Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH VĂN THÙ SƯ LỢI
PHẬT ĐỘ NGHIÊM TỊNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BẢY
Khi ấy, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Khi Bồ Tát Văn Thù thành Phật Phổ Hiện, có bao nhiêu Bồ Tát?
Thọ mạng bao lâu?
Lúc nào thành Phật?
Đức Phật dạy: Ông hãy đem việc đó hỏi thẳng Văn Thù Sư Lợi.
Vâng lời Đức Phật dạy, Sư Tử Bộ Lôi Âm liền hỏi Văn Thù Sư Lợi: Còn bao lâu nữa Nhân Giả thành Tối Chánh Giác?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Khi nào hư không có hình sắc thì tôi mới thành Chánh Giác. Giả sử người huyễn thành Chánh Giác thì lúc đó tôi không chấp trước, lậu tận thành Tối Chánh Giác. Nếu tiếng gọi mà có hình, tiếng vang có ảnh, mặt trăng chiếu sáng ban ngày, Mặt Trời chiếu sáng ban đêm, đến lúc đó tôi mới thành Tối Chánh Giác. Vậy, thiện nam nên hỏi người nào có chí cầu đạo là đến khi nào thành Phật.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại hỏi: Chứ Nhân Giả chí không cau đạo sao?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Không.
Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi: Vì sao?
Văn Thù đáp: Vì đạo là Văn Thù, Văn Thù là đạo.
Vì sao?
Vì chỉ mượn danh tự. Văn Thù và đạo danh tự ấy vắng lặng, hiểu rõ nó là không không thì cái đó tức là đạo.
Đức Phật bảo Sư Tử Bộ Lôi Âm: Ông từng thấy nghe chúng Bồ Tát, Thanh Văn trong Cõi Phật Vô Lượng Thọ chưa?
Sư Tử Bộ Lôi Âm thưa: Vâng con đã thấy đã nghe thưa Thế Tôn.
Đức Phật hỏi: Là nhiều hay ít?
Sư Tử Bộ Lôi Âm thưa: Chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính hết.
Đức Phật nói: Số Bồ Tát ở trong Cõi Phật Phổ Hiện dụ như vi trần chứa đầy trong mười phương. Số Bồ Tát và Thanh Văn trong Cõi Phật Vô Lượng Thọ chỉ bằng một trần mà thôi. Thọ mạng của Phật Phổ hiện thì vô hạn. Ví như đập nát ba ngàn Thế Giới thành vi trần, rồi rải trần này quá ngàn Cõi Phật, cứ mười phương lại dính một trần, cho đến hết số vi trần đó.
Này thiện nam! Ông có thể đếm biết số vi trần đó không?
Sư Tử Bộ Lôi Âm thưa: Không thể biết được, thưa Thế Tôn.
Đức Phật dạy: Thọ mạng của Phổ Hiện Như Lai, nếu đem số vi trần này để dụ cũng không đủ để nói. Muốn biết điều đó thì cũng như hư không vô biên, thọ mạng kiếp số không thể so sánh.
Lúc đó Di Lặc bạch trước Phật: Bạch Thế Tôn! Giả sử có người học Đại Thừa là vì đại trí tuệ vô cực, thà chịu khổ cực trong vô số kiếp, tự quay về Phổ Hiện thực hành pháp Bồ Tát, đối với đại đạo này không nên biếng nhác phế bỏ.
Đức Phật khen: Đúng vậy, này Di Lặc! Thật đúng như lời ông nói, ai nghe được đại tuệ vô cùng này, mà không phát đạo tâm ham thích ư?
Chỉ có những hạng biếng nhác không hiểu chánh chân cho nên mới không thích.
Khi Đức Phật nói lời này, mười ngàn người phát tâm đạo rộng lớn.
Đức Thế Tôn bảo Sư Tử Bộ Lôi Âm: Nay ông đã thấy sở hành bản tâm chí nguyện thuở xưa của Văn Thù Sư Lợi, hóa độ người thành Phật vô lượng, Bồ Tát vô số, đạo tuệ công đức cao vời chẳng thể nghĩ bàn, khắp cả mười phương những người đắc đạo không thể nói hết, không thể thí dụ.
Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm bạch trước Phật: Bạch Thế Tôn! Giả sử có người lập hằng thệ nguyện vô cùng, như vậy chí nguyện có bằng Văn Thù Sư Lợi không?
Nhẫn chịu khổ hạnh trong vô số kiếp mà không biết mệt mỏi không tưởng lao nhọc?
Đức Phật dạy: Này thiện nam! Ý ông thế nào?
Hư không có nghĩ rằng: Ta vận hành sáng, tối, ngày, tháng, thời tiết, năm, hạn, kiếp số không?
Sư Tử Bộ Lôi Âm thưa: Dạ không thưa Thế Tôn.
Đức Phật dạy: Này thiện nam! Hiểu rõ các pháp cũng như hư không, hư không vắng lặng, không suy nghĩ sáng, tối, ngày, tháng, thời tiết, năm, hạn, kiếp số.
Vì sao?
Vì hư không không suy nghĩ thì đâu có tưởng lao nhọc, quá hằng hà sa số kiếp cũng không có tăng giảm, không suy, không thạnh, không hoại, không mất, không sinh, không già, không bệnh, không chết, không đến, không đi.
Vì sao?
Vì hư không không có, chỉ mượn danh hiệu. Danh hiệu của Văn Thù Sư Lợi cũng như vậy. Nếu hiểu rõ như hư không thì biết các pháp tất cả đều không có ngôn từ, không có sở hữu. Từ đó không còn sơ hãi, không cho là khổ nhọc. Văn Thù Sư Lợi thành Phật đã lâu, chí đồng như vậy. Văn Thù Sư Lợi bình đẳng cũng như vậy.
Lúc đó, Bồ Tát Hải Để hỏi Văn Thù Sư Lợi: Hoằng thệ không thể tỷ dụ, nếu có người học nên tiến tu như thế nào?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu có người học mặc giáp hoằng thệ thì nguyện của tôi vẫn tồn tại ở thệ nguyện. Cũng như huyễn hóa không có sở hữu, cũng không sở vị.
Khi Đức Phật nói kinh này, bốn Đại Thiên Vương, Thiên Đế Thích, Phạm Thiên Vương và các Chư Thiên có đại oai thần vi diệu khác đều đồng âm khen: Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Nếu ai nghe được kinh này thì được vui mừng, thiện lợi vô cùng, huống nữa là thọ trì đọc tụng tu học. Chúng con nguyện thọ trì đọc tụng tu học, vì người khác mà nói khiến cho chánh pháp lưu bố, hộ trì hành giả, làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài.
Lúc đó, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người thọ trì đọc Tụng Kinh này thì được phước vui mừng gì?
Nếu có người nghe liền phát tâm hâm mộ dốc chí cầu học theo Văn Thù Sư Lợi thì như thế nào?
Đức Phật dạy: Nếu có Bồ Tát học pháp này thì cũng như Như Lai không có trở ngại. Nếu cuối đời mạt thế đem bảy báu được tích tập cả mười phương Cõi Phật, dâng cúng tất cả Chư Phật, tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, trải qua nhiều kiếp không phế bỏ.
Lại thêm thí pháp đầy đủ, trong sáu đức, công đức này không thể nói hết, nhưng không bằng người nghe Kinh Pháp trang nghiêm thanh tịnh, phát tâm muốn học Văn Thù Sư Lợi, hoặc là muốn đọc tụng, trong bảy bước, công đức này hơn người kia quá ưc vạn lần không thể thí dụ, không thể đếm hết.
Khi ấy, Di Lặc bạch trước Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?
Và phụng trì ra sao?
Đức Phật dạy:Này Di Lặc! Kinh này tên là Ngu Lạc Sở Nguyện Thù Đặc, ông nên phụng trì, cũng gọi là Văn Thù Sư Lợi Phật Độ Công Huân Nghiêm Tịnh, lại gọi là Kỳ Phát Đạo Tâm Chí Hoài Duyệt Dự. Ông nên phụng trì kiên cố.
Lúc đó, các Bồ Tát mười phương đến tập hội đó đều rải hoa Trời cúng dường pháp ấy, khen ngợi công đức vô lượng của Văn Thù Sư Lợi, pháp trạch thấm nhuần phủ khắp ba cõi. Người khai tâm thọ học đều được Chánh Giác, đến trước lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng, bỗng nhiên không hiện, tất cả đều trở về cõi của mình.
Khi Đức Phật nói Kinh này, giáo hóa hằng hà sa số các Bồ Tát được không thoái chuyển, có Bồ Tát tin pháp này thành tựu đầy đủ đức căn bản.
Lúc đó, Văn Thù Sư Lợi có Tam Muội tên là Phổ chiếu từ huấn như huyễn, dùng định ý này mà nhập định, vừa nhập Tam Muội, tất cả chúng hội đều thấy Văn Thù Sư Lợi khắp cả mười phương các Cõi Phật không thể đếm hết.
Trước mỗi Đức Phật, đều có Văn Thù Sư Lợi khen ngợi công đức trang nghiêm thanh tịnh của cõi mình. Chúng hội thấy rồi khen chưa từng có. Văn Thù Sư Lợi phổ nguyện vô tận, đạo đức vời vợi siêu việt không gì sánh bằng, nên mới biến thân hiển hiện khắp mười phương mà thân ngồi tại đây không có chuyển đổi, công đức oai thần đường đường không thể thí dụ.
Đức Phật nói như vậy, các chúng Bồ Tát, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, Tín Nữ, Chư Thiên, Long Thần, A Tu La, người thế gian đều rất hoan hỷ, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Bốn - Phẩm độ Vua Bình Sa
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Ba - Phẩm Nhất Thừa - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đê Xá
Phật Thuyết Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về đại Thừa - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cái
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Năm Mươi Ba - Phẩm Bảy Sự Việc Tựu Thành Giác Ngộ