Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Trong Mộng Thành đạo - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM TRONG MỘNG THÀNH ĐẠO  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Bồ Tát Trị Địa từ chỗ ngồi đứng dậy, mặc áo bày vai phải, quỳ gối xuống đất, chắp tay thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay, nay con được nghe Bồ Tát Nhu Thủ cùng Bồ Tát Tối Thắng luận bàn về pháp không có hình tướng, đạo không có lời lẽ, để nối tiếp dòng giống Phật không gián đoạn, lại làm Phật sự không thể nghĩ bàn, thật con chưa từng nghe, chưa từng thấy.

Phật bảo Trị Địa: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói, cách đây ức trăm ngàn kiếp, ta chứa nhóm công đức, làm hưng khởi Phật sự chưa từng hao tổn, có Phật ra đời thì chánh pháp mới được lưu truyền.

Khi ấy, Bồ Tát Nhu Thủ ở trước Phật thưa: Chư Phật xuất hiện ở đời thì chánh pháp mới được lưu truyền, các pháp có tướng mạo chăng?

Giảng pháp có lưu truyền chăng?

Đáp: Không.

Lại bạch Phật: Như Lai xuất hiện ở đời làm cho vô số chúng sinh đều được diệt độ. Nay nghe Như Lai muốn cứu giúp chúng sinh, cứu giúp chúng sinh thì không diệt độ.

Phật bảo Nhu Thủ: Nếu nghe ta nói không có chúng sinh, mà cho là có chúng sinh chăng?

Đáp: Dạ không.

Muốn khiến cho có chúng sinh hay không có chúng sinh?

Đáp: Dạ không.

Khi Như Lai sinh và diệt có nơi chốn không?

Đáp: Dạ không.

Nếu để có cảnh giới Như Lai thì vì sao Như Lai hóa độ chúng sinh đều được diệt độ?

Nhu Thủ bạch Phật: Nay con trình bày rõ ràng về bốn câu, hiểu rõ các pháp và ghi nhận tất cả, truy tìm bản tánh ấy vốn không sinh không diệt, không thấy sinh tử, lại không Niết Bàn. Vì vậy cho nên không có chúng sinh để diệt độ.

Phật bảo Như Thủ: Đối với tận và vô tận thì pháp giới vốn thanh tịnh, hiểu rõ nghĩa lý nên không còn chấp trước.

Vì biết văn tự không có ý, không có tưởng, không sự chấp trước về thức, lẽ nào do thức tưởng phân biệt các tuệ được sao?

Biết rõ tánh chúng sinh vốn thanh tịnh không thể xét cùng tận. Nay ta nói rõ ý nghĩa cho ông. Hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Đại thừa của Bồ Tát không thể nghĩ bàn, A La Hán và Bích Chi Phật không thể sánh kịp.

Bồ Tát Nhu Thủ thọ nhận lời chỉ dạy, nguyện ưa muốn nghe.

Phật bảo Nhu Nhủ: Thức không có hình tướng, thức không có hiểu biết, thức không có tưởng niệm, thức như ảnh mộng, như huyễn hóa. Nhờ công dụng đó mà cứu giúp vô lượng chúng sinh, hoặc có Cõi Phật phải dùng văn tự để giáo hóa mới hiểu biết tự tánh của văn tự vốn không, vắng lặng.

Ở phương trên, cách đây bảy vạn sáu ức A tăng kỳ cõi nước, có Cõi Phật tên là An Tịch, Đức Phật Hiệu là Diệu Thức, đầy đủ mười hiệu: Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ… chúng sinh cõi ấy các căn đầy đủ, tu tập bản nguyện không thiếu sót, chúng sinh được giáo hóa bằng cách ngủ mới được giác ngộ.

Chỉ có Đức Như Lai nhập thiền định vắng lặng, tùy theo căn cơ chúng sinh, giả hiện giống như ngủ. Giả sử muốn nói pháp liền nằm xuống đất, nghiêng về bên phải, hai chân gác lên nhau. Chúng sinh thấy vậy đều bắt chước Như Lai nằm xuống đất, nghiêng về bên phải, hai chân gác lên nhau và đều ngủ.

Lúc ấy, Đức Phật Đó ở trong tư thế ngủ, thuyết pháp cho các chúng sinh bằng thần thức, hoặc nói bố thí để dứt trừ ba tưởng, hoặc nói trì giới thì hương đức hạnh bay xa, hoặc nói nhẫn nhục để chế ngự tâm không cho sinh khởi, hoặc nói tinh tấn để trừ bỏ biếng nhác, diễn nói thiền định để thức không còn tán loạn, diễn thuyết trí tuệ ngăn chận ngu si tối tăm.

Tu hành phương tiện thiện xảo, tùy theo các loại căn cơ chúng sinh không còn chấp. Trước đối với bốn pháp môn rốt ráo không bị ngăn ngại, tùy theo trình độ cao hay thấp mà giảng dạy cho họ, tùy theo đó mà giảng nói pháp lớn hay pháp nhỏ để trao truyền chánh pháp.

Bấy giờ, Đức Như Lai diễn nói bốn pháp: Về tuệ chẳng phải thường, khổ, không, vô ngã. Dần dần diễn nói ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám Thánh Đạo, xét rõ định ý không, vô tướng, vô nguyện.

Khi ấy, ở trong mộng dùng thức giáo hóa nên chứng đắc quả Tu Đà Hoàn. Ở trong mộng thọ nhận bằng thức thì được thành đạo, chứng quả Tư Đà Hàm, cho đến quả A La Hán. Cũng vậy, các Đức Phật chứng đắc cũng ở trong mộng biết được trong sinh tử, không thầy mà tự ngộ.

Ở trong sự ngủ nghỉ mà thân màu hoàng kim, các tướng tự trang nghiêm, đưa bát lên hư không biến hóa mười tám cách. Lại ở trong mộng, trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, nằm ngồi nơi hư không không chướng ngại. Muốn đi vào cảnh giới Niết Bàn vô vi, cũng ở trong mộng ngồi kiết già, ở nơi Vô dư Niết Bàn mà nhập Niết Bàn, cho nên thân như đá, không còn cảm giác.

Các loại chúng sinh sau khi thức dậy đều không nói năng mà chỉ nhớ nghĩ trong mộng, thâu lấy Xá Lợi mà trà tì. Bồ Tát thọ ký cho đến khi thành Phật đều ở trong mộng, ngồi dưới cây Bồ Đề đất màu hoàng kim, hàng phục ma oán, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng màu hoàng kim chiếu khắp nơi.

Ở trong mộng cũng như vậy. Khi thức, thân màu hoàng kim, đầy đủ các sắc tướng, thần thông biến hóa không ngăn ngại, không có lời lẽ qua lại để giáo hóa. Muốn hóa độ thì phải ở trong mộng, không mượn vào hình thức bên ngoài mà được cứu giúp.

Nhu Thủ nên biết! Căn cơ chúng sinh được giác ngộ không đồng nhau nên Chư Phật dùng quyền tuệ giáo hóa khắp nơi.

Hoặc có Cõi Phật do địa đại tạo thành, chúng sinh trong cõi ấy không thể kể xiết. Đức Như Lai đi vào cõi ấy giáo hóa cho họ, đều làm cho chúng sinh được nhập Niết Bàn vào cảnh giới Vô dư Niết Bàn.

Hoặc có Cõi Phật do thủy đại tạo thành, chúng sinh trong cõi ấy không thể kể xiết. Đức Như Lai đi vào cõi đó giáo hóa cho họ, đều làm cho chúng sinh được nhập Niết Bàn vào cảnh giới Vô dư Niết Bàn.

Hoặc có Cõi Phật do hỏa đại tạo thành, chúng sinh trong cõi ấy không thể kể xiết, Đức Như Lai đi vào trong cõi đó giáo hóa cho họ, đều làm cho chúng sinh được nhập Niết Bàn vào cảnh giới Vô dư Niết Bàn.

Hoặc có Cõi Phật do phong đại tạo thành, chúng sinh trong cõi ấy không thể kể xiết. Đức Như Lai đi vào trong cõi đó giáo hóa cho họ, đều làm cho chúng sinh được nhập Niết Bàn vào cảnh giới Vô dư Niết Bàn.

Hoặc có Cõi Phật do không đại tạo thành, chúng sinh trong cõi ấy không thể kể xiết.

Đức Như Lai đi vào trong cõi đó giáo hóa cho họ, đều làm cho chúng sinh được nhập Niết Bàn vào cảnh giới Vô dư Niết Bàn. Hoặc có Cõi Phật do thức đại tạo thành, đó là Cõi Phật An Tịch của Đức Như Lai Diệu Thức, bằng năng lực thần thông giáo hóa trong mộng mà được diệt độ.

Phật bảo Nhu Thủ: Ở phương Bắc, cách đây bảy mươi ức hằng hà sa Cõi Phật, có Cõi Phật tên là Thâm Yếu, Đức Phật Hiệu là Phạm Tuệ, đầy đủ mười hiệu: Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác.

Chúng sinh cõi nước đó đều phát thệ nguyện mới được sinh vào cõi nước ấy, đều đồng một hiệu gọi là Tiếp Thức.

Nhu Thủ nên biết! Chúng sinh cõi ấy đều có thần thông, tâm nhớ nghĩ thế nào thì hiện thân như vậy, không bị trở ngại.

Tiếp Thức nghĩa là phát tâm nguyện rộng lớn, những bậc có thần thức đáng lẽ phải đi vào sinh môn, thọ hình trong bào thai, nhưng vì nhờ thần túc nên bay đi trên hư không. Tiếp thức giữ lại được giáo hóa mà diệt độ, chứ không thọ thân bốn đại. Như là Phát Đà Hòa… tám vị Bồ Tát đang ngồi trong hội này.

Ở phương Đông Nam, cách đây một trăm bốn mươi hằng hà sa cõi nước, có Cõi Phật tên là Phạm Âm, Đức Phật Hiệu là Thai Chân, đầy đủ mười hiệu: Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác… chúng sinh cõi nước đó đạt được sáu thần thông thanh tịnh, đồng một sắc tướng.

Họ đều do thệ nguyện mới được sinh vào trong cõi ấy. Thai chân nghĩa là phát tâm nguyện rộng lớn, những bậc có thần thức bằng cách ở trong thai mẹ đều nguyện dùng thần túc nhập vào thai để giáo hóa, khiến cho người mẹ đó không biết ta đang ở đó, liền ở trong thai đạt đến vô vi, chứng đắc Niết Bàn.

Như là Bồ Tát Bảo Tích Đồng Chân Trị Địa đang ngồi trong hội này. Như Lai phương tiện dùng thần thông giáo hóa khắp nơi, đem ức trăm ngàn Cõi Phật đặt trong tâm bàn tay, lại đặt trở về chỗ cũ mà không ai biết cả.

Hư không, pháp giới không thể nghĩ bàn, đó là việc làm thích ứng của Đại Bồ Tát Nhu Thủ, chẳng phải bậc A La Hán và Bích Chi Phật có thể sánh kịp. Phân biệt thức vi tế, giáo hóa các chúng sinh đều được giải thoát, hoặc nói pháp rỗng lặng là không, không ngã, không người, không chúng sinh, không tuổi thọ, không mạng sống, pháp không sinh diệt.

Vì sao?

Này Nhu Thủ! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát tâm nguyện rộng lớn, khiến cho A La Hán và Bích Chi Phật đầy khắp Thế Giới trong mười phương đều được thành đạo, tâm không thoái chuyển thì phước ấy nhiều chăng?

Nhu Thủ thưa: Bạch Thế Tôn! rất nhiều, rất nhiều.

Phật dạy: Cõi ấy có Bồ Tát dùng pháp vô hình và thức để nói pháp, hoặc nói vô thường, khổ, không, vô ngã, không, vô tướng, vô nguyện, phân biệt tất cả không hình, không tướng, không thể nắm giữ. Đó là giáo hóa bằng thức nên phước ấy vô lượng.

Vì sao?

Vì bốn đại hữu vi là giai đoạn thai nhi phải trải qua. Bốn đại vô vi hoàn toàn vắng lặng, không sinh, đó là chỗ thuyết pháp của Chư Phật. Do dùng phương tiện này nên thức vi diệu vắng lặng. Pháp tánh không lời dạy nên không thể lường được. Pháp hữu vi có tướng, còn pháp vô vi thì không có tướng.

Vì sao?

Vì không lìa hữu vi, cũng không lìa vô vi, cũng không nói đây là tập khởi, đây là xả bỏ, đây là lời dạy vô hình không có lời dạy, đây là pháp phàm phu, đây là pháp Hiền Thánh, đây là pháp hữu học, đây là pháp vô học, đây là pháp Thanh Văn, đây là pháp Duyên Giác, đây là pháp Bồ Tát, đây là pháp của Phật.

Phật lại bảo Nhu Thủ: Những lời dạy của Như Lai cùng thức thuyết pháp không thấy các pháp, cũng không có tưởng về pháp, hư không vô hình cũng không thể thấy được.

Phàm phu ngu si dùng các màu sắc vẽ trên hư không, việc làm của người đó có thể được chăng?

Nhu Thủ thưa: Bạch Thiên Trung Thiên, rất khó, rất khó, chưa từng có.

Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói, các pháp vô số, sự giáo hóa của Như Lai cũng vô số. Các pháp không có hình tướng nên không có hai.

Này Nhu Thủ! Ý ông thế nào?

Pháp không có hình tướng có nơi chốn chăng?

Đáp: Bạch Thế Tôn! Dạ không.

Phật bảo Nhu Thủ: Vì thế nên biết Phật Pháp vô số, vô ngôn, vô giáo, đều không thật có.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần