Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tu Tập Trụ

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH TU TẬP TRỤ  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni Câu Luật, tại nước Ca Tỳ La Vệ.

Bấy giờ, Ma Ha Nam dòng họ Thích đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ Kheo còn ở nơi học địa mà cầu lên Niết Bàn an ổn chưa được, bạch Thế Tôn, người ấy nên tu tập thế nào, tu tập nhiều, để ở trong pháp luật này được hết các lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tự tác chứng.

Biết rằng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau?

Phật bảo Ma Ha Nam: Nếu Tỳ Kheo còn nơi học địa mà cầu lên Niết Bàn an ổn chưa được, thì Tỳ Kheo ấy lúc bấy giờ, nên tu sáu niệm, cho đến lên được Niết Bàn.

Thí như người đói khát, thân thể ốm yếu, được thức ăn ngon, thân thể mập mạp. Cũng vậy Tỳ Kheo trụ nơi học địa, cầu con đường lên Niết Bàn an ổn chưa được, nên tu sáu tùy niệm cho đến chóng đắc Niết Bàn an ổn.

Những gì là sáu niệm?

Đối với Phật Sự, Thánh đệ tử niệm tưởng:

Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Thánh đệ tử lúc nhớ nghĩ như vậy không khởi tham dục triền, không khởi tâm sân nhuế, ngu si, tâm chánh trực, đạt nghĩa Như Lai và được chánh pháp của Như Lai. Đối với chánh pháp Như Lai và đối với Như Lai đạt được tâm tùy hỷ.

Do tâm tùy hỷ nên hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nên thân khinh an. Do thân khinh an nên được cảm giác lạc. Do được cảm giác lạc nên tâm được định.

Do tâm đã định nên vị Thánh đệ tử này dù ở giữa những chúng sanh hung hiểm mà không bị các chướng ngại, được vào dòng nước pháp cho đến Niết Bàn.

Lại nữa, đối với Pháp Sự, Thánh đệ tử niệm tưởng: 

Pháp luật của Thế Tôn, ngay trong đời này có thể lìa nhiệt não sanh tử, không đợi thời tiết, thông đạt hiện pháp, duyên tự mình mà giác tri.

Thánh đệ tử niệm pháp như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si cho đến ý nhớ nghĩ pháp được huân tập, thăng tiến Niết Bàn.

Lại nữa, đối với Tăng sự, Thánh đệ tử niệm tưởng: Đệ tử Thế Tôn là những vị thiện hướng, chánh hướng, trực hướng, thành hướng, hành pháp tùy thuận, có hướng Tu Đà Hoàn, đắc Tu Đà Hoàn.

Hướng Tư Đà Hàm, đắc Tư Đà Hàm, hướng A Na Hàm, đắc A Na Hàm, hướng A La Hán, đắc A La Hán, là bốn đôi tám Bậc Hiền Thánh.

Đó gọi là đệ tử Tỳ Kheo Tăng, tịnh giới có đủ, Tam Muội có đủ, trí tuệ có đủ, giải thoát có đủ, giải thoát tri kiến có đủ của Thế Tôn. Đáng được tôn nghinh, thừa sự cúng dường, là ruộng phước tốt.

Thánh đệ tử khi niệm tưởng Tăng Sự như vậy thì không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si cho đến niệm tưởng Tăng được huân tập, thăng tiến Niết Bàn.

Lại nữa, đối với Tịnh giới sự, Thánh đệ tử niệm tưởng: Giới không hoại, giới không khuyết, giới không nhơ, giới không tạp, giới không bị nô lệ, giới được khéo hộ trì, giới được người sáng suốt ca ngợi, giới được người trí không nhàm chán.

Thánh đệ tử khi niệm tưởng giới như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si cho đến niệm tưởng giới được huân tập, thăng tiến Niết Bàn.

Lại nữa, đối với bố thí sự, Thánh đệ tử tự niệm tưởng:

Ta được lợi lộc tốt, giữa những chúng sanh xan cấu mà ta lìa được tâm xan cấu, sống không nhà, thực hành bố thí giải thoát, thường tự tay bố thí.

Thích pháp hành xả, bố thí bình đẳng có đủ. Lúc Thánh đệ tử niệm tưởng bố thí như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si, cho đến niệm tưởng bố thí được huân tập, thăng tiến Niết Bàn.

Lại nữa, đối với Chư Thiên, Thánh đệ tử niệm tưởng: Có Tứ Đại Thiên Vương, Tam Thập Tam Thiên, Diệm Ma Thiên, Đâu Suất Đà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Nếu người nào có lòng chánh tín, khi mệnh chung ở đây sẽ sanh lên các Cõi Trời kia. Ta cũng sẽ thực hành chánh tín này. Vị kia có tịnh giới, thí, văn, xả, tuệ đến khi mệnh chung ở đây đã sanh lên Cõi Trời kia.

Nay ta cũng sẽ thực hành giới, thí, văn, xả, tuệ này. Thánh đệ tử niệm tưởng Thiên như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si, tâm chánh trực duyên đến nhớ nghĩ Chư Thiên.

Thánh đệ tử kia do trực tâm như vậy mà đạt được pháp lợi, nghĩa lợi sâu xa, được tùy hỷ lợi ích của Chư Thiên.

Do tùy hỷ nên sanh hoan hỷ. Do hoan hỷ nên thân khinh an. Do thân đã khinh an nên được cảm giác lạc. Do được cảm giác lạc rồi nên tâm được định.

Do tâm đã định nên vị Thánh đệ tử này dù ở giữa những chúng sanh hung hiểm cũng không bị các chướng ngại, được vào dòng nước pháp. Vì niệm tưởng Chư Thiên được huân tập, nên thăng tiến Niết Bàn.

Này Ma Ha Nam, nếu Tỳ Kheo nào còn ở học địa, muốn cầu lên Niết Bàn an lạc, mà tu tập nhiều như vậy, tất chóng được Niết Bàn, ở trong chánh pháp luật các lậu nhanh chóng diệt tận, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tự tác chứng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, nhưng việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Ma Ha Nam nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường