Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Năm - Phẩm Năm Bài Kệ - Chuyện Cây Hồng Phượng Vĩ Tiền Thân Palàsa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG NĂM  

PHẨM NĂM BÀI KỆ  

CHUYỆN CÂY HỒNG PHƯỢNG VĨ

TIỀN THÂN PALÀSA  

Ngỗng này nói với cội Ju das. Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về sự khiển trách tội lỗi. Sự việc dẫn đến câu chuyện sẽ được kể trong Tiền Thân Pannà.

Nhưng ở đây bậc Đạo Sư bảo chúng Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, phải dè chừng tội lỗi. Dù tội lỗ nhỏ bằng một chồi cây đa, nó cũng có thể tỏ ra rất tàn khốc. Các Hiền trí ngày xưa cũng dè chừng điều gì tỏ vẻ đáng nghi ngại.

Dạy thế xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Ngày xưa, dưới triều Brahnadatta, vua ở Ba La Nại, Bồ Tát sinh ra là một con Ngỗng vàng và khi lớn lên, Ngài sống trong một cái hang vàng trong núi Cittakùta thuộc vùng Tuyết Sơn và thường đến ăn lúa hoang mọc ở trên một cái hồ thiên nhiên.

Trên con đường Ngài vẫn thường qua lại có cây Judas Hồng Phượng vĩ lớn. Cứ mỗi bận đi và về, Ngài đều dừng nghỉ tại đó. Vì thế, một mối tình bạn nảy sinh giữa Ngài và vị Thần sống trong cây ấy.

Thế rồi có một con chim nọ, sau khi ăn trái chín của cây đa, đến đậu trên cây Judas và rớt phân vào nhánh chĩa của cây ấy. Sau đó, một cây đa con mọc lên nơi ấy, cao tới một tấc và rực rỡ với những chồi đỏ, lá xanh.

Ngỗng chúa thấy thế liền bảo với Thần giữ cây: Này Hiền hữu, hễ cây nào bị chồi đa mọc đều bị hủy diệt vì chồi ấy lớn lên. Chớ để cho nó lớn lên, nếu không nó sẽ phá hủy chỗ ở của bạn đấy. Hãy trở về ngay, nhổ nó lên và ném nó đi. Ta phải dè chừng thứ gì tỏ ra đáng nghi ngại.

Nói với Thần cây như thế xong, Ngỗng đọc bài kệ đầu:

Ngỗng này nói với cội Judas:

Chồi của cây đa bám bạn kia,

Vật bạn vẫn nuôi trong bụng ấy

E rồi sẽ xé bạn tơi ra.

Nghe như vậy, vị Thần cây không chú ý đến những lời ấy, đọc bài kệ thứ hai:

Ðể nó lớn lên tôi sẽ là

Nơi nương tựa của một cây đa.

Tôi săn sóc nó, tình cha mẹ,

Phước lạc cho tôi, nó tỏ ra.

Thế rồi Ngỗng đọc bài kệ thứ ba:

Sợ rằng đấy là mầm tai ách

Sâu tận trong lòng, bạn vẫn nuôi.

Từ biệt bạn thôi, tôi bay vút,

Hỡi ơi, nó lớn, bực lòng tôi!

Nói xong những lời kia, Ngỗng chúa dang rộng cánh và bay thẳng về núi Cittakùta. Từ đó, Ngỗng không quay lại nữa. Thế rồi cây đa lớn lên. Cây này cũng có vị Thần cây đổ xuống cùng với một cành.

Bấy giờ nghĩ lại những lời của Ngỗng chúa, vị Thần cây tự bảo: Vua của loài ngỗng đã thấy được mối nguy hại sắp tới và báo cho ta biết nhưng ta chẳng nghe lời vị ấy.

Sầu than như thế, Thần đọc bài kệ thứ tư:

Quỷ hung cao tợ núi Tu Di

Ðã đẩy ta vào cảnh khốn nguy.

Lời bạn Ngỗng kia ta miệt thị,

Giờ đây ta ngập nỗi sầu bi.

Như vậy cây đa khi lớn lên làm đổ nguyên cả cây Ju das xuống, làm cho nó chỉ còn trơ một gốc và chỗ ở của vị Thần cây bị tiêu mất hẳn.

Người khôn sinh sợ loài tầm gửi

Chèn nghẹt vật chi nó bám mình,

Bậc trí dè chừng nguy cỏ dại,

Diệt ngay rễ trước lúc mầm sinh.

Ðây là bài kệ được cảm tác do Trí tuệ toàn hảo. Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng ở đây tuyên thuyết Tứ Ðế.

Ở phần kết thúc Tứ Ðế, năm trăm vị Tỳ Kheo đắc Thánh Quả và Ngài nhận diện tiền thân: Bấy giờ ta là Ngỗng vàng nọ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần