua đuổi nàng ra khỏi Tinh Xá Kỳ Viên.

Khi nàng đi khuất tầm mắt của Đức Như Lai, Đại Địa liền há miệng ra thành một đường nứt khổng lồ, đám lửa từ dưới địa ngục thấp nhất bốc lên khiến nàng bị bao vây giữa đám lửa như thể trong chiếc hồng y hôn lễ mà đám bạn sẽ phủ lên nàng, rồi nàng rơi xuống tầng địa ngục thấp nhất, và tái sinh tại đó.

Danh vọng và lợi dưỡng của đám tà sư vẫn tiêu tan, còn danh và lợi dưỡng của đấng Thập Lực lại tăng trưởng dồi dào hơn nữa.

Ngày hôm sau, Tăng Chúng bàn luận trong chánh pháp đường: Này Hiền hữu Tỳ Kheo, cô ả Cincamànavikà đã vu cáo Đức Phật Chánh Giác với công đức cao cả xứng đáng mọi lễ vật cúng dường, và cô ả đã bị đọa đày khủng khiếp. Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi Tăng Chúng đang nói chuyện gì khi ngồi tại đây. Ðại chúng trình với Ngài.

Ngài bảo: Không phải chỉ bây giờ nữ nhân này mới vu cáo Ta rồi bị tiêu diệt thảm khốc, mà ngày xưa cũng vậy. Nói xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba La Nại, Bồ Tát sinh làm Vương Tử của chánh Hậu. Vì thấy dung mạo của Bồ Tát đầy đủ phước lành như đóa sen nở, Vua đặt tên Ngài là Paduma Kumara nghĩa là Vương Tử Liên Hoa.

Khi lớn lên Ngài được dạy đầy đủ mọi ngành học thuật. Lúc đó bà chánh Hậu qua đời, Vua lại sắc phong một Vương Hậu khác và phong cho Ngài làm phó Vương.

Sau đó Vua sắp sửa lên đường đi dẹp loạn ở biên địa liền phán bảo Vương Hậu: Này ái khanh, hãy ở lại đây trong lúc trẫm đi dẹp loạn biên cương.

Song nàng đáp: Tâu Chúa Thượng, không được đâu, thiếp không muốn ở lại mà thiếp xin đi theo hầu Chúa Thượng.

Vua liền chỉ cho nàng thấy nỗi nguy hiểm ở chiến trường và nói thêm: Nàng hãy ở lại đây đừng lo buồn vì cho đến khi trẫm hồi cung, trẫm sẽ giao phó Thái Tử Paduma trọng trách chăm sóc mọi việc cần làm cho ái khanh rồi trẫm sẽ đi. Nói vậy xong Vua lên đường.

Khi Ngài đã đánh tan kẻ thù, bình định đất nước, Ngài trở về cắm trại ngoài Kinh Thành. Bồ Tát biết tin Vua cha trở về liền trang hoàng Kinh Thành thật rực rỡ, rồi canh phòng cẩn mật cung điện, xong xuôi một mình Ngài lên đường đón Phụ Vương. Vương Hậu quan sát diện mạo khôi ngô của Ngài, liền đem lòng say mê Ngài.

Khi giã từ Vương Hậu, Ngài bảo: Tâu Mẫu Hậu, Vương nhi có thể làm gì cho Mẫu Hậu được chăng?

Nàng bảo: Chàng gọi thiếp là mẫu hậu ư?

Rồi nàng đứng lên nắm hai tay Ngài bảo: Chàng hãy nằm trên Vương sàng của thiếp.

Ðể làm gì?

Ngài hỏi. Chúng ta hãy tận hưởng lạc thú ái ân cho đến khi Đức Vua trở về. Tâu Mẫu Hậu, Mẫu Hậu là mẹ của thần nhi, và Mẫu Hậu đang còn có Phụ Vương đây. Chưa bao giờ thần nhi nghe chuyện một nữ nhân, một kế mẫu, lại phá bỏ đạo lý đi theo dục lạc xác thịt như thế.

Làm sao thần nhi có thể phạm tội lỗi ô uế như vậy với mẫu hậu được?

Nàng nài nỉ Ngài hai ba lần, Ngài vẫn từ chối, nàng liền bảo: Thế ngươi không chịu làm như ta bảo ư?

Quả thật thần nhi không chịu!

Vậy thì ta sẽ tâu trình Vua cha ra lệnh chém đầu ngươi đi!

Bồ Tát bảo: Xin cứ làm như ý mẫu hậu. Rồi Ngài bỏ đi, để nàng lại đó, lòng đầy hổ thẹn nhục nhã.

Rồi trong lúc qua kinh hoàng, nàng suy nghĩ: Nếu Vương Tử đi nói chuyện với Vua cha trước ta thì ta sẽ không sống nổi đâu. Vậy chính ta phải lo nói trước với Ngài.

Thế là nàng không đụng tới các món ngự thiện, mà khoác vào chiếc hoàng y lấm lem, lại lấy móng tay cào sướt cả người, rồi ra lệnh cho cung nữ: Hễ giờ nào Đức Vua hỏi Vương Hậu ở đâu thì hãy tâu là lệnh bà bị bệnh. Rồi nàng nằm xuống, giả vờ đau ốm. Lúc bấy giờ Vua uy nghi diễu quanh Kinh Thành theo hướng bên hữu rồi vào cung thất.

Khi Ngài không thấy nàng, Ngài hỏi: Chánh Hậu đâu rồi?

Chúng đáp: Muôn tâu, lệnh bà đang bị bệnh.

Ngài liền vào nội cung, hỏi nàng: Ái hậu có việc gì bất an chăng?

Nàng cứ làm như thể không nghe gì cả.

Vua hỏi đến đôi ba lần nàng mới đáp: Tâu Ðại Vương, Ngài hỏi làm gì thế?

Xin Ðại Vương hãy im lặng: Phụ nữ xuất giá đều phải chịu cảnh như thân thiếp cả.

Ai đã làm phiền lòng Ái Hậu?

Vua bảo: Nói nhanh lên rồi trẫm sẽ hạ lệnh chém đầu nó.

Thế Ðại Vương đã để lại kẻ nào thay Ðại Vương trong Kinh Thành này, khi Ðại Vương ra đi?

Vương Tử Paduma.

Nàng nói tiếp: Và thế là Vương Tử vào phòng của thiếp, thiếp liền hỏi: Này Vương nhi đừng làm vậy, ta là Mẫu Hậu của Vương nhi.

Nhưng Vương Tử kêu lên: Không ai là Đức Vua ở đây trừ ta. Vậy ta sẽ đưa nàng về cung thất của ta và hưởng ái ân với nàng. Rồi Vương Tử nắm lấy tóc thiếp cứ kéo nhổ ra mãi, và do thiếp không chiều theo ý Vương Tử nên Vương Tử đánh đập thiếp trọng thương rồi bỏ đi.

Vua không cần điều tra sự việc mà nổi cơn thịnh nộ lên như con mãnh xà, liền ra lệnh cho quân sĩ: Bây đãu đi trói Vương Tử Paduma rồi đem lại đây cho trẫm. Họ liền đi đến cung thất của Ngài, đông đảo lũ lượt kéo qua Kinh Thành, trói Ngài lại, đánh đập, cột chặt hai tay Ngài ra sau lưng, quấn quanh cổ Ngài một vòng hoa đỏ của một tên tử tội, rồi dẫn Ngài đến cung, vừa đi vừa đánh đập.

Ngài biết rõ việc này là do Vương Hậu gây ra, nên trong khi Ngài vừa đi, Ngài vừa kêu lớn: Này các ngươi, ta không làm tội gì chống lại Đức Vua cả. Ta vô tội.

Cả Kinh Thành vang dội tin dữ: Chúng bảo Vua sắp hành hình Thái Tử theo lệnh một nữ nhân đấy!

Dân chúng ùa tới quỳ dưới chân Thái Tử mà kêu khóc vang lừng: Chúa công ơi! Ngài không đáng bị trừng phạt như thế này!

Cuối cùng họ đem Ngài đến trước Vua.

Vừa chợt thấy mặt Ngài, Vua không đè nén được những gì đang chất chứa trong lòng, liền kêu lớn: Kẻ này không phải là Vua, song đã làm thế công việc của Vua cha rất hoàn hảo, đó là Vương nhi của ta, tuy vậy nó đã xúc phạm Vương Hậu. Bây hãy lôi cổ nó đi, đem thả xuống vực của bọn trộm cướp cho nó chết đi.

Nhưng Vương Tử tâu: Tâu Phụ Vương, con không hề phạm tội ấy. Xin đừng giết con vì lời của một nữ nhân.

Vua vẫn không nghe theo Ngài, rồi toàn thể mười sáu ngàn cung phi ở chốn hậu cung đồng cất tiếng khóc than vang dội: Ôi Vương Tử Paduma thân yêu, Vương Tử Paduma hùng dũng, Ngài không đáng bị đối xử như thế này.

Kế đó tất cả các tướng quân và các lãnh chúa, cùng các vị Đại Thần đều kêu lớn: Tâu Chúa Thượng, Vương Tử là người hiền thiện và đức hạnh, vẫn giữ đúng truyền thống của dòng dõi Ngài, là bậc kế vị trên ngai. Xin đừng giết Ngài theo lời một nữ nhân mà không chịu nghe tâu trình gì cả. Phận sự một minh quân là phải hành động hết sức cẩn trọng.

Nói vậy xong, hội chúng liền ngâm bảo vần kệ:

Vua chẳng nên trừng phạt tội hình

Mà không nghe lý lẽ phân minh,

Cũng không tự xét suy cho kỹ

Mọi mặt, dù to, nhỏ thật tình.

Tướng quân trừng phạt lỗi lầm sai

Trước lúc đem ra xử hẳn hòi,

Giống kẻ sinh ra mù cặp mắt,

Ăn toàn xương xẩu lẫn đàn ruồi.

Ai phạt kẻ không có tội gì,

Ðể người có tội lọt qua đi,

Khác gì hơn một người mù mắt

Bụi trên đường cái quá gồ ghề.

Người xét xem toàn thể sự tình

Trong việc dù to, nhỏ thật rành,

Cai trị nước nhà theo cách ấy

Xứng ngôi chúa tể giữa quần sinh.

Người nào ở địa vị cao sang

Xử sự không nên quá dễ dàng,

Cũng chẳng nên làm khe khắt quá,

Song song thực hiện cả đôi đàng.

Quá dễ dàng hay bị miệt khinh,

Khắt khe thường nổi trận lôi đình,

Giữa hai điều ấy cần thông hiểu

Và giữ đường trung chính hợp tình.

Người đang nổi giận, hỡi Quân Vương,

Cũng nói nhiều như kẻ bất lương,

Và thế là đừng vì phụ nữ,

Giết Vương nhi nối dõi tông đường.

Song dù nói hết mọi cách, Quần Thần vẫn không thuyết phục được Vua theo lời họ. Bồ Tát cũng vậy, đã dùng hết mọi lời lẽ van xin nhưng không làm Vua cha nghe theo Ngài.

Không, Vua thật ngu si mù quáng phán bảo: Lôi cổ nó đi thả xuống vực sâu dành cho bọn trộm cướp.

Rồi Vua ngâm vần kệ thứ tám:

Cả nước này đang đứng một bên,

Bên kia ái hậu một mình riêng,

Với nàng, tuy vậy, ta khăng khít,

Thả nó vào hang, hãy cút liền!

Nghe các lời lẽ ấy, không ai giữa đám mười sáu ngàn phi tần đứng yên được trong khi toàn thể thần dân đưa tay lên vò đầu bứt tóc và kêu than khóc lóc.

Vua phán: Ðừng để bọn này cản trở việc quẳng tên kia xuống vực sâu. Rồi giữa đám Quần Thần, và dân chúng vây quanh than khóc, Vua cứ ra lệnh tóm lấy Vương Tử quẳng lộn nhào xuống vực sâu.

Lúc ấy vị thần trú ngụ ở trên đồi ấy dùng uy lực nhân từ an ủi Vương Tử, bảo: Hỡi Paduma, xin Ngài đừng sợ hãi. Vị Thần đưa cả hai tay ra đón lấy Ngài, ôm chặt Ngài vào lòng mình, truyền qua thân thể Ngài một niềm xúc động kỳ diệu, đem Ngài vào nơi cư trú của bầy rắn gồm tám loại, dưới quyền của vị Xà Vương. Vị rắn chúa đón Bồ Tát vào hang rắn, song lại chia cho Ngài một nửa giang sơn vinh hiển, và Ngài ở đó một năm tròn.

Rồi sau đó Ngài bảo: Ta muốn trở về cõi nhân gian.

Chúng hỏi: Ðến nơi đâu?

Ðến Tuyết Sơn, nơi ta muốn sống đời tu hành. Xà Vương chấp thuận, mang Ngài đi đến tận nơi có loài người đi qua lại, trao cho Ngài đủ mọi vật dụng cần thiết của đời tu hành, rồi trở về chốn cũ.

Thế là Ngài tiến lên vùng Tuyết Sơn, đi theo cuộc đời đạo hạnh, tu tập năng lực thiền định đem đến an lạc, Ngài ở đó nuôi sống mình bằng các thứ củ quả rừng. Lúc bấy giớ có một người kiểm lâm ở Ba La Nại, đi đến chốn ấy, và nhận ra bậc Ðại Sĩ.

Gã bảo: Tâu chúa công, có phải chăng Ngài là Thái Tử Paduma vĩ đại?

Ngài đáp: Chính phải, thưa tôn ông. Kẻ kia đảnh lễ Ngài và ở lại chơi vài ngày.

Sau đó y trở về Ba La Nại, trình với Vua: Tâu Chúa Thượng, Thái Tử đã theo cuộc đời tu hành ở vùng Tuyết Sơn, hiện đang sống trong am lá. Hạ thần đã đến tận đó ở với Ngài và trở về đây.

Vua hỏi: Ngươi chính mắt trông thấy Thái Tử chăng?

Tâu Chúa Thượng, chính phải. Vua liền cùng đám đông tùy tùng đến đó, đóng trại ở ven rừng rồi cùng vài cận thần đi đến đảnh lễ bậc Ðại Sĩ lúc ấy đang ngồi ở ngưỡng cửa am trong mọi vẻ uy nghi rực rỡ, còn Vua ngồi xuống một bên.

Các cận thần cũng đảnh lễ Ngài với lời lẽ rất thân ái, xong cùng ngồi một bên cả. Về phần bậc Ðại Sĩ, Ngài mời Vua dùng trái rừng và đàm đạo rất vui vẻ với Vua.

Sau đó Vua hỏi: Này Vương nhi, con bị ta thả xuống vực sâu, làm cách nào mà còn sống sót được?

Và Vua ngâm vần kệ thứ chín để hỏi chuyện đó:

Con bị thả vào miệng vực sâu,

Bên sườn núi dựng, dốc đèo cao,

Chẳng ai cứu giúp, rừng dừa rậm,

Con vẫn bình an bởi cách nào?

Sau đây là những câu kệ còn lại gồm năm vần xen kẽ nhau:

Ba vần do Bồ Tát ngâm và hai vần do Vua ngâm.

Vương Tử:

Một mãnh xà kia đủ lực hùng

Sinh ra sống dưới đất trong rừng,

Bắt con cuộn lấy trong mình rắn,

Con được bình an, thoát tử Thần.

Vua cha:

Cha sẽ đưa con, hỡi thiếu nhi,

Quay về cung điện của cha đi,

Con làm gì nữa trong rừng núi,

Hạnh phúc con nay sẽ trị vì.

Vương Tử:

Kẻ nào đã nuốt móc mồi câu,

Khi kéo móc ra, máu đỏ trào,

Kéo được móc rồi là hạnh phúc,

Lòng con hỷ lạc tuyệt thanh cao.

Vua cha:

Sao con nói đến móc mồi câu?

Con nói vậy sao đến máu đào?

Con lại nói sao về rút móc?

Cha nay muốn biết việc kia nào?

Vương Tử:

Dục tham là chính móc mồi câu,

Con nói ngựa voi, chính máu đào,

Con rút ra nhờ lìa thế tục,

Cha cần biết chuyện ấy, muôn tâu.

Tâu Ðại Vương, như vậy việc làm Vua không có nghĩa gì đối vối con cả. Song Ðại Vương phải chú tâm đừng vi phạm Thập Vương Pháp mà phải từ bỏ các ác nghiệp và trị dân thật chân chính. Bậc Ðại Sĩ khuyến giáo Vua cha qua những lời đó.

Vua vừa than khóc vừa từ giã ra đi, và trên đường về Kinh, Vua hỏi các cận thần: Vì ai mà ta phải chia lìa với một người con đức độ như thế?

Hội chúng đáp: Chính vì Vương Hậu. Vua liền ra lệnh bắt Vương Hậu thả xuống vực sâu dành cho bọn trộm cướp, rồi vào thành cai trị theo đúng chánh pháp.

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại này, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, như vậy nữ nhân này đã vu cáo ta thuở xưa, và phải chịu hủy diệt thương đau.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân bằng cách ngâm vần kệ cuối cùng:

Kế mẫu ta là ả Cin Ca,

Đề Bà đạt, ấy chính Vua cha,

Ta là Thái Tử Liên Hoa nọ,

Còn vị thần non thuở ấy là

Xá Lợi Phất giờ đây Trưởng Lão,

Thiện xà chúa nọ A Nan Đà,

Và này Tăng Chúng, ta tuyên bố

Kết thúc tiền thân ấy của ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần