Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Vô Xan Phiền Não

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM VÔ XAN PHIỀN NÃO  

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào học bát nhã Ba la mật như vậy thì không phát sinh tâm phiền não, không sinh tâm bỏn sẻn, không sinh tâm phá giới, không sinh tâm giận tức, không sinh tâm biếng nhác, không sinh tâm tán loạn, không sinh tâm ngu si.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát học như vậy đều thâu nhiếp vào các pháp Ba la mật.

Tu Bồ Đề! Ví như sáu mươi hai kiến đều thâu nhiếp vào trong thân kiến.

Tu Bồ Đề! Khi Bồ Tát học bát nhã Ba la mật cũng đều thâu nhiếp vào các pháp Ba la mật. Ví như người chết, khi mạng căn diệt thì các căn cũng đều diệt.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát học bát nhã Ba la mật đều thâu nhiếp trong các pháp Ba la mật.

Thế nên, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát muốn thâu nhiếp các pháp Ba la mật thì phải học bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào học bát nhã Ba la mật đều là vị đứng đầu ở trong tất cả chúng sinh.

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?

Chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới há có nhiều không?

Bạch Thế Tôn! Chỉ chúng sinh trong Cõi Diêm Phù Đề còn rất nhiều, huống gì là cả tam thiên đại thiên thế giới.

Này Tu Bồ Đề! Các chúng sinh ấy đều là Bồ Tát cả.

Tu bồ đề! Ý ông nghĩ sao?

Nếu có một người nào trọn đời cúng dường y phục, uống ăn, ngọa cụ, thuốc men thì do nhân duyên đó người ấy được phước đức có nhiều không?

Bạch Thế Tôn, rất nhiều, rất nhiều!

Này Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát tu tập bát nhã Ba la mật trong khoảng thời gian khảy móng tay thì phước đức của vị ấy sẽ hơn người kia.

Thật vậy, này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật đã làm lợi ích lớn cho các Bồ Tát, có công năng hỗ trợ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Thế nên, Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào muốn chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, muốn làm bậc Vô thượng trong tất cả chúng sinh, muốn cứu hộ cho tất cả chúng sinh, muốn được đầy đủ pháp của Phật, muốn được những điều hành xử như Phật, muốn được niềm vui độ chúng sinh và tự tại, muốn được tiếng gầm Sư Tử như Phật, muốn được Sư Tử rống như Phật và muốn được giảng pháp ở trong đại hội khắp tam thiên đại thiên thế giới như Phật, thì Bồ Tát ấy phải học bát nhã Ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Ta không bao giờ thấy có Bồ Tát nào học bát nhã Ba la mật mà không được đầy đủ lợi ích như vậy.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát ấy cũng được đầy đủ pháp của Thanh Văn ư?

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát ấy cũng học đầy đủ pháp của Thanh Văn nhưng không mong muốn trụ vào pháp của Thanh Văn, cũng không nói ta sẽ được pháp Thanh Văn ấy, mà vị ấy chỉ muốn đầy đủ các công đức.

Tuy có thể biết những lợi ích của công đức ấy nhưng Bồ Tát không trụ vào trong đó mà chỉ nghĩ: Ta cũng nên nói rõ về công đức của pháp Thanh Văn để giáo hóa cho chúng sinh. Nếu Bồ Tát học như vậy thì có thể làm ruộng phước cho hàng Trời, Người, A tu la trong tất cả thế gian.

Đối với ruộng phước của Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì ruộng phước của Bồ Tát là siêu việt hơn hết. Bồ Tát học như vậy thì sẽ được gần nhất thiết trí, không xả bỏ bát nhã Ba la mật, không xa lìa bát nhã Ba la mật. Bồ Tát nào hành bát nhã Ba la mật như vậy, gọi là không thoái chuyển nhất thiết trí, sẽ xa lìa địa Thanh Văn, Bích Chi Phật và gần Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Bồ Tát ấy nghĩ: Đây là bát nhã Ba la mật, nhờ bát nhã Ba la mật này mà ta sẽ được nhất thiết trí. Nếu Bồ Tát nào phân biệt như vậy tức là không hành bát nhã Ba la mật. Bồ Tát nào không phân biệt bát nhã Ba la mật, không thấy bát nhã Ba la mật, không nói đây là bát nhã Ba la mật, nhờ bát nhã Ba la mật này mà người nọ sẽ được nhất thiết trí.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào không thấy, không nghe, không hiểu và không biết như vậy, tức là đã hành bát nhã Ba la mật.

Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân nghĩ: Bồ Tát này chỉ mới hành bát nhã Ba la mật mà còn vượt hơn tất cả chúng sinh, huống gì là chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu có người chỉ ưa thích nghe nhất thiết trí, vị ấy liền được lợi ích lớn và cuộc sống tốt lành như vậy, huống gì hay phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bồ Tát này sẽ được sự hâm mộ của thế gian và vị ấy sẽ điều ngự được tất cả chúng sinh.

Ngay khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân liền biến hóa ra hoa Mạn Đà La rải tung lên Đức Phật và thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu có người nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì con nguyện làm cho họ đầy đủ pháp của Phật, đầy đủ nhất thiết trí, đầy đủ pháp tự nhiên, đầy đủ pháp vô lậu.

Bạch Thế Tôn! Thậm chí con chẳng nảy sinh một ý niệm muốn làm cho người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác có sự thoái chuyển.

Bạch Thế Tôn! Con thấy trong sinh tử có các khổ não, nên con cũng không sinh một niệm muốn làm cho các Bồ Tát có sự thoái chuyển và tự con cũng siêng năng tinh tấn để cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Vì sao vậy?

Vì những người ấy phát tâm như vậy sẽ làm lợi ích lớn cho tất cả thế gian.

Bạch Thế Tôn! Nếu tự thân con được độ thì con sẽ độ cho những người chưa độ, được giải thoát, con sẽ giải thoát cho những người chưa được giải thoát, nếu được an ổn thì con sẽ làm an ổn cho những người chưa được an ổn và được diệt độ, con sẽ diệt độ cho những người chưa được diệt độ.

Nếu người nào biết tùy hỷ đối với Bồ Tát mới phát tâm, hoặc vị hành sáu pháp Ba la mật, hoặc bậc không thoái chuyển hoặc vị nhất sinh bổ xứ mà tùy hỷ thì vị ấy được bao nhiêu phước đức?

Này Kiều Thi Ca! Núi Tu Di chúa còn có thể lường được, chứ phước đức tùy hỷ của vị này không thể nào lường được.

Này Kiều Thi Ca! Trong tam thiên đại thiên thế giới còn có thể lường được, chứ phước đức tùy hỷ của vị này không thể nào lường được.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người nào không có các tâm tùy hỷ ấy thì họ sẽ bị lệ thuộc theo ác ma, phải biết người đó là quyến thuộc của ma. Người mà không có các tâm tùy hỷ ấy, nên biết kẻ đó là ác ma ở trên Cõi Trời khi chết sinh trở lại vào cõi thế gian này.

Vì sao vậy?

Vì các tâm ấy đều có thể phá các việc của ma, còn phước đức tùy hỷ của người này thì nên hồi hướng lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Nếu người nào phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì vị ấy sẽ không bỏ Phật, không bỏ Pháp, không bỏ Tăng.

Vì vậy mà họ có các tâm tùy hỷ đó?

Đúng vậy, đúng vậy, này Kiều Thi Ca! Người nào có các tâm tùy hỷ đó thì phải biết vị ấy mau được gặp Phật. Lại người ấy nhờ có phước đức căn lành tùy hỷ, mà sinh ra bất cứ chỗ nào cũng thường được cúng dường, cung kính, tôn trọng và ngợi khen, không bao giờ nghe tiếng xấu ác, cũng không đọa trong các đường ác mà thường sinh lên Cõi Trời.

Vì sao vậy?

Vì người có tâm tùy hỷ đó muốn làm lợi ích cho vô số chúng sinh nên tâm tùy hỷ ấy dần dần tăng trưởng. Do đó mới đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Giác và khi chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, vị ấy sẽ diệt độ vô lượng, vô biên chúng sinh.

Này Kiều Thi Ca! Nhờ nhân duyên đó mà phải biết người có tâm tùy hỷ này làm lợi ích cho vô số chúng sinh nên căn lành được tùy hỷ.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tâm ấy như huyễn thì làm sao chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?

Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Ông thấy tâm ấy có như huyễn không?

Bạch Thế Tôn, không! Con không thấy tâm ấy như huyễn.

Phật dạy: Ý ông hiểu sao?

Nếu ông không thấy huyễn ấy, cũng không thấy tâm như huyễn.

Vậy nếu lìa huyễn và lìa tâm như huyễn thì ông thấy có pháp nào có thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác hay không?

Bạch Thế Tôn, không! Nếu lìa huyễn và lìa tâm như huyễn thì con không thấy có pháp nào để chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Bạch Thế Tôn! Nếu con không thấy pháp nào khác thì nên nói pháp nào có, pháp nào không?

Bạch Thế Tôn! Nếu pháp rốt ráo xa lìa tức là sẽ không còn hữu vô, nếu pháp rốt ráo lìa thì pháp đó không đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Bạch Thế Tôn! Vì pháp vô sở hữu cũng không thể chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, do đó mà bát nhã Ba la mật rốt ráo lìa. Nếu pháp rốt ráo lìa thì không thể tu tập pháp ấy như vậy, cũng không thể sinh ra pháp nào khác vì bát nhã Ba la mật hoàn toàn lìa.

Bạch Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật rốt ráo lìa thì làm sao có thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?

Nếu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng rốt ráo lìa?

Phật dạy: Lành thay, lành thay, này Tu Bồ Đề! Nếu bát nhã Ba la mật rốt ráo lìa thì Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng rốt ráo lìa. Do vì nhân duyên ấy mà có thể chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Này Tu Bồ Đề! Nếu bát nhã Ba la mật không lìa rốt ráo thì không phải là bát nhã Ba la mật.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Nếu không lìa bát nhã Ba la mật mà chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì cũng không thể dùng sự xa lìa để được xa lìa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần