Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Thâm Tâm Cầu Bồ đề

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM THÂM TÂM CẦU BỒ ĐỀ  

Phật bảo Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát muốn chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì phải gần gũi thiện tri thức Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những vị nào là thiện tri thức của Bồ Tát?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Chư Phật Thế Tôn là thiện tri thức của Bồ Tát.

Vì sao?

Vì Chư Phật Thế Tôn có năng lực dạy cho Bồ Tát thể nhập bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề! Đó gọi là thiện tri thức của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Sáu pháp Ba la mật là thiện tri thức của Bồ Tát, sáu pháp Ba la mật là bậc thầy cao cả của Bồ Tát, sáu pháp Ba la mật là Bồ Tát đạo, sáu pháp Ba la mật là ánh sáng của Bồ Tát và sáu pháp Ba la mật là ngọn đuốc sáng của Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề! Chư Phật quá khứ đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra, Chư Phật vị lai cũng đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra và vô lượng A tăng kỳ Chư Phật trong thế giới khắp mười phương ở hiện tại cũng đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.

Lại nhất thiết trí của Chư Phật trong ba đời cũng đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.

Vì sao?

Vì xưa kia Chư Phật thực hành sáu ộ, dùng bốn nhiếp pháp để thu phục chúng sinh.

Đó là: Bố thí, ái ngữ, lợi ích, đồng sự mới được chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Tu Bồ Đề! Thế nên phải biết sáu pháp Ba la mật là bậc thầy cao cả, là cha là mẹ, là nhà ở, là chỗ quay về, là hòn đảo, là nơi cứu giúp, là con đường đưa đến rốt ráo và sáu pháp Ba la mật làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Do đó, Bồ Tát muốn tự mình hiểu rõ trí tuệ sâu xa thì không nên theo lời nói của người khác và cũng không tin pháp của người khác. Nếu Bồ Tát muốn dứt tất cả mối nghi ngờ của chúng sinh thì phải học bát nhã Ba la mật này.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những tướng gì là bát nhã Ba la mật?

Này Tu Bồ Đề! Tướng không ngăn ngại là bát nhã Ba la mật.

Bạch Thế Tôn! Nếu y cứ vào bát nhã Ba la mật không có tướng ngăn ngại thì tất cả các pháp cũng không có tướng ngăn ngại chăng?

Này Tu Bồ Đề! Nếu bát nhã Ba la mật không có tướng ngăn ngại thì tất cả các pháp cũng không có tướng ngăn ngại.

Vì sao vậy?

Này Tu Bồ Đề! Vì tất cả các pháp đều lìa tướng và tất cả các pháp là không tướng.

Thế nên, này Tu Bồ Đề! Phải biết bát nhã Ba la mật cũng lìa tướng và không tướng, tất cả pháp cũng lìa tướng và không tướng.

Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả các pháp đều lìa tướng và không tướng thì tại sao chúng sinh có dơ, có sạch?

Và pháp lìa tướng lại không có dơ, không có sạch, pháp không tướng cũng không có dơ, không có sạch?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì pháp lìa tướng và pháp không tướng không thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, nếu lìa pháp ly tướng và lìa pháp không tướng thì lại không có pháp nào có thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Tu Bồ Đề thưa: Nay con phải hiểu nghĩa đó như thế nào?

Này Tu Bồ Đề! Ta hỏi lại ông, hãy theo ý của ông mà trả lời.

Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Chúng sinh luôn luôn chấp vào ngã và ngã sở phải không?

Tu Bồ Đề thưa: Đúng vậy, đúng vậy, bạch Thế Tôn! Chúng sinh luôn luôn chấp vào ngã và ngã sở.

Này Tu Bồ Đề! Ý ông hiểu thế nào?

Ngã và ngã sở là không phải không?

Bạch Thế Tôn! Ngã và ngã sở là không.

Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Chỉ vì ngã và ngã sở mà chúng sinh phải luân hồi trong sinh tử phải không?

Đúng vậy, đúng vậy, bạch Thế Tôn! Chỉ vì ngã và ngã sở mà chúng sinh phải bị luân hồi trong sinh tử.

Này Tu Bồ Đề! Như vậy gọi là chúng sinh cấu. Bởi vì chúng sinh này theo sự chấp thủ và nhiễm trước nên mới có dơ, chứ trong đó thật không có dơ, cũng không có người thọ nhận dơ.

Tu Bồ Đề! Nếu không thọ nhận tất cả pháp thì không có ngã và không có ngã sở. Nên gọi là tịnh, chứ trong đó thật không có tịnh, cũng không có người nhận sự tịnh.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải thực hành như vậy mới gọi là hành bát nhã Ba la mật.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát nào thực hành như vậy thì không hành sắc, cũng không hành thọ, tưởng, hành và thức. Nếu Bồ Tát hành như vậy là tất cả Trời, Người, A Tu La trong thế gian không thể hàng phục.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát thực hành như vậy thì sẽ vượt hơn chỗ thực hành của tất cả các hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật mà vị ấy không trụ vào sự hơn đó.

Bạch Thế Tôn! Có phải do sự thực hành hành không hơn đó mà Bồ Tát này luôn luôn tu hành hợp với niệm bát nhã Ba la mật, rồi vị ấy mới gần với Vô Thượng Chánh Đẳng Giác và mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Ý ông nghĩ thế nào?

Giả sử trong Cõi Diêm Phù Đề có chúng sinh nào tạm thời được thân người liền phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Khi phát tâm rồi trọn đời bố thí và đem sự bố thí đó hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?

Nếu do nhân duyên này thì người ấy được phước có nhiều không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Nếu có Bồ Tát nào thực hành hợp với niệm bát nhã Ba la mật cho đến một ngày thì phước đức của họ sẽ hơn người kia. Vì theo hạnh của Bồ Tát là phải hợp với niệm bát nhã Ba la mật mới có thể làm phước điền cho tất cả chúng sinh.

Vì sao vậy?

Vì ngoài Chư Phật ra, các chúng sinh khác không ai có tâm từ bi sâu xa để sánh cùng vị Đại Bồ Tát này cả. Bởi vì các Bồ Tát này nhờ bát nhã Ba la mật mới có thể phát sinh được trí tuệ như thế. Do nhờ trí tuệ này và lòng từ sẵn có mà Bồ Tát ấy quán tất cả chúng sinh chịu các khổ não cũng như chính mình đang bị hành hình.

Nhờ lòng từ đó, Bồ Tát liền đắc đại bi tâm. Đắc đại bi tâm rồi, vị ấy dùng thiên nhãn quán sát thấy vô lượng chúng sinh bị tội vô gián đọa vào các nạn. Với lòng thương xót, Bồ Tát liền cứu vớt chúng sinh mà không trụ vào tướng này hay tướng khác.

Tu Bồ Đề! Đó là bậc Bồ Tát đại trí tuệ quang minh, thường thực hành đạo này và làm phước điền cho tất cả chúng sinh mà không hề thoái chuyển Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Được nhận các vật cúng dường cần dùng như y phục, ngọa cụ, ăn, uống và thuốc men, vị ấy chuyên tâm tu tập bát nhã Ba la mật để được thanh tịnh mà báo đáp ân cúng dường đó mới gần nhất thiết trí.

Do đó, Bồ Tát nào muốn nhận sự cúng dường trong nước một cách hữu ích, hoặc muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, muốn chỉ dạy cho tất cả chúng sinh đạo chân chánh, muốn mở những trói buộc cho tất cả chúng sinh trong lao ngục.

Muốn ban cho tất cả chúng sinh tuệ nhãn thì phải luôn luôn tu tập và thực hành hợp với niệm bát nhã Ba la mật. Muốn thực hành hợp với niệm bát nhã Ba la mật thì những gì Bồ Tát nói ra cũng phải hợp với bát nhã Ba la mật.

Vì sao vậy?

Vì những gì Bồ Tát nói ra đều thuận theo niệm bát nhã Ba la mật. Và tất cả những niệm đó cũng đúng theo chánh pháp. Vì thế, Bồ Tát phải luôn luôn niệm bát nhã Ba la mật như vậy.

Tu Bồ Đề! Ví như có người từ xưa đến nay chưa từng có được của báu, đến khi được rồi rất đỗi vui mừng nhưng họ lại làm mất.

Vì lý do đó mà họ buồn rầu khổ não, nên tâm người ấy thường suy nghĩ: Tại sao nay ta làm mất đi của báu đó?

Tu Bồ Đề! Bồ Tát cũng như vậy. Của báu lớn của Bồ Tát là bát nhã Ba la mật. Nếu Bồ Tát được của báu rồi thì phải thường xuyên đem tâm nhất thiết trí để niệm bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả các niệm từ xưa đến nay tánh nó thường xa lìa thì tại sao nói không nên lìa niệm bát nhã Ba la mật này?

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có thể biết rõ như vậy tức là không lìa bát nhã Ba la mật.

Vì sao vậy?

Vì bát nhã Ba la mật là không nên trong đó không có sự thoái lui.

Bạch Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật là không thì phải làm thế nào để được tăng trưởng bát nhã Ba la mật và làm sao cũng được gần với Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật không tăng, không giảm.

Tu Bồ Đề! Nếu khi Bồ Tát nghe lời nói này mà không khinh nghi sợ sệt, không thoái lui thì phải biết vị Bồ Tát này đã thực hành bát nhã Ba la mật.

Bạch Thế Tôn! Tướng không của bát nhã Ba la mật là hành bát nhã Ba la mật phải không?

Tu Bồ Đề, không phải!

Bạch Thế Tôn! Lìa bát nhã Ba la mật còn có pháp nào để thực hành bát nhã Ba la mật không?

Tu Bồ Đề, không có!

Bạch Thế Tôn! Không có thể hành không được chăng?

Tu Bồ Đề, không!

Bạch Thế Tôn! Lìa không thì có thể hành không được chăng?

Tu Bồ Đề, không!

Bạch Thế Tôn! Hành sắc là hành bát nhã Ba la mật phải không?

Tu Bồ Đề, không!

Bạch Thế Tôn! Hành thọ, tưởng, hành và thức là hành bát nhã Ba la mật phải không?

Tu Bồ Đề, không!

Bạch Thế Tôn! Lìa sắc còn có pháp nào để hành bát nhã Ba la mật không?

Tu Bồ Đề, không!

Bạch Thế Tôn! Lìa thọ, tưởng, hành và thức còn có pháp nào để hành bát nhã Ba la mật không?

Tu Bồ Đề, không!

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát phải hành như thế nào mới gọi là hành bát nhã Ba la mật?

Này Tu Bồ Đề! Ý ông hiểu thế nào?

Theo ông thấy có pháp nào để hành bát nhã Ba la mật không?

Bạch Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Ông thấy pháp bát nhã Ba la mật là chỗ hành của Bồ Tát phải không?

Bạch Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Ý ông hiểu sao?

Ông không thấy pháp tương đối có sinh phải không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn, con không thấy!

Này Tu Bồ Đề! Đó gọi là vô sinh pháp nhẫn của Chư Phật. Bồ Tát nào có thể thành tựu được pháp nhẫn như vậy thì sẽ được Chư Phật thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Tu Bồ Đề! Đó gọi là đạo vô sở úy của Chư Phật. Nếu Bồ Tát thực hành, tu tập và gần gũi với đạo này mà không được Phật vô thượng trí, đại trí, tự nhiên trí, nhất thiết trí và Như Lai trí thì không có sự việc này.

Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả các pháp đều vô sinh thì Bồ Tát có được Chư Phật thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác không?

Tu Bồ Đề, không!

Bạch Thế Tôn! Vì sao nay Thế Tôn nói là được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?

Này Tu Bồ Đề! Ý ông hiểu sao?

Ông thấy có pháp nào để thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác không?

Bạch Thế Tôn, không! Con không thấy có pháp nào để thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, cũng không thấy dùng pháp nào có thể đắc và cũng chẳng thấy có pháp nào có thể đắc.

Này Tu Bồ Đề! Nếu ông hiểu tất cả các pháp không thể đắc như vậy thì không nên nói: Pháp này có thể đắc và dùng pháp này có thể đắc.

Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân đang ở trong đại hội liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật này rất là sâu xa, khó thấy, khó hiểu nên rốt ráo xa lìa. Nếu ai nghe bát nhã Ba la mật này, rồi biên chép, thọ trì, đọc tụng thì phải biết người ấy phước đức không phải ít.

Này Kiều Thi Ca! Ý ông thế nào?

Giả sử trong Cõi Diêm Phù Đề này, có chúng sinh thành tựu mười điều lành thì phước đức của họ được sẽ không bằng người đó nghe bát nhã Ba la mật này, rồi biên chép, thọ trì, đọc tụng.

Dù phước đức của người tu mười điều lành có được trăm phần cũng không bằng một phần người nghe bát nhã Ba la mật…, hoặc họ có được trăm ngàn muôn ức phần cũng không bằng một phần phước đức của người nghe bát nhã Ba la mật kia, cho đến dùng toán số để thí dụ cũng không thể nào sánh kịp vị ấy.

Bấy giờ có một vị Tỳ Kheo nói với Thích Đề Hoàn Nhân: Này Kiều Thi Ca! Như vậy, thiện nam và thiện nữ này đã hơn Nhân Giả rồi.

Thích Đề Hoàn Nhân nói: Một khi người này chỉ phát tâm dù trong chốc lát mà còn hơn ta, huống gì người kia được nghe bát nhã Ba la mật, rồi biên chép, thọ trì, đọc tụng và thực hành đúng như pháp thì người ấy rất thù thắng trong tất cả các hàng Trời, Người, A Tu La nơi thế gian.

Vị Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật này không những chỉ hơn tất cả hàng Trời, Người, A tu la trong tất cả thế gian, mà còn hơn vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và Bích Chi Phật.

Vị Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật chẳng những chỉ hơn vị Tu Đà Hoàn cho đến Bích Chi Phật, mà còn hơn cả vị Bồ Tát lìa bát nhã Ba la mật không có phương tiện để hành bố thí Ba la mật.

Vị Bồ Tát này không những chỉ hơn người lìa bát nhã Ba la mật không dùng phương tiện để hành bố thí Ba la mật mà còn hơn người lìa bát nhã Ba la mật nhưng không dùng phương tiện để hành trì giới Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, tinh tấn Ba la mật và thiền định Ba la mật.

Bồ Tát như vậy là rất thù thắng. Bồ Tát nào thực hành theo bát nhã Ba la mật đúng như pháp thì Bồ Tát ấy sẽ hơn tất cả hàng Trời, Người, A tu la trong thế gian. Vì tất cả Trời, Người, A tu la trong thế gian đều phải cung kính và cúng dường bát nhã Ba la mật.

Nếu Bồ Tát thực hành đúng theo lời dạy của bát nhã Ba la mật thì Bồ Tát ấy không dứt mất nhất thiết chủng trí, Bồ Tát ấy gần Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Bồ Tát ấy chắc chắn sẽ ngồi Đạo Tràng và Bồ Tát ấy luôn cứu vớt chúng sinh bị chìm đắm trong sinh tử. Bồ Tát nào học như vậy gọi là học bát nhã Ba la mật, học như vậy gọi là không học Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Nếu Bồ Tát học như vậy thì sẽ được bốn vị Thiên Vương đem bốn bình bát đến chỗ vị ấy và thưa: Này Thiện Nam! Ngài hãy học và chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác một cách nhanh chóng, lúc Ngài ngồi Đạo Tràng thì chúng con sẽ dâng cúng bốn bình bát này.

Bạch Thế Tôn! Con cũng đích thân đến thăm hỏi, huống gì là các Thiên Tử khác. Bồ Tát học bát nhã Ba la mật như vậy thì sẽ được Chư Phật thường cùng nhau hộ niệm. Bởi vì, ở thế gian có bao nhiêu chúng sinh bị các khổ não thì vị Bồ Tát này hay tùy theo hạnh bát nhã Ba la mật mà cứu họ không còn các khổ đó.

Bạch Thế Tôn! Theo con nghĩ vị Bồ Tát này sẽ được công đức rất lớn trong đời hiện tại.

Ngay khi ấy, Tôn Giả A Nan liền suy nghĩ: Thích Đề Hoàn Nhân này tự dùng sức trí tuệ của mình để nói như vậy hay là nhờ nương vào thần lực của Phật?

Biết tâm niệm của A Nan, Thích Đề Hoàn Nhân liền nói với Tôn Giả: Đều là nhờ thần lực của Phật.

Phật bảo A Nan: Đúng vậy, đúng vậy, này A Nan! Những lời của Thích Đề Hoàn Nhân vừa nói đều là nhờ thần lực của Phật.

Này A Nan! Khi Bồ Tát nào học bát nhã Ba la mật và tu tập bát nhã Ba la mật thì ác ma trong tam thiên đại thiên thế giới đều phân vân nghi ngờ: Hoặc là Bồ Tát này chứng thực tế trung đạo rồi rơi vào địa Thanh Văn, Bích Chi Phật, hay là đi thẳng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần