Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Một - Phẩm ánh Sáng Của Bồ Tát Minh Võng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
TRÌ TÂM PHẠM THIÊN SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MỘT
PHẨM ÁNH SÁNG CỦA
BỒ TÁT MINH VÕNG
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở trong Vườn Trúc Ca Lân, thuộc thành Vương Xá, cùng với sáu vạn bốn ngàn Tỳ Kheo, bảy vạn hai ngàn Bồ Tát, tất cả đều là bậc Đại Thánh, đã đạt được thần thông, các pháp tổng trì, biện tài vô ngại, các pháp tam muội, trí tuệ vô sở úy, hiểu rõ sự vận hành tự nhiên của các pháp, đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Tên của bảy vạn hai ngàn Bồ Tát ấy là: Bồ Tát Phổ Thủ, Bồ Tát Bảo Sự, Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Bồ Tát Bảo Thủ, Bồ Tát Không Tạng, Bồ Tát Phát Ý Chuyển Pháp Luân, Bồ Tát Minh Võng, Bồ Tát Trừ Chư Âm Cái, Bồ Tát Nhất Thiết Thí, Bồ Tát Thắng Tạng, Bồ Tát Liên Hoa Hạnh, Bồ Tát Sư Tử, Bồ Tát Nguyệt Quang, Bồ Tát Tôn Ý, Bồ Tát Tự Nghiêm… và nhóm của Bồ Tát Hiền Hộ gồm mười sáu vị: Bồ Tát Hiền Hộ, Bồ Tát Bảo Sự, Bồ Tát Ân Thí, Bồ Tát Đế Thiên, Bồ Tát Thủy Thiên, Bồ Tát Hiền Lực, Bồ Tát Thượng Ý, Bồ Tát Trì Ý, Bồ Tát Tăng Ý, Bồ Tát Thiện Kiến, Bồ Tát Bất Hư Kiến, Bồ Tát Bất Trí Viễn, Bồ Tát Bất Tổn Ý, Bồ Tát Thiện Đạo, Bồ Tát Nhật Tạng và Bồ Tát Trì Địa…
Bốn Đại Thiên Vương, Trời Đế Thích và hàng tùy tùng, Chư Thiên Trời Đao Lợi, Trời Diệm Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại, các vị Trời Phạm Thiên, Trời Phạm Thân và các vị Trời khác, cùng với các chúng Rồng, Quỷ Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân đều vân tập đông đủ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn đang nói pháp cho vô số trăm ngàn Đệ Tử Quyến thuộc vây quanh, khiến Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều cảm động, mưa xuống đủ loại hoa rải trên đại chúng.
Lúc này, Bồ Tát Minh Võng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay, đảnh lễ ngang chân Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Con tối tăm có điều không hiểu rõ, kính xin Ngài rủ lòng thương cho phép, con mới dám thưa.
Đức Phật bảo Bồ Tát Minh Võng: Ông có điều gì nghi ngờ muốn thưa hỏi thì cứ nêu bày, Như Lai sẽ giải thích rõ để ông được vui lòng.
Đức Phật cho phép, Bồ Tát Minh Võng liền thưa: Bạch Thế Tôn! Hào quang rực rỡ nơi thân của Như Lai thật khó có, sáng gấp trăm ngàn ức lần ánh sáng mặt trời, tôn nhan của Ngài oai nghiêm không ai sánh kịp, từ loài cao nhất cho đến loài hạ đẳng cùng cực không ai có thể chiêm ngưỡng kỹ càng được, sự tu hành của Ngài cũng không ai có thể suy lường.
Con lại nghĩ: Người nào được thấy oai tướng của bậc Chí Chân và tư duy quán xét về công hạnh của Ngài đều là nhờ oai thần gia hộ của Phật Đại Thánh, có làm việc gì cũng đều được hoàn toàn an lạc.
Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Minh Võng: Đúng như điều ông đã nói, người nào thấy thân của Như Lai chắc chắn đạt được chí nguyện và người hỏi cũng thế.
Như vậy, này Minh Võng! Thế Tôn có ánh sáng tên là Tịch Nhiên ngôn sự lời nói và việc làm đều vắng lặng, chúng sinh nào nhìn thấy ánh sáng này, tức là thấy được Như Lai, xem xét các hình sắc bằng nhãn căn sáng suốt thấu rõ, chưa từng tối tăm.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Biện Tài vô úy biện tài không sợ hãi, người nào thấy được ánh sáng này, có thể thưa hỏi Đức Như Lai về những điều khó hiểu.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Tích Thiện Đức chứa nhóm phước đức, căn lành, người nào thấy ánh sáng này, có thể thưa hỏi Phật về các đức hạnh của Chuyển Luân Thánh Vương.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Thanh Tịnh Liễu hiểu biết thanh tịnh người nào thấy được ánh sáng này, có thể thưa hỏi Phật về nhân duyên tạo tác để được sinh về Cõi nước Đế Thích.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Đãi Oai Nhiên Đỉnh, người nào gặp được ánh sáng này, có thể thưa hỏi Phật về việc sinh lên Cõi Phạm Thiên.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Thoát Dục Trần Môn, người nào gặp được ánh sáng này, có thể thưa hỏi Phật về thừa Thanh Văn.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Chuyên Nhất Tuân Đạm Bạc Hạnh, người nào gặp được ánh sáng này, có thể thưa hỏi Phật về thừa Duyên Giác.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Nhất Thiết Tuệ Trì Tán Dung, người nào gặp được ánh sáng này, có thể thưa hỏi Phật về trí tuệ của hàng Đại Thừa và trí tuệ của Phật Chánh Giác.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Nhạo Trì Dị Bộ, thường phóng ra trong lúc đi dạo hay kinh hành, người nào gặp ánh sáng này, thì luôn được an ổn, sau khi qua đời được sinh lên Cõi Trời.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Nghiêm Nhất Thiết Thanh Tịnh Anh Lạc, Như Lai vào thành phóng ra hào quang này, những ai gặp được, tất cả đều đạt an lạc, ngay lúc đó, trong thành ấy, các châu báu và chuỗi anh lạc tự nhiên hiện bày, trang hoàng khắp chốn.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Hoại Trừ, giả sử Như Lai hiện bày ánh sáng này, thì tạo sự cảm động đến vô lượng không thể tính kể các Thế Giới của Phật.
Tóm tắt mà nói, lại nữa, này Bồ Tát Minh Võng!
Như Lai lại có ánh sáng tên là Tích An, nếu chúng sinh trong địa ngục thấy được ánh sáng này, thì các khổ não hoạn nạn tự nhiên chấm dứt.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Siêu Từ, nếu loài cầm thú gặp được ánh sáng này, thì không còn hung dữ và nguy hại.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Tế Sở Tạo, nếu loài ngạ quỷ trù luân trông thấy ánh sáng này thì không còn bị đói khát.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Ly Cấu, giả sử người mù gặp được ánh sáng này thì mất sẽ sáng tỏ như thường.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Nhĩ Văn, người điếc nếu gặp ánh sáng này thì liền nghe được.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Hữu Chí, người điên nếu gặp ánh sáng này thì liền được tỉnh.
Như Lai lại có ánh sáng tên Là Nhạo Định, người nào thấy ánh sáng này, tự nhiên trừ bỏ các điều ác, tu hành mười điều thiện.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Thoát Môn, người tà kiến nếu gặp ánh sáng này, liền đạt được chánh kiến.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Thú Thiên, người tham lam keo kiệt nếu thấy được ánh sáng này sẽ ưa thích bố thí.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Vô Nhiệt Não, người phạm điều ác, nếu gặp được ánh sáng này sẽ giữ gìn giới cấm.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Trì Tâm, những người sân hận trông thấy ánh sáng này liền có được nhẫn nhục.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Ân Cần, người biếng nhác nếu thấy ánh sáng này liền đạt được siêng năng.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Chánh Định, người buông lung nếu thấy ánh sáng này liền được thiền định.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Hiển Diệu, người trí ác nêu gặp ánh sáng này liền đạt được trí tuệ sáng suốt.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Thanh Trừng, người nghi ngờ gặp được ánh sáng này liền có lòng kính tin.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Tổng Trì, người ít trí tuệ gặp được ánh sáng này liền được sự hiểu biết rộng.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Tuân Cú Tích, người không biết hổ thẹn gặp được ánh sáng này liền biết hổ thẹn.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Diệt Trừ, người tham lam, dâm dục nếu gặp được ánh sáng này, liền tẩy sạch mọi hình tướng của tham dục.
Như Lai lại có ánh sáng tên là An Lạc, người giận dữ nếu gặp được ánh sáng này thì không còn bị phẫn nộ làm hại.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Chiếu Diệu, khiến người si mê trừ bỏ ngu tối.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Phổ Tồn, khiến người tham, sân, si bỏ hết tham, sân, si.
Như Lai lại có ánh sáng tên là Phổ Hiện Sắc Thân, chúng sinh nào gặp được ánh sáng ấy, tức là thấy được vô số sắc tướng, trăm ngàn hình tượng không thể tính kể của Như Lai.
Đức Phật bảo Bồ Tát Minh Võng: Hôm nay, Như Lai chỉ giảng nói sơ lược những điều cốt yếu này cho ông. Giả sử trong một kiếp, hoặc hơn một kiếp chỉ để thưa hỏi, cùng bàn luận về ánh sáng của Như Lai theo đấy mà mở bày Kinh, Pháp, thì cũng không thể nói hết về ánh sáng của Như Lai và tên gọi của các thứ ánh sáng ấy.
Bồ Tát Minh Võng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài là bậc vượt trên mọi Chư Thiên, thật chưa từng có. Thân của Như Lai không có giới hạn, oai đức cao tột không thể nghĩ bàn, theo phương tiện thích hợp để diễn nói Kinh Pháp, từ xưa chưa từng nghe, hôm nay mới được như ý.
Bồ Tát nào nghe Đức Như Lai thuyết giảng về tên của những ánh sáng này mà hoan hỷ, kính tin đều sẽ được thân giống như Đức Như Lai, đầy đủ oai đức cao vời. Lại được nghe Đức Thế Tôn diễn nói về ánh sáng hiện có của Chư Phật Như Lai tên là Khuyến Hóa.
Các vị Bồ Tát từ những Cõi nước khác đều cùng vân tập đến, đến rồi họ liền vào trong chúng hội nơi Cõi Ta Bà, ở đây Bồ Tát nào muốn thưa hỏi, liền đến trước Đức Như Lai để thỉnh vấn những điều còn nghi ngờ trong Kinh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thấy Bồ Tát Minh Võng có điều cần thưa hỏi, liền phóng ánh sáng từ nơi thân tướng tỏa chiếu khắp đến vô lượng Cõi Phật, đến vô số Thế Giới của Chư Phật không thể nêu bày, khiến cho vô số ức trăm ngàn Bồ Tát thấy được ánh sáng ấy, liền vân tập đến chúng hội nơi cõi Ta Bà.
Lúc này, về phương Đông, cách đây bảy vạn hai ngàn Thế Giới của Chư Phật, có nước tên là Thanh Tịnh, Đức Phật ở đấy hiệu là Như Lai Nguyệt Minh.
Cõi nước của Phật ấy có vị Phạm Thiên tên là Trì Tâm, đã trụ nơi bậc không thoái chuyển của Bồ Tát, tự an lạc bằng diệu lực thần thông, trí tuệ của Bậc Thánh, khi gặp được ánh sáng khuyến hóa rồi, liền đến chỗ của Đức Như Lai Nguyệt Minh Chí Chân Đẳng Chánh Giác, cúi đầu đảnh lễ ngang chân Phật, thưa: Bạch Thế Tôn!
Con muốn đến cõi Ta Bà để yết kiến Đức Như Lai Năng Nhân Chí Chân Đẳng Chánh Giác, cung kính, hầu hạ để lãnh thọ những điều cần thưa hỏi, giải đáp, Đức Thế Tôn ở cõi Ta Bà ấy cũng muốn được gặp con.
Đức Phật bảo: Này Phạm Thiên! Ông nên đi đến cõi đó và biết rõ là đúng thời, hãy cùng với vô số ức chúng Bồ Tát đi đến Thế Giới Ta Bà.
Lại bảo: Này Phạm Thiên! Ông đi đến cõi Ta Bà thì phải thực hành mười hạnh nguyện.
Mười hạnh ấy là những gì?
1. Đối với mọi sự khen chê, tâm không thêm bớt. Nghe điều lành điều dữ, tâm không phân biệt.
2. Thực hành hạnh từ bi.
3. Bình đẳng giáo hóa cho những hạng chúng sinh thượng, trung, hạ.
4. Ai khinh khi hay cung kính đều nhất tâm hồi hướng cho họ.
5. Không tìm tòi lỗi lầm của người khác.
6. Dùng một vị bình đẳng đối với tất cả các thừa.
7. Không sợ hãi đối với âm thanh xấu ác và âm thanh của cõi ác.
8. Đối với hàng Bồ Tát luôn cung kính xem như Phật.
9. Ở cõi đời năm trược xem như cõi nước Phật.
10. Như luôn thấy Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác.
Đó là mười hạnh nguyện.
Phật bảo Phạm Thiên: Giữ gìn mười hạnh nguyện này, thì có thể đi đến cõi kia.
Khi ấy, Phạm Thiên Trì Tâm thưa: Lúc ở trước Phật, con không dám phát ra âm thanh như tiếng gầm của sư tử, cũng không hiện ra hình tướng kỳ lạ với bất kỳ nhân duyên nào, chỉ muốn thanh tịnh để tu tập các hạnh nguyện, đạt được định ý mới đến Thế Giới ấy.
Bấy giờ, các Bồ Tát khác ở Cõi Phật Nguyệt Minh đều tự khen ngợi: Bạch Thế Tôn! Thật là may mắn, chúng con đã có lợi ích tốt đẹp, nhờ đạt được phước đức nên không sinh vào cõi kia. Các chúng sinh ở cõi ấy, do tích chứa những thứ hoạn nạn, khổ đau nên mới chịu như vậy.
Đức Thế Tôn Nguyệt Minh bảo các Bồ Tát: Này các đệ tử! Đừng nói những lời như vậy.
Vì sao?
Giả sử ở cõi nước của ta tu tập phạm hạnh trong trăm ngàn kiếp, cũng không bằng ở cõi Ta Bà, từ sáng đến trưa không dấy khởi tâm mưu hại. Đây là việc rất thù thắng.
Lúc này, một vạn hai ngàn Bồ Tát ở Thế Giới Thanh tịnh đều phát nguyện: Chúng con sẽ thực hành đầy đủ các hạnh nguyện thanh tịnh, cùng nhau ủng hộ Đại Sĩ Phạm Thiên để đến chỗ Đức Năng Nhân Như Lai Chí Chân Đẩng Chánh Giác.
Trong thời gian bằng lực sĩ co duỗi cánh tay phải, Phạm Thiên Trì Tâm cùng với một vạn hai ngàn vị Bồ Tát liền ẩn thân nơi Cõi Phật của mình, hiện ra đến trước Đức Phật Năng Nhân ở Cõi Ta Bà, cung kính đảnh lễ sát đất, rồi đứng qua một bên.
Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Minh Võng: Ông có thấy Phạm Thiên Trì Tâm không?
Bạch Thế Tôn, con đã thấy!
Đức Phật liền bảo: Phạm Thiên Trì Tâm này đã hiểu rõ về cách thức thưa hỏi những điều khó hiểu, thông đạt Phật Pháp, biện tài khéo léo, là vị Bồ Tát đứng đầu trong chúng hội, từ bi, dốc lòng dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh, ở chỗ nào cũng đều đạt được an lạc.
Khi ấy, Phạm Thiên Trì Tâm cùng một vạn hai ngàn Bồ Tát cung kính đảnh lễ xong, đi quanh chỗ Đức Phật ba vòng, mỗi vị đều dùng năng lực thần thông của mình hóa ra tòa ngồi, rồi an tọa trên tòa ấy.
Phạm Thiên Trì Tâm chắp tay, dùng kệ khen Phật:
Âm thanh vi diệu
Thông đạt của Phật
Oai đức xiển dương
Vang khắp mười phương.
Nay ở nước này
Chư vị tối thắng
Thảy đều thưa hỏi
Đức Hạnh Đại Thánh.
Con ở cõi kia
Thanh tịnh không nhơ
Cõi ấy không có
Tên các đường ác.
Thảy đều giải thoát
Như Cõi Phật đây
Mong được Như Lai
Ban rải lòng thương.
Nên con đến đây
Thánh tuệ cửa Phật
Không có tổn giảm
Tất cả Như Lai.
Từ xưa đến nay
Điều phục chúng sinh
Cứu độ bình đẳng
Các cõi nước Phật.
Hành hóa rộng lớn
Luôn luôn thanh tịnh
Nghiêm trì giới luật
Thực hành phạm hạnh.
Bị ai lầm hại
Thì đem lòng từ
Báo đáp cho họ
Tam ý thù thắng.
Đặc biệt như vậy
Có thể thanh tịnh
Hộ trì ba nghiệp
Thân, miệng và ý.
Hôm nay vì pháp
Diệt trừ tất cả
Khổ não hoạn nạn
Trong ba đường ắc.
Các Bồ Tát nào
Sinh ra ở đây
Thì chư vị ấy
Chưa từng lo sợ.
Các nghiệp đã tạo
Bị đọa đường ác
Cõi này cõi kia
Cũng đều diệt trừ.
Nếu Bồ Tát nào
Tâm có lo sợ
Phật đều ủng hộ
Đối chánh pháp này.
Chúng sinh đời sau
Ở khắp các cõi
Không bỏ chí nguyện
Không lìa trí tuệ.
Họ sẽ đoạn trừ
Kết sử trói buộc
Nếu đoạn trừ hết
Tham dục trần cấu.
Liền sẽ hộ trì
Chánh pháp Chư Phật
Cũng sẽ vượt qua
Đạt đến thông tuệ.
Như Cõi Phật khác
Vô số ức kiếp
Giữ gìn chánh pháp
Hoặc thuyết giảng Kinh.
Không như Ta Bà
Giây lát giảng Kinh
Đều rất thù thắng
Tôn quý bậc nhất.
Con cũng nhìn thấy
Thế Giới diệu lạc
Và lại quan sắt
Cõi Phật an vui.
Không có khổ não
Âm thanh hoạn nạn
Nếu như tu thiện
Không đủ đạt tánh.
Giả sử trừ hết
Tất cả trần lao
Bị người dữ hại
Luôn luôn nhẫn nhục.
Rồi dùng Kinh Pháp
Khuyên dạy cho người
Khiến họ đến đạo
Điều nầy thật khó.
Con kính cúi đầu
Xin Đấng Vô Thượng
Thương xót chỉ bầy
Các pháp thoát khổ.
Việc Như Lai làm
Thật chưa từng có
Người có tâm ác
Ngài dùng Pháp Độ.
Ở giữa chúng hội
Làm bậc Đạo Sư
Là bậc Bồ Tát
Tiếng lành mười phương.
Đối pháp không ngại
Giống như biển lớn
Giảng nói Phật Pháp
Cho các chúng sinh.
Đế Thích, Phạm Thiên
Và Trời Hộ Thế
Các Trời, Rồng, Thần
Chúng A Tu La.
Và Khẩn Na La
Vô số chúng sinh
Vân tập đến đây
Cầu Phật giảng nói.
Ý nghĩa Kinh Pháp
Tỳ Kheo Tăng, Ni
Cư Sĩ nam, nữ
Cũng đều đến đây.
Trong chúng hội này
Kính xin Đức Phật
Giảng nói Kinh Pháp
Những người được nghe.
Đều đạt an lạc
Chí nguyện vững bền
Kính tin Đạo Sư
Chúng các Thanh Văn.
Các vị Duyên Giác
Năng Nhân biết rõ
Tùy nguyện hóa độ
Ngài vì các chúng.
Giải rõ nghi ngờ
Hổm nay con vì
Tất cả chúng sinh
Chí cầu Phật Đạo.
Thưa hỏi Pháp Vương
Để họ được nghe
Những lời Phật dạy
Luôn tu lòng từ.
Làm vô lượng báu
Chúng sinh mười phương
Nghe tiếng lành Phật
Dũng mãnh đạt được.
Trí tuệ vô lượng
Sẽ vì chúng sinh
Tùy theo chí nguyện
Hiểu biết của họ.
Giảng nói các hạnh
Không gì sánh kịp
Nếu chẳng phải chúng
Thanh Văn đệ tử.
Tất cả Duyên Giác
Thì không thể hiểu
Chúng con kính tin
Tối Thắng cứu độ.
Trí tuệ Thế Tôn
Không thể nghĩ bàn
Con xin quy y
Đạo Sư của đời.
Thưa hỏi Đại Thánh
Ý nghĩa pháp này
Xin không nhàm chắn
Cũng không mệt mỏi
Vì con giảng nói
Cốt yếu Pháp Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - phẩm Một - Phẩm Tựa - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Chín - Phẩm Vô Trụ - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh đạo
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Khen Ngợi Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Ba Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới - Phần Hai - Thích Ca Mâu Ni phật