Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Một - Phẩm Việc Ma

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM VIỆC MA  

Khi ấy, Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã nói công đức của người thiện nam, tín nữ.

Vậy như thế nào là những trở ngại?

Này Tu Bồ Đề! Người nói pháp không muốn nói ngay. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người nói pháp, nói một cách quá nhiều, không dừng nghỉ. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Người nói pháp nói một cách không tột cùng. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Người nào khi ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật mà cống cao ngã mạn. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Người nào khi ghi chép đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật mà giỡn cợt với nhau. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Khi ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật mà khinh lờn nhau. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Người nào ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật với tâm tán loạn. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Người nào ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật với tâm không chuyên nhất. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Hành giả suy nghĩ ở trong bát nhã Ba la mật mà không cảm nhận điều gì hay liền đứng dậy bỏ đi. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Hành giả suy nghĩ ở trong bát nhã Ba la mật mà không được thọ ký nên tâm họ không thanh tịnh liền đứng dậy bỏ đi. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Hành giả suy nghĩ trong bát nhã Ba la mật không nói tên mình, vì vậy tâm họ không thanh tịnh. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Hành giả suy nghĩ trong bát nhã Ba la mật không nói đến nơi sinh sống của mình như thành ấp, làng mạc, vì vậy họ không thích nghe bát nhã Ba la mật, liền bỏ đi. Tùy theo ý nghĩ của mình trải qua bao nhiêu kiếp mới trở lại tu Bồ Tát đạo. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Các Kinh không thể đạt đến nhất thiết trí, Bồ Tát bỏ bát nhã Ba la mật mà đọc tụng các Kinh ấy, đó là Bồ Tát ấy bỏ gốc lấy cành lá.

Vì sao?

Vì Bồ Tát ấy nhờ bát nhã Ba la mật mới thành tựu được pháp thế gian và xuất thế gian, nhờ học bát nhã Ba la mật mới có thể học pháp thế gian và xuất thế gian, nếu bỏ bát nhã Ba la mật Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề! Ví như con chó bỏ thức ăn của chủ cho lại đi xin thức ăn của người khác.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đời vị lai có Bồ Tát bỏ bát nhã Ba la mật thâm sâu, trở lại y cứ vào các Kinh thuộc hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Này Tu Bồ Đề! Ví như người được voi mà không xem nó, ngược lại chỉ xem dấu chân nó, ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát cũng như vậy, đã được bát nhã Ba la mật thâm sâu mà lại bỏ đi để cầu nhất thiết trí trong hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Ông nghĩ thế nào về việc đó, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Này Tu Bồ Đề! Ví như người muốn thấy biển lớn, khi thấy biển rồi lại bỏ đi tìm nước trong dấu chân trâu và nói: Nước trong biển này nhiều đến thế ư?

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Tu Bồ Đề! Đời vị lai có Bồ Tát cũng như vậy, đã được bát nhã Ba la mật thâm sâu mà lại bỏ đi để đọc tụng các Kinh thuộc hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Ví như người thợ xây một cung điện như cung điện Trời Đế Thích, nhưng lại đo đạc theo cung điện mặt trăng, mặt trời.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Đời vị lai có Bồ Tát cũng như vậy, đã được bát nhã Ba la mật thâm sâu nhưng bỏ đi lại cầu nhất thiết trí trong các Kinh thuộc hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Ví như người muốn diện kiến Chuyển Luân Vương, đã được diện kiến rồi nhưng không biết lại suy nghĩ dung mạo, oai đức của Chuyển Luân Vương như thế nào, khi thấy dung mạo của các tiểu vương liền cho đó là dung mạo, oai đức của Chuyển Luân Vương.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Đời vị lai có Bồ Tát cũng như vậy, đã được bát nhã Ba la mật thâm sâu nhưng bỏ đi lại cầu nhất thiết trí trong các Kinh thuộc hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Ví như một người đang đói bỏ trăm món ăn ngon để ăn cơm thiu sáu mươi ngày.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát cũng như vậy, đã được bát nhã Ba la mật thâm sâu nhưng bỏ đi lại cầu nhất thiết trí trong các Kinh thuộc hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Ví như người được châu báu vô giá nhưng lại so sánh với thủy tinh.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Tu Bồ Đề! Đời vị lai có Bồ Tát cũng như vậy, đã được bát nhã Ba la mật thâm sâu nhưng lại so sánh với các Kinh thuộc hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, rồi cầu nhất thiết trí ở trong đó.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Khi đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật, phần nhiều đều nói các việc làm ngăn ngừa phá bỏ bát nhã Ba la mật. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật có thể đọc tụng biên chép được sao?

Tu Bồ Đề! Không thể được. Người nam, người nữ nào khi chép bát nhã Ba la mật mà nghĩ mình chép bát nhã Ba la mật, nên biết đó là việc ma.

Này Tu Bồ Đề! Lúc ấy nên bảo họ chớ cho việc ghi chép văn tự là ghi chép bát nhã Ba la mật. Nếu họ dùng văn tự để chỉ bày ý nghĩa bát nhã Ba la mật thì bảo họ chớ đắm trước văn tự. Nếu đắm trước văn tự Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Không đắm trước tức là bỏ việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật mà nhớ nghĩ các việc như đất nước, thành ấp, xóm làng, quốc vương, oán tặc, chiến đấu. Nhớ nghĩ cha mẹ, anh chị em. Đó là những việc do ma khiến nên suy nghĩ như vậy để ngăn chặn, phá bỏ bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề! Những việc đó Bồ Tát nên biết là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật có người cúng dường y phục, thức ăn uống, giường chõng thuốc men với dụng ý ngăn ngừa, phá bỏ bát nhã Ba la mật. Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ác ma tạo ra mọi cách làm cho Bồ Tát có phương tiện để được các Kinh thâm sâu. Đối với các Kinh thâm sâu này Bồ Tát không tham trước, nhưng Bồ Tát lại bỏ bát nhã Ba la mật để vin vào Kinh Điển thâm sâu này vì cho bát nhã Ba la mật không có phương tiện.

Này Tu Bồ Đề! Ta đã nói các phương tiện về bát nhã Ba la mật một cách rõ ràng, nên cầu trong đó, nhưng Bồ Tát lại cầu các phương tiện trong các Kinh thâm sâu của Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Ý ông thế nào, người đó có trí không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Tu Bồ Đề! Như thế nên biết đó cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người nghe pháp muốn nghe bát nhã Ba la mật nhưng người nói pháp mệt mỏi không thích nói. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Tu Bồ Đề! Người nói pháp không mệt nhọc, ưa nói bát nhã Ba la mật nhưng người nghe pháp có việc muốn đến nước khác nên không được ghi chép đọc tụng, giảng nói bát nhã Ba la mật. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người nghe pháp có niệm lực, trí lực, muốn nghe, thọ trì, đọc tụng bát nhã Ba la mật nhưng người nói pháp muốn đến nước khác nên không biên chép, đọc tụng và thuyết giảng bát nhã Ba la mật được. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người nói pháp quý trọng đối với tài vật, y phục, ăn uống nhưng người nghe pháp tiếc của không cúng nên không được ghi chép đọc tụng và giảng nói bát nhã Ba la mật. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người nghe pháp có lòng tin và quý mến muốn cúng dường người nói pháp, nhưng người nói pháp và đọc tụng không thông suốt, người nghe pháp không thích nghe và tiếp thu, do đó người nghe pháp không được ghi chép, đọc tụng và nói bát nhã Ba la mật. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người nói pháp tâm thích nói pháp nhưng người nghe pháp không muốn tiếp thu nên không được ghi chép, đọc tụng và nói bát nhã Ba la mật. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người nói pháp thân rất mỏi mệt nặng nề, ưa ngủ nghỉ, không ưa thích nói pháp, người nghe pháp muốn nghe, thọ trì, đọc tụng. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu khi ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật, có người đến nói các khổ trong ba đường ác: Trong địa ngục có các khổ như vậy, trong loài ngạ quỷ, súc sanh có các khổ như vậy, chi bằng diệt hết khổ ngay thân này để chứng Niết Bàn, cần gì phải tái sinh để chịu các khổ ấy.

Như thế, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên biết đó cũng là ma sự.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu khi ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật, có người đến ca ngợi sự vui sướng ở các Cõi Trời: Trong Dục Giới có những khoái lạc năm dục, trong Sắc Giới có khoái lạc thiền định, trong Vô Sắc Giới có tịch diệt định lạc.

Những sự vui trong ba cõi đều là tướng vô thường, khổ, không, hoại diệt, đối với thân này có thể chứng đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, không cần phải thọ lại thân sau. Bồ Tát nên biết đó cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp thương mến đồ chúng nói như vậy: Ai theo tôi thì tôi ban cho pháp bát nhã Ba la mật, ai không theo thì tôi không ban cho.

Do nhân duyên này khi được nhiều người theo, người thuyết pháp muốn đi qua chỗ có sự nguy hiểm đến tánh mạng liền nói với mọi người: Thiện nam tử, các ông biết hay chăng?

Quý vị cần gì phải theo tôi qua chỗ nguy hiểm ấy, hãy khéo cân nhắc và suy nghĩ kỹ sau khỏi hối hận.

Cớ sao đến chỗ đói khát oán tặc này?

Người thuyết pháp đem những lý do vụn vặt này để xa lìa mọi người. Người nghe pháp không vui, nghĩ đây là thái độ họ muốn bỏ mình, chẳng phải thái độ ban cho bát nhã Ba la mật, nên không được ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật. Như vậy là không hòa hợp, Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp có việc phải đi qua chỗ có thú dữ như: Cọp, chó sói, sư tử, giặc cướp giết hại và chỗ không có nước, nên nói với mọi người: Quý vị biết không, chỗ tôi đến sẽ đi qua chỗ có thú dữ, giặc cướp giết hại và chỗ không có nước, quý vị đâu có thể chịu sự khổ như vậy.

Người thuyết pháp đem những lý do nhỏ ấy để xa lìa mọi người, mọi người không thể theo được và nghĩ đây là thái độ họ muốn bỏ mình chẳng phải thái độ ban cho bát nhã Ba la mật nên thoái lui. Những khó khăn này Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Người thuyết pháp rất trọng người đàn việt, vì thế thường lui tới đem việc ấy nói với người nghe pháp: Các thiện nam tử, tôi có nghe người đàn việt?

Các vị nên đến thăm hỏi. Mọi người nghĩ rằng nghĩa đây là biểu hiện thái độ không ban cho bát nhã Ba la mật nên những người nghe pháp bỏ đi, không được học tập, ghi chép, đọc tụng hay nói bát nhã Ba la mật. Như vậy là không hòa hợp, Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Những ác ma cố làm những việc đó là muốn không có người nào đọc tụng, tu tập bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao ác ma cố làm những việc ấy khiến người ta không đọc tụng, tu tập bát nhã Ba la mật?

Này Tu Bồ Đề! Ác ma lừa dối mọi người: Đây chẳng phải là bát nhã Ba la mật chân thật, ta có Kinh nói về bát nhã Ba la mật chân thật.

Này Tu Bồ Đề! Ác ma lừa dối mọi người như thế ngươi chưa được thọ ký sẽ sinh ra nghi ngờ bát nhã Ba la mật, do nghi ngờ nên không đọc tụng, không tu tập bát nhã Ba la mật. Như thế, này Tu Bồ Đề Bồ Tát nên biết đó cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Lại có ma sự nếu Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật liền chứng thực tế quả Thanh Văn.

Như thế, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần