Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Hai - Bản Sự Của Bồ Tát Bất Không Kiến - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đức Trực, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT TAM MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đức Trực, Đời Lưu Tống
PHẨM HAI
BẢN SỰ CỦA BỒ TÁT BẤT KHÔNG KIẾN
TẬP MỘT
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Trưởng Lão Xá Lợi Phất, Trưởng Lão Mục Kiền Liên, Trưởng Lão Đại Ca Diếp, Trưởng Lão Tu Bồ Đề, Trưởng Lão Phú Lâu Na Di Đa La ni Tử và Chư Thiên, người thế gian đã đến tụ hội: Tỳ Kheo các ông phải lên Pháp Tòa, gầm lên tiếng Sư Tử.
Vì sao?
Vì ở trong chúng này, phần nhiều có các hàng Thanh Văn, nghe tiếng gầm Sư Tử đều được giải thoát.
Lúc đó Đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Việt Tam Giới, Bồ Tát Bất Từ Nghì, Bồ Tát Bất Không Kiến: Các ông ngay bây giờ nên thỉnh Đức Như Lai diễn nói về công đức chân thật nơi tiếng gầm của Sư Tử mà Chư Phật đã giảng nói.
Bồ Tát Bất Không Kiến thưa: Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Dạ vâng, chúng con đã nghe.
Liền nói kệ ngợi khen:
Thân sắc như vàng
Trăm phước trang nghiêm
Vì lòng thương xót
Thấu rõ chân đế.
Đầy đủ công đức
Danh tiếng vang xa
Thế Tôn ngày nay
Vì nhân duyên gì.
Ở trong đại chúng
Khiến con thưa hỏi?
Phật không ai bằng
Tối thượng hơn hết.
Công đức Pháp Vương
Đại trí khó cùng
Điều phục thế gian
Vì nhân duyên gì.
Ở trong đại chúng
Khiến con thưa hỏi?
Tịnh giới Như Lai
Định trí giải thoát.
Giải thoát tri kiến
Đều không gì bằng
Thiện Thệ của con
Vì nhân duyên gì.
Ở trong đại chúng
Khiến con thưa hỏi?
Oai đức cao vời
Được qua bờ giác.
Thế Tôn Pháp Vương
Hay vì chúng sinh
Làm đại lợi ích
Vì sao Thiện Thệ.
Ở trong đại chúng
Khiến con thưa hỏi?
Trăm kiếp tu tập
Thân cận từ bi.
Biện tài vô ngại
Vì sao Thiện Thệ
Ở trong đại chúng
Khiến con thưa hỏi?
Pháp Vương tối thượng
Lợi khắp quần sinh
Người nghèo được giàu
Người mù được thấy.
Dứt trừ độc hại
Sợ hãi được an
Vì nhân duyên gì
Khiến con thưa hỏi?
Thân Phật tịnh diệu
Trần cấu không nhiễm
Y của Như Lai
Đủ các màu sắc.
Tộc tánh Thế Tôn
Vua trong các Vua
Vì nhân duyên gì
Khiến con thưa hỏi?
Đức Phật đắp y
Cách thân bốn ngón
Mà không lìa thân
Thân hay hàng oán.
Vì nhân duyên gì
Khiến con thưa hỏi?
Hành xứ Như Lai
Không có hầm hố.
Do sức trí tuệ
Nẻo hành bình đẳng
Vì nhân duyên gì
Khiến con thưa hỏi?
Thân của Như Lai
Không tăng không giảm
Bước đi ngay thẳng
Không chút tà vậy.
Hơn hẳn các loài
Khó thể nghĩ bàn
Vì nhân duyên gì
Khiến con thưa hỏi?
Chiêm ngưỡng tôn nhan
Mắt không tạm rời
Phật hành không dối
Năng lực thần túc.
Oai nghi tự nhiên
Uy dung hết mực
Nếu gặp yêu quái
Bị nó bắt giữ.
Mê muội mất tâm
Không còn tỉnh giác
Nếu thấy Thế Tôn
Trong khoảng một niệm.
Lìa hẳn các ác
Lại được chánh niệm
Nếu có chúng sinh
Chạm vào chân Phật.
Nội trong bảy ngày
Thân tâm khoan khoái
Sau khi mạng chung
Sinh vào nẻo thiện.
Quy mạng Thế Tôn
Ban mọi niềm vui
Nếu có người bệnh
Phải chịu các khổ.
Phật dùng tay xoa
Liền được trừ khỏi
Nhiều kiếp Thiện Thệ
Đều được tất cả.
Không thể nghĩ bàn
Vô số an lạc
Xưa Phật dũng mãnh
Thâu tóm đương lai.
Trong vô lượng kiếp
Đã được pháp tịnh
Con ở nơi này
Tâm không nghi ngờ.
Vì nhân duyên gì
Khiến con thưa hỏi?
Quá khứ, vị lai
Tôn quý Cõi Trời
Nay gặp Điều Ngự
Đại Tiên loài người.
Vì nhân duyên gì
Khiến con thưa hỏi?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo: Này Bất Không Kiến! Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ kỹ!
Bồ Tát Bất Không Kiến thưa: Dạ vâng, thưa Thế Tôn!
Đức Phật bảo Bồ Tát Bất Không Kiến: Ta nhớ thuở xưa trải qua vô số kiếp, lúc đó có vị Vua tên là Vô Lượng Lực, có đại thần thông, uy lực tự tại. Nơi đó, nhà Vua tạo lập thành lớn, tên là Thiện kiến, dài rộng như nhau bằng mười hai do diên, có bảy lớp và ba cửa.
Cửa thành đều dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, mã não, chân châu, san hô tạo nên vẻ trang nghiêm tráng lệ. Có hào bảy lớp cũng bằng bảy báu. Bên ngoài các cửa ấy dùng cát bằng vàng, bạc rải lên trên đất. Hai bên mỗi cửa đều có bốn cổng bằng vàng, bạc đối nhau.
Như vậy, này Bất Không Kiến! Lại dùng lưới lớn bằng vàng, bạc che khắp bên trên cửa, khắp các chỗ có lưới vàng treo đầy chuông bạc nhỏ đều rũ xuống, gió thổi tạo ra như tiếng của nhạc cụ không, hầu, cung thương trầm bỗng hòa hợp tương ưng.
Vua xây thành rồi an trụ trong đó. Ngoài hào thành có bảy ao tắm bằng vàng, bạc, pha lê, san hô.
Các ao tắm này có bảy thềm cấp đều được trang nghiêm bằng bảy báu: Thềm cấp bằng vàng thì lan can bằng bạc, thềm cấp bằng bạc thì lan can bằng vàng, thềm cấp bằng bạc thì lan can bằng chân châu, thềm cấp bằng chân châu thì lan can bằng lưu ly, thềm cấp bằng pha lê thì lan can bằng san hô, thềm cấp bằng san hô thì lan can bằng chân châu, thềm cấp bằng chân châu thì lan can bằng vàng.
Như vậy, này Bất Không Kiến! Vua Vô Lượng Lực còn trồng các hoa kỳ lạ như Ưu Bát La, Bát Đầu Ma, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lợi, Na Lê Ni các loại hoa này đều có mùi thơm dễ chịu, không ai là không thích, tùy ý mà hái.
Trên bờ ao, trồng các cây có hoa như: Y Tằng, Ni Tằng, Ca Đa Tằng Ni, A Đề Mục Đa Ca, Chiêm Bặc, Bà Lợi Sư, Câu Ni Đà La, Đà Nậu Ca Lê. Hương thơm của các cây này giống như hương Trời, cũng không có người gìn giữ, tùy ý thọ dụng.
Lại nữa, này Bất Không Kiến! Thành Thiện kiến ấy có bảy lớp cây Đa La mọc thẳng hàng, đều dùng bảy báu xen lẫn nhau.
Cây Đa La bằng vàng thì lá hoa quả bằng bạc, cây Đa La bằng bạc thì lá hoa quả bằng chân châu đỏ, cây Đa La bằng chân châu trắng thì lá hoa quả bằng lưu ly, cây Đa La bằng lưu ly thì lá hoa quả bằng pha lê, cây Đa La bằng pha lê thì lá hoa quả bằng mã não, cây Đa La bằng mã não thì lá hoa quả bằng chân châu đỏ, cây Đa La bằng chân châu đỏ thì lá hoa quả bằng san hô, cây Đa La bằng san hô thì lá hoa quả bằng vàng.
Này Bất Không Kiến! Gió thổi khiến các cây chạm vào nhau, phát ra âm thanh vi diệu, giống như nhạc sư khéo tạo ra năm thứ âm.
Này Bất Không Kiến! Chỗ ở của Vua luôn có các thứ âm thanh không bao giờ dứt, như: Tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng quân, tiếng loa, tiếng rống, tiếng tiêu, tiếng địch, tiếng ca múa của đàn không hầu, đàn tỳ bà. Những tiếng như vậy luôn luôn tiếp diễn.
Vua thường ban bố với muôn dân trong thành: Nếu ai mong cầu những thứ cần thiết như: Y phục, món ăn, thức uống, voi, ngựa, xe cộ thì tùy theo ý của họ, ta sẽ cung cấp cho tất cả.
Giữa cây Đa La cũng thường phát ra âm nhạc. Mọi người đến đó tự vui chơi nơi năm dục. Vua xem người dân trong nước như cha thương con. Tất cả đều quý kính Vua giống như từ phụ.
Lại nữa, này Bất Không Kiến! Trong thành Thiện kiến có các ngả tư, ngõ tắt tạo thành những ấp, chợ, quán. Khắp nơi lại có bốn ao tắm báu, các ao tắm đó cách nhau thẳng hàng.
Bốn bờ ao đều có các bậc thềm báu: Bậc thềm bằng vàng thì lan can bằng bạc, bậc thềm bằng bạc thì lan can bằng vàng, pha lê, san hô xen lẫn nhau.
Này Bất Không Kiến! Đối với các ao Vua cho trồng các danh hoa.
Ở trên ao thì trồng cây có đủ loại hoa xen đan như: Y Ni Tằng, Ca Đàm Bà, A Đề Mục Đa Già, Chiêm Bặc, Đà Nậu Ca Lợi.
Các thứ hoa ấy mùi thơm như hương Trời, không ai là không thích. Trong thành lại xây các vườn rừng lầu gác, vô số các loại cây hoa quả mọc thẳng hàng. Trong các vườn rừng ấy, khắp bốn hướng đều có các ao hoa đẹp, cũng dùng bảy báu trang sức như trước, có các thể nữ cùng nhau vui chơi, tất cả dân chúng cũng đến nô đùa thỏa thích.
Này Bất Không Kiến! Tộc họ của Vua Vô Lượng Lực là bậc hào kiệt, cha mẹ sinh ra từ dòng đại Sát lợi, truyền thừa cho đến bảy đời, sắc tướng, dung mạo đều đoan nghiêm, thanh tịnh hơn hẳn mọi người, của báu vô số không thể tính đếm.
Này Bất Không Kiến! Vua Vô Lượng Lực tin hiểu sâu xa, nhân ái rộng lớn, giàu lòng bố thí, tâm không tham đắm, thường bố thí các Sa Môn, Bà La Môn, cho đến người bần cùng, cô độc, khốn khổ, nguy ách, đui, điếc, tàn tật, nhiều thứ bệnh.
Nhà Vua thống lãnh tám vạn bốn ngàn thành ấp, xóm làng, được quả báo của nghiệp tịnh được bảy báu trang nghiêm, trên mỗi thành lại xây tám vạn bốn ngàn tòa lầu lớn bằng gỗ Chiên Đàn vi diệu.
Bên ngoài các cửa mở bốn con đường, đầu đường dựng đài gác trang nghiêm tráng lệ, tất cả muôn dân thường lui tới vui chơi cả ngày lẫn đêm. Ở lầu gác, điện đài, đường sá, trong nhà đều đốt đèn, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp cõi nước, chúng sinh nhờ ánh sáng đó mà thân tâm khoan khoái.
Này Bất Không Kiến! Vua có hai người con: Một tên là Sư Tử, hai tên là Sư Tử Ý, từ lâu đã phát nguyện Bồ Đề Vô Thượng, danh tiếng vang xa, đủ đại oai đức.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Lớn - Phần Sáu - Kalì
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Bốn Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bảy - Phẩm Mạn Thù Thất Lợi - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hỗ Tương Hoan Hỷ
Phật Thuyết Kinh đại Phương Tiện Phật Báo ân - Phẩm Năm - Phẩm Luận Nghĩa
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Pháp Sư Như Huyễn