Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Sáu - Phẩm Sáu Bài Kệ - Chuyện Người Lái đò Tiền Thân Avàriya

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG SÁU

PHẨM SÁU BÀI KỆ  

CHUYỆN NGƯỜI LÁI ĐÒ

TIỀN THÂN AVÀRIYA  

Ðừng bao giờ giận, hỡi minh quân. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người lái đò.

Người ta bảo kẻ này là phàm phu vô trí: Y không biết được các đức tính của Tam Bảo và các Bậc Hiền Nhân. Y nóng vội, thô lỗ và hung bạo.

Một Tỳ Kheo ở vùng quê nọ muốn đi yết kiến Đức Phật, vào buổi chiều đến bến đò trên sông Aciravatì và bảo người lái đò: Này chú, tôi muốn qua sông, chú cho tôi lên đò đi.

Thưa Tôn giả, Trời tối rồi, hãy ở lại đây. Này chú, ta không thể ở lại đây, cho ta qua sông.

Người lái đò bực tức nói: Vậy thì Ngài Sa Môn hãy mau lên đi. Rồi đưa vị Tỳ Kheo lên đò, nhưng y lái đò thật vụng về khiến nước văng vào mạn đò làm ướt y của vị Tỳ Kheo, và đến khi trời tối mới đưa được ông qua bờ kia.

Khi vị Tỳ Kheo đến Tinh Xá, ông không thể kịp yết kiến Đức Phật ngay hôm ấy. Hôm sau, ông đi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ngồi xuống một bên.

Bậc Ðạo Sư đáp lễ và hỏi ông đến khi nào: Thưa hôm qua.

Thế sao mãi hôm nay ông mới đến thăm ta?

Khi nghe rõ lý do, bậc Ðạo Sư bảo: Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa, kẻ ấy cũng thô lỗ, y làm phiền các Trí nhân ngày xưa giống như đã làm phiền ông. Rồi theo lời thỉnh cầu, Ngài kể một chuyện đời xưa. Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát được sanh vào một gia đình Bà La Môn. Khi lớn lên, Ngài học tập đủ mọi môn nghệ thuật tại Takkasilà, rồi trở thành một vị khổ hạnh.

Sau một thời gian dài sống toàn củ, quả rừng ở vùng Tuyết Sơn, Ngài đi đến Ba La Nại để tìm muối và dấm. Ngài ở trong vườn ngự uyển và hôm sau vào kinh thành khất thực.

Từ sân thượng Hoàng Cung, Vua thấy Ngài và hài lòng trước tướng mạo oai nghi của Ngài nên cho người triệu Ngài vào cung và cúng dường thực phẩm. Vua hứa mời Ngài an trú trong ngự uyển và hàng ngày Vua đến tham kiến Ngài.

Bồ Tát bảo: Thưa Ðại Vương, một vị Vua phải trị nước công bình, tránh xa bốn ác đạo, đầy nhiệt tâm tinh cần, kham nhẫn, từ ái, lân mẫn toàn dân.

Với lời khuyến giáo thông thường như thế, Ngài ngâm hai vần kệ đầu:

Ðừng bao giờ giận, hỡi minh quân,

Chúa tể trần gian, chớ hận sân,

Ðừng lấy lòng sân bù mối hận

Quân vương như vậy đáng suy tôn.

Dù ở rừng xanh hoặc ở làng,

Ở trên bờ biển, giữa trùng dương,

Chớ bao giờ giận, ta khuyên nhủ

Mãi mãi từ nay, hỡi Ðại Vương.

Như vậy, Bồ Tát ngâm đôi vần kệ ấy hàng ngày cho Vua nghe. Vua hoan hỷ ban tặng Ngài một ngôi làng có số lợi tức là một trăm ngàn đồng vàng, song Ngài từ chối. Bồ Tát sống theo cách này suốt mười hai năm liền.

Sau đó Ngài nghĩ: Ta đã ở đây quá lâu, nay ta muốn du hành qua Quốc Độ rồi trở về.

Thế là không báo với Vua, Ngài chỉ nói riêng với người giữ vườn: Này Hiền hữu, ta thấy chán, ta muốn du hành trong nước rồi trở về, nhờ bạn trình với Đức Vua. Ngài đi ngay ra bến đò ở Sông Hằng. Ở đó có gã chèo đò ngu ngốc tên là Avàriyapità, y không hiểu đạo hạnh của Bậc Hiền Nhân, cũng chẳng biết luôn cả việc ích lợi hay thiệt hại của riêng mình.

Khi dân chúng muốn qua Sông Hằng, trước tiên y đưa họ qua rồi sau đó đòi tiền đò. Có khi họ không trả tiền, y liền gây sự với họ, rồi chỉ nhận được lời mạ lỵ và đấm đá chứ rất ít tiền bạc, y thật ngu dại mù quáng đến thế.

Về gã này, bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ ba phát xuất từ Trí tuệ tối thắng của Ngài:

Chú Avàriya,

Thuyền lướt sóng Hằng Hà,

Trước tiên đưa du khách,

Rồi mới hỏi tiền phà,

Do vậy ăn đòn mãi,

Thật xui xẻo, dại khờ!

Bồ Tát đến gặp gã lái đò này và bảo: Hiền hữu, hãy đưa ta qua bờ kia.

Này Sa Môn, Ngài sẽ trả tiền cho tôi chứ?

Y đáp: Này Hiền hữu, ta sẽ chỉ cho chú biết cách làm tăng trưởng tài lợi, an lạc và đức hạnh.

Gã lái đò nghĩ thầm: Chắc chắn vị này sẽ cho ta một cái gì đó.

Rồi y đưa Ngài sang sông và nói: Xin cho tôi tiền đò.

Bồ Tát bảo: Ðược rồi, này Hiền hữu.

Và thế là muốn dạy cho y biết trước tiên phải làm cách nào để tăng thêm của cải, Ngài ngâm vần kệ này:

Hỏi tiền trước lúc chở qua sông,

Chớ đến bờ kia hỏi nhọc công,

Chú chở bá nhân nên bá tánh,

Tánh tình thay đổi trước sau luôn.

Gã lái đò nghĩ thầm: Ðây chỉ là lời vị ấy khuyên ta, nay phải cho ta thêm cái gì chứ.

Song Bồ Tát bảo: Này Hiền hữu, chú đã có cách làm ra tiền rồi đấy, nay hãy nghe cách làm tăng an lạc cùng đức hạnh.

Rồi Ngài lại ngâm vần kệ khuyến giáo:

Dù ở rừng xanh hoặc ở làng,

Ở trên bờ biển, giữa trùng dương,

Chớ bao giờ giận, ta khuyên chú

Mãi mãi từ nay, hỡi thiện nhân.

Như thế, sau khi đã dạy cách làm tăng trưởng an lạc và đức hạnh, Ngài bảo: Vậy là chú có cách làm tăng an lạc và đức hạnh.

Nhưng gã ngu si kia không xem lời khuyến giáo của Ngài ra gì cả, lại đáp: Này Sa Môn, đây là các thứ Ngài cho tôi thế tiền phà đấy à?

Ðúng vậy, Hiền hữu. Tôi không cần thứ ấy, cho tôi thứ khác kia. Này hiền hữu, ngoài thứ ấy ta không có gì khác.

Thế tại sao Ngài lại đi trên thuyền tôi?

Y đáp, và ném vị khổ hạnh lên bờ, ngồi lên ngực Ngài và đấm vào mồm Ngài.

Bậc Ðạo Sư bảo: Các vị thấy khi nhà khổ hạnh khuyến giáo vua, thì nhận được ân tứ một ngôi làng, còn khi khuyến giáo như vậy với một gã lái đò ngu ngốc thì được vài cái đấm vào mồm. Cho nên khi khuyến giáo phải lựa người thích hợp, chớ nói với người không thích hợp.

Rồi Ngài ngâm vần kệ xuất phát từ trí tuệ Tối Thắng trí của Ngài:

Vua nghe lời khuyến thiện, đã ban

Lợi tức phần ta cả một làng,

Chú lái đò nghe lời khuyến thiện

Lại đánh người cho ngã xuống đàng.

Trong khi gã kia đánh vị Sa Môn, vợ y đem cơm lại cho y, thấy vậy liền bảo: Này chàng, đây là vị khổ hạnh trong triều Vua, đừng đánh Ngài.

Y nổi giận đáp: Cô lại cấm ta đánh kẻ tu hành giả mạo này ư?

Rồi y nhảy lên đánh vợ ngã xuống đất. Ðĩa cơm đổ hết vỡ tan, còn vợ y phải trụy thai.

Quần chúng vây y lại và la lớn: Quân khốn nạn giết người. Họ trói y lại đưa đến nhà vua. Ngài xử phạt y theo pháp luật.

Với Trí tuệ tối thắng, bậc Ðạo Sư giải thích vấn đề qua vần kệ cuối cùng:

Cơm đổ, vợ y đánh tả tơi,

Thai nhi chết trước lúc ra đời,

Lời khuyên cho kẻ này vô dụng

Như vàng ròng tặng thú hoang thôi.

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các sự thật.

Khi kết thúc các sự thật, vị Tỳ Kheo đã được an trú vào Sơ Quả Dự Lưu: Vào thời ấy, gã lái đò là chú lái ngày nay, Vua là Ànanda và vị khổ hạnh chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần