Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Sáu - Phẩm Ba Mươi Bài Kệ - Chuyện Khỉ Chúa Tiền Thân Mahàkapi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI SÁU  

PHẨM BA MƯƠI BÀI KỆ  

CHUYỆN KHỈ CHÚA

TIỀN THÂN MAHÀKAPI  

Tương truyền Đại Đế xứ Kàsi. Câu chuyện này được bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm, về việc Devadatta Đề Bà Đạt Đa ném đá vào Ngài.

Vì vậy khi Tỳ Kheo quở trách Đề Bà Đạt Đa về việc xúi giục các thợ săn bắn cung vào Đức Phật và sau đó lại ném đá vào Ngài, bậc Ðạo Sư bảo: Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa nữa, Đề Bà Đạt Đa cũng đã ném đá vào Ta. Nói xong Ngài kể câu chuyện quá khứ.

Ngày xưa, khi Vua Bradhmadatta trị vì xứ Ba La Nại có một nông dân dòng họ Bà La Môn trong một làng Kàsi, sau khi cày ruộng xong, thả trâu ra và bắt đầu cuốc đất.

Ðàn trâu trong khi gặm lá ở bụi cây dần dần tẩu thoát vào trong rừng. Người ấy nhận thấy Trời tối liền đặt cuốc xuống đi tìm đám trâu nhưng chẳng thấy đâu, gã quá buồn khổ đi lang thang vào trong rừng tìm chúng, dần dần đến tận vùng Tuyết Sơn.

Vì lạc mất phương hướng, gã lang thang bảy ngày nhịn đói, nhưng khi nhìn thấy cây Tinduka, gã trèo lên hái trái ăn. Rồi tuột khỏi cây này gã rơi xuống một vực thẳm như địa ngục sâu 60 cubit 1 cubit = 45cm và ở đó cả mười ngày. Thời bấy giờ Bồ Tát sinh làm thân Khỉ, đang lúc ăn trái rừng, Ngài thấy gã kia, liền dùng một hònđá lôi gã ra khỏi vực.

Trong lúc Khỉ đang ngủ, gã kia đập đầu khỉ bằng một cục đá, bậc Ðại Sĩ biết được việc này, liền vùng dậy nhảy lên cành cây, đứng lại và kêu to: Này tôn ông, Ngài đang ngồi trên đất bằng, ta sẽ chỉ đường cho Ngài từ trên ngọn cây này rồi ta sẽ đi ngay. Thế là Ngài cứu gã kia ra khỏi rừng, chỉ đúng đường cho gã rồi biến mất trong rừng núi ấy. Còn gã kia vì đã gây tội ác với bậc Ðại Sĩ, nên hóa thành tên hủi, chẳng khác nào ngạ quỷ đội lốt người trên trần thế.

Trong bảy năm liền, gã đau đớn chất chồng, lang thang hết nơi này sang nơi khác, gã đến ngự viên Migàcira Lộc Uyển tại thành Ba La Nại, trải ngọn lá chuối trên một góc, gã nằm xuống, lòng đau khổ điên cuồng.

Lúc bấy giờ Vua Ba La Nại đến ngự viên và trong khi dạo chơi, tìm thấy người kia, liền hỏi: Ngươi là ai và ngươi đã làm gì đến nỗi phải khổ như vậy?

Gã trình Vua toàn thể câu chuyện với đầy đủ chi tiết.

Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ để làm sáng tỏ vấn đề:

Tương truyền Đại Đế xứ Kà si,

Một thuở Ba La Nại trị vì,

Cùng với hiền Thần trên đại lộ

Vào đến Vườn Nai một bữa kia.

Ðằng kia Vua thấy gã La Môn,

Một bộ xương khô bước chập chờn,

Da trắng vì mang dòng máu hủi,

Xù xì xương xẩu tựa cây mun.

Ngạc nhiên trước cảnh tượng đau thương

Của kẻ không may, nặng khổ buồn:

Thật tội nghiệp ngươi, Ngài phán hỏi,

Tên gì, ác quỷ phận đành mang?

Giống như tuyết trắng cả tay chân,

Ta chắc đầu ngươi lại trắng hơn,

Thân thể ngươi tràn đầy vết hủi,

Bệnh kia ghi dấu ấn riêng phần.

Lưng ngươi như suốt chỉ giăng hàng,

Lồi lõm, dài ngoằn lại uốn quăn,

Xương khớp đen điu như mẩu gỗ,

Chẳng hề ai thấy kẻ ngang bằng!

Ngươi từ đâu đến, kẻ lang thang,

Khốn khổ bơ vơ, da bọc xương,

Ðầu đội nắng Trời nung bức lửa,

Chịu bao đói khát quá đau thương?

Hình hài tàn phá thật kinh hoàng,

Chẳng xứng nhìn lên ánh nhật quang,

Ngay chính mẹ ngươi chắc cũng chẳng

Còn mong nhìn trẻ quá tồi tàn!

Ác nghiệp gì xưa ngươi đã gây

Hay là ngộ sát kẻ nào đây,

Tội gì người phạm, ta mong biết,

Xui khiến ngươi mang nỗi khổ này?

Gà Bà La Môn đáp lại:

Thần xin thưa thật với tôn quân

Hành động đúng như một thiện nhân,

Vì kẻ không bao giờ dối trá,

Người hiền khen ngợi giữa phàm trần.

Xưa kia thần đến một rừng hoang,

Tìm kiếm đàn trâu tối lạc đàng,

Băng mãi lối mòn rừng rậm rạp,

Nơi loài voi ở, bước lang thang.

Lạc trong rừng rậm quá hoang sơ,

Chịu đói khát đau khổ xót xa,

Suốt bảy ngày ròng thần lẩn quẩn,

Chốn loài hổ dữ mớm con thơ.

Trái độc tối Kinh, cũng cứ thèm

Ô kìa, đôi mắt bỗng bừng lên:

Cây xinh lắt lẻo ngang bờ vực,

Lơ lửng trái thơm trĩu nhánh mềm.

Những trái rơi theo gió lạnh rung

Thần nhai ngấu nghiến nuốt thơm lừng,

Vẫn còn khao khát, thần leo vội:

Cách ấy no nê được vẹn toàn.

Chưa từng ăn quả chín ngon sao!

Thần vội giơ tay hái thật nhiều,

Cành lá, dựa thân vào gãy đứt

Như là chặt bởi búa ông tiều.

Cành gãy làm cho ngã lộn thân,

Không gì chặn lại, rớt nhanh dần

Trên bờ vực thẳm, đầy tường đá,

Không thoát khỏi hang vực thẳm cùng.

Nước sâu nằm dưới bờ vực kia,

Cứu mạng không tan nát thảm thê,

Rồi bất hạnh thay, thần tuyệt vọng,

Mười đêm nằm đợi thật dài ghê!

Cuối cùng một chú khỉ dài đuôi

Trú ẩn trong hang đá, đến nơi,

Nhảy nhót cành này sang bụi nọ,

Hái ăn trái chín thật xinh tươi.

Chợt thấy Thần vàng vọt héo khô,

Ðộng lòng trắc ẩn, khỉ kêu to:

Khốn thay! Ta thấy ai nằm đó

Tuyệt vọng đau thương ngập tận bờ

Như vậy, ví như người hoặc quỷ,

Ông là ai đó, nói nguyên do.

Thần đầy cung kính, vội thưa ngay:

Một kẻ khốn cùng chính lão đây,

Song phước đức dành cho khỉ hết,

Nếu tìm được cách cứu thân này.

Chúa khỉ chuyển cành ở núi cao,

Mang hòn đá nặng lực anh hào,

Ấy nhờ tu luyện tròn công hạnh,

Mục đích tỏ bày trọng đại sao:

Tôn ông, trèo đến chỗ lưng này,

Quanh cổ ta, ghì chặt cánh tay,

Tức tốc ta đem ông thoát khỏi

Vách tường đá, chính cảnh tù đày.

Hoan hỷ, thần ghi nhớ rõ ràng

Lời khuyên của chúa khỉ vinh quang,

Trèo lên lưng nọ, đôi tay bám,

Quanh cổ Trí nhân thật vững vàng.

Chúa khỉ lúc này thật mạnh thay,

Kiên cường can đảm đến như vậy

Dẫu rằng mệt lả vì hao sức,

Chốc lát đưa lên vách đá dày.

Kéo thần xong, cất tiếng anh hùng:

Ta mệt nhoài: xin đứng hộ phòng,

Bên cạnh mình ta, Tôn Giả hỡi,

Trong khi ta ngủ giấc say nồng.

Các thứ như beo, gấu, hổ, sư,

Nếu nhìn ta, thấy quá thờ ơ,

Chúng liền giết hại ta ngay đấy,

Tôn Giả canh phòng, chớ phải lo.

Trong lúc thần đang đứng hộ phòng

Hầu Vương đánh một giấc an thân,

Một tư tưởng xấu xa nhen nhúm

Tiềm ẩn lan dần ở nội tâm:

Khỉ, vượn, hươu, nai thật ngọt ngon

Vậy sao ta chẳng giết hầu Vương

Ðỡ cơn đói khát và con thịt

Cung cấp cho ta món tuyệt trần?

Khi no dạ, chẳng muốn chần chờ,

Song kiếm thật đầy thực phẩm khô,

Tích trữ cho nhiều ngày vất vả,

Từ rừng ta sẽ kiếm đường ra.

Cầm viên đá suýt đánh tan tành

Chiếc sọ kia, song bởi phận mình

Tay vụng về đưa lên loạng quạng,

Vung ra yếu ớt chẳng nên hình.

Chúa khỉ nhanh chân nhảy ngọn cây

Toàn thân bê bết máu tuôn đầy,

Từ xa trách móc nhìn thần mãi

Với cặp mắt tuôn lệ chảy dài:

Cầu Trời ban phước lộc tôn ông,

Ðừng làm như vậy, chỉ cầu mong

Kẻo sau số phận Ngài, ta chắc

Gặp phải người hành động bất nhân.

Than ôi nhục nhã đến như vậy!

Sao trả ơn ta cách thế này?

Vì đã cứu ông ra thoát khỏi

Vực kia sâu thẳm hãi kinh đầy!

 Cứu tử, chơi trò phản bội ta

Âm mưu việc ác với tâm ma,

Coi chừng, kẻ ác, e đày đọa,

Khốc liệt xuất từ ác nghiệp kia

Ðem họa tử vong cho chủ nó,

Khác nào trái giết gốc tre già.

Ta chẳng còn tin tưởng ở ngươi,

Vì ngươi làm ác với ta rồi,

Hãy đi tới trước kia cho khéo,

Còn để ta nhìn thấy bóng thôi.

Thoát bầy dã thú đói tìm mồi,

Ngươi trở về nơi sống đời

Thẳng tắp con đường dài trước mặt,

Ði theo như ý muốn nhà ngươi.

Ðến đây, dòng lệ khỉ lau khô,

Vội vã nhanh chân nhảy xuống hồ

Rửa sạch chiếc đầu bê bết máu

Ôi, vì Thần, đã chảy tuôn ra!

Từ đấy, đầy đau khổ đoạn trường,

Ðốt thiêu, vò xé bởi Hầu Vương,

Lê bước thân tàn, thần thất thểu,

Tìm nơi giải khát cho mình luôn.

Nhưng khi thần đến vũng hồ kia,

Mặt nước đều loang lổ máu me,

Một dòng đỏ sẫm dần dần hiện

Thành một đám như lửa lập lòe.

Mỗi giọt nước kia dính đến thân,

Hóa thành mụt nhọt lớn lên dần,

Như Vil va trái khô rồi nứt

Giống hệt sắc da lẫn cỡ tầm.

Máu mủ tràn ra thật đáng nhờm,

Nơi nào thần muốn được an thân,

Dù là thành thị hay thôn dã,

Dân chúng chạy bay hỗn loạn luôn.

Lảng tránh vì mùi quá thối tha,

Trong khi gậy, đá cứ tung ra:

Này tên khốn nạn! Ðừng đi đến

Gần chúng ta! Toàn thể hét la.

Như vậy khổ đau thật đáng thương,

Thần mang theo suốt bảy năm trường,

Tùy theo hạnh nghiệp mình gây tạo,

Mỗi người đi đến một con đường.

Thần ước mong chư vị vạn an,

Mọi người, thần gặp gỡ trên đàng,

Xin đừng phản bạn, ôi hèn hạ,

Kẻ phạm tội mưu chống bạn vàng!

Tất cả những ai với bạn mình

Tỏ ra là kẻ thiếu chân thành,

Như bầy hủi phải ăn năn tội,

Thân hoại, vào trong ngục tái sinh.

Và trong lúc kẻ kia đang tâu trình Vua, ngay chính thời điểm ấy, mặt đất há miệng rộng ra làm gã mất dạng và được tái sinh vào địa ngục. Khi gã bị trái đất nuốt xong, Vua ra khỏi Ngự Viên và trở về thành.

Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp Thoại và bảo: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngày xưa nữa, Devadatta Đề Bà Đạt Đa đã ném đá vào ta.

Và Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, kẻ phản bạn kia là Đề Bà Đạt Đa và ta chính là khỉ chúa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần