Phật Thuyết Kinh Nhập định Bất định ấn - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH NHẬP ĐỊNH BẤT ĐỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nghĩa Tịnh, Đời Đường  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thuở, Đức Thế Tôn ở trong núi Thứu Phong tại thành Vương Xá, cùng với đại chúng Bí Sô gồm một ngàn hai trăm năm mươi người và sáu mươi ức trăm ngàn Na Du Đa Đại Bồ Tát.

Những vị Bồ Tát ấy tên là: Diệu Cát Tường Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Tập Lôi Âm Vương Bồ Tát v.v… những vị Đại Bồ Tát như vậy đều là Thượng Thủ, tất cả đều được tịch tịnh.

Quyết trạch Tam Ma Địa, Kiện hành Tam Ma Địa, chẳng động Hải Triều Tam Ma Địa thậm thâm, thành tựu Quán đảnh Đà La Ni, thành tựu Vô Biên Chư Phật Sắc Thân Đà La Ni…

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Diệu Cát Tường bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nguyện xin Đức Thế Tôn vì các vị Bồ Tát diễn nói pháp môn nhập định bất định ấn!

Chúng con vào Pháp Ấn này nên liền giải rõ: Đây là Bồ Tát bất định cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đối với trí đạo vô thượng mà có thoái chuyển. Đây là Bồ Tát quyết định cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đối với trí đạo vô thượng mà chẳng thoái chuyển.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Diệu Cát Tường đồng tử rằng: Này Diệu Cát Tường! Ông phải biết Bồ Tát có năm thứ hành.

Những gì là năm?

Đó là Dương xa hành, Tượng xa hành, Nhật Nguyệt thần lực hành, Thanh Văn thần lực hành, Như Lai thần lực hành.

Này Diệu Cát Tường! Đó là năm thứ hành của Bồ Tát.

Này Diệu Cát Tường! Hai Bồ Tát đầu đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác là chẳng quyết định. Ba Bồ Tát sau đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác là được quyết định.

Bồ Tát Diệu Cát Tường bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn!

Tại sao hai hạng Bồ Tát bất định thì cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đối với trí đạo vô thượng mà có thoái chuyển?

Tại sao ba hạng Bồ Tát quyết định thì cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đối với trí đạo vô thượng mà chẳng thoái chuyển?

Đức Phật dạy rằng: Này Diệu Cát Tường! Sở dĩ gọi đi xe dê, đi xe voi là vì hai hạng Bồ Tát này cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đối với trí đạo vô thượng mà có thoái chuyển.

Còn đi bằng thần lực của nhật nguyệt, đi bằng thần lực của Thanh Văn, đi bằng thần lực Như Lai thì ba hạng Bồ Tát này cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đối với trí đạo vô thượng mà chẳng thoái chuyển.

Này Diệu Cát Tường! Sao gọi là Bồ Tát đi xe dê?

Ví như có người vì nhân duyên đại sự, nhân duyên trọng sự muốn đi qua Thế Giới nhiều như số vi trần của năm Cõi Phật.

Họ tự suy nghĩ: Ta nay phải cưỡi xe gì mà có thể vượt qua số Thế Giới như vậy?

Rồi người đó tác khởi ý nghĩ rằng: Ta phải cưỡi xe dê để qua những Thế Giới đó!

Này Diệu Cát Tường! Người đó liền cưỡi xe dê theo đường mà đi. Đi lâu, chịu nhiều lao khổ, người đó đi được một trăm du thiện na thì gặp cơn gió to thổi khiến cho lùi trở lại tám mươi du thiện na.

Này Diệu Cát Tường! Ý ông thế nào?

Người đó cưỡi xe dê kia, hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc ức kiếp, hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp mà có thể vượt qua một Thế Giới chăng?

Ngài Diệu Cát Tường đáp rằng: Chẳng được, thưa Đức Thế Tôn! Người đó cưỡi xe dê kia, hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc ức kiếp hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp mà có thể vượt qua một Thế Giới thì không có điều đó!

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Diệu Cát Tường! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm mong cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà cùng với Thanh Văn đồng chung dừng ở, thừa sự, thân cận, tập quen, luận bàn.

Hoặc tại vườn rừng và ở trong Chùa đồng chỗ kinh hành, đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh Văn Thừa, giải thích những nghĩa lý ấy, hoặc lại dạy người khác đọc tụng suy nghĩ giáo lý Thanh Văn Thừa, giải thích nghĩa lý ấy.

Do người này thọ trì giáo lý Thanh Văn Thừa, gieo trồng căn lành nên trí tuệ nhỏ nhoi, thoái chuyển trí đạo vô thượng.

Tuy trước họ tu tập tâm bồ đề, tuệ căn, tuệ nhãn, nhưng do thọ trì giáo lý Thanh Văn Thừa nên khiến cho căn họ trở nên ngu độn, liền thoái lui mất trí đạo vô thượng.

Này Diệu Cát Tường! Ví như có người bị bệnh nhắm tối mắt. Muốn cho mở ra nên trải qua hàng tháng trị liệu thuốc men mắt người ấy bớt dần thì có kẻ oán dùng tiêu bột mịn búng vào trong mắt thì mắt liền nhắm lại, tối tăm.

Đúng vậy! Đúng vậy! Này Diệu Cát Tường! Bồ Tát kia, tuy trước tu tập tâm bồ đề, tuệ căn, tuệ nhãn, nhưng do thọ trì giáo lý Thanh Văn Thừa, gieo trồng thiện căn nên khiến cho căn của họ trở nên ngu độn liền thoái lui mất trí đạo vô thượng.

Này Diệu Cát Tường! Như vậy gọi là Bồ Tát đi xe dê.

Này Diệu Cát Tường! Sao gọi là Bồ Tát đi xe voi?

Ví như có người vì nhân duyên đại sự, nhân duyên trọng sự nên muốn đi qua vi trần Thế Giới như trước.

Người đó tự suy nghĩ: Ta nay phải cưỡi xe gì mà có thể vượt qua số Thế Giới như vậy.

Rồi Bồ Tát đó nghĩ rằng: Ta sẽ cưỡi xe voi thượng diệu đầy đủ tám chi kia để qua số Thế Giới đó.

Này Diệu Cát Tường! Người đó liền cưỡi xe voi theo đường mà đi. Trải qua một trăm năm, người đó đi được hai ngàn du thiện na thì bỗng gặp cơn gió to thổi mạnh khiến cho lùi trở lại một ngàn du thiện na.

Này Diệu Cát Tường! Ý ông thế nào?

Người cưỡi xe voi kia, hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc ngàn ức kiếp, hoặc chẳng thể nói, chẳng thể nói kiếp mà có thể vượt qua được một Thế Giới chăng?

Ngài Diệu Cát Tường đáp rằng: Chẳng được, thưa Đức Thế Tôn! Người đó cưỡi xe voi kia, hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc ngàn ức kiếp, hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp mà có thể vượt qua một Thế Giới thì không có điều đó.

Đúng vậy! Đúng vậy! Này Diệu Cát Tường! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm mong cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà liền cùng với Thanh Văn đồng chung dừng ở, thừa sự, thân cận, tập quen, đàm luận.

Cùng chung thọ dụng, hoặc tại vườn rừng và ở trong Chùa, đồng chỗ kinh hành, đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh Văn Thừa, giải thích nghĩa lý ấy, hoặc lại dạy người khác đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh Văn Thừa, giải thích nghĩa lý ấy.

Do người này thọ trì giáo lý Thanh Văn Thừa gieo trồng căn lành nên trí tuệ nhỏ nhoi, thoái lui trí đạo vô thượng.

Tuy trước người đó tu tập tâm Bồ Đề, tuệ căn tuệ nhãn nhưng do thọ trì giáo lý Thanh Văn Thừa, gieo trồng căn lành nên khiến cho Bồ Tát ấy căn tính ngu độn, liền thoái lui mất trí đạo vô thượng.

Này Diệu Cát Tường! Ví như cây to cao một trăm ngàn du thiện na rơi vào trong biển lớn theo sóng trôi đi. Có nhiều Dạ Xoa sống ở trên không vào trong biển điều khiển cho dừng lại, rồi dùng cái chày bằng sắt ngang dọc năm ngàn du thiện na buộc cho đứng lại.

Này Diệu Cát Tường! Ý ông thế nào?

Cây lớn này có thể vượt biển cả, cùng các loài hữu tình tạo tác lợi ích chăng?

Ngài Diệu Cát Tường đáp rằng: Chẳng thể được, thưa Đức Thế Tôn!

Đức Phật dạy: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Diệu Cát Tường! Bồ Tát đó tuy lại tu tập tâm bồ đề, trọ trì đại thừa, gieo trồng các căn lành, nhưng do tu tập Pháp Thanh Văn nên đối với biển nhất thiết trí nó dẫn dắt khiến họ thoái lui, chẳng thể tiến đến biển nhất thiết trí, ở trong biển sinh tử họ chẳng thể cứu tế tất cả loài hữu tình.

Này Diệu Cát Tường! Như vậy gọi là Bồ Tát đi xe voi.

Này Diệu Cát Tường! Sao gọi là Bồ Tát đi bằng thần lực mặt trời, mặt trăng?

Ví như có người vì nhân duyên đại sự, nhân duyên trọng sự nên muốn đi qua vi trần Thế Giới như trước.

Người đó tự suy nghĩ rằng: Ta nay phải xử dụng sức thần thông mà có thể vượt qua số Thế Giới như vậy?

Rồi người ấy nghĩ rằng: Ta sẽ sử dụng thần lực mặt trời, mặt trăng để qua những Thế Giới đó.

Này Diệu Cát Tường! Người đó liền dùng thần lực mặt trời, mặt trăng theo đường mà đi.

Này Diệu Cát Tường! Ý ông thế nào?

Người đó có thể vượt qua những Thế Giới đó chăng?

Ngài Diệu Cát Tường bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Người đó có thể vượt qua những Thế Giới như vậy mà ở trên đường dài phải trải qua nhiều cần khổ.

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy! Này Diệu Cát Tường! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm mong cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà chẳng cùng Thanh Văn đồng chung trụ dừng, thừa sự, thân cận, tập quen, đàm luận, cùng chẳng cùng chung với họ thọ dụng y thực.

Chẳng tại vườn rừng và ở trong Chùa đồng chỗ kinh hành, đọc tụng suy nghĩ giáo lý Thanh Văn Thừa, thậm chí một bài kệ tụng cũng chẳng dạy người khác đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh Văn Thừa, thường chỉ đọc tụng đại thừa, diễn nói đại thừa.

Này Diệu Cát Tường! Như vậy gọi là Bồ Tát đi bằng thần lực mặt trời, mặt trăng.

Này Diệu Cát Tường! Sao gọi là Bồ Tát đi bằng thần lực Thanh Văn?

Ví như có người vì nhân duyên đại sự, nhân duyên trọng sự nên muốn đi qua vi trần số Thế Giới như trước.

Người đó tự suy nghĩ rằng: Ta nay phải tạo tác sức thần thông gì mà có thể vượt qua số Thế Giới như vậy?

Người đó liền nghĩ rằng: Ta sẽ tạo tác thần lực của Thanh Văn đó để qua số Thế Giới kia. Rồi người đó liền dùng thần lực Thanh Văn đi qua số Thế Giới kia.

Này Diệu Cát Tường! Ý ông thế nào?

Người đó có thể vượt qua số Thế Giới kia chăng?

Bồ Tát Diệu Cát Tường bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Người đó có thể vượt qua số Thế Giới như vậy.

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Diệu Cát Tường! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm mong cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà chẳng cùng với Thanh Văn đồng chung dừng ở, thừa sự, thân cận, tập quen, đàm luận, cũng chẳng cùng chung thọ dụng y thực.

Chẳng ở tại vườn rừng, ở trong Chùa, đồng chỗ kinh hành, đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh Văn Thừa thậm chí một bài kệ tụng cũng chẳng dạy người khác đọc tụng, suy nghĩ, giáo lý Thanh Văn Thừa, thường chỉ đọc tụng, diễn nói đại thừa.

Đối với người thâm tín đại thừa, đọc tụng đại thừa, nhiếp thọ đại thừa thì người ấy sinh lòng cung kính, thân phụng, hướng về mà cùng chung dừng ở, thừa sự, gần gũi, tập quen, đàm luận, thường cầu đại thừa thọ trì đọc tụng.

Người ấy lại dùng đủ thứ hương hoa, hương xoa, bột hương, đèn sáng, vòng hoa cài đầu… lòng kính cúng dường, thường chỉ đọc tụng Kinh Điển đại thừa và bằng tấm lòng hoan hỷ vì mọi người diễn nói.

Đối với Bồ Tát chưa học lòng sinh cung kính, tươi cười trước khi nói, lời nói chẳng thô ác, nói năng dịu dàng khiến cho người ưa nghe. Giả sử gặp phải nhân duyên mất mạng cũng chẳng lìa bỏ tâm đại thừa.

Nếu có Bồ Tát phát khởi đại thừa, đọc tụng đại thừa, nhiếp thọ đại thừa… thì thường đối với người khởi tâm tăng thượng mà cúng dường, cũng chẳng cùng người khác cạnh tranh, đối với Kinh đại thừa chưa từng nghe thì thường mong cầu.

Đối với người thuyết pháp thì khởi lòng cung kính, phát sinh Đại Sư tưởng, đối với Bồ Tát chưa học cũng sinh lòng kính trọng, đối với lỗi lầm của người khác, hoặc thật, chẳng thật chẳng nên quở trách, cũng chẳng ưa cầu tìm lỗi lầm của người khác, thường ưa tu từ bi hỷ xả.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần