Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Một - Phẩm Mười một Bài Kệ - Chuyện Vương Tử Nguyệt Quang Tiền Thân Junha

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI MỘT  

PHẨM MƯỜI MỘT BÀI KỆ  

CHUYỆN VƯƠNG TỬ NGUYỆT QUANG

TIỀN THÂN JUNHA  

Tâu Ðại Vương nghe lão nói điều này. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về các đặc ân mà Tôn Giả Ànanda nhận được.

Suốt trong hai mươi năm đầu Ngài chứng đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, các thị giả Đức Thế Tôn không phải chỉ là một người: Khi thì Tôn Giả Nàgasamàla, khi thì Tôn Giả Nàgita, Upavàna, Sunakkhatta, Cunda, Sàgala, khi thì Meghiya hầu hạ Đức Thế Tôn.

Một ngày kia, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, nay ta đã già, và khi ta bảo chúng ta hãy đi đường này, vài người trong Tăng Chúng lại đi đường khác, có người làm rơi bình bát và y của ta xuống đường. Vậy hãy chọn một Tỳ Kheo luôn luôn hầu cận ta.

Sau đó, Tăng Chúng đồng đứng lên, bắt đầu với Tôn Giả Sàriputta Xá Lợi Phất, và chấp hai tay lên đầu nói lớn: Bách Thế Tôn, con xin hầu hạ Thế Tôn, con muốn hầu hạ Thế Tôn.

Nhưng Ngài từ chối trả lời: Lời thỉnh cầu của các ông đã được ta biết trước, thôi đủ rồi.

Sau đó Tăng Chúng nói với Tôn Giả Ànanda: Này Hiền Giả, Hiền Giả hãy xin giữ chức vụ thị giả.

Tôn giả đáp: Nếu Đức Thế Tôn sẽ không ban cho ta chiếc y mà chính Ngài đã nhận, nếu Ngài sẽ không ban cho ta đồ ăn khất thực của Ngài, nếu Ngài sẽ không cho phép ta ở cùng trong Hương phòng, nếu Ngài sẽ không muốn cho ta cùng Ngài đi đến nơi Ngài được mời.

Nhưng nếu Đức Thế Tôn sẽ đi với ta đến nơi mà ta được mời, nếu ta sẽ được phép giới thiệu hội chúng vào lúc hội chúng từ các vùng xa xôi hay các nước ngoài đến yết kiến Đức Thế Tôn, nếu ta sẽ được gặp Đức Thế Tôn khi có nghi vấn khởi lên, hoặc nếu bất cứ khi nào Đức Thế Tôn thuyết pháp mà ta vắng mặt thì Ngài sẽ thuyết pháp lại cho ta ngay lúc trở về: 

Thế thì ta sẽ hầu hạ Đức Thế Tôn. Tôn giả cầu xin tám đặc ân này, bốn điều không và bốn điều có và Đức Thế Tôn ban tất cả cho Tôn Giả. Sau đó Tôn Giả thường xuyên hầu hạ bậc Ðạo Sư trong hai mươi lăm năm liền.

Vì vậy sau khi đã đạt được năm đức tính xuất sắc và sau khi thành tựu bảy phúc lạc. Phúc lạc về Ðạo Pháp, phúc lạc về sự giáo hóa, phúc lạc về sự tuệ tri các nhân duyên, phúc lạc về sự quán sát công đức của mình, phúc lạc vì được ở trong một Thánh Chúng, phúc lạc về nhiệt tâm tinh cần được khai sáng, phúc lạc về khả năng đạt giác ngộ.

Vào hầu cận Đức Phật, Tôn Giả nhận được tám đặc ân và trở nên danh tiếng trong giáo pháp của Đức Phật, Tôn Giả sáng chói chẳng khác nào mặt trăng trên bầu Trời.

Một ngày kia Tăng Chúng bắt đầu nói đến chuyện ấy trong Chánh Pháp Đường: Này Hiền hữu, Đức Như Lai đã làm thỏa nguyện Tôn Giả Ànanda bằng cách ban các điều ước của Tôn Giả.

Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi: Này các Tỳ Kheo, các ông đang nói chuyện gì trong khi ngồi ở đây?

Tăng Chúng thưa với Ngài.

Sau đó Ngài bảo: Không phải đây là lần đầu tiên, này các Tỳ Kheo, mà thuở xưa cũng như bây giờ ta đã làm thỏa nguyện Ànanda với một đặc ân. Ngày xưa cũng như bây giờ, bất cứ điều gì ông muốn xin, ta đều ban cho cả.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ. Một thuở nọ khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, một Vương Tử của Ngài là Junha hay Nguyệt Quang Vương Tử đang theo học tại Takkasilà.

Một đêm kia, sau khi lắng nghe kỹ lưỡng lời dạy bảo của vị Giáo Sư, chàng từ giã nhà của thầy trong đêm tối và lên đường về nhà. Một Bà La Môn đã đi khất thực, và đang trên đường về nhà, còn Vương Tử vì không thấy vị này, nên chạy đến đụng vào Bà La Môn ngã xuống và kêu lên. Chàng động lòng thương liền quay lại, cầm lấy hai tay vị kia và đỡ dậy.

Vị Bà La Môn nói: Này con, con đã làm vỡ bình bát của ta, vậy hãy cho ta tiền mua một bữa ăn.

Vương Tử đáp: Thưa Tôn Giả Bà La Môn, bây giờ tiểu sinh không thể cho Ngài tiền bữa ăn được. Nhưng tiểu sinh là Vương Tử Junha, con Vua xứ Kàsi, khi tiểu sinh về Vương Quốc, Ngài có thể gặp tiểu sinh và xin số tiền ấy.

Khi chàng trai hoàn tất việc học tập, chàng tạ từ thầy dạy và trở về Ba La Nại, trình Vua cha việc học tập của chàng. Trẫm đã thấy được con trước khi từ trần Vua phán và muốn thấy con trẫm lên ngôi. Sau đó Ngài làm lễ quán đảnh cho con và phong chàng lên ngôi Vua. Với Danh Hiệu Ðại Vương Junha, Vương Tử cai trị rất chân chánh.

Khi vị Bà La Môn hay tin ấy, ông nghĩ rằng giờ đây mình có thể lấy lại tiền bữa ăn rồi. Thế là ông đến Ba La Nại, thấy toàn thể Kinh Thành được trang hoàng rực rỡ và Vua đang ngự du trong đám rước rất uy nghi hướng về phía hữu, diễu quanh Kinh Thành.

Ðứng trên một chỗ cao, vị Bà La Môn giơ tay kêu lớn: Ðại Vương toàn thắng! Vua đi qua mà không nhìn thấy ông.

Khi vị Bà La Môn thấy mình không được chú ý, liền ngâm một vần kệ để xin Ngài giải thích:

Tâu Ðại Vương, nghe lão nói điều này

Chẳng phải là vô cớ lão về đây,

Ðời thường bảo: Mình không nên vượt quá

Người du sĩ đứng ngay trên đường sá.

Khi nghe những lời này, Vua thúc Vương Tượng quay lại với cái gậy nạm ngọc của Ngài và ngâm vần kệ thứ hai:

Ta đứng nghe, này Ðạo Sĩ nói ngay,

Cớ sao Ngài cất bước đến nơi đây?

Ngài ao ước một đặc ân nào đó,

Mà phải tìm, xin nói cho ta rõ.

Và câu chuyện của Vua và vị Bà La Môn hỏi đáp lẫn nhau được kể lại trong các vần kệ sau đây:

Bà La Môn:

Xin cho lão năm ngôi làng Thượng Hạng,

Bảy trăm bò, tỳ nữ một trăm nàng,

Hơn một ngàn đồ trang sức bằng vàng,

Hai người vợ với ta cùng dòng dõi.

Quốc Vương:

 Ðạo Sĩ ơi, Ngài có điều sám hối

Thật hãi hùng khi phải thổ lộ ra,

Ngài có nhiều Thần Chú hoặc đạo bùa,

Hay ma quỷ sẵn sàng tuân mệnh lệnh?

Hoặc thỉnh cầu vì hầu ta chân chính?

Bà La Môn:

Không ăn năn, chẳng Thần Chú, đạo bùa,

Không quỷ ma nào tuân lệnh của ta,

Không đòi thưởng vì công lao giúp đỡ,

Song trước kia chúng ta đà gặp gỡ,

Ðây chính là sự thật phải trình ra.

Quốc Vương:

Trẫm không sao nhớ nổi, thời gian qua,

Rằng trẫm đã tương phùng Ngài thuở nọ,

Trẫm van Ngài nói điều này cho rõ

Khi gặp nhau, nơi chốn, thuở xưa xa?

Bà La Môn:

Trong thành đô mỹ lệ chúa Gandhà,

Tâu Chúa Thượng, Takka là chốn ở,

Ðêm tối đen như mực kia, tại đó

Lão và Ngài cùng vụt tới chạm vai,

Khi chúng ta đang đứng đó, thưa Ngài,

Cuộc trò chuyện bắt đầu đầy thân thiện,

Chỉ lần đó chúng ta cùng diện kiến,

Trước chẳng hề và sau đó cũng không.

Quốc Vương:

Khi trí nhân đã gặp, hỡi La Môn,

Thiện nhân giữa đời không nên để mặc

Tình bạn xưa nay cố nhân đi khuất,

Chẳng vì đâu, làm việc cũ chẳng quên!

Chính kẻ ngu chối bỏ việc xưa liền.

Và bỏ mặc tình người xưa chẳng nhớ

Những người ấy chúng có lần gặp gỡ.

Người ngu làm nhiều việc chẳng ra gì,

Chúng vong ân và chúng cứ quên đi.

Song chánh nhân chẳng hề quên quá khứ,

Tình bằng hữu, người quen, luôn gắn bó,

Việc nhỏ nhoi do bằng hữu làm nên

Cũng chẳng hề bị từ chối, lãng quên,

Chánh nhân tận cuối đời ghi ơn bạn.

Trẫm ban cố nhân năm làng thượng hạng,

Bảy trăm bò, nữ tỳ một trăm nàng,

Hơn một ngàn đồ trang sức bằng vàng,

Hai người vợ, với Ngài cùng đẳng cấp.

Bà La Môn:

Ðại Vương ôi, khi thiện nhân hòa hợp,

Như trăng rằm ta thấy giữa sao Trời,

Như ta đây cũng vậy, Chúa công ôi,

Vì Ngài đã giữ lời xưa giao ước.

Bồ Tát liền tỏ thêm niềm quý trọng đối với Đạo Sĩ kia.

Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt pháp thoại này.

Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu ta làm Ànanda thỏa nguyện với các đặc ân, mà ta đã làm như vậy ngày xưa nữa.

Cùng các lời này, Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Ànanda là vị Bà La Môn, và ta chính là Vua.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần